Cập nhật ngày: 17/01/2021

 Số hóa đang thay đổi cuộc sống và công việc hàng ngày của chúng ta bằng việc đưa ra các quy trình mới và thay đổi các yêu cầu đối với thế giới công việc như Dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Người máy, máy bay không người lái và các công cụ hỗ trợ máy tính. 

Mặc dù những phát triển này đang tạo ra những rủi ro và thách thức mới nhưng chúng cũng đang mang lại những cơ hội mới cho thế giới việc làm và - tất nhiên - cho Giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) cùng với các đối tác của mình đã tiến hành các nghiên cứu về số hóa và những tác động của nó đối với giáo dục nghề nghiệp ở Đức.

Cách số hóa đang thay đổi Giáo dục nghề nghiệp

Chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, mở rộng sang tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả thế giới việc làm. Đại dịch COVID-19 thậm chí cũng đẩy mạnh xu hướng này và làm gia tăng các thách thức. Do đó, cũng sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đến Giáo dục nghề nghiệp.

Đối với các hệ thống GDNN chất lượng, điều quan trọng là phải đảm bảo các trình độ đào tạo được cập nhật và theo kịp tiến bộ công nghệ. Do đó, cần phải có những nghiên cứu cơ bản để xác định nhu cầu trong tương lai và góp phần tư vấn chính sách cho hệ thống GDNN chất lượng.  

Là một phần trong nhiệm vụ do Chính phủ Liên bang Đức đã giao, Viện BIBB đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống GDNN quốc gia và tư vấn cho Chính phủ về chính sách phát triển GDNN. Khi Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) mới liên tục xuất hiện, Viện BIBB cũng có các nghiên cứu về tầm quan trọng của ICT đối với nghề nghiệp nói chung và ý nghĩa của ICT này đối với các công ty, phát triển nguồn nhân lực, cũng như các giảng viên và thực tập sinh.

Các xu hướng phát triển GDNN chính trong tương lai là gì? Dự báo đến năm 2035

Hiện có 326 nghề đào tạo nghề được chính phủ công nhận ở Đức. Các dự báo về thị trường lao động của Đức đến năm 2035 cho thấy ba xu hướng chính đối với các nghề này và GDNN nói chung:

1. Số hóa sẽ làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động

Số hóa đang thay đổi cấu trúc thị trường lao động và củng cố các xu hướng hiện có. Mặc dù dự kiến ​​sẽ không có tình trạng mất việc làm đáng kể ở Đức - vì khoảng 4 triệu việc làm sẽ bị mất do số hóa trong khi 3,3 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong cùng một thời điểm mà sẽ làm thay đổi đáng kể loại hình công việc: Trong khi nhiều công việc trong các ngành nghề như nghề bán hàng sẽ giảm về số lượng, thì việc làm trong các ngành nghề khác như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên đáng kể, dẫn đến nhu cầu cho sự thay đổi năng lực đào tạo trong các lĩnh vực tương ứng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhân viên bán hàng sẽ không còn cơ hội, thay vào đó sẽ có một sự thay đổi năng động: Trợ lý cửa hàng có thể trở thành thương gia thương mại điện tử, người quản lý tài khoản hoặc trở thành người bán hàng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Trong tương lai, thị trường lao động Đức cũng như châu Âu sẽ có nhu cầu đặc biệt đối với các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao hơn.

