Cập nhật ngày: 11/08/2014

Trong lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Quá trình thúc đẩy tự do lưu chuyển lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN đang đặt ra những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề của Việt Nam.

 

Cơ hội mới cho người lao động khi thị trường ASEAN mở cửa tự do

 

Cơ hội cho người lao động

Tại Hội thảo “tự do hóa thị trường lao động ASEAN – Cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI tổ chức ngày 9/7, ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, theo dự kiến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào năm 2015, đây là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á.

AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư với GDP hàng năm khoảng 2000 tỉ USD. Sự hòa nhập này tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 660 triệu người, trong đó có 220 triệu dân số đang trong độ tuổi lao động. Theo tiến trình hình thành AEC vào năm 2015, một nội dung mới được bổ sung đó là tự do di chuyển lao động. Trong Hiệp định ASEAN về di chuyển thể nhân (MNP) được các nước thành viên ký kết năm 2012 có ghi: “Các quốc gia cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN”. Vì vậy, khi AEC được ký kết sẽ tác động trực tiếp tới thị trường lao động của các nước nói riêng và của khu vực nói chung. Theo đó, việc lưu chuyển lao động trong khu vực là một yêu cầu tất yếu để tạo điều kiện thúc đẩy cho quá trình hợp tác và lưu thông thương mại giữa các nước.

Như vậy, trong một cộng đồng gồm 660 triệu dân, các nhân sự có chuyên môn cao có thể tự do luân chuyển công việc từ quốc gia này tới bất kỳ quốc gia nào khác trong khối. Đó sẽ là những nhân sự như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sỹ, kế toán, nhạc sỹ…
Với những rào cản thủ tục hành chính gần như bằng không như vậy sẽ có khả năng nhiều nhân sự cấp cao có kinh nghiệm và chuyên môn tốt sẽ tìm đến các doanh nghiệp lớn, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu tại Việt Nam. Tuy nhiên, xét ở chiều ngược lại, các nhân sự tốt ở Việt Nam cũng có thể rời doanh nghiệp để sang một quốc gia khác tìm việc làm có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn. Lúc này, chiến lược hoạt động hay chính sách đãi ngộ lại là yếu tố then chốt giúp giữ chân nhân sự. Theo khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện tại ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, lực lượng lao động dồi dào và khá trẻ, nhưng tỷ lệ được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghề lại tương đối thấp. Trong khi đó ở các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan,.. lao động đang có xu hướng già hóa.

Vì vậy, vơi các nước có nguồn lao động nhiều, trẻ thì đây là một cơ hội để phát triển thị trường lao động của mình trong thời gian tới.

Để tận dụng cơ hội này, bà Jae-Hee Chang, chuyên viên cao cấp của ILO cho rằng, trước khi tự do lưu chuyển lao động có tay nghề của các nước ASEAN được ký kết vào năm 2015, các quốc gia của ASEAN nên nắm vững và vận dụng các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, xuất khẩu lao động trong thời điểm hiện tại.

Hiện nay MRAs đã được ký kết ở một số lĩnh vực như: Người hành nghề y, nha khoa, y tá; dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn; dịch vụ kiến trúc, dịch vụ đo đạc. Theo đó, MRAs sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia để các lao động được dễ dàng di chuyển cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú… từ đó tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu lao động trong quá trình đưa lao động xuất khẩu đến các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, các DN cần chú ý tới khung Tham chiếu trình độ ASEAN (ARQF) để nắm bắt các quy định về kỹ năng tay nghề, bằng cấp ở từng quốc gia khi áp dụng cho các lao động ở nước khác trong khu vực để có những chuẩn bị và đầu tư trước khi thực hiện đưa lao động của nước mình xuất khẩu sang nước ASEAN.

Báo cáo của ILO khi khảo sát hơn 300 DN tại 5 quốc gia trong khu vực ASEAN cho thấy, đa số các DN đều cho rằng cần phải đầu tư chiều sâu vào các lĩnh vực liên quan đến lao động, bởi vì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tăng trưởng các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đây là một thách thức lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp, liên kết đồng bộ giữa doanh nghiệp và các trường Đại học, cao đẳng, trường nghề nước ta nhằm nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng chuẩn đầu ra có tính cạnh tranh trong khu vực, nếu không làm được việc này thì không khéo các kỹ sư, cử nhân của Việt Nam sẽ thất nghiệp ngay chính trên sân nhà vì không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty L&A, chia sẻ, khi ACE được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thị trường lao động ASEAN. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề, có chuyên môn và năng suất cao từ các nước trong khu vực để bù đắp vào những thiếu hụt ở các vị trí tại doanh nghiệp mình.
Đồng thời, khi đó với thị trường nhân lực rộng lớn và tự do hóa thị trường lao động thì các DN xuất khẩu lao động có thể phát triển xuất khẩu nguồn nhân lực hơn nữa ra các nước ASEAN.

Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các DN Việt cần phải xây dựng các chiến lược về lao động để nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh nguồn nhân lực của mình.

Bên cạnh việc chú trọng đầu tư nguồn nhân lực đã được đào tạo, có kỹ năng nghề cao, có trình độ chuyên môn cao, việc nâng cao sức hấp dẫn hình ảnh DN là điều kiện quan trọng để đáp ứng kỳ vọng cho người đến làm việc cũng như cho quá trình xuất khẩu lao động.

Trong quá trình đón đầu việc tự do hóa thị trường lao động ASEAN, các DN cũng cần lưu ý đến quy mô cũng như số lượng khi sử dụng nguồn lao động nhập cư từ bên ngoài.

Cho đến nay ASEAN đã thực hiện miễn thị thực cho công dân các quốc gia thành viên đi lại trong khối. Trong tương lai không xa cùng với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN, người lao động có thể tự do luân chuyển công việc. Đối với doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực tốt, có chất lượng là không hề nhỏ. Song thách thức trong việc xây dựng chiến lược quản lý và giữ chân nhân sự để tránh dẫn tới hiện tượng “chảy máu chất xám” lại lớn hơn rất nhiều.


Thách thức đối với đào tạo nghề của Việt Nam

Đào tạo nghề Việt Nam đang triển khai đổi mới với định hướng từng bước hội nhập các tiêu chuẩn nghề của các nước trong khu vực và quốc tế. Ngày 23/5/2014 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”.

Theo đó, trường được công nhận là trường nghề chất lượng cao khi được cơ quan kiểm định chất lượng dạy nghề công nhận đáp ứng đủ 6 tiêu chí:

1. Về quy mô đào tạo: Quy mô đào tạo tối thiểu là 2.000 học sinh, sinh viên hệ trung cấp nghề, cao đẳng nghề (tính theo số học sinh, sinh viên quy đổi), trong đó có ít nhất 30% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm.

2. Về việc làm sau đào tạo: Có ít nhất 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp, trong đó các nghề trọng điểm đạt ít nhất là 90%.

3. Về trình độ học sinh, sinh viên sau đào tạo: 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề đạt bậc 2/5, hệ cao đẳng nghề đạt bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ tin học đạt tiêu chuẩn IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 300 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nghề trọng điểm theo chương trình đào tạo được chuyển giao từ nước ngoài có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên và được các tổ chức giáo dục, đào tạo có uy tín của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ.

4. Về kiểm định chất lượng: Trường đạt cấp độ 3 tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề; 100% nghề đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

5. Về giáo viên, giảng viên: 100% giáo viên đạt chuẩn quy định, có trình độ tin học IC3 hoặc tương đương trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên. Trong đó, giáo viên dạy các nghề trọng điểm được chuyển giao có trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 450 điểm TOEIC hoặc tương đương trở lên.

6. Về quản trị nhà trường: 100% cán bộ quản lý của trường được cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ quản lý dạy nghề. Các hoạt động quản lý của trường và chương trình đào tạo các nghề trọng điểm được số hóa và mô phỏng hóa theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới.

Về công tác quản lý và giảng dạy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án là lựa chọn một số trường nghề có năng lực đào tạo nghề tốt và có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, đổi mới công tác quản lý và giảng dạy theo hướng tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế đối với các trường nghề được lựa chọn.

Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đào tạo ở các trường nghề được lựa chọn; triển khai số hóa các hoạt động quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý cán bộ, giáo viên và mô phỏng hóa các chương trình đào tạo, trước hết là các nghề trọng điểm theo các công nghệ phần mềm tiên tiến trên thế giới. Hy vọng đào tạo nghề Việt Nam “vừa chạy, vừa hoàn thiện” kịp cho ra lò các “sản phẩm” đáp ứng thị trường lao động tự do ASEAN trong những năm tới.


Nguồn: TC Nghề nghiệp & Cuộc sống