Cập nhật ngày: 04/02/2021

 Ngày 25/01/2021, Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum) đã công bố Báo cáo chuyên sâu với chủ đề “Nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung”.

Ảnh: Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới

Những ảnh hưởng sâu sắc của sự phát triển công nghệ, toàn cầu hóa và đại dịch Covid-19 cũng như sự thay đổi của công việc hiện nay đã cho chúng ta thấy nhu cầu quan trọng trong việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng. Báo cáo này là lời kêu gọi hành động để nâng cao kỹ năng trên toàn thế giới, đồng thời cung cấp một phân tích định lượng về tác động của nâng cao kỹ năng có thể có đối với tăng trưởng kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã được sử dụng cho phân tích này vì đó là thước đo kinh tế được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Ngoài ra, nghiên cứu được bổ sung bằng một phân tích định tính xem xét nhu cầu của tư duy kinh tế mới về công việc tốt - công việc an toàn, được trả lương công bằng, hợp lý và tạo động lực..

Báo cáo đưa ra các phát hiện chính như: Đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP thêm 6,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030; Các khu vực và nền kinh tế có lợi nhuận lớn nhất là những khu vực có khoảng cách kỹ năng lớn hơn và tiềm năng lớn nhất để cải thiện năng suất thông qua nâng cao kỹ năng phù hợp với công nghệ mới; Tiến bộ về việc đảo ngược phân cực và định hình lại lực lượng lao động là khả thi; Nâng cao kỹ năng có thể dẫn đến việc tạo ra 5,3 triệu việc làm mới vào năm 2030; và COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng.

Dựa trên phân tích và tham vấn chuyên gia sâu rộng, báo cáo này xác định bốn lĩnh vực chính đòi hỏi các phương pháp tiếp cận mới và hành động kịp thời của các chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác nhằm nâng cao kỹ năng:

           Đối với các bên liên quan, cần xây dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ và liên kết, cam kết thực hiện một chương trình nghị sự về nâng cao kỹ năng toàn diện và tạo cơ hội cho tất cả mọi người, cụ thể:

-         Lập bản đồ bối cảnh công việc đang phát triển và dự báo nhu cầu kỹ năng trong tương lai

-         Xác định một bộ chỉ số đo lường chất lượng việc làm ở cấp ngành, cấp quốc gia và cấp địa phương

-         Thiết lập một khuôn khổ nghiên cứu chung để phát hiện các động lực và dự báo của thị trường lao động và sự không phù hợp về kỹ năng

-         Xác định các đòn bẩy chính sách hiệu quả về chuyển đổi thị trường lao động và cung cấp việc làm tốt hơn

           Đối với Chính phủ, cần áp dụng cách tiếp cận nhanh để thúc đẩy các sáng kiến nâng cao kỹ năng quốc gia, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và lĩnh vực giáo dục, bao gồm:

-         Ưu tiên nguồn lực cho việc nâng cao kỹ năng trong các kế hoạch khôi phục quốc gia

-         Xác định tiềm năng kinh tế, xây dựng mối liên kết giữa khu vực chính phủ và các chuỗi cung ứng

-         Hỗ trợ và cung cấp các ưu đãi cho đầu tư xanh và đổi mới công nghệ

-         Xây dựng một hệ thống các dự án đầu tư cho từng ngành theo cách tiếp cận “từ dưới lên”

-         Minh bạch hoá các loại hình kỹ năng và công việc mà mỗi nền kinh tế có nhiều khả năng cần nhất trong trung và dài hạn

           Đối với doanh nghiệp, cần tâp trung nâng cao kỹ năng và đầu tư vào lực lượng lao động làm nguyên tắc kinh doanh cốt lõi và cam kết hành động có thời hạn, cụ thể:

-         Xây dựng “kế hoạch con người” rõ ràng, sử dụng cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm

-         Cam kết về nâng cao kỹ năng cho người lao động

-         Thúc đẩy hợp tác đa ngành (với sự đa dạng về quan điểm) giữa các bên liên quan

-         Làm việc với đại diện người lao động để đảm bảo công việc tốt và phù hợp với tiêu chuẩn lao động chung.

           Đối với các cơ sở giáo dục, nắm bắt xu hướng việc làm để thúc đẩy việc học tập suốt đời cho tất cả mọi người, trong đó:

-         Ưu tiên các chương trình đào tạo nghề và giáo dục đại học phù hợp và linh hoạt, có sự kết nối, hợp tác với doanh nghiệp

-         Mở rộng quy mô cung cấp học tập tự định hướng phục vụ cho mục tiêu học tập suốt đời

-         Xây dựng cầu nối giữa các hệ thống văn bằng quốc gia và học tập suốt đời để các kỹ năng được công nhận trên toàn cầu

-         Kết nối các trường học và địa điểm học tập với nhau trên toàn cầu

Báo cáo gồm 3 chương chính:

Chương 1 xem xét về việc nâng cao kỹ năng mới đã phát triển như thế nào và tại sao COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu doanh nghiệp, chính phủ và ngành giáo dục phải hành động để đảm bảo mọi người được chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Chương 2 thảo luận về tác động của nâng cao kỹ năng đối với tăng trưởng kinh tế và chỉ ra cách đầu tư vào phát triển kỹ năng ở các khu vực địa lý và các lĩnh vực có thể định hình lại nền kinh tế.

Chương 3 mô tả những tác động xã hội của việc nâng cao kỹ năng ngoài năng suất và điều tra cách thức việc làm có thể tạo ra nền kinh tế bao trùm hơn (inclusive economies). Chương này cũng nêu bật tư duy kinh tế mới về việc tạo ra nhiều việc làm tốt và nhu cầu áp dụng các mô hình kinh tế bao trùm hơn.

Báo cáo kết thúc với Một lời kêu gọi hành động và lộ trình về cách các doanh nghiệp, chính phủ và ngành giáo dục có thể hợp tác trong hệ sinh thái trong đó đặt con người và sự phát triển của họ làm trung tâm.

 

Báo cáo đầy đủ xin vui lòng tải tại link sau:

https://www.weforum.org/reports/upskilling-for-shared-prosperity

 

 

 

 

Văn phòng TCGDNN dịch và biên tập.