Cập nhật ngày: 30/03/2015

Cộng đồng kinh tế ASEAN- nâng tầm phát triển

Từ năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là (i) Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), (ii) Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và (iii) Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, một lần nữa các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lại cam kết này, đồng thời quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua Kế hoạch hành động AEC và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Theo định hướng, AEC sẽ là một Khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hoá, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển thông thoáng, vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hoá kinh tế-xã hội giảm bớt. Cộng đồng kinh tế là xu hướng liên kết khu vực hiện nay của các nhóm nước ở các khu vực trên thế giới, theo kiểu như Cộng đồng Châu âu (EC/EU), Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)… Cộng đồng AEC được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ và vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu.  Cộng đồng AEC được kỳ vọng là cộng đồng năng động nhất, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hàng năm đạt 2000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Khi tham gia AEC, theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng  thêm 14,5% vào năm 2025.
 
 
AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người trong lực lượng lao động. Ba quốc gia có tổng lực lượng lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonexia (40%), Phillippin (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các nước thành viên AEC.  Trước mắt, trong năm 2015 có 8 ngành nghề, lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó nhân lực phải được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.
 
Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Cũng theo dự báo của ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt nam sẽ tăng lên 10,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Tổ chức lao động quốc tế thực hiện khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Cụ thể, gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng, cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp ( cả về số lượng và chất lượng). 
 
Điểm lại những điểm mạnh, yếu, cơ hội và và thách thức đối với nhân lực Việt nam trong AEC
 
Điểm mạnh:
 
Khi tham gia AEC, Việt nam có những lợi thế nhất định, đó là:
 
- Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động “trẻ”. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Trong số LLLĐ, trên 51,0% có độ tuổi từ 15-39 tuổi, trong đó nhóm tuổi trẻ (15-29 tuổi) chiếm đến 26,7% và nhóm tuổi thanh niên (15-24 tuổi) chiếm gần 15%. Đây là nhóm tuổi có tiềm năng tiếp thu được những tri thức mới, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt Nam.
 
- Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. 
 
-  Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 38% trong vòng 10 năm trở lại đây( theo cách tiếp cận và cách tính của Bộ lao động- Thương binh và Xã hội). Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt nam đã làm chủ được khoa học- công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.
 
Điểm yếu:
 
- Do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%.
 
- Chất lượng và cơ cấu lao động, vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta đang rất thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển (PTT Hoàng Trung Hải, 2013). Theo số liệu của Tổng cục thống kê (2013), trong LLLĐ đang làm việc trong nền kinh tế, lao động phổ thông, không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81, 8%; lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ 5,4 %; lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 3,7%; và lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 9,1%. Nếu tính theo cách tính của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo (gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, phi chính quy, dạy nghề dưới 3 tháng và dạy nghề tại doanh nghiệp) chiếm khoảng 38% tổng LLLĐ. 
 
- Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Chất lượng nguồn nhân lực Việt nam thấp so với các nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt nam chỉ đạt 3,79 điểm - xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94... Chất lượng của lao động Việt nam thấp, nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của TTLĐ và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Theo thống kê của Tổ chức thực hiện thi IELTS (Hệ thống kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh quốc tế theo thang điểm 0-9) thì thí sinh Việt Nam có điểm trung bình là 5,78 thuộc vào nhóm các nước có điểm trung bình thấp, đứng sau Indonexia (5,97), Phillippin (6,53), Malaysia (6,64). Những hạn chế, những yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2011 xếp thứ 65/141 nước xếp hạng, nhưng đến năm 2014 xếp thứ 70/148 nước xếp hạng).
 
 Cơ hội
 
Trong năm 2015 và các năm tiếp theo Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn với thế giới. Cùng với việc tham gia AEC, Việt Nam sẽ kỹ các Hiệp định như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài hơn nhờ sự sẵn có của một khối nguồn lực toàn diện hơn, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. 
 
Theo Ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ là một trong một số nước hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng so với các nước khác do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương. Với quyết tâm và nỗ lực, năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 so với mức năm 2010. Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn.
 