2. Vấn đề phù hợp với công việc liên tục gia tăng

Các dự báo cũng chỉ ra rằng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề gọi là “phù hợp công việc” – nghĩa là nhu cầu thực tế của ngành nghề khác với sở thích/nhu cầu của giới trẻ. Ví dụ, với lĩnh vực Công nghệ thông tin, nhu cầu về lao động có kỹ năng trong các công việc liên quan đến công nghệ thông tin đang tăng lên không ngừng nhưng hiện chưa được đáp ứng. Trong một số ngành nghề khác, số lượng người được đào tạo hơn mức thực tế cần thiết của ngành. Hơn nữa, Đức là một xã hội già hóa, nên tổng số thanh niên tham gia GDNN đang liên tục giảm. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng, đặc biệt là ở trình độ kỹ năng trung bình, trái ngược với số lượng học viên ngày càng giảm. Một thách thức khác là sự thiếu hụt lực lượng lao động trẻ trong khi nhu cầu lao động cao. Đặc biệt là ở các vùng kinh tế mạnh của Đức với nhiều công ty, vấn đề phù hợp với việc làm càng gia tăng, vì có quá ít người trẻ theo học nghề. Đồng thời, một số khu vực có lượng người trẻ “cung vượt cầu” và số lượng công ty cung cấp dịch vụ đào tạo ngày càng ít hơn.

3. Tiếp tục xu hướng phát triển học thuật 

Khi ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn con đường giáo dục đại học, xu hướng học thuật vẫn tiếp tục phát triển. Kể từ năm 2000, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng đều đặn, từ 200.000 người năm 2000 lên 490.000 người năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2035, sẽ có khoảng một nửa số người trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, điều quan trọng đối với ngành công nghiệp Đức, cần một số lượng lớn công nhân lành nghề.

Những xu hướng này nhấn mạnh đáng kể sự cần thiết phải chuẩn bị lực lượng lao động cho những thách thức mới thông qua đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục/nâng cao. Nhưng những kỹ năng/năng lực cần thiết trong thế giới công việc hôm nay và ngày mai là gì?

Chuẩn bị cho ngày mai: khả năng học hỏi

Trong tất cả các ngành nghề ở Đức, khả năng học tập suốt đời là một yêu cầu năng lực cốt lõi trong mọi ngành nghề. Điều này bao gồm khả năng nâng cao chuyên môn của bản thân một cách độc lập trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định cũng như khả năng áp dụng kiến ​​thức của mình trong các bối cảnh làm việc mới. Ngoài ra, các kỹ năng và kiến ​​thức nghề nghiệp, sự hiểu biết về các quy trình và hệ thống, năng lực kỹ thuật số, tính sáng tạo, tính linh hoạt và tính tự phát được cho là rất cần thiết.

Vì vậy, hệ thống GDNN hiện đại sẽ giúp chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới việc làm tốt hơn. Đặc biệt là các năng lực như năng lực phương pháp luận, năng lực xã hội và năng lực bản thân ngày càng trở nên quan trọng trong mọi lĩnh vực, nơi mà bí quyết kỹ thuật cũng như mô hình và cấu trúc công việc và nghề nghiệp luôn thay đổi.

Năng lực bản thân là một thành phần quan trọng của sự phát triển lành mạnh của các bạn trẻ: nó liên quan đến mối quan hệ qua lại giữa sự tự nhận thức về giá trị cá nhân và hiệu quả công việc. Ngoài ra, sự sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng làm việc theo nhóm, tinh thần tự nguyện và khả năng giao tiếp là những năng lực quan trọng trong tương lai. Học tập tại nơi làm việc được hướng dẫn bởi giảng viên có năng lực là cách tốt nhất để có được những kỹ năng này.

Các công ty Đức đang sử dụng công nghệ số ở mức độ nào và bằng cách nào?

Số hóa GDNN ở Đức, tương tự như ở trong tất cả các nền kinh tế, có một khoảng cách giữa các công ty: nhiều công ty hoạt động số tồn tại bên cạnh các công ty thực hiện số hóa chậm hơn. Điều này cũng thường phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng hiện có ở các công ty và khu vực - ví dụ , khả năng tương thích của các định dạng dữ liệu khác nhau trong quá trình phát triển, sản xuất và quản trị của một công ty hoặc thậm chí là kết nối internet băng thông rộng.

Một cuộc khảo sát của BIBB thường xuyên đo lường những thay đổi trong các công ty và đào tạo trong công ty do số hóa. Kết quả năm 2019 cho thấy 70% các công ty sử dụng công nghệ kỹ thuật số để liên kết với khách hàng, nhưng chưa đến 50% sử dụng công nghệ kỹ thuật số để liên kết với các nhà cung cấp hoặc để tổ chức nguồn nhân lực và công việc, vì vậy còn rất nhiều dư địa để cải thiện. Có thể dự đoán, công ty càng lớn thì đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số càng cao. Tuy nhiên, chỉ 9% các công ty trong lĩnh vực xây dựng và thủ công không thực hiện đầu tư vào số hóa. Cần xác định được mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong việc thay đổi tình hình, vì ngày càng nhiều công ty buộc phải sử dụng mạnh mẽ hơn các công cụ kỹ thuật số.

Phát triển mới nhất trong việc số hóa GDNN

Hệ thống GDNN của Đức bị thách thức bởi các xu hướng số hóa và những thách thức này tương tự trên toàn cầu. Thách thức chính mà thế giới việc làm phải đối mặt ngày nay và trong tương lai là các vai trò và nghề nghiệp thay đổi liên tục và nhu cầu kỹ năng thay đổi theo ngành.

Một cuộc khảo sát trên toàn châu Âu (Cedefop, ESJS - 2015) cho thấy hơn 40% nhân viên được hỏi đã trải qua những thay đổi về máy móc và/ hoặc hệ thống Công nghệ thông tin được sử dụng tại nơi làm việc của họ trong 5 năm qua và gần 50% được báo cáo những thay đổi của quy trình làm việc và phương pháp làm việc trong cùng thời kỳ, bao hàm sự cần thiết phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Đại dịch COVID-19 chắc chắn đã làm cho xu hướng này rõ nét hơn, mặc dù nhiều công ty và nhân viên đã phải điều chỉnh tình hình. Tương tự, hệ thống GDNN đang bị thách thức bởi việc đóng cửa các trường học và cần chuyển sang nội dung kỹ thuật số, hoãn các kỳ thi và khả năng các công ty giảm tham gia vào đào tạo kép.

(Photo: UNESCO)

Hệ thống GDNN linh hoạt và năng động của Đức cung cấp nhiều khả năng sáng tạo và cơ hội để quản lý các quá trình thay đổi sắp xảy ra, mặc dù nó vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Ví dụ như sự phát triển của các nghề mới dựa trên nhu cầu của ngành, chẳng hạn như nghề “Trợ lý quản lý cho Thương mại điện tử” hoặc hiện đại hóa các quy định/ tiêu chuẩn đào tạo thông qua việc đưa các kỹ năng kỹ thuật số vào làm mô-đun tùy chọn. Điều này cũng bao gồm việc nâng cao trình độ của giáo viên giảng dạy và đào tạo để duy trì chất lượng đào tạo và việc cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cần thiết trong các cơ sở GDNN.

Hơn nữa, các phương pháp và công cụ số sáng tạo ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong đào tạo nghề. Ví dụ như các bài kiểm tra trên máy tính để đánh giá năng lực của học viên và ứng viên thực tập, mô-đun học tập dựa trên ứng dụng học tập số với công nghệ thực tế ảo.

Điều cần được nhấn mạnh là vai trò quyết định của các công ty cung cấp dịch vụ đào tạo, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ (bao gồm các bang liên bang) và các đối tác xã hội (hiệp hội người lao động và người sử dụng lao động) cũng như chính sách cung cấp thông tin nghiên cứu về GDNN theo hướng dữ liệu tin cậy, là dấu ấn của mô hình GDNN của Đức. Tất cả những yếu tố này đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị những người lao động có tay nghề cao cho thế giới lao động ngày mai./.

 

Nguồn:

 

https://www.imove-germany.de

 

Văn phòng TCGDN dịch và biên soạn