Cập nhật ngày: 04/07/2014

Going Global -Hội nghị giáo dục toàn cầu, là Hội nghị thường niên do Hội đồng Anh của Vương quốc Anh tổ chức. Từ năm 2004 đến nay đây là sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lảnh đạo giáo dục các nước, sự tham gia của các học giả quốc tế, các tổ chức quốc tế về giáo dục trên toàn thế giới. Tại Hội nghị, các quan chức, các học giả về giáo dục trên toàn thế giới chia sẻ, trao đổi những nghiên cứu về thực trạng và xu hướng của các nền giáo dục.

PGS.TS. Mạc Văn Tiến (phải) trình bày tham luận tại Hội nghị

Ngoài ra, Hội nghị cũng là diễn đàn để trao đổi về những thách thức đối với giáo dục toàn cầu nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề; trao đổi và thảo luận về những  giải pháp hợp tác giữa các nền giáo dục của các quốc gia; những ưu tiên trong việc xây dựng mạng lưới giáo dục trong chương trình giáo dục toàn cầu.  Hội  nghị cũng bao gồm hàng loạt các hợp tác song phương và đa phương tùy theo những chủ đề trọng tâm của từng năm được lựa chọn (Ví dụ chủ để của năm 2013 là giáo dục toàn cầu cho nền kinh tế tri thức, hoặc chủ đề của năm 2014 là Hội nhập, sáng tạo và ảnh hưởng). Tại các Hội nghị diễn ra các năm trước thường có trên 1000 đoàn đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham dự.

Hội nghị giáo dục toàn cầu năm 2014 được tổ chức từ ngày 29 tháng 4 đến 1 tháng 5 năm 2014 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế tại Miami, Bang Florida, Hoa kỳ. Hội nghị là một diễn đàn mở, cũng đã thu hút trên 1000 đại biểu từ 70 nước trên thế giới và các tổ chức giáo dục quốc tế, 125 hiệu trưởng, lãnh đạo các trường đại học nổi tiếng của Mỹ và các nước và các quan chức Chính phủ  tham dự.  Ngoài ra, tham gia Hội nghị hoặc các diễn đàn còn có các Hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ từ khắp nơi trên thế giới. Chủ đề của Hội nghị năm nay, như đã nêu, là “ Hội nhập, sáng tạo và ảnh hưởng” và cơ hội cho tất cả mọi người . Mục đích của Hội nghị là hình thành, xây dựng và định hướng các nền giáo dục hướng tới xây dựng hệ thống sáng tạo toàn cầu và liên quốc gia. 

Tại sao lại lựa chọn chủ đề này? Qua trao đổi, chia sẻ của các diễn giả, các nhà lãnh đạo giáo dục trên thế giới cho thấy, hiện nay nền giáo dục trên thế giới mặc dù đang phát triển nhưng cũng tiền ẩn sự khủng hoảng. Đào đạo chưa đáp ứng được nhu cầu của sử dụng lao động, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của các cá nhân, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sức ép của nền kinh tế hội nhập toàn cầu và sự thay đổi nhanh chóng của khoa học và công nghệ đòi hỏi các nền giáo dục phải có sự thay đổi mạnh mẽ, hướng tới tính sáng tạo của mọi công dân. Do đó hội nhập giáo dục cho phép cung cấp những nền tảng cần thiết cho sự phát triển tài năng của các cá nhân, không phân biệt biên giới quốc gia, chủng tộc, giới tính... Đối với các nền kinh tế đang nổi lên, hội nhập giáo dục như một cơ hội vào chung “con đường” của xã hội  toàn cầu và là một cách để thúc đẩy xã hội dân sự. Áp lực để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng cho giảng dạy và học tập đôi khi là nguyên nhân làm hạn chế các hoạt động nghiên cứu của các trường. Từ đó một câu hỏi khác được đặt ra: đầu tư đổi mới và hội nhập giáo dục liệu có phải là áp lực nặng về tài trợ công cộng và  năng lực đáp ứng của đội ngũ giảng viên có trình độ và các nhà nghiên cứu? Làm thế nào quốc tế hóa giáo dục giúp giáo dục của các quốc gia có thể giải quyết những vấn đề này và những gì là các sáng kiến ​​mới đang nổi lên với khả năng cung cấp hệ thống giáo dục đại chúng? Làm thế nào để các sáng kiến, sự sáng tạo được áp dụng vào sự phát triển của xã hội và đa dạng hơn đội ngũ nhân tài? Những thách thức nào đang nổi lên đối với các nhà giáo dục quốc tế trong việc hình thành quan hệ đối tác mới trong bối cảnh ngày càng phức tạp và toàn cầu hóa? Có mô hình thực tế tốt nào có thể chia sẻ? Đây là những câu hỏi được các nhà lãnh đạo giáo dục, các nhà khoa học và cả các doanh nghiệp tham gia thảo luận, tranh luận trong các phiên họp tại Hội nghị và các diễn đàn.

Chủ đề đổi mới, sáng tạo là một trong những chủ đề của Hội nghị với những câu hỏi được đặt ra như: Làm thế nào để những người tài năng làm việc cùng nhau trên toàn quốc và trên toàn cầu? Ngành công nghiệp, các trường đại học, cao đẳng và các trường nghề là những thành phần cốt lõi của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và toàn cầu - nhưng làm thế nào giá trị của mối quan hệ giữa chúng có thể được tối đa hóa để tăng sự thịnh vượng và tăng trưởng? Các chuỗi cung ứng và giá trị tương lai sẽ như thế nào? Làm thế nào các kỹ năng và tài năng có thể tiếp tục được phát triển trong giáo dục đại học và đào tạo nghề để tạo ra các thế hệ tiếp theo của đổi mới toàn cầu và các nhà doanh nghiệp? Làm thế nào để từng lĩnh vực riêng  phát triển đảm bảo phù hợp với các hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và toàn cầu trong bối cảnh vừa hợp tác vừa cạnh tranh?

Lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề ngày càng trở nên quốc tế hóa. Chính phủ các nước hy vọng rằng các tổ chức cung cấp dịch vụ giáo dục sẽ tác động vào chương trình, chiến lược phát triển quốc gia, góp phần thay đổi xã hội. Một ngành/lĩnh vực giáo dục được quốc tế hóa có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ, làm thay đổi các kết quả “đầu ra” vượt xa kết quả đầu ra truyền thống trong nghiên cứu và học tập. Câu hỏi đặt ra là giáo dục đại học và đào tạo nghề quốc tế hóa có tác động/ảnh hưởng khác nhau như thế nào đối với các bên liên quan mà nó tham gia? Làm thế nào để các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục cân bằng tham vọng quốc gia và quốc tế của mình với áp lực ngày càng tăng để cung cấp dịch vụ cho các bên liên quan?  Trách nhiệm mới của khu vực giáo dục quốc tế hóa ở cấp quốc gia và toàn cầu là gì? Sự quốc tế hóa giáo dục ảnh hưởng như thế nào đối với nền văn hóa bản địa và ngôn ngữ của nước đó? Đâu là những câu hỏi, những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại Hội nghị lần này.

Khoảng 250 diễn giả là các quan chức giáo dục, các học giả, các nhà khoa học và các nhà giáo dục, thông qua các phiên thảo luận chung và qua 9 phiên họp/diễn đàn với những chủ đề riêng đã trao đổi về những chủ đề nêu trên với mục tiêu tìm ra câu trả lời  để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề trước những thách thức nội tại của giáo dục và nhu cầu của nền kinh tế toàn cầu; đồng thời làm thế nào để mọi công dân có thể được tham gia vào cả hai hệ thống đào tạo này tốt nhất.

Hội nghị cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm từ các nền giáo dục về những ảnh hưởng, những tác động của giáo dục đại học và đào tạo nghề trong hai lĩnh vực sáng tạo và hội nhập. Trong thời gian diễn ra Hội nghị đã có 50 cuộc triển lãm về giáo dục của các tổ chức quốc tế về giáo dục và hoạt động đào tạo, nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng từ Mỹ  và các nước khu vực châu Mỹ.

Đoàn Việt nam do GS.TSKH Bùi Văn Ga thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đầu. GS. Ga đã trình bày thực trạng giáo dục và đào tạo của Việt nam và cơ hội hợp tác giáo dục giưã Việt nam và các nước, nhất là giáo dục đại học. GS Ga cùng với các nhà giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ và Braxin cũng đã thảo luận về vai trò quốc tế hóa trong việc thúc đẩy phát triển của các nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Tham gia đoàn còn có đại diện Tổng cục dạy nghề- PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề. PGS.TS. Mạc Văn Tiến là một trong số 250 diễn giả trình bày tham luận tại Hội nghị với chủ đề xây dựng khung trình độ quốc gia, công cụ quan trọng để phát triển giáo dục hướng tới chuẩn đầu ra trong bối cảnh hội nhập quốc tế.  Có thể thấy, từ năm 1983 đến nay đã có hơn 130 quốc gia đã xây dựng khung trình độ quốc gia. Mặc dù Chính phủ các nước đầu tư cho giáo dục và đào tạo nghề khá nhiều, tuy nhiên, hiện nay, với tốc độ tăng trưởng  kinh tế, yêu cầu của đổi mới công nghệ và cạnh tranh quốc tế, Chính phủ các nước  nhận ra tầm quan trọng của việc phải phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao và sự năng động của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, người lao động có kỹ năng phải được công nhận như thế nào, nghĩa là phải kết hợp như thế nào giữa trình độ từ kỹ năng nghề thực tế và  kiến thức, có thể giúp họ được công nhận kỹ năng từ phía Chính phủ và người sử dụng lao động. Khung trình độ quốc gia là công cụ để có thể đạt được điều này. PGS. Tiến đã cùng với các diễn giả khác trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ những quan điểm và  đặc điểm phát triển của các quốc gia rất khác nhau và chỉ ra những thách thức, những thành công và bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng Khung trình độ quốc gia. Nhiều đại biểu tham dự phiên thảo luận đồng tình với tham luận của Việt nam khi cho rằng không có một chuẩn đào tạo, thiếu một hệ thống đánh gía trình độ sinh viên theo những tiêu chuẩn được công nhận sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nguồn nhân lực mỗi nước trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và quốc tế ngày càng gay gắt. Vì vậy, đối với Việt nam- nước đi sau trong việc xây dựng  Khung trình độ quốc gia, sự hợp tác với các nước, trong đó có Vương quốc Anh trong việc xây dựng Khung trình độ quốc gia là rất cần thiết, giúp cho giáo dục- đào tạo của Việt nam Hội nhập với thế giới nhanh hơn.


Cũng tại Hội nghị này, các nhà lãnh đạo giáo dục và Hội đồng Anh đã thống nhất sẽ tổ chức Hội nghi giáo dục toàn cầu 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 1-2 tháng 6 năm 2015 tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

 

PGS.TS. Mạc Văn Tiến