Cập nhật ngày: 01/02/2021

 Để đưa ra các nhóm giải pháp nhằm định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng (sau đây gọi chung là GDNN), các quốc gia trên thế giới đều xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn, tùy theo tình hình phát triển và nhu cầu phát triển của mình. Mỗi nước có tên gọi khác nhau, có thể là Chiến lược, Kế hoạch hoặc Chương trình... (sau đây gọi chung là Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình đó có thể dài (10 năm, 5 năm) nhưng cũng có thể ngắn (2 năm, 1 năm). Chẳng hạn, Phi-líp-pin có Kế hoạch phát triển kỹ năng và dạy nghề năm 2017-2022; Ả-rập-xê-út có Chiến lược GDNN; In-đô-nê-xi-a có Kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia 2015-2030; Trung Quốc có Kế hoạch quốc gia cho phát triển và cải cách giáo dục trung và dài hạn 2010-2020.

Tương tự như vậy, ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020 và hiện đang xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một số kết quả ban đầu trên cơ sở rà soát nhanh kinh nghiệm quốc tế liên quan đến quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển GDNN của các nước G20 và 4 nước ASEAN dưới đây hướng đến phục vụ việc xây dựng Chiến lược này.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Nhìn chung, nội dung các Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình là khác nhau tùy theo ưu tiên và bối cảnh của các nước nhưng quá trình xây dựng và hoàn thiện thường trên cơ sở đánh giá, phân tích và đề cập tới các vấn đề như: xác định thách thức, xác định nhu cầu của thị trường lao động (dự báo kỹ năng); phát triển kỹ năng, tiếp cận kỹ năng bao trùm; đào tạo thường xuyên, vấn đề tài chính, xác định các chỉ số đo lường chất lượng GDNN (Key Performance Indicators)… Một số nước quy định cả vấn đề Công nhận kết quả học tập trước đây (Recoginition of Prior Learning (RPL). Qua rà soát, có thể rút ra một số điểm chính như sau:

1.     Mục tiêu xây dựng Chiến lược phát triển GDNN

Các Chiến lược thường xác định mục tiêu/mục đích rất rõ ràng. Một số mục tiêu chính của chiến lược phát triển GDNN các nước G20 và ASEAN trong thời gian tới bao gồm:

- Tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực GDNN phát triển và cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng; tăng cường năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế của cả hệ thống GDNN.

- Chuẩn bị cho lực lượng lao động trước những thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; giúp các sinh viên có được các kỹ năng học thuật và kỹ thuật khó và được chuẩn bị để có các công việc có kỹ năng cao, lương cao và yêu cầu cao trong nên kinh tế toàn cầu.

- Cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng và hiệu quả giúp người học có thể tìm được việc thích hợp trong thị trường lao động.

- Đảm bảo những ngành có tiềm năng tăng trưởng kinh tế và việc làm cao được đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng lực lượng lao động.

- Phát triển một nền GDNN hiệu quả hơn, công bằng hơn, đáp ứng nhu cầu của người học, người sử dụng lao động và ngành nghề. Mọi người trong độ tuổi lao động đều có thể tiếp cận với các dịch vụ đào tạo.

- Xây dựng mạng lưới từ giáo dục cơ bản đến chuyên nghiệp; kết nối giữa chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng.

- Khuyến khích đầu tư vào các cơ sở GDNN tư nhân.

Một số quốc gia xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, có thể là hàng năm hoặc 2, 3 năm với mục tiêu hết sức cụ thể và đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, cải cách. Năm 2019, Trung Quốc đưa ra Chiến lược cải cách GDNN năm 2019, trong đó xác định hai mục tiêu cụ thể, gồm “Cải thiện hệ thống GDNN quốc gia”, tập trung vào cải thiện khung hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia; cải thiện giáo dục trung cấp nghề; thúc đẩy phát triển GDNN chất lượng cao; cải thiện hệ thống đào tạo các chuyên gia cấp cao có kỹ năng thực tế, và “Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về GDNN” tập trung vào nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy trong giáo dục nghề nghiệp; thí điểm hệ thống chứng nhận 1 + X; hỗ trợ và thúc đẩy đào tạo nghề chất lượng cao với chính sách đầy đủ; xây dựng một "ngân hàng tín chỉ" quốc gia cho giáo dục nghề nghiệp thông qua đó có thể lưu trữ, công nhận kết quả học tập của một cá nhân và để cho phép chuyển đổi kết quả giáo dục sang các chứng chỉ/bằng cấp khác.

