Cập nhật ngày: 02/02/2023

Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trần Thị Thu Hà – CVCC, Phó Cục trưởng
Cục Kiểm định chất lượng GDNN

“Chất lượng”, theo lời nhà công nghiệp Hoa Kỳ Henry Ford, “có nghĩa là làm đúng ngay cả khi không ai nhìn thấy”. Đầu ra của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế, xã hội và công nghệ. Phát triển chất lượng là cần thiết, giúp các cơ sở GDNN có sức hấp dẫn hơn, cải thiện hình ảnh của GDNN trong mắt giới trẻ và phụ huynh học sinh đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh quốc gia. Để phát triển chất lượng, một yếu t không kém phần quan trọng hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng, đủ khả năng quy chiếu với các nước khác trong khu vực và có thể quy chiếu với các nước tiên tiến trên thế giới.  

Để đổi mới và nâng cao chất lượng,Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra giải pháp “Số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp”. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ nhằm cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

 

Do đó, việc bảo đảm chất lượng trong các cơ sở GDNN là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng hướng đến số hóa hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng là nhiệm vụ cần thiết đối với cơ sở GDNN, mà trước hết là các trường cao đẳng, trường trường trung cấp.

I. Căn cứ pháp lý và môt số lý thuyết liên quan đến xây dựng, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng cơ sở GDNN

1. Căn cứ pháp lý:

- Luật Giáo dục nghề nghiệp;

- Nghị định số 48/NĐ-CP ngày 15/5/2015 đã được thay thể bằng Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019  của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp có quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương “quy định về xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong CSGDNN” (khoản 7, điều 4),

- Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH).

- Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/06/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

- Thông tư số 35/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.

2. Một số lý thuyết có liên quan:

Khái niệm về đảm bảo chất lượng GDNN

 • Các quá trình đảm bảo các tiêu chuẩn và yêu cầu khi giảng dạy, học hỏi, quản trị giáo dục, đánh giá và ghi chú về các thành tựu đã được đáp ứng.

 (Nguồn tài liệu: SAQA 2013, Bắc Châu Phi)

 • Các quá trình và thủ tục đảm bảo chất lượng, đánh giá và cung cấp chương trình đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định.

(Nguồn tài liệu: ILO (SED) 2007, Quốc tế)

• Một mô hình được kế hoạch và có thệ thống của mọi hoạt động cần thiết tạo sự tự tin rằng sản phẩm, các thành phần phù hợp với mục đích sử dụng sản phẩm. (Nguồn tài liệu: TESDA 2010, Philippines)

 • Đảm bảo chất lượng bao gồm mọi hoạt động liên quan tới đánh giá và cải thiện giá trị sự can thiệp trong phát triển hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn có sẵn. Ghi chú: Các ví dụ của các hoạt động đảm bảo chất lượng bao gồm sự đánh giá, RBM (Results-Based Management – quản lý dựa vào kết quả)), xem xét trong quá trình thi hành, đánh giá, v.v… Đảm bảo chất lượng còn có thể tham khảo từ việc đánh giá chất lượng của danh mục đầu tư và hiệu quả của việc phát triển nó. (Nguồn tài liệu: OECD 2010)

* Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5814:  “Bảo đảm chất lượng là toàn bộ hoạt động có kế hoạch và hệ thống được tiến hành trong hệ chất lượng và được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo sự tin tưởng thoả đáng rằng thực thể (đối tượng) sẽ thoả mãn đầy đủ các yêu cầu chất lượng”.

* Hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đạt được mục tiêu đề ra (TT28/2017/TT-BLĐTBXH).

II. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng

1. Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng:

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng theo quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH và các hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung sau:

1.1. Các điều kiện cần thiết để thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng nhà trường

Để thiết lập hệ thống và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng tại nhà trường các điều kiện sau được coi là cần thiết.

Lãnh đạo nhà trường

Ø  Lãnh đạo nhà trường (đặc biệt là Hiệu trưởng) cần thấy được ý nghĩa mang tính quyết định của chất lượng đào tạo với khả năng tồn tại và phát triển của trường, qua đó có những hành động cụ thể trong thiết lập hệ thống bảo đảm chất lượng của trường.

Ø  Đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc thay đổi mô hình và phương pháp quản lý mới đối với nhà trường.

