Cập nhật ngày: 06/10/2021

 Ngày 05/10/2021, Trường Cao đẳng Giao thông Quảng Ninh tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” và “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”; Trường Cao đẳng Than- Khoáng sản Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công xã hội học tập mới”.

Quang cảnh Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp” và “Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tại Trường Cao đẳng Giao thông

          Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo… vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cung cấp điều kiện giáo dục nghề nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số. 

Quang cảnh tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số để xây dựng thành công xã hội học tập mới”  tại Trường Cao đẳng Than- Khoáng sản Việt Nam

  Tại Hội thảo các đại biểu tham gia ý kiến về việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở GDNN theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội như: facebook, zalo,… hoặc Website của trường; xây dựng các ấn phẩm truyền thông số về tư vấn, hướng nghiệp; đăng tải thông tin trên các chuyên trang tuyển sinh, phương tiện thông tin đại chúng. Các trường cũng điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo; đẩy mạnh đào tạo trực tuyến qua các phần mềm như: Zoom, Google Meeting, Microsoft Team...; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với học sinh, sinh viên.

Đồng chí Vũ Quang Trực- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội,   thành viên BCĐ Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời cấp tỉnh phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động GDNN theo các góc độ: (1) tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các  cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn; (2) tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh sinh viên tại các sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số; (3) bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới.

Để hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (04/10), các đại biểu thảo luận nội dung “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”.  Việc nâng cao kỹ năng lao động được xác định là có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đó không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các địa phương mà là nhiệm vụ của chính bản thân người lao động. Tự rèn luyện, nâng cao tay nghề, nâng cao kỹ năng, kỷ luật lao động để tự nâng cao giá trị bản thân, từ đó nâng cao năng suất, đáp ứng yêu cầu công việc và nâng cao mức thu nhập, cải thiện đời sống của chính người lao động. Mỗi người lao động cần ý thức rằng, kỹ năng nghề nghiệp cũng chính là tương lai của chính mình và đó là cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu xuyên suốt, trọn đời.

Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu còn tham gia góp ý Đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội./.

Hải Phương – Sở LĐTBXH Quảng Ninh