2.     Những thách thức chính đối với lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp

Việc xác định được thách thức đối với GDNN ở hiện tại cũng như trong tương lai của một nền GDNN là rất quan trọng. Thông thường, các nước xác định được các thách thức càng cụ thể thì càng đưa ra được những giải pháp hiệu quả. Các thách thức chính mà các nước G20 và các nước ASEAN thường gặp phải là:

- Vấn đề toàn cầu hóa, dịch chuyển và thay đổi cơ cấu dân số; sự tiến bộ của khoa học công nghệ; những thách thức về thị trường lao động đối với GDNN sau phổ thông trung học (đối với tất cả các quốc gia), cụ thể: xu hướng công nghệ đang thay đổi trong khi đó phương pháp giảng dạy ở tất cả các trình độ giáo dục đã không làm cho sinh viên phát triển đầy đủ các kỹ năng mềm; thiếu đội ngũ giáo viên được đào tạo cho các khóa học về công nghệ thông tin; không thể điều chỉnh nhanh giáo trình giảng dạy theo những thay đổi công nghệ.

- Thiếu hụt đội ngũ công nhân kỹ thuật và học nghề có trình độ trong tất cả các ngành. Nguyên nhân là do những thách thức mà cả giáo dục đại học công lập và tư thục đang gặp phải để theo kịp nhu cầu của ngành, cũng như tư tưởng ưu tiên lựa chọn giáo dục học thuật, GDNN thiếu sức hấp dẫn (đặc biệt tại các nước ASEAN).

- Các vấn đề nội tại của mỗi quốc gia: già hóa dân số (Nhật Bản, Đức, Úc…); tỷ lệ thất nghiêp của thanh niên ngày càng tăng; sự chênh lệch về điều kiện làm việc giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ (Hàn Quốc); cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo (các nước ASEAN và cả Mê-hi-cô); bình đẳng giới trong GDNN (Ả-rập-Xê-út); sự phát triển GDNN không đồng đều giữa các vùng miền (Trung Quốc, Úc).

- Công tác thu thập, phân tích về GDNN cũng như dự đoán kỹ năng còn yếu (Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a).

- Thiếu sự phối hợp giữa các chủ thể chính trong thị trường lao động, gồm cơ quan lao động, tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo/giáo dục (ở hầu hết các nước ASEAN), trong đó quan trọng nhất là thiếu sự gắn kết, quan tâm của doanh nghiệp/ngành nghề với các cơ sở GDNN, đào tạo dựa trên công việc thực tế.

- Thiếu sự hỗ trợ cho các nhóm yếu thế.

- Thiếu giáo viên và giáo viên thiếu kinh nghiệm ngành nghề thực tế.

- Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như những thách thức về toàn cầu hóa và công nghệ đang có tác động lên nhu cầu về các kỹ năng mới.

Từ việc xác định các thách thức, các quốc gia đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng thách thức. Ví dụ, để tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, Phi-líp-pin đưa ra chương trình “Entreprise-based programme” (chương trình dựa vào doanh nghiệp). Hay như Hàn Quốc, vấn đề thất nghiệp ở lao động trẻ được cụ thể bằng các chương trình: “Work first, Colleague later” (Đi làm trước, đi học sau) cho học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, hay chương trình “on-the-job training” (Vừa học, Vừa làm)…