Như đã nêu trên, sự ra đời của AEC trong năm 2015 sẽ tạo ra tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025. Khi ra đời, AEC có quy mô GDP 2.200 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người 3.100 USD/năm, nhưng chênh lệch rất lớn, từ 1.000 USD/người (Campuchia, Myanmar) đến 40.000 USD/người (Singapore). Chênh lệch quá lớn về thu nhập có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy di chuyển lao động trong khối. 
 
Theo dự báo của ILO, ở Việt Nam sự gia tăng cơ hội việc làm mạnh mẽ ở những ngành như sản xuất gạo, xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến lương thực. Trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13% và sẽ có thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.
 
Trong bối cảnh một thị trường chung, người lao động Việt nam không những có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường khu vực. Người lao động có cơ hội tương tác và nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên ngành ở các nước tiên tiến trong khu vực. Người lao động Việt nam sẽ được “cọ sát” khi làm việc ở nhiều nơi, làm tăng tính linh hoạt,khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa-  vốn dĩ là một điểm chưa mạnh của Việt Nam sẽ được nâng cao và cải thiện đáng kể.
 
Thách thức
 
- Gia nhập AEC và các tổ chức thế giới khác sẽ cho phép Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường toàn cầu trên cơ sở tăng năng suất và kỹ năng của người lao động. Tuy nhiên, các lợi ích về kinh tế và việc làm từ AEC sẽ không được phân chia đồng đều. Nếu quản lý không tốt,Việt nam sẽ bỏ lỡ cơ hội mà AEC sẽ tạo ra. Khi chính thức thành lập, AEC sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố căn bản: vốn , hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. Các chuyên gia cho rằng, sự “tự do” này vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Ngoài ra, khi tham gia AEC, ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp giỏi, người lao động còn cần có ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để có cơ hội tham gia làm việc tại các quốc gia của AEC. Nếu người lao động Việt nam không ý thức được điều này thì sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia trong AEC. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải hỏi hỏi, cập nhật kỹ năng mới.
 
- Gần 50% lực lượng lao động Việt Nam vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, với năng suất và thu nhập thấp. Khoảng 3/5 lao động Việt Nam hiện đang làm các công việc dễ bị tổn thương. Nhìn chung, năng suất và mức tiền lương của Việt Nam khá thấp so với các nền kinh tế ASEAN khác, như Malaysia, Singapore và Thái Lan. 
 
- Nguồn nhân lực có chất lượng thấp và năng lực cạnh tranh chưa cao có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra: “Chất lượng giáo dục nhìn chung thấp, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp nghiệp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước…. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề,…” .
 
- Mặt khác, hệ thống thông tin của thị trường lao động còn nhiều yếu kém và hạn chế. Trong đó, hệ thống bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung – cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước. 
 
Đổi mới GDNN- Giải pháp nâng cao chất lượng NNL cho Hội nhập
 
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, nhất là khi Việt nam trở thành thành viên của AEC, cần phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục- đào tạo, trong đó có GDNN ở nước ta. Nghị quyết, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), đã đề ra 9 nhóm giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo. Trong lĩnh lực GDNN, theo chúng tôi, những giải pháp để đổi mới, căn bản toàn diện, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
 
-Thứ nhất, nâng cao nhận thức về GDNN. Các nhận thức đúng về vai trò, vị trí của GDNN trong phát triển NNL và trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2011 - 2020. Phải thực sự coi đầu tư cho GDNN là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đâu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, vùng, ngành. Bên cạnh đó, cần phải hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. 
 
-Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về GDNN. Cuối năm 2014 Quốc Hội đã thông qua Luật GDNN và Luật này có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2015.  Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong Luật GDNN phải giải quyết như cơ chế chính sách đối với cơ sở GDNN, vai trò của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN… Cần có cơ chế để cơ sở GDNN là một chủ thể độc lập, tự chủ; người đứng đầu cơ sở GDNN phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải được đào tạo về quản lý. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về người học, người dạy. Có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên GDNN; chính sách đối với người lao động qua đào tạo nghề nghiệp; chính sách đào tạo liên thông, hỗ trợ người học. Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể tham gia trong các hoạt động GDNN. Đổi mới chính sách tài chính về GDNN; thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo, nhằm đảm bảo chất lượng; có cơ chế đặt hàng đào tạo cho các cơ sở GDNN, không phân biệt hình thức sở hữu….
 
