Cập nhật ngày: 16/07/2014

Phó Tổng Cục trưởng (PTCT) Tổng cục Dạy nghề Nghiêm Trọng Quý cho rằng, Luật Dạy nghề hiện hành bên cạnh những việc đã tạo dựng được thì cũng có những khiếm khuyết trong việc chưa có các quy định, chính sách đủ mạnh để thu hút được học sinh và người lao động vào học nghề; chính sách miễn, giảm học phí chưa đủ mạnh; thời gian học trung cấp nghề đối với người có bằng tốt nghiệp THCS không có nguyện vọng học lên trình độ cao hơn quá dài…. Vì vậy, việc sửa Luật để tạo “lực hút” cho học sinh và người lao động học nghề là cần thiết.

 

PV: Thưa Ông, sau gần 7 năm Luật Dạy nghề đi vào cuộc sống, Ông có những đánh giá gì về những kết quả mang lại?

- PTCT Nghiêm Trọng Quý: Luật Dạy nghề đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2007. Sau gần 7 năm, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, sự cố gắng, chủ động tích cực của các cơ sở dạy nghề, Luật Dạy nghề đã thực sự đi vào cuộc sống, hoạt động dạy nghề đã từng bước phục hồi và có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, nhờ có Luật Dạy nghề nên đã hình thành hệ thống dạy nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, đáp ứng nhu cầu đa trình độ của thị trường lao động trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thay thế hệ thống dạy nghề với chương trình dạy nghề ngắn hạn và dạy nghề dài hạn trước đây. Mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đã phát triển rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố, trên 600 huyện, quận, thị xã, các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề. Hiện nay, cả nước có 165 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 874 trung tâm dạy nghề. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2012 có 39.260 giáo viên cơ hữu, tăng 1,9 lần so với năm 2006. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đại học trở lên chiếm 69,42%, cao đẳng là 15,29% và công nhân kỹ thuật, nghệ nhân là 15,29%; tỷ lệ tương ứng tại các trường trung cấp nghề là 48,96%, 23,84% và 27,2%; tại các trung tâm dạy nghề là 30,27%, 23,27% và 46,46%. Đã ban hành được 158 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 158 nghề làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình dạy nghề và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động. Trong 3 năm 2011 - 2013, đã tổ chức đánh giá cho 3.175 người lao động, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 1.596 người dự thi đạt yêu cầu. Đến nay, đã xây dựng và ban hành được 233 chương trình khung trình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề theo danh mục nghề đào tạo.

- PV: Hiện đang tồn tại một thực tế, hàng năm có tới hơn 90% học sinh tốt nghiệp THPT chỉ mong muốn thi vào đại học, ít ai muốn học nghề. Theo đó, thị trường cung - cầu lao động sẽ bị “lệch”. Kéo theo đấy là những hệ lụy khác trong đào tạo nghề. Phải chăng đây là khiếm khuyết của Luật Dạy nghề thưa Ông ?

- PTCT Nghiêm Trọng Quý: Thực tế này ở nước ta không phải bây giờ mới có mà đã có từ lâu. Trong bài “Học sinh và lao động” Hồ Chủ Tịch viết năm 1957 đã nói về vấn đề này: “Thi đỗ tiểu học rồi thì muốn lên trung học; đỗ trung học rồi, thì muốn lên đại học - riêng về mỗi cá nhân của người học sinh thì ý muốn ấy không có gì lạ. Nhưng chung đối với Nhà nước thì ý muốn ấy thành vô lý …” Nguyện vọng của những người tốt nghiệp THPT đều muốn thi vào đại học không chỉ có ở nước ta, mà có ở nhiều nước kể cả những nước phát triển, nhưng các nước họ có chính sách phân luồng tốt nên họ giữ được sự phù hợp giữa cơ cấu trình độ đào tạo và cơ cấu trình độ lao động trong thị trường lao động. Để giúp học sinh có thể lựa chọn cho mình được con đường nghề nghiệp thích hợp với sở trường, năng lực, hoàn cảnh của mình, đồng thời phù hợp với nhu cầu phát triển nhân lực của đất nước, Nhà nước đã có các chính sách và giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Nhưng các chính sách đã có chưa đủ mạnh và việc thực hiện các giải pháp ở các cấp chưa quyết liệt và chưa đồng bộ nên phân luồng chưa mang lại kết quả. Ngoài các nguyên nhân khác, tôi cho rằng Luật Dạy nghề hiện hành cũng có những khiếm khuyết trong việc chưa có các quy định, chính sách đủ mạnh để thu hút được học sinh và người lao động vào học nghề, như: chính sách miễn, giảm học phí chưa đủ mạnh; chưa có chính sách đối với người học nghề sau khi tốt nghiệp; thời gian học trung cấp nghề đối với người có bằng tốt nghiệp THCS không có nguyện vọng học lên trình độ cao hơn quá dài; chưa có hình thức tổ chức đào tạo theo tích luỹ mô-đun, môn học; chưa có quy định về việc công nhận và không phải học lại những kiến thức, kỹ năng, mô-đun, môn học mà người học đã tích luỹ được trong quá trình làm việc và học tập khi học các khóa đào tạo nghề.