3.     Dự báo nhu cầu kỹ năng

Dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai là một công việc rất khó khăn. Nhiều nước phát triển hệ thống dự báo kỹ nặng dựa trên các công cụ sẵn có của mình, ví dụ: thông qua hệ thống các báo cáo số liệu về thị trường lao động, khảo sát người lao động và doanh nghiệp; hỗ trợ đối thoại xã hội. Chẳng hạn, ở Phi-líp-pin áp dụng đồng thời nhiều công cụ như: bộ PSALM gồm: định hướng chính sách, ngành trọng điểm, thị trường lao động theo khu vực; hoặc các báo ngành, hoặc các báo cáo về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và tiến hành nghiên cứu về nguyên nhân và đánh giá tác động; Braxin áp dụng Mô hình tương lai SENAI để dự báo cầu kỹ năng…

Một công cụ phổ biến mà các quốc gia có nền GDNN phát triển sử dụng đó là việc thành lập và thông qua Hội đồng kỹ năng ngành (Úc, Mê-hi-cô). Các hội đồng quản lý kỹ năng với sự tham gia của đại diện, lãnh đạo đến từ khối tư nhân, nhà nước, lao động, giáo dục, xã hội, trong các lĩnh vực khác để đảm bảo đối thoại thường xuyên về kỹ năng.

Một số nước áp dụng các thiết chế nhà nước trong dự báo nhu cầu kỹ năng, trong đó, đi đầu về thành công trong dự báo nhu cầu kỹ năng phải kể đến Hàn Quốc. Hàn Quốc đã xây dựng rất tốt các công cụ phân tích: định lượng thị trường lao động; điều tra người lao động và người sử dụng lao động; nghiên cứu lĩnh vực; Hội đồng Chính sách việc làm tăng cường đối thoại giữa chính phủ và các bên liên qua. Một số công cụ nổi bật như: Triển vọng Việc làm quốc gia Hàn Quốc (NEO) do Cơ quan Thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS) thực hiện; Bảo hiểm việc làm; Hệ thống tiêu chuẩn chuyên môn; Liên hệ cá nhân và Triển vọng Kỹ năng quốc gia…Ở Mỹ, phân tích nhu cầu kỹ năng do Cục Thống kê Lao động (BLS) thực hiện nhằm dự báo về việc làm trong ngành và nghề nghiệp, lực lượng lao động, nền kinh tế tổng hợp, sản lượng công nghiệp, việc làm và các cơ hội nghề nghiệp. Sau khi hoàn thành quá trình phân tích, BLS cung cấp các thông tin yêu cầu về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mặc dù mỗi nước đều phải dự báo nhu cầu kỹ năng, một số quốc gia, như In-đô-nê-xi-a vẫn kết hợp đào tạo các lĩnh vực truyền thống hoặc có thế mạnh và các ngành/nghề có xu hướng phát triển trong tương lai. Cụ thể, theo truyền thống, các trường trung học dạy nghề tập trung đào tạo sinh viên ở các lĩnh vực: công nghệ và cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, sức khoẻ y tế, nghệ thuật, điêu khắc, du lịch, kinh doanh trong nông nghiệp, quản lý kinh doanh…Theo Chỉ thị số 09 của Thủ tướng năm 2016, nhằm đảm bảo GDNN đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, hiện nay, Bộ Giáo dục In-đô-nê-xi-a hướng các trường tập trung vào 06 ngành nghề trọng điểm, gồm: du lịch, hàng hải, an ninh thực phẩm, các ngành công nghiệp sáng tạo, năng lượng và xây dựng bên cạnh tiếp tục phát triển một số ngành mang tính chiến lược như: thực phẩm và nước giải khát, thép, mỏ, dịch vụ vận chuyển, công nghệ thông tin, an ninh mạng, kế toán tài chính, bán hàng, chuỗi cung ứng, khoa học sức khoẻ và đời sống.

4.     Phát triển kỹ năng

Qua nghiên cứu, bản chất và giải pháp căn bản của vấn đề phát triển kỹ năng của các nước là tập trung gắn kết doanh nghiệp và GDNN, công nhận kỹ năng và đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng tiêu chuẩn năng lực quốc gia.