Ø  Thấu hiểu những vấn đề mang tính cốt lõi, cơ bản của chất lượng, khách hàng (người học/cơ quan sử dụng nhân lực...) và các nguyên tắc của hệ thống bảo đảm chất lượng tiếp cận theo quá trình.

Ø  Cung cấp các nguồn lực cần thiết để thiết lập, vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường.

Các thành viên trong nhà trường

Ø  Hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc thiết lập và vận hành hệ thống quản lý chất lượng trong nhà trường.

Ø  Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đối với từng công việc cụ thể.

Ø  Có nhân lực làm nòng cốt trong việc thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng.

Trang thiết bị/ cơ sở vật chất

Ø  Đảm bảo các yêu cầu mang tính bắt buộc để đảm bảo chất lượng đào tạo theo các quy định của nhà nước.

Ø  Có hệ thống thông tin nội bộ thông suốt đảm bảo cho việc hỗ trợ thực hiện các hoạt động.

Theo dõi & đo lường

Ø  Có khả năng theo dõi, đo lường các yếu tố liên quan đến hệ thống bảo đảm chất lượng (kết quả thực hiện các quá trình, mức hài lòng của khách hàng…).

Ø  Sự sẵn sàng của các công cụ đo lường và hỗ trợ phân tích.

Phương pháp

Ø  Xác định rõ mục tiêu, chiến lược phát triển nhà trường.

Ø  Có sự hỗ trợ của cơ quan cấp trên về phương pháp thiết lập và vận hành hệ thống.

1.2. Quy trình thiết lập hệ thống bảo đảm chất lượng

Quy trình thiết lập hệ thống bảo đảm chất lượng được thực hiện theo quy định tại Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH và điều kiện hoạt động của nhà trường, có thể tham khảo qua lưu đồ sau:

Hình 1: Ví dụ về Lưu đồ quy trình xây dựng và vận hành hệ thổng bảo đảm chất lượng 

Đặc tả lưu đồ:

Bảng 2: Ví dụ về Đặc tả lưu đồ quy trình xây dựng và vận hành hệ thổng bảo đảm chất lượng

Stt

Bước công việc

 

Nội dung

Đơn vị/người thực hiện

Người/đơn vị phối hợp 

Kết quả cần đạt/ Hồ sơ lưu 

1.

Xác định các vấn đề/ lĩnh vực quản lý

Xác định các vấn đề quản lý trên cơ sở phân tích các yếu tố đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra của hoạt động đào tạo.

Các đơn vị

 

Danh mục các vấn đề quản lý

2.

Xác định nội dung quản lý

Xác định nội dung quản lý  theo từng vấn đề quản lý đã được xác định.

Các đơn vị

 

Danh mục các nội dung quản lý

3.

Xác định các hoạt động cần quản lý

Xác định các hoạt động quản lý cần thực hiện trong từng nội dung quản lý.

Các đơn vị

Đơn vị phụ trách

Danh mục các hoạt động quản lý

4.

Thiết lập hệ thống tài liệu chất lượng

Xây dựng các tài liệu của hệ thống bảo đảm chất lượng như: Chính sách chất lượng; Mục tiêu chất lượng, Quyền hạn trách nhiệm, hướng dẫn và mô tả công việc…

Các đơn vị

Đơn vị phụ trách

Danh sách các tài liệu cần biên soạn

Tài liệu được biên soạn theo đúng mẫu

5.  

Thiết lập hệ thống thông tin BĐCL

Thiết lập hệ thống thông tin BĐCL

Các đơn vị

Đơn vị phụ trách

Hệ thống cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin

6.

Quyết định ban hành hệ thống tài liệu

Ra quyết định ban hành hệ thống tài liệu bảo đảm chất lượng nhà trường.

Hiệu trưởng

 

Quyết định ban hành

7.

Áp dụng vận hành

Áp dụng hệ thống tài liệu vào thực tiễn hoạt động của nhà trường.

Thu thập hồ sơ minh chứng chứng minh quá trình thực hiện.

Các đơn vị

Phòng chức năng

Danh mục HSMC theo quy định được xác định trong các tài liệu

8.

Đánh giá cấp đơn vị

Đơn vị thực hiện đánh giá theo các nội dung được quy định và lập báo cáo đánh giá cấp đơn vị.

Các Đơn vị

Đơn vị phụ trách

Kế hoạch đánh giá

Báo cáo đánh giá HTĐBCL cấp đơn vị

9.