-Thứ ba, đổi mới cơ cấu GDNN trong hệ thống GDQD.Chuyển hệ thống  đào tạo khép kín thành hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông giữa các thành tố của hệ thống và liên thông với các bậc học khác của hệ thống GDQD. Đổi mới cơ cấu hệ thống GDNN trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Luật GDNN, tới đây hình thành hệ thống GDNN gồm ba cấp trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, trên cơ sở sáp nhập trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; cao đăng nghề và cao đẳng.
 
-Thứ tư, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN, bao gồm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề nghiệp theo các cấp độ (quốc gia, khu vực và Quốc tế) và theo trình độ đào tạo nghề nghiệp. Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng mở, mềm dẻo thích hợp với các cấp và trình độ đào tạo; áp dụng một số chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới phù hợp với yêu cầu KT-XH của Việt Nam.Hoàn thiện hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng. Thực hiện kiểm định cơ sở GDNN và kiểm định chương trình đào tạo. 
 
-Thứ năm, đổi mới hoạt động đào tạo.Chuyển chương trình  đào tạo từ chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người học. Đa dạng hóa nội dung đào tạo theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Các cơ sở GDNN tự chịu trách nhiệm về các hoạt động đào tạo từ việc chủ động trong tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra và khung trình độ quốc gia; xây dựng kế hoạch đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo với sự tham gia của doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo; đảm bảo chuẩn hoá “đầu vào”, “đầu ra”; tự kiểm định chất lượng đào tạo và chịu sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng của nhà nước hoặc do nhà nước chỉ định. Đổi mới quản lý quá trình dạy và học, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả dạy học trên cơ sở chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, có sự tham gia của doanh nghiệp hoặc đại diện sử dụng lao động.
 
- Thứ sáu, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp.Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ GDNN với TTLĐ cả ở cấp độ vĩ mô và cấp cơ sở để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống GDNN hướng vào việc đáp ứng phát triển KT-XH của từng địa phương, từng ngành; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học. Hình thành các đơn vị quan hệ trường- ngành trong các cơ sở GDNN. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xác định danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin  cho các cơ sở GDNN về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao động; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở GDNN mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo của cơ sở GDNN. Các cơ sở GDNN tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về việc làm, thay đổi nghề nghiệp…của học sinh sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động.

- Thứ bảy, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, chuyển đổi sang hệ thống tiêu chuẩn năng lực phù hợp;tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Đồng thời triển khai các hoạt động đánh giá và công nhận kỹ năng nghề giữa Việt nam và các nước ASEAN.
 
- Thứ tám, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN, lựa chọn những nước thành công trong phát triển GDNN trong khu vực ASEAN và thế giới là đối tác chiến lược trong lĩnh vực GDNN. Tích cực vận động, thu hút nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA  cho GDNN.  Hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước ở một số nghề phổ biến, hướng tới Cộng đồng AEC vào cuối năm 2015. Đa dạng hóa các hình thức và phương thức hợp tác quốc tế giữa các tổ chức, các cơ sở GDNN nước ngoài với các đối tác trong nước.
 
Để kết thúc bài viết, xin được nhắc lại khuyến cáo của Chủ tịch ADB rằng Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới. Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng GDNN, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, chính là chìa khóa để Việt nam vượt qua “bẫy thu nhập” thành công và trở thành nước có vị trí vững vàng trong cộng đồng kinh tế ASEAN.
 
Tài liệu tham khảo
 
1 - Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ( Khóa XI).

2 - PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, Tạp chí Cộng sản, 12/2014

3 - Diễn đàn kinh tế thế giới WFF, 2014.

4 -  Lê Đăng Doanh - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, Tạp chí Tia sáng, 2014.

5 - ILO và ADB, Diễn đàn “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung”, 2014

6 - Báo cáo dạy nghề Việt Nam 2013-2014 ( dự thảo).
 
PGS.TS. Mạc Văn Tiến (TC Nghiên cứu Khoa học dạy nghề)