Tại Thái Lan, ba tiêu chuẩn áp dụng đo lường chất lượng GDNN gồm: Tiêu chuẩn nghề nghiệp hoặc Tiêu chuẩn năng lực, tiếp cận Tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp (VQ); Tiêu chuẩn Giáo dục nghề phổ thông và Tiêu chuẩn viện đào tạo, tiếp cận chất lượng các trường cao đẳng theo quy trình đảm bảo chất lượng.

          Tại Trung Quốc, Chiến lược phát triển GDNN năm 2019 đề ra nhiệm vụ rất cụ thể: “Đến năm 2022, Trung Quốc đề ra mục tiêu chọn lựa một số trường đại học để chuyển đổi sang mô hình các cơ sở giáo dục “thực hành”, theo đó, sinh viên tốt nghiệp vừa có bằng cử nhân vừa có chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp (mô hình “1 + X”). Mô hình “1 + X” cho phép các cơ sở GDNN và các trường đại học cấp phát văn bằng trình độ kèm theo đó là chứng chỉ kỹ năng nghề. Mô hình này được thử nghiệm tại một số trường được lựa chọn từ tháng 3 năm 2019. Từ năm 2019, một “ngân hàng tín chỉ” cho lĩnh vực GDNN sẽ được thành lập nhằm lưu giữ tín chỉ về GDNN của một cá nhân và cho phép chuyển đổi tín chỉ sang các loại chứng nhận/bằng cấp khác.

          Tại In-đô-nê-xi-a, nhiều chương trình phát triển kỹ năng được triển khai, trong đó tập trung vào gắn kết GDNN với doanh nghiệp, như: (i) Chương trình hợp tác công tư (PPP) ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm tăng cường chất lượng GDNN. Hợp tác giữa GDNN và doanh nghiệp có thể dưới nhiều hình thức: gửi sinh viên thực tập, các chương trình "đào tạo cho người đào tạo", thiết kế, xây dựng chương trình để đảm bảo các chương trình GDNN theo nhu cầu; (ii) Các chương trình đào tạo theo nhu cầu dựa trên khái niệm "kết nối và phù hợp: xây dựng hệ thống giáo dục kép, trong đó kết hợp các chương trình giáo dục tại trường và các chương trình đào tạo kỹ năng thông qua thực hành tại nơi làm việc một cách có hệ thống. Một chương trình rất điển hình ở In-đô-nê-xi-a là chương trình thực tập và thực hành công việc (Prakerin), theo đó, có các hoạt động như phối hợp đánh giá chương trình, mời giáo viên từ các ngành nghề khác nhau đến giảng dạy; (iii) Tăng cường các kỹ năng thực hành hơn là lý thuyết; áp dụng chương trình đào tạo dựa theo nhu cầu, thúc đẩy sự tham gia của khối ngành nghề; và (iv) Ưu tiên phát triển kỹ năng trong những ngành kinh tế quan trọng.

          Tại Úc, các Hội đồng tham chiếu ngành (IRC) là kênh chính thức để xem xét các yêu cầu kỹ năng của ngành trong việc xây dựng và xem xét các gói đào tạo. Mỗi IRC được tạo thành từ những người có liên kết chặt chẽ với ngành công nghiệp. Họ là những nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực riêng, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và các cơ quan cao nhất cho đến các công đoàn, những người hiểu nhu cầu kỹ năng của ngành, ngành hoặc nghề nghiệp của họ. IRCs tư vấn cho Ủy ban Kỹ năng và Công nghiệp Úc về nhu cầu kỹ năng của ngành của họ. IRCs đảm bảo các gói đào tạo đáp ứng nhu cầu và mối quan tâm của người sử dụng lao động, nhân viên, nhà cung cấp đào tạo…

Đức nổi tiếng với hệ thống đào tạo nghề kép nhằm thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hệ thống GDNN kép và các cơ sở GDNN bậc cao và tăng cường tính thống nhất trong đào tạo kỹ năng.

