Cập nhật ngày: 29/01/2015

Quản lý chất lượng là một hoạt động quan trọng đảm bảo hiệu quả và chất lượng của hoạt động của bất kỳ một tổ chức nào, quyết định sự phát triển nói chung và chất lượng của một hệ thống nói riêng. Xét về mức độ của các hệ thống quản lý chất lượng đang áp dụng trong các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay, hiện nay, có 3 mức độ: Kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng tổng thể. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo hiện nay mới áp dụng mức độ kiểm soát chất lượng và xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tiếp cận hệ thống quản lý chất lượng tổng thể. Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề đã và đang chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong và ngoài cơ sở dạy nghề, coi đây là công cụ nâng cao chất lượng dạy nghề, góp phần nâng cao niềm tin của xã hội đối với công tác dạy nghề.

1. Vai trò của hệ thống đảm bảo chất lượng đối với việc xây dựng niềm tin của Xã hội đối với công tác dạy nghề
 
Theo chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 20011 – 2020, các cơ sở dạy nghề phải chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo của mình, phải đảm bảo chuẩn hóa “đầu vào” và “đầu ra”. Như vậy, các cơ sở dạy nghề được tự chủ trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo của mình và phải có trách nhiệm với các dịch vụ mình cung cấp cho xã hội. Điều này làm cho các trường năng động, tự chủ hơn trong hoạt động của mình, tuy nhiên cũng sẽ đưa ra một vấn đề là làm thế nào để duy trì được tính bền vững, ổn định đối với chất lượng đầu ra của từng trường, đồng thời có được sự đồng đều về chất lượng đầu ra của toàn bộ các trường trong hệ thống dạy nghề, góp phần tạo niềm tin cho xã hội và người học đối với sản phẩm dịch vụ của các trường.
 
 
Để làm việc này, Việt Nam đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ như: xây dựng khung trình độ quốc gia (trong đó có khung trình độ nghề quốc gia), ban hành các bộ chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chương trình đào tạo dựa trên chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng chuẩn đầu ra dựa trên khung trình độ nghề quốc gia..... Cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo trong dạy nghề cũng sẽ có nhiều sự đổi mới đã được đưa vào dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp trình Quốc hội trong tháng 11/2014, theo đó sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa mà việc cấp văn bằng chứng chỉ theo hình thức xét công nhận tốt  nghiệp trên cơ sở người học đạt yêu cầu tất cả các mô dun, môn học. 
 
Tuy đã có những giải pháp khá đồng bộ nêu trên, nhưng để các khâu trong quá trình đào tạo của trường hoạt động đồng bộ, ổn định, luôn cập nhật, phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn lại là một vấn đề cần phải được giải quyết. Do đó, với chức năng là xác định, xây dựng và vận hành chính sách, thủ tục, quy trình, hành động và thái độ nhằm đạt được, duy trì, giám sát và củng cố, thực hiện việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng sẽ giúp nhà trường thực hiện tốt ở tất cả các khâu trong một quá trình đào tạo. 
 
Đối với trường dạy nghề, để đảm bảo chất lượng đào tạo, các yếu tố đảm bảo chất lượng cần thiết cho quá trình đào tạo nghề phải xây dựng phù hợp. Các yếu tố đảm bảo chất lượng bao gồm: Chương trình, giáo trình,; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị; và công tác quản lý.
 
Tất cả bốn yếu tố trên (Chương trình, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị; Giáo viên và cán bộ quản lý; và  quản lý cơ sở dạy nghề, phương pháp) luôn luôn phải phù hợp với nhau. Phương pháp giảng dạy tương ứng với thiết bị dạy và học và giáo viên phải có trình độ để tiến hành việc giảng dạy theo phương pháp giảng dạy được áp dụng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đào tạo, bốn yếu tố trên phải được đảm bảo đồng thời và để làm được điều này, cần phải có hệ thống nền hay còn gọi là hệ thống quản lý chi phối và làm đồng bộ hóa 4 yếu tố nêu trên.
 
