I. Đào tạo và cấp chứng chỉ dựa vào năng lực của Indonesia
Khung trình độ quốc gia của Indonesia (Kerangka Kualifikasi Nasional Indonesia - KKNI) được ban hành từ năm 2011 và chính thức đưa vào áp dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2012 thông qua Sắc lệnh số 08 năm 2012 của Tổng thống Indonesia. Bên cạnh một số điểm tương đồng, KKNI có nhiều điểm khác biệt với khung trình độ quốc gia nước ta. Khung trình độ quốc gia Indonesia là để phân loại các trình độ năng lực quốc gia (gồm 9 bậc) nhằm so sánh, cân bằng và tích hợp giữa các lĩnh vực thuộc thiết chế giáo dục chính quy với đào tạo tại doanh nghiệp, kinh nghiệm làm việc thực tiễn, theo đó công nhận năng lực nghề nghiệp của người lao động tương ứng với cấu trúc vị trí việc làm (được chia theo 03 nhóm chuyên môn: Người vận hành (Operator) - từ bậc 1 đến bậc 3, Kỹ thuật viên (Technician) - từ bậc 4 đến bậc 6, Chuyên gia (Expert) - từ bậc 7 đến bậc 9) trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau của Indonesia; là cơ sở để xây dựng các tiêu chuẩn năng lực quốc gia (Standar Kompetensi Kerja Nasional Indonesia - SKKNI) phục vụ phát triển các chương trình đào tạo, triển khai đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (TVET) của Indonesia.

Học sinh tại Trung tâm Năng suất và Đào tạo nghề Indonesia thực hành nghề CNC
Việc xây dựng, phát triển các tiêu chuẩn năng lực quốc gia là nhiệm quan trọng, đóng vai trò là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính vì vậy, Chính phủ Indonesia đã xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn việc xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia, kết nối hệ thống tiêu chuẩn năng lực với hệ thống TVET từ khá sớm. Thí dụ: Indonesia ban hành Luật phát triển nhân lực năm 2003; Nghị định số 31 năm 2006 quy định về nhân lực và hệ thống đào tạo kỹ năng quốc gia; Nghị định số 02 năm 2016 quy định về tiêu chuẩn năng lực quốc gia; Nghị định số 23 năm 2004 quy định về hệ thống chứng chỉ chuyên môn quốc gia; Chỉ thị số 09 năm 2016 của Tổng thống về khôi phục các trường trung học nghề,… Nhìn chung, các văn bản hướng dẫn này có tác động thúc đẩy tiến trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn năng lực quốc gia ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề dựa trên 03 trụ cột: Tiêu chuẩn năng lực quốc gia; đào tạo dựa vào tiêu chuẩn năng lực; đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực nghề nghiệp quốc gia dựa vào tiêu chuẩn năng lực.
Theo quy định pháp luật của Indonesia, trách nhiệm xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn năng lực quốc gia thuộc về các bộ quản lý ngành. Vì vậy, mỗi bộ, ngành thuộc Chính phủ Indonesia đều thành lập một ủy ban chuyên trách có nhiệm vụ lập kế hoạch trung hạn, dài hạn về phát triển hệ thống các tiêu chuẩn năng lực quốc gia thuộc lĩnh vực bộ, ngành quản lý, đồng thời tổ chức xây dựng, cập nhật các tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Trong đó, giải pháp “vòng đời” (life – cycle approach) được xác định ưu tiên cho tiến trình xây dựng, cập nhật tiêu chuẩn năng lực. Việc xây dựng tiêu chuẩn năng lực có sự tham gia của nhiều đối tác xã hội như: cơ sở đào tạo nghề, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp. Ở Indonesia, hệ thống các cơ sở đào tạo nghề và cơ sở đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực cơ bản tách rời nhau, được vận hành tương đối độc lập. Tuy nhiên, có sự thống nhất giữa việc phát triển chương trình, tổ chức đào tạo nghề với đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực quốc gia là vì: việc phát triển chương trình đào tạo và các bộ công cụ thực hiện đánh giá, công nhận năng lực nghề nghiệp đều dựa vào các tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Các đối tác trong xã hội tham gia tiến trình đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực khá đa dạng: Một số cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, các viện thuộc chính phủ, nghiệp đoàn, các hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp.
Cũng như quốc gia khác, ở Indonesia, một lĩnh vực nghề nghiệp có thể liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý khác nhau. Vì vậy, một lĩnh vực nghề nghiệp có thể tham chiếu tới nhiều tiêu chuẩn năng lực quốc gia khác nhau để triển khai đào tạo, đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực cho người lao động. Nói riêng lĩnh vực Điện lạnh và điều hòa không khí (RAC), đến hết năm 2018, Indonesia có 14 bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia liên quan lĩnh vực này được ban hành từ các bộ, ngành liên quan như: Bộ Năng lượng, Bộ Thủy sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp… Giữa các bộ liên quan và ngành công nghiệp RAC (cơ sở sản xuất, các nhà thầu và doanh nghiệp chuyên lắp đặt thiết bị RAC) có sự cam kết phối hợp trong hoạt động xây dựng, cập nhật các bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Đặc biệt, họ áp dụng “giải pháp vòng đời” trong xây dựng tiêu chuẩn năng lực, theo đó, các bộ tiêu chuẩn được cập nhật kịp thời theo yêu cầu của ngành công nghiệp. Việc phát triển chương trình, giáo trình đào tạo, đánh giá năng lực chuyên môn người học được dựa trên các đơn vị năng lực được cấu trúc trong bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia. Hoạt động đánh giá, công nhận năng lực, cấp chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật viên RAC được thực hiện bởi 14 tổ chức đánh giá độc lập phân bố trên khắp lãnh thổ Indonesia. Chứng chỉ năng lực kỹ thuật viên RAC có giá trị trong 3 năm. Kỹ thuật viên RAC của Indonesia nếu có chứng chỉ công nhận năng lực sẽ được bố trí việc làm, trả lương theo bậc trình độ năng lực chuyên môn. Các quy định về phí và lệ phí trong đào tạo, đánh giá cấp chứng chỉ năng lực chuyên môn lĩnh vực này được thể hiện cụ thể cho từng nghề, bậc trình độ năng lực.

Tiết dạy tích hợp đào tạo kỹ thuật viên RAC (bậc 4) tại Trung tâm phát triển công nghiệp và đào tạo nghề Indonesia
Indonesia là quốc gia có quy mô dân số lớn với gần 300 triệu người, vì vậy yêu cầu và thách thức về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đối với phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân, doanh nghiệp rất cao. Thí dụ trong lĩnh vực RAC, trung bình mỗi ngày cần khoảng 334.000 dịch vụ về lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Trong 3 năm tới, nhu cầu kỹ thuật viên RAC theo dự báo vào khoảng 83.000 người. Tuy nhiên, mỗi năm các cơ sở đào tạo nghề của Indonesia chỉ cung ứng được khoảng 16.000 kỹ thuật viên, trong đó chỉ có trên dưới 10.000 được cấp chứng chỉ năng lực. Điều này là thách thức đối với cơ sở đào tạo nghề và cơ sở đánh giá, cấp chứng chỉ năng lực trong lĩnh vực này. Thực tế, Chính phủ Indonesia quy định yêu cầu kỹ thuật viên RAC để hành nghề phải có chứng chỉ năng lực chuyên môn về RAC.
II. Một số khuyến nghị đối với Việt Nam
Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là yêu cầu cấp thiết được xác định tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Gần đây, Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 21/CT-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua một số kinh nghiệm của Indonesia về đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ dựa vào năng lực, một số nội dung sau đây cần được xem xét, cân nhắc, nghiên cứu đề xuất để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nhân lực lĩnh vực RAC nói riêng:
(i) Cần xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn năng lực quốc gia thống nhất, làm cơ sở thực hiện đồng bộ giữa phát triển chương trình, giáo trình, triển khai đào tạo giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
(ii) Trên cơ sở Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được ban hành, phát triển khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia kết nối, hài hòa, đồng bộ với khung trình độ quốc gia Việt Nam.
(iii) Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, bố trí vị trí việc làm, trả lương đối với lao động được đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề quốc gia.
(iv) Tăng cường đầu tư về trang thiết bị, công nghệ phục vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động làm việc tại vùng sâu, vùng xa khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ đào tạo giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
(v) Riêng lĩnh vực Điện lạnh và Điều hòa không khí:
- Tăng cường nghiên cứu, dự báo danh mục việc làm thuộc lĩnh vực Điện lạnh và Điều hòa không khí trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai kế hoạch quản lý việc loại trừ chất HCFC, hướng tới hoàn thành cam kết Net-Zero của Việt Nam đến năm 2050;
- Xây dựng, cập nhật các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia lĩnh vực Điện lạnh và Điều hòa không khí và phát triển các công cụ đánh giá kỹ năng nghề; phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng cho đội ngũ kỹ thuật viên RAC; chú trọng các năng lực chuyển đổi xanh trong xây dựng bộ tiêu chuẩn và phát triển chương trình đào tạo nghề nghiệp.
- Thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng nghề lĩnh vực Điện lạnh và Điều hòa không khí.
Ths Vũ Bá Toản, Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
(Biên soạn từ kết quả chuyến thăm quan, học tập tại Jakarta, Indonesia)