5.     Tiếp cận bao trùm trong phát triển kỹ năng

Xu hướng phát triển GDNN trong thời gian tới sẽ hướng nhiều tới tiếp cận bao trùm trong phát triển kỹ năng. Phần lớn các quốc gia được nghiên cứu đều có các biện pháp về tiếp cận bao trùm, thường là khá đa dạng, từ các chương trình học bổng, các chương trình giáo dục nghề miễn phí cho các nhóm đặc biệt và ưu tiên trong xã hội, hỗ trợ công nhận bằng cấp để tiếp cận vào thị trường lao động dễ dàng hơn cho những nhóm yếu thế hoặc các chương trình đào tạo suốt đời. Tiếp cận kỹ năng bao trùm được triển khai sớm và toàn diện hơn ở các nước G20 phát triển. Ví dụ, Úc có chương trình tăng số lượng sinh viên tham gia học nghề với nhóm người có thu nhập thấp, những người dân tộc thiểu số, tị nạn và những người khuyết tật là những nhóm ưu tiên của nhà nước. Ở Đức, các nhóm thanh niên di cư, hoặc người khuyết tật có các chương trình hỗ trợ từ trường học chuyển sang học nghề. Hàn Quốc có chương trình phát phiếu (voucher) học tập cho nhóm người bị thất nghiệp để họ có thể tham gia vào GDNN dễ dàng hơn mà không lo chi phí khóa học, hay đưa ra Gói việc làm hỗ trợ toàn diện cho nhóm người tìm việc là người khuyết tật. Tại Mỹ, Văn phòng Cục hướng nghiệp, giáo dục và kỹ thuật và Văn phòng Dân quyền đã nhấn mạnh rằng, tất cả các sinh viên, bất kể giới tính, phải được tiếp cận bình đẳng đối với các chương trình giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp được cung cấp. Đức xây dựng các chiến lược riêng để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi từ trường học sang GDNN ban đầu và giúp đỡ những người không có điều kiện, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người di cư, những người có hoàn cảnh khó khăn và những người gặp khó khăn trong học tập hoặc bị khuyết tật.

6.     Các chương trình đào tạo không chính quy

Các chương trình đào tạo không chính quy rất đa dạng ở các nước rà soát kinh nghiệm. Ở các nước ASEAN 4, đào tạo không chính quy, dù dưới tên gọi nào, thường được thực hiện thông qua 03 loại hình cơ bản: (1) đào tại tại các trung tâm (centre-based); (2) chương trình đào tạo dựa vào cộng đồng (community-based), và (3) chương trình đào tạo tại doanh nghiệp (enterprise-based). Các chương trình này hầu hết do Bộ Lao động các nước đảm nhiệm, phối hợp với các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Ở các nước phát triển, vấn đề đào tạo lại, đào tạo suốt đời thường rất được chú trọng. Như ở Mỹ, các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng rất phổ biến, gồm: đào tạo trước khi làm việc nhằm xây dựng kiến thức nền tảng, kỹ năng và thái độ tốt theo yêu cầu của thị trường lao động; (khoảng 2 - 10 tháng); đào tạo nâng cao nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng của lao động hiện tại để đáp ứng những nhu cầu và thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động và phát triển thêm sự nghiệp (12 tháng); đào tạo lại nhằm tạo điều kiện cho người lao động học thêm các kỹ năng mới và thực hành công việc để chuyển đổi sang con đường chuyên môn và sự nghiệp mới (các chương trình này tương tự như đào tạo nâng cấp nhưng thời gian dài hơn). Mê-hi-cô có các khóa học giáo dục dành cho người lớn, các khóa học này không phải lúc nào cũng đòi hỏi có nền tảng giáo dục.

Các môn học được giảng dạy trong giáo dục thường xuyên bao gồm khoa học xã hội, giáo dục và tâm lý học, nhân văn, ngôn ngữ, kinh doanh và thương mại, toán học, khoa học tự nhiên và công nghệ, giải trí, y tế và vệ sinh…Những chương trình này không nhất thiết và bắt buộc phải diễn ra ở các cơ sở đào tạo chính quy nhưng kết quả đào tạo cũng như bằng cấp đều được công nhận ở cấp quốc gia hoặc ở các doanh nghiệp được phép.

7.     Vấn đề tài chính

Theo kết quả nghiên cứu, nguồn tài chính cho GNNN ở các nước thường khá đa dạng, tuy nhiên phần lớn đều là từ quỹ của nhà nước cùng với đóng góp của tư nhân, doanh nghiệp và từ học viên. Một số nước vận động nguồn các tổ chức phát triển. Cụ thể, ở Phi-líp-pin, 46.5% nguồn lực do khu vực công tài trợ, đóng góp của các cơ quan chính quyền địa phương là 14%. 53,5%, kinh phí còn lại thu từ nguồn tư nhân, cụ thể: 28,6% thu từ học viên, 15,5% thu từ doanh nghiệp, 6,8% từ đóng góp của các đối tác phát triển và 2,5% từ tự tạo thu nhập. Ở In-đô-nê-xi-a, Chính phủ hỗ trợ thông qua Bộ Giáo dục và Văn hoá (20% ngân sách), địa phương (20%).

Một số nước áp dụng hệ thống đào tạo kép thì các doanh nghiệp, công ty chịu chi phí đào tạo (Mê-hi-cô) hoặc địa phương chịu chi phí đào tạo (Đức). Một số nước hỗ trợ tài chính cho học viên/người lao động thông qua hình thức Quỹ: như Hàn Quốc, các quỹ công có nguồn thu từ Bộ Việc làm và Lao động, các Bộ ngành liên quan và chính quyền thành phố, khu vực tư nhân đóng góp, hỗ trợ chi phí đào tạo thông qua Qũy Bảo hiểm việc làm; Thái Lan có Quỹ Phát triển kỹ năng (của Chính phủ) và Quỹ cấp vốn vay cho học viên và đào tạo giáo viên; Ả-rập-Xê-út có Quỹ Phát triển nguồn nhân lực. Tại Trung Quốc, GDNN cơ bản là miễn phí. Chi tiêu cho GDNN chiếm 14% GDPvà ngân sách địa phương đóng vai trò quan trọng. Ngoài ngân sách nhà nước, không có cơ chế tài chính nào khác. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc có nhiều chính sách nhằm khuyến khích việc chia sẻ kinh phí và lợi nhuận với khu vực tư nhân, cụ thể là năm 2019, Chính phủ Trung Quốc quyết định dành 100 tỷ nhân dân tệ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sang đào tạo nghề để hỗ trợ cho 15 triệu người lao động (trong Chiến lược cải cách GDNN năm 2019). Ở tất cả các nước, các cơ sở GDNN tư nhân tự chủ kinh phí có thể thu hoc phí của sinh viên để duy trì hoạt động của trường; các nguồn tài chính phụ thuộc vào loại hình sở hữu (tư nhân, phi chính phủ....).

8.     Vấn đề chỉ số đánh giá GDNN

Không phải nước nào cũng có chỉ số, và có nhiều nước, chỉ số họ đưa vào là chỉ số của Mục tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Hàn Quốc sử dụng chỉ số là theo chỉ số SDG 4.1 bao gồm sự tham gia vào GDNN của thanh niên từ 15-24 tuổi. Ở hầu hết các nước, chỉ số phổ biến nhất là chỉ số về số lượng học viên đang học ở các cơ sở GDNN và chỉ số về chi tiêu của chính phủ dành cho GDNN.

Một số nước có thêm các chỉ số quan trọng khác như các chỉ tiêu hiệu suất chính (KPIs) gồm: tăng tỷ lệ nhập học GDNN, số lượng cá nhân được đánh giá, tăng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận, số lượng học viên tốt nghiệp GDNN được cấp học bổng, và tỷ lệ có việc làm. Các KPI này thường gắn với mục tiêu phát triển của khu vực (Phi-líp-pin, Thái Lan). Và thời gian gần đây, một loại chỉ số mới được xem xét tại một số nước là chỉ số về trình độ kỹ năng số (digital literacy).

9. Việc công nhận kết quả học tập trước đó (Recognition of Prior Learning)

          Việc công nhận kết quả học tập trước đó là một xu hướng trong thời gian tới, gắn liền với chính sách đào tạo suốt đời. Hiện nay, một số nước có những chính sách, công cụ riêng để đánh giá, tích hợp và công nhận kết quả học tập trước, trong đó nổi bật nhất là khái niệm “hệ thống ngân hàng tín chỉ”. Như tại Hàn Quốc, hệ thống ngân hàng tín chỉ học thuật (CBS), một cơ quan chủ chốt về học tập thường xuyên, nhằm cung cấp cho tất cả người dân khả năng tiếp cận tốt hơn tới các cơ hội học tập khác nhau và đẩy mạnh học tập suốt đời. Hệ thống này đổi mới, đa dạng hóa và tối đa hóa các cơ hội học tập cho cả sinh viên, học tập tại các viện đào tạo sau trung học phổ thông và người trưởng thành, muốn học tập và đào tạo thêm. Hệ thống ngân hàng tín chỉ công nhận các trải nghiệm học tập khác nhau ở trong trường học và ngoài trường học. Khi người học tích lũy đủ các tín chỉ cần thiết do CBS phê chuẩn sẽ được cấp bằng. Tại In-đô-nê-xi-a, việc công nhận kết quả học trước đây được thực hiện phù hợp với Khung Công nhận kỹ năng nghề quốc gia, theo đó, các kết quả học trước dù chính quy hay không chính quy đều được đánh giá và chứng nhận. Quá trình này gồm đánh gía trước, đánh giá những kỹ năng thiếu hụt và đánh giá cuối cùng để xác nhận trình độ. Trong Chiến lược cải cách GDNN 2019, Trung Quốc cũng đưa ra một mô hình rất hay, đó là thí điểm hệ thống chứng nhận 1 + X nhằm hỗ trợ và thúc đẩy đào tạo nghề chất lượng cao với chính sách: xây dựng một "ngân hàng tín chỉ" quốc gia cho giáo dục nghề nghiệp thông qua đó có thể lưu trữ, công nhận kết quả học tập của một cá nhân và để cho phép chuyển đổi kết quả giáo dục sang các chứng chỉ/bằng cấp khác.

          Qua nghiên cứu, có thể thấy xu hướng phát triển GDNN trên thế giới trong tương lai như sau:

(i) Các loại hình cung cấp dịch vụ GDNN đang ngày càng trở nên đa dạng. Các quốc gia có hệ thống GDNN đào tạo tại trường học có xu hướng tăng cường hình thức tập nghề và ngược lại. Các hình thức đào tạo dựa trên công việc đang ngày càng được ưu tiên. Đồng thời, ranh giới giữa trường học - nơi làm việc và đào tạo nghề - giáo dục phổ thông ngày càng được thu hẹp. Giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng.

(ii) Các quốc gia đang giảm chú trọng vào số lượng bằng cấp trong khi mở rộng phạm vi của bằng cấp, vì họ chú trọng hơn vào năng lực, các kỹ năng xã hội và chuyển đổi.

(iii) Định hướng GDNN dựa trên kết quả học tập và năng lực cho phép GDNN tiếp cận theo hướng tập trung hơn vào người học.

(iv) Sự linh hoạt hơn về thời gian và địa điểm học tập và xu hướng chấp nhận kết quả học tập trước đó mở ra cơ hội GDNN cho mọi đối tượng, cả thanh niên và người trưởng thành

(v) Khi các kỹ năng thiên về trí tuệ chiếm ưu thế, nhu cầu đánh giá lại và làm mới các kỹ năng cũ, phù hợp hơn với công việc được chú trọng.

ThS. Vũ Lan Hương, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục GDNN

Nguyễn Thị Huyền, Điều phối viên Chương trình G20, ILO