Theo đánh giá của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề và của một số trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001- 2008, nội dung quản lý thường bao gồm từ 80 – 90 nội dung, từ công tác hành chính, đào tạo, công tác tài chính tới công tác phối hợp doanh nghiệp, theo dõi học sinh sinh viên của một cơ sở dạy nghề. Như vậy có thể thấy để xây dựng được một hệ thống đảm bảo chất lượng đầy đủ cho một trường dạy nghề là một công việc đồ sộ, đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
 
Một yếu tố không nhỏ tác động tới chất lượng đào tạo nghề là môi trường bên ngoài. Các yếu tố tác động bao gồm: Điều kiện kinh tế xã hội, Thể chế chính sách cho đào tạo nghề, Các đối tác xã hội của đào tạo nghề ... Vì vậy khi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nào tại trường dạy nghề, phải đảm bảo trước hết phù hợp với hệ thống luật pháp và các quy định về dạy nghề, sau đó mới đến việc phù hợp với từng trường cụ thể. 
 
Có rất nhiều mô hình quản lý chất lượng có thể áp dụng cho giáo dục và đào tạo như mô hình đảm bảo chất lượng Australia, mô hình quản lý chất lượng quốc gia Malcolm Baldridge - Hoa Kỳ, mô hình quản lý chất lượng châu âu, mô hình quản lý chất lượng ISO 9000/2000, mô hình quản lý chất lượng Nam Phi, Scolent . Việc lựa chọn mô hình áp dụng tại từng nước, từng cơ sở đào tạo phụ thuộc vào các điều kiện thực tế và các quy định của mỗi quốc gia và mỗi cơ sở đào tạo. Tuy có nhiều mô hình như đã nêu trên, nhưng điểm chung nhất của các mô hình này là việc áp dụng mô hình đảm bảo chất lượng theo hướng mô hình quản lý chất lượng tổng thể (TQM), đó là hệ thống hướng tới người học, thỏa mãn mọi nhu cầu của người học; quản lý theo quá trình; quản lý mọi cá nhân, tổ chức, mọi thành tố của các cơ sở đào tạo nghề. Mỗi cơ sở đào tạo và các cá nhân trong cơ sở đào tạo tự chịu trách nhiệm về chất lượng công việc của chính mình, cố gắng làm đúng ngay từ đầu và làm đúng vào mọi thời điểm, liên tục và từng bước cải thiện chất lượng. Các mô hình này chỉ khác nhau về cách phân loại đối với các nội dung quản lý và một số thủ tục, và thể hiện của mô hình.  
 
Ngoài ra, kết hợp với hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài (các hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề,  hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ, đột suất của các cơ quan có thẩm quyền), sự ổn định của chất lượng đầu ra  sẽ được đảm bảo và khảng định, từ đó xã hội và các đối tác liên quan tới nhà trường sẽ tin tưởng hơn vào văn bằng, chứng chỉ của cơ sở dạy nghề.

2. Định hướng phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng trong dạy nghề
 
Theo số liệu của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, không phải lãnh đạo trường dạy nghề nào cũng nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng của mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chất lượng công tác đào tạo của các trường dạy nghề không được như mong muốn và cách thức hoạt động của các trường rất đa dạng, tùy thuộc vào sự quan tâm và nhận thức của từng trường. Do đó, xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng tại các trường dạy nghề là yêu cầu cấp bách đặt ra trong giai đoạn này. Chủ trương này đã được đưa vào rất nhiều các văn bản quan trọng như chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020, đề án xây dựng 40 trường chất lượng cao đến năm 2020 của Chính phủ và các quyết định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc sử dụng chương trình mục tiêu giai đoạn 2012 – 2015.
 
Cũng như một số mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng của một số nước khác thì mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề Việt Nam bao gồm 03 thành phần: 
 
- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các trường (hệ thống quản lý chất lượng bên trong cơ sở dạy nghề);
 
- Hệ thống đảm bảo chất lượng bên ngoài nhà trường (hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề);
 
- Hệ thống các tổ chức đảm bảo chất lượng (các tổ chức đánh giá ngoài, các tổ chức kiểm định độc lập).
 
Về hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề: Trong thời gian qua, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH là cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề đã nỗ lực, tích cực triển khai hoạt động Kiểm định chất lượng dạy nghề, từ việc xây dựng các Tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình kiểm định, tổ chức thí điểm, đánh giá rút kinh nghiệm và dần đưa hoạt động Kiểm định chất lượng CSDN đi vào nề nếp. Tuy nhiên, chỉ triển khai Kiểm định chất lượng của Cơ quan quản lý Nhà nước không thể đủ mạnh tạo ra phong trào văn hóa chất lượng khi chưa có một Hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng phù  hợp với đặc thù quản lý chất lượng dạy nghề tại Việt Nam và sự chủ động vào cuộc của các CSDN tham gia Hệ thống này. 
 
Về hệ thống các tổ chức đảm bảo chất lượng: Theo kế hoạch đang được đề xuất, đến năm 2020 sẽ thành lập 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề thuộc Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề và khoảng 20 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề khác do các tổ chức và cá nhân thành lập.
 
Về hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng trong của cơ sở dạy nghề: Theo số liệu của Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề, có khoảng 20 trường đang đang áp dụng hoặc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008. Ngay cả đối với các trường đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 - 2008 thì việc duy trì hoạt động của hệ thống cũng rất khó khăn do nhận thức của nhà trường và các điều kiện đảm bảo (đặc biệt là vấn đề tài chính). Chính vì vậy việc nhân rộng mô hình này cũng chưa được triển khai. 
 
Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các chủ trương nêu trên, ngày 28/05/2014, tại Quyết định 511/QĐ- LĐTBXH, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cho phép thí điểm xây dựng hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng dạy nghề ở 6 trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao với mục tiêu xây dựng được mô hình khung Hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn dạy nghề Việt Nam và áp dụng một số nội dung cơ bản tại 06 trường được lựa chọn. Hệ thống quản lý, đảm bảo chất lượng dạy nghề của cơ sở dạy nghề phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:
 
- Mang tính hệ thống, hiện đại, nhấn mạnh vai trò của nhà quản lý, gắn kết sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức, tiếp cận theo quá trình, được xây dựng trên cơ sở pháp lý, được kiểm tra, giám sát thường xuyên và cải tiến liên tục tiếp cận theo nguyên tắc của hệ thống quản lý chất lượng tổng thể (TQM).
 
-  Gắn kết với hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.
 
- Phù hợp với thực trạng của hệ thống trường cao đẳng nghề hiện nay để đảm bảo tính phù hợp và sự khả thi khi vận hành.
 
Đây là một công việc mới và phức tạp do phải can thiệp vào hoạt động của các đơn vị thuộc các cơ quan chủ quản khác nhau và hiện tại đang có cách thức quản lý khác nhau. Chính vì vậy đòi hỏi công tác nghiên cứu, xây dựng và thí điểm phải được làm thận trọng, khoa học, có tính khả thi, tính ứng dụng cao, đồng thời cũng phải có độ mở cần thiết để có thể phát triển trong tương lai cũng như để phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng trường. 
 
Tổng cục dạy nghề đã phối hợp với các chuyên gia giáo dục, chuyên gia quản lý chất lượng trong và ngoài nước, các trường thụ hưởng, các tổ chức quốc tế xây dựng và ban hành dự thảo mô hình khung, các quy trình, phương pháp điều kiện triển khai chi tiết và sẽ áp dụng các quy trình cơ bản cần thiết nhất tại 06 trường, chuẩn bị các điều kiện để năm 2015 áp dụng thí điểm tại cả 40 trường được đầu tư trọng điểm thành trường chất lượng cao. Dự kiến đến năm 2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quy định về mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng tại các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề để các trường làm căn cứ xây dựng mô hình của mình.
 
TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề