Cập nhật ngày: 19/03/2015

Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề đạt 85% ở thừa thiên Huế, 82% ở Hưng Yên và 70-75% ở Lào Cai… là những con số cho thấy phần lớn người nông dân đang hưởng lợi từ Đề án Đào tạo nghề cho Lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956). Minh chứng sinh động về một chủ trương đúng đắn và tạo bước đột phá quan trọng trong quá trình chuyển dịch kinh tế, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.

Tỉ lệ có việc sau khóa học cao
 
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên sau 5 năm triển khai Đề án 1956, 82% trên tổng số gần 17 nghìn LĐNT sau khi học nghề có việc làm. Bên cạnh đó triển khai Đề án 1956, Hưng Yên cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 4.000 lượt cán bộ, công chức xã, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động và hiệu quả điều hành hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp…
 
 
Dạy nghề Thêu cho lao động nông thôn
 
Tại tỉnh Hòa Bình, từ 2010 – 2014 đã tổ chức đào tạo được 627 lớp dạy nghề theo các trình độ Sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho 17.957 người. Dạy nghề cho LĐNT theo đề án 1956/QĐ-TTg là 14.011 người. Thông qua đào tạo, lao động học nghề xong có thể áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thành lập được nhiều tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã giải quyết việc làm cho nhiều LĐNT. Đối với nghề phi nông nghiệp, CSDN đã giải quyết việc làm cho người lao động lúc nông nhàn: nghề mây tre đan, làm chổi chít xuất khẩu, dệt thổ cẩm… các CSDN đã liên kết với các công ty may đào tạo và nhận lao động vào làm việc sau khi hoàn thành khóa học. Việc dạy nghề cho LĐNT góp phần đáp ứng được tiêu chí  tỷ lệ lao động qua đào tạo trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang đã có trên 107.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề , trong đó đào tạo sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho trên 95.600 người. Kết quả khảo sát có khoảng 75%- 80% lao động sau khi đào tạo là có việc làm ổn định. Trong đó nhóm lao động chuyển sang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có thu nhập ổn định bình quân từ 3,0 đến 5,0 triệu đồng; riêng nhóm lao động làm nông nghiệp đã đào tạo cho 11.525 LĐNT gồm các nghề chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi thỏ, trồng cây ăn quả, trồng lúa cao sản,… Theo thống kê trên 80% LĐNT sau khi học nhóm nghề này đã biết vận dụng kiến thức cơ bản vào việc chăm sóc vật nuôi, cây trồng, biết cách phòng và chữa một số bệnh thông thường ở vật nuôi và cây trồng nhờ đó mà đã giảm bớt được những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nhiều người nhờ có kỹ thuật được học đã mạnh dạn tăng quy mô sản xuất kinh doanh góp phần tăng thu nhập cho người lao động.
 
Thành phố Cần Thơ, 5 năm qua đã triển khai đào tạo 60 nghề, với 567 lớp nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, gồm: trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dưới 3 tháng, thu hút 19.308 người tham gia. Trên 73% lao động có việc làm sau học nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từng năm (năm 2010: 42%, năm 2013: 48% và năm 2014: 50,7%). Đồng thời, đào tạo chuyên môn 1.486 lượt cán bộ, công chức cấp phường, xã…
 
Trong phương hướng giai đoạn 2016-2020, thành phố phấn đấu thực hiện chỉ tiêu dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 28.750 người; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 80%; đào tạo bồi dưỡng 2.105 lượt cán bộ, công chức cấp phường, xã…Trước đó, tỉnh Bến Tre cũng thực hiện sơ kết 5 năm triển khai đề án 1956. Kết quả cho thấy Bến Tre đã thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 26.000 lao động. Ước tính khoảng 66% lao động đã có việc làm sau khi học nghề. Bến Tre cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng hơn 1.600 lượt cán bộ, công chức xã.
 
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có 17 trường và trung tâm dạy nghề. Các nghề đào tạo được xác định tương đối phù hợp  với nhu cầu lao động và việc làm tại địa phương. Một số mô hình nghề mang lại hiệu quả như: mô hình trồng kiểng lá ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, mô hình đào tạo nghề đan ghế nhựa trên khung sắt, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học… 
 
Tại Thừa Thiên Huế, Đề án 1956 đã phát huy hiệu quả rõ rệt khi có trên 85% học viên có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, tỷ lệ đào tạo nghề phi nông nghiệp ở Thừa thiên Huế chiếm đến 81% trong tổng số 20 nghìn lao động. Huế cũng là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả việc xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT.
 
Lai Châu, Lào Cai cũng vừa thực hiện sơ kết 5 năm triển khai Đề án 1956. Khoảng 80% LĐNT ở Lai Châu sau khi học nghề vẫn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng, tiết kiệm 5-10% chi phí sản xuất và thu nhập cũng tăng lên 10-20% so với trước khi học nghề.
 
Từ kết quả triển khai ở một số địa phương cho thấy khi các mô hình được triển khai sát với thế mạnh địa phương và nhu cầu của người dân, Đề án 1956 thiết thực giúp bà con nông dân có kiến thức, mạnh dạn đầu tư giống, vốn phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
 
Lên kế hoạch cho năm 2015
 
Bên cạnh việc nhìn lại kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, các địa phương đồng thời lên kế hoạch triển khai cho năm 2015 và các năm tiếp theo. Theo đó, Hưng Yên dự định triển khai đào tạo nghề cho khoảng 3.600 LĐNT và bồi dưỡng 1,2 nghìn cán bộ, công chức xã vào năm 2015.
 
Trong khi đó, tỉnh thừa thiên Huế đặt mục tiêu từ năm 2015 – 2020 sẽ đào tạo nghề cho hơn 18.500 LĐNT, còn tỉnh Lào Cai phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động.
 
 
Dạy nghề mây tre đan
 
Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 định hướng thực hiện trong 11 năm (2010 - 2020) với mục tiêu: dạy nghề cho khoảng 10,6 triệu LĐNT, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho 6,54 triệu người theo chính sách của Đề án. Đào tạo, bồi dưỡng 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã.
 
Mơi đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo TW thực hiện Đề án 1956 cho rằng các địa phương cần bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp, các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chỉ tổ chức dạy nghề cho LĐNT khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập  với việc làm có được sau khi học nghề.
 
Để phát huy hiệu quả những hỗ trợ từ Đề án 1956, nhiều địa phương đang nhấn mạnh hướng dạy nghề theo định hướng thị trường, nông dân cần gì học nấy, giảm lý thuyết trong học nghề, tăng thêm thời gian thực hành.
 
Hiện nhiều đơn vị thực hiện Đề án cũng đang tập trung triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề thí điểm đã đạt hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới.

HB (Nguồn: TCNN&CS)