Đánh giá cấp trường

Tiến hành đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng, xác định các điểm phù hợp/ không phù hợp với yêu cầu của hệ thống bảo đảm chất lượng.

Lập báo cáo đánh giá  hệ thống bảo đảm chất lượng cấp trường.

Đơn vị phụ trách

Các đơn vị

Kế hoạch đánh giá

Báo cáo đánh giá HTĐBCL cấp trường

10.

Triển khai hành động khắc phục

Xác định nguyên nhân gốc rễ và thực hiện các hành động xử lý và khắc phục cần thiết để không lặp lại các điểm KPH.

Các đơn vị

Đơn vị phụ trách

Biên bản xác định nguyên nhân

Kế hoạch khắc phục điểm KPH

11.

Xem xét và đề xuất cải tiến

Xem xét kết quả phân tích đề xuất các phương án cải tiến.

Đơn vị phụ trách

 

Biên bản họp xem xét của lãnh đạo

Ghi chú: Trường hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong BĐCL: Tùy điều kiện của trường có thể áp dụng ngay trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc trường có thể thí điểm vận hành hệ thống BĐCL sau đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống BĐCL.

 

1.3. Những điểm cần quan tâm trong quá trình xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng (theo chu trình P-D-C-A)

 

Công văn Số 2085/QLCL-KĐCLGD Về hướng dẫn tự đánh giá (TĐG) và và đánh giá ngoài (ĐGN) chương trình đào tạo (CTĐT)

 Plan – Lập kế hoạch

Ø  Sự cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo

Ø  Xác định rõ khách hàng và nhu cầu khách hàng

Ø  Xác định rõ những yêu cầu của tiêu chuẩn khi áp dụng vào đào tạo

Ø  Nhận thức đúng về bảo đảm chất lượng và vai trò của từng cá nhân trong việc vận hành hệ thống

Ø  Tuyên truyền và phát huy vai trò của sinh viên

Ø  Nhận diện và xây dựng hệ thống tài liệu phù hợp có tính khả thi tránh “bẫy tài liệu”

Do – Thực hiện

Ø  Hạn chế giấy tờ

Ø  Có đội ngũ chuyên sâu thực hiện các hoạt động

Ø  Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý các hoạt động của nhà trường

Ø  Chú trọng hành động phòng ngừa

Check – Kiểm tra, kiểm soát

Ø  Phối hợp hoạt động thanh/ kiểm tra với hoạt động đánh giá hệ thống

Ø  Thực hiện triệt để hành động khắc phục

Ø  Duy trì thường xuyên hoạt động lấy ý kiến khách hàng

Action – Cải tiến

Ø  Tránh xảy ra lỗi

Ø  Không để lỗi lặp lại

Ø  3S (Small, Smart, Simple)

1.4. Trách nhiệm của cơ sở GDNN trong việc xây dựng và áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng

Ø  Thực hiện xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng trường.

Ø  Tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người lao động trường về xây dựng, vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng và tự đánh giá chất lượng.

Ø  Công bố công khai các thông tin về hệ thống bảo đảm chất lượng.

Ø  Thực hiện chế độ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.

Ø  Lưu trữ hồ sơ, tài liệu và các minh chứng theo quy định hiện hành về văn thư – lưu trữ và quy định đặc thù của ngành nếu có.

1.5. Xây dựng và phát triển Hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng

- Thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng theo quy định tại Điều 8 Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH.

- Trường cao đẳng, trung cấp xây dựng và quản lý hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng theo định hướng sau:

+ Xác định nhu cầu của hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng xây dựng mới hoặc nâng cấp những thông tin hiện có của Trường, các thông tin phản ánh về hệ thống ở từng đơn vị phòng, khoa, trung tâm,…; các nội dung, thông tin hoạt động bảo đảm chất lượng của nhà trường; các hình thức, công cụ quản lý, chia sẻ thông tin; hạ tầng hệ thống thông tin; phân hệ của hệ thống thông tin; nghiên cứu tính khả thi,… Từ đó đưa ra lộ trình, kế hoạch để triển khai xây dựng hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng của trường.

+ Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu liên quan về hoạt động bảo đảm chất lượng gồm: Hệ thống các văn bản, tài liệu, quy định, hướng dẫn, thủ tục, quy trình… về hoạt động bảo đảm chất lượng trong và ngoài trường; Cơ sở dữ liệu đầu vào, đầu ra và hồ sơ minh chứng về quá trình vận hành các quy trình; Cơ sở dữ liệu trong hoạt động khảo sát các bên liên quan; Các kế hoạch, báo cáo, các mẫu phiếu khảo sát…, cơ sở dữ liệu trong hoạt động tự đánh giá; Các thông tin, dữ liệu khác có liên quan. Trong đó tập trung phân tích 2 thành phần chính của hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng là dữ liệu và xử lý.

* Về dữ liệu: xác định các dữ liệu cơ bản cần tổ chức lưu trữ bên trong hệ thống, quan hệ giữa các loại dữ liệu,...

 * Về xử lý: xác định các chức năng, các quy trình xử lý thông tin theo yêu cầu của các phòng, khoa, trung tâm,... của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

+ Quản lý, thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN bao gồm:

Sử dụng cổng thông tin điện tử, hệ thống email và hệ thống quản lý văn bản điều hành,…để quản lý và chia sẻ các thông tin về bảo đảm chất lượng tới các bên liên quan.

Sử dụng công cụ khảo sát online (Goolge Sheet, Google form, Microsoft form, ...) để hỗ trợ việc thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu trong hoạt động khảo sát các bên liên quan.

Sử dụng công cụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu online (Google driver, Onedrive, SharePoint Office 365, …) trong việc số hóa, chia sẻ thông tin minh chứng, các báo cáo về hoạt động bảo đảm chất lượng, tự đánh giá chất lượng của cơ sở GDNN.

Tuy nhiên, tùy từng điều kiện thực tế của cơ sở GDNN để đưa ra giải pháp phù hợp trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng. Trong đó các trường đào tạo đòi hỏi tính bảo mật thông tin (như các trường thuộc các ngành công an, quân đội,…), nhà trường cần có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý, định hướng phát triển nhà trường vừa phù hợp với định hướng ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số,... của quốc gia và của ngành.

III. Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng

Hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN được rà soát, đánh giá và cải tiến liên tục.

Tùy điều kiện của nhà trường thiết kế các quy trình, công cụ cho phù hợp, kể cả việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá hệ thống bảo đảm chất lượng của trường (các hoạt động trong đào tạo, quản lý, hệ thống thông tin,...).

Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong các hoạt động đào tạo của trường cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Số hóa trong đào tạo cũng là xu hướng công nghệ hiện nay, đáp ứng nhu cầu học tập của người học, nâng cao hiệu quả trong đào tạo.  Sau đây là một số mô hình đào tạo:

          Đào tạo K-Digital - Đào tạo thông minh

Đào tạo K-Digital (Digital developments at Kiefel) là phương pháp đào tạo từ xa sử dụng các loại máy hiện đại và các phần mềm như VR (VR là thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo - tiếng Anh là virtual reality, viết tắt là VR - là thuật ngữ miêu tả một môi trường mô phỏng bằng máy tính)  và các chương trình máy tính, dịch vụ dựa trên vị trí. Giảng viên và sinh viên được quản lý bằng máy tính.

Đào tạo thông minh yêu cầu: (Sáng tạo) thiết kế khoá đào tạo, nội dung đào tạo, quản lý sinh viên và khoá đào tạo cần mang tính sáng tạo / Các hoạt động phải được thực hiện trên phần mềm máy tính hoặc hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System) phải được số hoá và tự động hoá.

  (LMS) Cần thiết:  LMS thiết kế bởi cơ quan đào tạo để giữ bảo mật cơ sở hạ tầng phần mềm, phần cứng của cơ quan.

          Nội dung kiểm tra đào tạo thông minh:

 

 

 

Hạng mục kiểm tra

 

 

 

Nội dung kiểm tra

Tính phù hợp với đào tạo thông minh

Tính sáng tạo

Các thành tựu giáo dục và thành tựu về công nghệ kỹ thuật số mới

Các phương pháp sáng tạo (giáo dục dựa trên nhiệm vụ, học tập năng động, đào tạo phù hợp với cá nhân)

Có thể thực hiện LMS có khả năng thực hiện phương pháp giáo dục sáng tạo hay không

Hình thức đào tạo thông minh

Có phải đào tạo thông minh dưới dạng dựa trên kỹ thuật công nghệ hoặc dạng hướng dẫn thiết kế ?

Trình độ đào tạo thông minh (chi phí đào tạo)

Hệ thống hỗ trợ học tập

Các chức năng của hệ thống hỗ trợ học tập như LMS đã đủ ổn định để hỗ trợ phù hợp đào tạo thông minh chưa?

Cơ quan / cá nhân

Cơ quan và nhân lực đào tạo đã được trang bị đầy đủ một cách có hệ thống để điều hành đào tạo thông minh trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số mới chưa?

Dịch vụ hỗ trợ học tập

Cung cấp kế hoạch cụ thể để đảm bảo tài liệu và dịch vụ hỗ trợ học tập cho đào tạo thông minh được hỗ trợ

 

 

(Nguồn: Tài liệu Khóa đào tạo nâng cao năng lực GDNN Việt Nam 2022- KOICA)

* Phát triển các công cụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo cũng như các hoạt động quản lý. Các công cụ cũng có thể được ứng dụng công nghệ thông tin hoặc số hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện.

Ví dụ tham khảo: Công cụ Kiểm tra 1 phút của trường  Cao đẳng Cymeodd (Vương Quốc Anh) – Tài liệu Bộ công cụ bảo đảm chất lượng được chuyển giao từ các trường cao đẳng Vương Quốc Anh (Nguồn TCGDNN)

         

 

Quy trình/công cụ:  KIỂM TRA 1 PHÚT

          1. Mục đích

          Phiếu kiểm tra 1 phút được sử dụng để:

          + Củng cố và đánh giá sự tiếp thu bài học của HSSV

          + Kiểm tra nhận thức của HSSV

          + Kiểm tra nhanh kiến thức đầu giờ, giữa giờ và cuối giờ dạy

          2. Các bước thực hiện xây dựng

          3.  Phạm vi, đối tượng áp dụng

          Giáo viên, học sinh sinh viên

          4. Hướng dẫn sử dụng

          Bước 1. Giáo viên chuẩn bị sẵn phương án sử dụng Phiếu kiểm tra 1 phút có thể được thực hiện đầu, cuối giờ học để kiểm tra kiến thức của HS

          Bước 2. Trong quá trình giảng dạy, GV sử dụng phiếu kiểm tra 1 phút để yêu cầu sinh viên suy nghĩ độc lập về nội dung bài học, những vấn đề trong nội dung chính của bài học...

          Bước 3. Xử lý kết quả: Kết quả có thể giúp giáo viên quyết định phải thay đổi cách truyền đạt nội dung hoặc phương pháp giảng dạy....

          Bước 4. Phiếu kiểm tra 1 phút cũng đảm bảo các câu hỏi của sinh viên sẽ được đặt ra và sẽ có các câu trả lời khác nhau nhằm giúp sinh viên học sâu hơn.

           Ưu điểm chính của phương pháp này là giáo viên nhanh chóng nắm được liệu sinh viên đã hiểu bài hay mức độ tiếp thu bài ra sao, liệu nội dung giáo viên truyền đạt được có được sinh viên tiếp thu hoàn toàn không. Ngoài ra, bằng cách sinh viên tự đặt câu hỏi khi kết thúc bài giảng, phần đánh giá sẽ trở thành phần đối thoại trao đổi giữa giáo viên và HSSV.

5. Nội dung Quy trình/công cụ

 

 

Tóm lại: Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN là một quá trình liên tục nhằm bảo đảm và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt, đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp thì việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng vừa là nhiệm vụ và trách nhiệm. Chính vì vậy, nhà trường quan tâm thực hiện xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng theo quy định tại Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH. Hệ thống bảo đảm chất lượng luôn được rà soát, đánh giá và cải tiến liên tục cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, chiến lược phát triển của trường sẽ giúp chất lượng đào tạo của trường luôn được bảo đảm và không ngừng nâng cao, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tiềm lực khoa học - công nghệ, ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phục vụ công tác, chiến đấu, xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội số và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014);

2. Luật Giáo dục (2019);

3. Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 tại Hội nghị TW 8 khóa XII về Đổi mới căn bản toàn diện GD –ĐT;

4. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;

5. Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH ngày 08/6/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

6. Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN;

7. Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025;

8. Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

9. Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

10. Tài liệu tập huấn Bảo đảm chất lượng GDNN – Tổng cục GDNN

11. Bộ công cụ Bảo đảm chất lượng được chuyển giao từ các trường cao đẳng của Vương quốc Anh.

12. Tài liệu khóa đào tạo Nâng cao năng lực GDNN Việt Nam năm 2022 – KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc).