Cập nhật ngày: 14/04/2023

Trong vài năm gần đây, khái niệm “chuyển đổi công bằng” (just transition) được sử dụng khá phổ biến trong các tài liệu, diễn đàn quốc tế, nhưng tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ. Bài viết dưới đây giới thiệu ngắn gọn định nghĩa và nguồn gốc của “chuyển đổi công bằng” đồng thời trình bày nội dung chính trong Tài liệu tóm lược chính sách (Policy Brief) của ILO công bố năm 2022 với chủ đề “phát triển kỹ năng để chuyển đổi công bằng” với mong muốn chia sẻ, cập nhật thông tin hữu ích cho nhà quản lý, nhà nghiên cứu, cơ sở giáo dục và các bên liên quan về kinh nghiệm quốc tế trong phát triển kỹ năng trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp.

1. “Chuyển đổi công bằng” là gì?

Theo Tài liệu hướng dẫn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) năm 2015 , chuyển đổi công bằng là giải quyết đồng thời các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế và trọng tâm của các chính sách chuyển đổi công bằng trong thực hiện mục tiêu giảm các bon là đóng góp vào mục tiêu việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, bao trùm xã hội và xóa đói giảm nghèo. Tương tự,  theo Vụ Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc (UN DESA) , “chuyển đổi công bằng” đề cập đến các chiến lược, chính sách hoặc biện pháp để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị đẩy lùi trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế - xã hội các-bon thấp và bền vững với môi trường. Nguồn gốc của khái niệm này từ hoạt động công đoàn những năm 1990 ở Mỹ kêu gọi có cơ chế giải quyết mất việc làm liên quan đến quy định mới về môi trường.

Một ví dụ về chuyển đổi công bằng được áp dụng ở Ba Lan là: 75% việc làm trong lĩnh vực khai thác than đã bị mất trong vòng chưa đầy hai thập kỷ; thông qua cơ chế hợp tác, các công đoàn và chính phủ đã thực hiện Gói xã hội trong ngành khai thác than bao gồm đào tạo lại và hỗ trợ tài chính để hỗ trợ lao động khai thác than chuyển sang các ngành khác, giúp ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội do sa thải lao động.

Khái niệm “chuyển đổi công bằng” thu hút sự quan tâm  đặc biệt trên phạm vi quốc tế kể từ năm 2015 khi được đề cập trong Thỏa thuận Paris và ILO đã công bố tài liệu Hướng dẫn về chuyển đổi công bằng hướng tới các nền kinh tế và xã hội bền vững với môi trường cho tất cả mọi người, và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được thông qua với cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chuyển đổi công bằng là chủ đề trọng tâm tại COP26 (năm 2021) và năm 2022, trước thềm COP27 -  khái niệm này được đề cập trong các ưu tiên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, trong báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) về Giảm thiểu biến đổi khí hậu và trong Tuyên bố cấp bộ trưởng của Diễn đàn chính trị cấp cao năm 2022. Một số quốc gia cam kết về chuyển đổi công bằng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) – là kế hoạch quốc gia không ràng buộc, nêu bật giảm thiểu biến đổi khí hậu, bao gồm các mục tiêu liên quan đến khí hậu để giảm phát thải khí nhà kính.. Báo cáo của IPCC năm 2022 nhấn mạnh “Khái niệm chuyển đổi công bằng đã trở thành tiêu điểm quốc tế kết hợp các hoạt động xã hội, công đoàn và các bên liên quan quan trọng khác để đảm công bằng tốt hơn trong quá trình chuyển đổi carbon thấp”.


Khóa tập huấn về Chuyển đổi xanh trong giáo dục nghề nghiệp trong Dự án phát triển GDNN tại Việt Nam pha 2 do Chính phủ Đan Mạch tài trợ tổ chức trong tháng 3/2023

2. Nội dung chính trong Tài liệu tóm lược chính sách của ILO với chủ đề phát triển kỹ năng được công bố năm 2022

Tài liệu này trình bày mối liên hệ giữa chuyển đổi công bằng và phát triển kỹ năng nhằm cung cấp cho các bên liên quan thông tin và khuyến nghị thực hiệ

ILO khẳng định phát triển kỹ năng là một trong những lĩnh vực chính sách quan trọng để giải quyết vấn đề môi trường, kinh tế và xã hội tính bền vững. Những mục tiêu sâu rộng mà các chính phủ đã đặt ra trong các cam kết về biến đổi khí hậu đòi hỏi các kỹ năng phù hợp để đạt được các mục tiêu tạo việc làm bền vững và phủ xanh các nền kinh tế trong Chương trình nghị sự năm 2030.

Biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường giảm năng suất và phá hủy việc làm, các hành động “chống lại” quá trình này có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm nhưng điều này đòi hỏi đầu tư, nâng cao năng lưc của người lao động để họ đóng góp cho năng suất của doanh nghiệp. Năm 2019, ILO ước tính trong cả 2 kịch bản bền vững về năng lượng và kịch bản nền kinh tế tuần hoàn, công việc tạo ra nhanh hơn công việc bị phá hủy với tổng cộng hơn 25 triệu việc làm có thể được tạo ra đến năm 2030. Việc chuyển đổi sang các việc làm này không xảy ra theo mặc định mà người lao động cần những kỹ năng mới để tận dụng cơ hội này.

Bên cạnh một số kết quả nhất định trong thập kỷ qua, những thách thức chính về kỹ năng cho chuyển đổi công bằng cho tất cả mọi người như:

- Một số cam kết quốc gia và ưu tiên ngành thực hiện Thỏa thuận Paris chưa bao gồm đầy đủ cấu phần phát triển kỹ năng để hỗ trợ việc thực hiện Thỏa thuận.

- Nhiều quốc gia chưa tiếp cận hệ thống đối với phát triển các kỹ năng cho chuyển đổi xanh và chưa có sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong các cuộc thảo luận liên quan.

- Vẫn thiếu hụt kỹ năng mặc dù có bước phát triển tích cực gần đây.

- Thiếu cơ chế hiệu quả để dự báo và giám sát nhu cầu kỹ năng.

- Chưa giải quyết hiệu quả mhu cầu cụ thể của những người dễ bị tổn thương và các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi xanh.

Các nguyên tắc chính và các bước để nắm bắt cơ hội và giải quyết thách thức

- Tăng cường gắn kết chính sách, đối thoại xã hội và hợp tác giúp
thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

- Chính sách quốc gia và ngành được xây dựng tốt sẽ đảm bảo thuận lợi trong chuyển đổi công bằng.

- Các kỹ năng cốt lõi và kỹ năng có thể chuyển đổi rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi xanh toàn diện. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, sự nhạy cảm và phát triển năng lực của tất cả người lao động liên quan đến an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), quyền tại nơi làm việc và công việc thoả đáng.

- Cải thiện hệ thống dự báo kỹ năng thông qua dữ liệu và đối thoại xã hội được thể chế hóa.

- Lồng ghép quá trình chuyển đổi xanh trong các hệ thống đào tạo nghề  để đảm chuyển đổi công bằng.

- Đào tạo có mục tiêu và toàn diện với đội ngũ giáo viên giỏi.

- Khuyến khích, ưu đãi về tài chính là một khía cạnh quan trọng để vận hành thị trường xanh và tạo động lực phát triển kỹ năng

- Đầu tư vào các kỹ năng xanh sẽ hỗ trợ triển khai các biện pháp khuyến khích tài chính và kế hoạch phục hồi và kế hoạch tương lai.

Tóm lại, chuyển đổi xanh có thể tạo ra hàng triệu việc làm nhưng đặt ra yêu cầu về phát triển kỹ năng. Chuyển đổi công bằng cần có sự tham gia tích cực của chính phủ, người sử dụng lao động và các tổ chức của người lao động thông qua đối thoại xã hội cũng như sự tham gia của các chủ thể xã hội, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp và cộng đồng quốc tế./.

Phạm Thị Minh Hiền - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (tổng hợp từ tài liệu quốc tế)

Tài liệu tham khảo
1. ILO (2022). Just Transition Policy Brief
2. ILO (2015). Guidelines for a just transition towards environmentally sustainable economies and societies for all
3. UN DESA Policy Brief No. 141: A just green transition: concepts and practice so far
4. https://www.rff.org/publications/reports/just-transition-in-poland-a-review-of-public-policies-to-assist-polish-coal-communities-in-transition