 

- PV: Vậy để có được lao động có tay nghề cao, Luật Dạy nghề cần phải có những quy định phù hợp với thực tế hơn thưa Ông ?

- PTCT Nghiêm Trọng Quý: Đúng vậy. Trong Dự thảo Luật Dạy nghề sửa đổi, bổ sung lần này đã tập trung vào một số quy định: chương trình dạy nghề phải được định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, dịch vụ. Chuẩn nhà giáo dạy nghề đối với nhà giáo dạy nghề ngoài yêu cầu về trình độ đào tạo, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề còn bổ sung thêm: phải có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành nghề ở trình độ tương ứng sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; định kỳ nhà giáo dạy nghề phải có thời gian thực tập tại doanh nghiệp để cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề; đầu tư nâng cao chất lượng dạy nghề, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề theo quy hoạch, phân tầng về chất lượng, tập trung đầu tư hình thành các cơ sở dạy nghề chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các nghề trọng điểm quốc gia, các nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; các cơ sở dạy nghề được liên kết hoạt động dạy nghề với nước ngoài; được tổ chức dạy nghề theo chương trình của nước ngoài; 

- Để Luật Dạy nghề tiếp tục phát huy là đòn bẩy cho công tác đào tạo nghề thì những vấn đề mà Luật cần phải sửa đổi, thưa Ông?

- PTCT Nghiêm Trọng Quý: Để Luật Dạy nghề tiếp tục phát huy và là đòn bẩy cho đào tạo nghề phát triển đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Luật Dạy nghề phải sửa đổi, bổ sung những nhóm vấn đề sau: nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Khóa XI: Về đổi mới mục tiêu dạy nghề - sửa đổi, bổ sung các điều 4, 10, 17 và 24. Về đổi mới chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 58. Về đổi mới tổ chức dạy nghề - bổ sung Điều 6a. Về đổi mới chương trình dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 20, Điều 27. Về đổi mới đánh giá, thi, cấp văn bằng, chứng chỉ - sửa đổi, bổ sung Điều 16, 23, 30 và 33a. Về đổi mới kiểm định chất lượng dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 73, 74, 75. Về đổi mới hoạt động hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia về bằng, chứng chỉ nghề - sửa đổi Điều 87, bổ sung Điều 87a. Về xã hội hóa dạy nghề - Điều 7a. Về nhiệm vụ, quyền hạn và quyền tự chủ của cơ sở dạy nghề - Điều 50, Điều 50a; cơ sở dạy nghề phải công bố công khai các nội dung đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp - tại Khoản 4, Điều 50. Nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập của Luật hiện hành: về xác định loại hình cơ sở dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 39. Về một số chính sách của Nhà nước về dạy nghề - sửa đổi Điều 7. Về thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng dạy nghề. Về thời gian học nghề trình độ trung cấp đối với người tốt nghiệp trung học cơ sở - sửa đổi, bổ sung Điều 18. Về dạy nghề thường xuyên - sửa đổi, bổ sung Điều 32, 33 và bổ sung Điều 33a. Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 50, 50a. Về cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài - sửa đổi, bổ sung Điều 52. Về chính sách đối với cơ sở dạy nghề - Khoản 3 Điều 53. Về tài chính, tài sản của cơ sở dạy nghề - bổ sung Mục 4. Về học phí, lệ phí tuyển sinh học nghề. Về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56. Về chính sách đối vơi nhà giáo dạy nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 58, 60, 62. Về chính sách đối với người học nghề - sửa đổi, bổ sung Điều 65.

 

- PV: Xin cảm ơn Ông!                                               

 

Nguồn: daibieunhandan.vn