Cập nhật ngày:
07/03/2023
Chuyển đổi sang “nền kinh tế carbon thấp” và phát triển bền vững vừa tạo ra việc làm mới vừa đặt ra yêu cầu kỹ năng mới đối với việc làm hiện có. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP) lần thứ 27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam tiếp tục cam kết đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050[1], Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030[2] và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030[3] trong đó xác định các nhiệm vụ, phát triển kỹ năng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu mới của tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với sứ mệnh đào tạo, phát triển lực lượng lao động trực tiếp cho nền kinh tế, đào tạo 5/8 bậc trình độ đào tạo trong khung trình độ quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này. Xanh hóa giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo đó được xem là nhiệm vụ trọng tâm để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng xanh phục vụ tăng trưởng bền vững.
Một số kết quả và thách thức chính trong triển khai xanh hóa GDNN tại Việt Nam thời gian qua
Về kết quả:
Nhận thức, năng lực của các cơ quan quản lý về vấn đề xanh hóa GDNN đã có sự thay đổi tích cực. Kế hoạch hành động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2019-2020[4] đặt ra nhiệm vụ “rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu” “xây dựng tiêu chuẩn xanh đối với cơ sở GDNN và xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) nghề xanh”; Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ phát triển “nhà trường xanh”; nghề “xanh”; ngành, nghề đào tạo mới, kỹ năng tương lai.
Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đã cập nhật, bổ sung ngành, nghề mới để đáp ứng yêu cầu việc làm xanh như Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải, Năng lượng tái tạo, Nguồn điện - An Toàn - Môi trường... Các ngành, nghề đào tạo trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 xác định 04 ngành, nghề được lựa chọn thuộc khu vực kinh tế xanh, gồm Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải; Xử lý nước thải công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước. Dự thảo Quyết định phê duyệt ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 ngoài lựa chọn 05 ngành, nghề thuộc khu vực kinh tế xanh, công nghệ xanh đã bổ sung 02 ngành, nghề tương lai/ngành, nghề mới là Công nghệ xử lý sản phẩm nông nghiệp thế hệ mới; Công nghệ điện năng mới (điện gió, điện mặt trời).
Chuẩn đầu ra của 300 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp được ban hành từ giai đoạn 2018 đến nay có quy định về kỹ năng xanh, kiến thức về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh lao động. Một số tiêu chí xanh đã được đưa trong tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Dự thảo Quy định chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN đã bổ sung 01 chuyên đề bồi dưỡng: Chuyên đề 15 - Xanh hóa GDNN với thời lượng 20 giờ. Đây là các văn bản quan trọng tác động đến các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo kỹ năng xanh trong cơ sở GDNN như CTĐT, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị, quản lý…

(Hình: Em Nguyễn Thái Phương – Sinh viên trường CĐ Kỹ nghệ II đạt Chứng chỉ Xuất sắc và giải thưởng Bền vững ngành, nghề Công nghệ nước trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại Kazan Nga năm 2019)
Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (Chương trình GIZ TVET Việt Nam) được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) được thực hiện bởi tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ) là dự án ODA tiên phong và đóng góp nhiều kết quả quan trọng trong đẩy mạnh xanh hóa GDNN tại Việt Nam. Chương trình đã tập trung tăng cường năng lực và tư vấn cho Tổng cục GDNN về lồng ghép yếu tố xanh trong các chính sách GDNN, triển khai các chiến dịch truyền thông, xây dựng và chia sẻ nhiều ấn phẩm về xanh hóa GDNN và tài liệu giảng dạy cho mô đun về “Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên” (hiện đang thí điểm mô đun trực tuyến). Chương trình đã hỗ trợ 03 trường cao đẳng triển khai CTĐT Xử lý nước thải theo tiêu chuẩn CHLB Đức. Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ Trường cao đẳng Cơ giới Thủy lợi Đồng Nai (VCMI) trở thành cơ sở xanh hóa GDNN xuất sắc, hỗ trợ VCMI triển khai đào tạo 02 ngành nghề đào tạo mới là “Điện tử năng lượng và công nghiệp tòa nhà” và “Công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí”. Chương trình đã phối hợp với các bên triển khai Dự án Phát triển Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thành trung tâm đào tạo về năng lượng tái tạo. Theo kế hoạch năm 2023, Chương trình sẽ hỗ trợ thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng nghề Xử lý nước thải và Năng lượng tái tạo để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chặt chẽ hơn trong GDNN ở lĩnh vực này.
Ở cấp cơ sở GDNN, một số cơ sở GDNN, nhất là cơ sở được hỗ trợ tăng cường năng lực về xanh hóa, có đội ngũ lãnh đạo nhận thức cao về tầm quan trọng của xanh hóa cơ sở GDNN, đã thực hiện khá thành công việc chuyển đổi xanh, nhiều cơ sở áp dụng mô hình 5S của Nhật Bản, một số cơ sở đã áp dụng tiêu chuẩn xanh theo yêu cầu của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo,...
Về hạn chế, thách thức:
Chính sách về xanh hóa GDNN còn khá rời rạc và thiếu một kế hoạch hành động về xanh hóa GDNN mang tính tổng thể, dài hạn. Tương tự như ở một số quốc gia khác, chủ đề xanh hóa GDNN tại Việt Nam dường như vẫn chưa phải là chủ đề chính của GDNN và sự quan tâm đã bị chia sẻ với vấn đề khác như CMCN lần thứ 4 hay chuyển đổi số.
Các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp xanh hóa GDNN chưa được bố trí đủ nguồn lực tài chính để triển khai. Trong 3 năm vừa qua, Tổng cục GDNN chỉ được cấp môt khoản NSNN rất nhỏ trong năm 2022 từ nguồn kinh phí không thường xuyên để tổ chức hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua tổ chức tuần lễ Ngày hội bảo vệ môi trường. Tổng cục GDNN chưa được cấp kinh phí để triển khai xanh hóa GDNN từ nguồn sự nghiệp môi trường trong NSNN. Nhiều hoạt động triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030 trong lĩnh vực GDNN đã được đề xuất tuy nhiên sau 3 năm triển khai Chương trình, Tổng cục GDNN vẫn chưa được cấp kinh phí để thực hiện.
Yêu cầu về kỹ năng xanh trong các bộ chuẩn đầu ra (đã ban hành) mới dừng lại ở yêu cầu chung mà chưa xác định cụ thể các kỹ năng xanh theo chuyên môn từng ngành, nghề nên các cơ sở GDNN khó khăn khi xây dựng CTĐT có tích hợp đào tạo kỹ năng xanh cho người học. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực nên đến nay vẫn chưa ban hành đủ chuẩn đầu ra cho các ngành, nghề đào tạo bao gồm các ngành, nghề đào tạo cho việc làm xanh mới.
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về GDNN còn thiếu chuyên môn và kinh nghiệm về xanh hóa GDNN. Số lượng cán bộ quản lý GDNN cấp chính sách được đào tạo, năng cao năng lực về xanh hóa GDNN còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu chính sách cũng như triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu nhân lực và khả năng cung ứng nhân lực đáp ứng tăng trưởng xanh, hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia cho ngành, nghề xanh chưa được thực hiện.
Ở cấp cơ sở GDNN, chuyển đổi xanh trong nhiều cơ sở chưa được đẩy mạnh. Kết quả khảo sát 20 trường cao đẳng[5] phục vụ cho nghiên cứu này cho thấy việc đào tạo kỹ năng xanh cho người học trong cơ sở GDNN còn rất hạn chế. Khi được hỏi “Mức độ lồng ghép đào tạo kỹ năng xanh cho người học trong CTĐT ở mức nào?” trong thang Likert 5 mức gồm (i) rất cao, (ii) cao, (iii) trung bình, (iv) thấp, (v) rất thấp, chỉ có 5/20 trường chọn mức cao hoặc rất cao, 15/20 trường còn lại đã lựa chọn 1 trong 3 phương án còn lại gồm “trung bình”, “thấp” hoặc “rất thấp”. Tương tự, đối với câu hỏi “Nhà trường tự đánh giá hiệu quả triển khai đào tạo kỹ năng xanh cho người học?”, chỉ 4/20 cơ sở tự đánh giá hiệu quả triển khai xanh hóa cơ sở GDNN ở mức “cao” hoặc “rất cao”, 16 cơ sở còn lại đánh giá ở một trong 3 mức “thấp”, “rất thấp” và “trung bình”. Đối với câu hỏi mở về khó khăn của nhà trường khi triển khai xanh hóa, các nội dung các trường phản hồi bao gồm việc nhận dạng kỹ năng xanh trong CTĐT, thiếu tài liệu đào tạo, hướng dẫn triển khai, đội ngũ nhà giáo chưa được đào tạo chuyên môn về giảng dạy kỹ năng xanh, chưa có cơ hội tiếp cận mô hình tiên tiến, hiện đại, thiếu kinh phí để triển khai, chưa có cơ chế khuyến khích triển khai...
Kinh nghiệm quốc tế về xanh hóa GDNN
Kinh nghiệm của Đan Mạch - quốc gia số 1 thế giới về chỉ số biến đổi khí hậu (CCPI) tại COP27
Chính phủ Đan Mạch xác định GDNN là lĩnh vực trung tâm trụ cột của chuyển đổi xanh và nhấn mạnh vai trò quan trọng của cơ sở GDNN trong quá trình này. Năm 2021, Chính phủ đã phân bổ 13,44 triệu EUR cho đào tạo, đào tạo lại thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh và 7,25 triệu EUR cho 9 Trung tâm tri thức (hầu hết thuộc cơ sở GDNN) để xây dựng và thí điểm các khóa giảng dạy, tài liệu tập huấn và tài liệu giảng dạy và nâng cao năng lực giáo viên về về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Năm 2022, Chính phủ tiếp tục cấp kinh phí cho chuyển đổi xanh trong GDNN và cam kết bố trí khoản kinh phí hàng năm đến năm 2025 để đảm bảo chính sách dài hạn cho lĩnh vực quan trọng này. Kinh phí năm 2022 tập trung vào các sáng kiến của địa phương, hỗ trợ các cơ sở GDNN để triển khai các hoạt động và sáng kiến liên quan đến xanh hóa (bao gồm khoản hỗ trợ đặc biệt dành cho đào tạo cho cả đối tượng đang làm việc và thất nghiệp), hỗ trợ 05 Hội đồng ngành để lập bản đồ nhu cầu kỹ năng liên quan đến chuyển đổi xanh, các thách thức và đề xuất các giải pháp. Chính phủ Đan Mạch cũng nhất trí bổ sung vấn đề phát triển bền vững và chuyển đổi xanh trong điều khoản về mục đích của GDNN khi có cơ hội lập pháp sớm nhất.

(Hình: Cán bộ, nhà giáo Việt Nam tham dự Khóa học ngắn hạn về chuyển đổi xanh tại Đan Mạch theo học bổng Danida năm 2022 của Chính phủ Đan Mạch)
Kinh nghiệm của ILO
Theo Báo cáo nghiên cứu của ILO năm 2019 về đào tạo đáp ứng nhu cầu mới của t nền kinh tế xanh tại 32 quốc gia, tác động lớn nhất của chuyển đổi xanh tới việc làm là nhu cầu đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng ở các ngành, nghề hiện có. Báo cáo cho rằng các ngành nghề mới xuất hiện rất ít và có xu hướng đỏi hỏi kỹ năng đào tạo ở trình độ cao.
ILO đã đưa ra ví dụ về thay đổi kỹ năng theo trình độ kỹ năng của ngành, nghề như sau:
Trình độ kỹ năng
|
Đào tạo thích ứng
|
Ví dụ ngành, nghề
|
Ngành nghề kỹ năng bậc thấp
|
Đạo tạo tại nơi làm việc, đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng
|
Thu gom rác thải
|
Ngành nghề kỹ năng bậc trung
|
Đào tạo từ ngắn đến dài hơn, các khóa đào tạo nghề
|
Ngành, nghề mới: Vận hành turbine gió, lắp đặt tấm năng lượng mặt trời
Ngành, nghề thay đổi: Thợ lặp mái nhà, kỹ thuật sưởi, thông gió và điều hòa không khí, thợ sửa đường ống nước
|
Ngành nghề kỹ năng bậc cao
|
Đào tạo dài hạn, đào tạo trình độ đại học
|
Nghề mới: Khí tượng nông nghiệp, Khoa học biến đổi khí hậu, kiểm định viên năng lượng, tư vấn năng lượng; nhà phân tích kinh doanh carbon
Ngành, nghề thay đổi: Người quản lý cơ sở vật chất xây dựng; kiến trúc sư; kỹ sư
|
Báo cáo cho rằng trong quá trình chuyển đổi, chính sách cần tập trung hỗ trợ cho bộ phận dân số yếu thế trong thị trường lao động. Cũng theo Báo cáo, kỹ năng xanh rất quan trọng để giải quyết nhu cầu việc làm phục vụ tăng trưởng xanh, nhưng chính sách kỹ năng và chính sách môi trường vẫn thường chưa gắn kết chặt chẽ. Để tránh tình trạng thiếu kỹ năng trong tương lai, Báo cáo khuyến nghị các quốc gia nên đưa ra các chính sách thiết thực, thúc đẩy đối thoại xã hội và sự phối hợp giữa các bộ ngành, doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo.
Kinh nghiệm của UNESCO - UNEVOC
Tài liệu hướng dẫn về xanh hóa GDNN của UNEVOC năm 2017 đã đưa ra khung 4 bước triển xanh hóa cơ sở đào tạo và các cách tiếp cận triển khai xanh hóa, cụ thể như sau:
Các bước
|
Cách các tiếp cận
· Xanh hóa khuôn viên
· Xanh hóa chương trình giảng dạy và đào tạo
· Xanh hóa nghiên cứu
· Xanh hóa cộng đồng và nơi làm việc
· Xanh hóa văn hóa của tổ chức.
|
Bước 1: Hiểu quy trình
· Làm rõ khái niệm xanh hóa
· Thực hiện đánh giá và điều chỉnh quy định
· Điều chỉnh cách tiếp cận tổng thể
· Thu hút sự tham gia của các bên
|
Bước 2: Lập kế hoạch xanh hóa
· Nâng cao nhận thức và xác định sự cần thiết
· Xây dựng tầm nhìn
· Thúc đẩy sự tham gia rộng rãi hơn
· Đánh giá thực tế hiện tại, xây dựng kế hoạch hành động
|
Bước 3: Triển khai kế hoạch
· Phân công các nhiệm vụ cần làm
· Hoàn thiện và tích hợp vào các hệ thống cốt lõi
· Phân bổ nguồn lực
· Thể chế hóa về sự thay đổi và tôn vinh
|
Bước 4: Giám sát đánh giá
· Xác định lý do giám sát
· Làm rõ phạm vi cần đánh giá
· Xây dựng khung giám sát và đánh giá
|
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc cập nhật kỹ năng xanh mới trong các ngành nghề hiện tại như cách tiếp cận của ILO và Đan Mạch nêu trên. Báo cáo cũng đưa ra các hướng dẫn rất cụ thể chi tiết đối từng bước triển khai cũng như từng cách tiếp cận do vậy là tài liệu tham khảo tốt cho các các cơ sở GDNN.
Đẩy mạnh xanh hóa trong GDNN
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và giải quyết các thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh trong GDNN, căn cứ các điều kiện thực tiễn và dựa trên tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực này, một số khuyến nghị để đẩy mạnh xanh hóa GDNN như sau:
Ở cấp quản lý nhà nước:
- Xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động mang tính tổng thể, dài hạn về xanh hóa trong GDNN. Các chính sách, giải pháp về phát triển kỹ năng cần có sự gắn kết chặt chẽ với chính sách về môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan.
- Bố trí đủ nguồn lực tài chính cho xanh hóa GDNN, trước mắt ưu tiên cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển lực lượng lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế xanh đã xác định. Thu hút các chương trình, dự án vốn ODA tham gia hợp tác giải quyết thách thức về kỹ năng xanh phục vụ phát triển bền vững.
- Tập trung xác định cụ thể các kỹ năng xanh trong các ngành, nghề đào tạo hiện có trong các bộ chuẩn đầu ra bao gồm các kỹ năng xanh chung và kỹ năng xanh chuyên môn theo đặc thù từng ngành, nghề đào tạo. Sớm ban hành đầy đủ chuẩn đầu ra cho các ngành, nghề đào tạo trong đó có ngành, nghề phục vụ việc làm xanh.
- Xác định và đưa các tiêu chí của cơ sở GDNN xanh trong các hoạt động kiểm tra, đánh giá cơ sở GDNN bao gồm kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, kiểm định chất lượng và đánh giá cơ sở GDNN chất lượng cao.
- Đẩy nhanh việc phát triển các mô hình mẫu về cơ sở GDNN xanh để tạo động lực và dẫn dắt các cơ sở GDNN khác trong hệ thống.
- Hỗ trợ cơ sở GDNN thực hiện chuyển đổi xanh bao gồm cung cấp các thông tin, hướng dẫn, tài liệu đào tạo thông qua một nền tảng riêng về xanh hóa GDNN trên trang web của Tổng cục GDNN, chia sẻ, nhân rộng kết quả triển khai xanh hóa GDNN trong Chương trình GIZ TVET, hỗ trợ nguồn lực, tư vấn kỹ thuật, tô chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo nhất là đội ngũ phụ trách vấn đề xanh hóa cơ sở GDNN, xây dựng, phát triển mạng lưới đội ngũ chuyên gia về xanh hóa GDNN.
- Nghiên cứu việc đánh giá, công nhận cơ sở GDNN xanh và cơ chế, chính sách khuyến khích các sáng kiến, giải pháp hiệu quả về xanh hóa GDNN.
- Chú trọng đào tạo, đào tạo lại kỹ năng xanh cho người lao động đặc biệt là nhóm yếu thế.
Ở cấp cơ sở GDNN
- Xác định nhiệm vụ, giải pháp xanh hóa cơ sở GDNN trong chiến lược, kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ sở GDNN.
- Chủ động cập nhật, tiếp thu thông tin kiến thức về xanh hóa GDNN, tích cực học hỏi các mô hình mẫu, các hướng dẫn về quy trình xanh hóa trong cơ sở GDNN để xác định cách tiếp cận và kế hoạch hành động phù hợp với cơ sở đào tạo. Xanh hóa cơ sở GDNN cần được xác định là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, cần xây dựng được văn hóa xanh trong cơ sở GDNN và mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo trước hết phải là hình mẫu, tấm gương để người học noi theo.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, người học về kỹ năng xanh. Chú trọng đào tạo kỹ năng xanh và kiểm tra đánh giá kết quả học tập kỹ năng xanh của người học gồm kỹ năng về kỹ thuật và nhận thức, thay đổi tư duy.
- Thu hút sự tham gia các bên liên quan trong triển khai xanh hóa cơ sở GDNN trong đó huy động tham gia của doanh nghiệp trong xác định nhu cầu kỹ năng xanh trong từng ngành nghề đào tạo, tham gia cùng cơ sở đào tạo và đánh giá người học.
- Có cơ chế khuyến khích với đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người học trong hoạt động chuyển đổi xanh đồng thời có cơ chế kiểm tra, đánh giá triển khai hiệu quả xanh hóa trong cơ sở GDNN.
Chúng ta nhận thức được rằng tăng trưởng kinh tế bền vững chỉ thành công khi có lực lượng lao động được trang bị đầy đủ kỹ năng xanh. Do vậy, thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xanh hóa GDNN là việc cần và phải làm để hiện thực hóa tham vọng này./.
Phạm Thị Minh Hiền, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Tài liệu tham khảo
1. GIZ TVET Việt Nam (2022). Ấn phẩm Xanh hóa đào tạo nghề trong GDNN Việt Nam. https://www.tvet-vietnam.org/wp-content/uploads/2022/10/221018-Greening-TVET-Thermactic-facsheets-VN-1.pdf
2. ILO (2019). Skills for Greener Future: A Global View.
3. UNECO-UNEVOC (2017). Greening TVET: A Practical Guide for Institutions
4. https://www.tvet-vietnam.org/vi/xanh-hoa-gdnn
5. https://www.cedefop.europa.eu/en/news/denmark-green-transition-vocational-education
[1]Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022
[2] Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022
[3] Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019
[4] Quyết định số 710/QĐ-BLĐTBXH ngày 23/5/2019
[5] Khảo sát thực hiện trong tháng 3/2022, đối tượng tham gia khảo sát gồm 12 CĐ trường trong dự án Phát triển GDNN tại Việt Nam do Chính phủ Đan Mạch tài trợ và 8 trường cao đẳng khác (tổng cộng 20 trường, trong đó 16 trường công lập, 04 trường tư thục), hình thức khảo sát: phiếu hỏi google form