Cập nhật ngày: 01/07/2014

Cần chính sách hỗ trợ học sinh học nghề

 

Năm 2014, việc tuyển sinh dạy nghề tiếp tục gặp khó khăn, do tuyển sinh đại học ngày càng thoáng hơn, trong khi việc phân luồng, định hướng học nghề còn nhiều bất cập. Phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề về vấn đề này.
 
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác tuyển sinh nghề trong năm nay?
 
Ông Dương Đức Lân: Tuyển sinh của học nghề trong hai năm qua gặp nhiều khó khăn, nhất là với trung cấp nghề. Biểu đồ tuyển sinh cho thấy hướng đi xuống, mỗi năm chỉ tuyển được hơn 200.000 thí sinh. Dự báo năm nay, tuyển sinh học nghề sẽ còn khó khăn hơn do tuyển sinh vào đại học rất thông thoáng như bỏ điểm sàn, tiến tới bỏ thi 3 chung… Điều này có nghĩa, nhiều trường đại học, mà phần lớn là đại học dân lập, sẽ tuyển được nhiều học sinh hơn, kể cả học sinh học kém. Như vậy, khối đại học sẽ tuyển gần hết lượng học sinh tốt nghiệp lớp 12 và tuyển sinh học nghề sẽ gặp khó khăn.
 
 
 Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trả lời phóng viên báo chí

 

Năm 2012, các trường nghề chỉ tuyển được có 47% so với kế hoạch, năm 2013 đạt được 86%. Học nghề bao giờ cũng là lựa chọn sau, khi người ta trượt đại học rồi mới vào học nghề. Người ta hay nói “chuột chạy cùng sào mới vào học nghề” và đây là tâm lí của xã hội. Điều này cũng tạo khó khăn cho học nghề, dù học nghề xong ra có việc vaà thu nhập ổn định.
 
Trong khi đó, dù Nghị quyết Trung ương 2 năm 1998 đã chỉ rõ về phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề, nhưng đến nay vẫn gần như không triển khai được. Phần lớn học sinh tốt nghiệp THCS đều vào THPT, không vào được công lập thì vào học dân lập. Chúng ta đặt ra mục tiêu, học sinh tốt nghiệp THCS đến năm 2020 có 30% vào học nghề, thì đến nay cũng chỉ được độ 3%. Thực tế ở các địa phương cũng không chuyển biến nhiều.
 
PV: Vậy để thu hút học sinh học nghề trong năm nay, Tổng cục Dạy nghề có những giải pháp nào, thưa ông?
 
Ông Dương Đức Lân:  Tổng cục Dạy nghề đặt ra vấn đề phải đồng hành với các trường nghề, đẩy mạnh công tác tuyển sinh, trong đó chú ý nhất là việc tuyên truyền. Vấn đề này liên quan tới chính sách đối với học nghề. Chúng tôi đang đề xuất những điều chỉnh về Luật Dạy nghề như học sinh tốt nghiệp THCS chuyển đi học nghề sẽ được miễn 100% học phí, thay cho 50% như hiện nay. Bên cạnh đó là các chính sách khác về việc làm, học nghề.
 
Chúng ta cũng cần đẩy nhanh công tác phân luồng. Nhiều nước ở châu Âu chỉ có khoảng 25% học sinh là học lên THPT, còn lại sang học nghề. Tính bình quân của 28 nước EU, hiện 60% sau khi tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề. Việc phân luồng học sinh như vậy có sự can thiệp của Nhà nước, bởi họ biết rõ cơ cấu lao động cần những người trực tiếp lao động sản xuất. Hoặc như tại Indonesia, vào những năm 2004 - 2005, tình trạng cũng như Việt Nam hiện nay, tức là sau khi tốt nghiệp THCS thì có tới 90 - 95% vào THPT, nhưng sau khi làm tốt công tác phân luồng thì đến năm 2014, sau khi tốt nghiệp THCS chỉ có 30% lên THPT, còn lại đi học nghề. Đến nay 65% học sinh tốt nghiệp THCS Indonesia đi học nghề.
 
Còn ở Việt Nam, Nhà nước gần như không can thiệp và vẫn để tình trạng tự do, ai muốn học đâu thì học. Trong dự thảo Luật Dạy nghề sửa đổi lần này cũng đề ra đến năm 2025, sẽ có 40% học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề; đến 2030 là 50%. Để đạt tỷ lệ này, Nhà nước phải có can thiệp mang tính định hướng về mặt đào tạo để có được cơ cấu nhân lực theo ý muốn.
 
Tiếp đó là công tác hướng nghiệp. Việc này do Bộ Giáo dục Đào tạo làm, nhưng hướng nghiệp hiện nay chưa hiệu quả. Hướng nghiệp là nhằm giúp học sinh hình dung được nghề nghiệp của xã hội, tương lai và đi theo nghề đó, nhưng việc học hướng nghiệp của học sinh chỉ mang tính đối phó.
 
Bên cạnh đó, chính sách hiện nay chưa thu hút học nghề, từ chính sách về giáo viên dạy nghề cho đến chính sách đối với người tốt nghiệp chưa hấp dẫn. Đi học nghề người ta có cảm giác rằng đó là cái ngõ cụt. Học nghề là được học suốt đời, được học liên thông, nhưng thực tế hiện nay người đi học nghề muốn thi đại học lại phải thi từ đầu như thí sinh bình thường, không được miễn trừ những môn đã học nên nhiều người không muốn vào trường nghề.
 
Trên thực tế, các nước cũng gặp vấn đề người dân không thích học nghề, kể cả các nước công nghiệp phát triển như ở châu Âu nhưng họ có chính sách hỗ trợ, phân luồng hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Việt Nam chúng ta cũng vậy, muốn thu hút học sinh học nghề cần có những chính sách hỗ trợ. Những việc này chúng tôi đang đề xuất tại Luật Dạy nghề sửa đổi lần này.
 
PV: Một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn học sinh là chất lượng đào tạo trường nghề. Vậy theo ông, trong thời gian tới, các trường nghề cần đổi mới công tác đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp?
 
Ông Dương Đức Lân:  Về kỹ năng nghề, theo tôi các trường nghề của Việt Nam đã đáp ứng về cơ bản, nhưng vấn đề doanh nghiệp kêu nhất hiện nay là kỷ luật lao động, tinh thần làm việc, kỹ năng mềm như giao tiếp, xử sự với nhau.
 
Do đó, có thể thấy những môn học chung như giáo dục về pháp luật, đạo đức tại các trường vẫn chưa hiệu quả. Việc dạy những môn này sao cho học sinh có được lòng yêu nghề, say sưa với nghề, có thái độ nghiêm túc với nghề nghiệp. Nhiều môn học của mình cũng phải xem xét lại.
 
Còn kỹ năng nghề, những năm gần đây, chúng tôi phân tích kỹ năng theo tiêu chuẩn nghề các doanh nghiệp đưa ra và từ đó đưa ra những yêu cầu với từng nghề về yêu cầu kỹ thuật, mức độ.
 

Hiện Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng 40 trường nghề chất lượng cao, hoàn thiện về cơ sở vật chất với nhiều giáo viên kinh nghiệm lâu năm. Những trường này không thua kém bất cứ nước nào trong khối ASEAN.

Xin cảm ơn ông!


HB (Nguồn: Báo Tin Tức)