Cập nhật ngày: 27/09/2021

 Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô đang có nhu cầu nhân sự rất cao, thu nhập ổn định ở mức khá. Do đó, đây là ngành nghề rất "hot" trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Hấp dẫn nhất trường nghề

Theo kết quả tuyển sinh Cao đẳng năm 2021 sử dụng học bạ THPT của Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TPHCM), điểm chuẩn cao nhất là 30,5 thuộc về ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô. Điều này cho thấy sức "hấp dẫn" của ngành này.

Thạc sĩ Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC) cũng cho biết, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại BKC mới được thành lập vào năm 2020 nhưng đến năm học này (2021 - 2022) đã là ngành có đông sinh viên theo học nhất trường.

Tương tự, tại trường Cao đẳng Viễn Đông, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô cũng là ngành "hot" thu hút rất đông sinh viên.

 

Công nghệ kỹ thuật ô tô: Ngành học hấp dẫn nhất của trường nghề - 1

 

 

Nhấn để phóng to ảnh

 

 

Công nghệ kỹ thuật ô tô đang là ngành "hot" tại các trường nghề.

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, nguyên nhân ngành này thu hút đông sinh viên là vì nhu cầu nhân lực hiện tại rất lớn, dễ kiếm việc làm khi ra trường.

Nguyên nhân là vì ô tô đang dần trở thành phương tiện thông dụng với người dân Việt Nam, nhiều hãng ô tô lớn đặt nhà máy lắp ráp, sản xuất ở nước ta nên rất "khát" kỹ sư ô tô.

Chính vì "khát" nhân sự nên thu nhập của nghề này đang ở mức khá so với các ngành khác, người làm nghề này còn có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, khởi nghiệp kinh doanh...

Ông Trần Thanh Hải cho biết: "Thu nhập của sinh viên ngành này mới ra trường không dưới 8 triệu đồng/tháng".

Thạc sĩ Lê Ngọc Chung, Phó trưởng khoa Kỹ thuật trường BKC cũng đồng tình. Ông đánh giá đây là lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất cao, cơ hội việc làm của sinh viên ra trường là rất lớn với mức thu nhập khá so với các ngành khác.

Một nguyên nhân quan trọng khác là việc đầu tư thiết bị dạy học cho ngành này rất tốn kém, ít trường nghề có khả năng đầu tư. Vì vậy, trường nào có đào tạo ngành này đều quá tải học viên.

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, để mở ngành này, Cao đẳng Viễn Đông đã phải đầu tư hơn 5 tỉ đồng cho hệ thống máy móc, dụng cụ, mô hình, động cơ các loại ô tô thông dụng… Đây là con số rất lớn đối với hầu hết các trường nghề.

 

Công nghệ kỹ thuật ô tô: Ngành học hấp dẫn nhất của trường nghề - 2

 

 

Nhấn để phóng to ảnh

 

 

Đầu tư trang thiết bị máy móc để đào tạo ngành ô tô rất tốn kém, ít trường nghề có khả năng mở ngành này.

Nhiều vị trí làm việc khi ra trường

Theo thạc sĩ Lê Ngọc Chung, sinh viên theo học ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô sẽ được đào tạo những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô và máy động lực.

Ông cho biết: "Đây là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực khác như: Cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử và công nghệ chế tạo máy".

Do đó, chương trình đào tạo ngành này chú trọng nhiều về kỹ năng thực hành bám sát thực tế doanh nghiệp, rất phù hợp với đặc thù đào tạo của các trường nghề.

Theo thạc sĩ Trần Thanh Hải, sinh viên ngành ô tô cũng học các môn cơ bản của ngành kỹ thuật như: Vẽ kỹ thuật; Vật liệu học; Công nghệ kim loại; Autocad 3D; Sức bền vật liệu….

Đồng thời, các em còn được học các môn học chuyên ngành như: Thực tập động cơ; Lý thuyết gầm ô tô; Thực tập kỹ thuật lái xe; Thực tập ô tô; Thực tập điện ô tô; Thực tập sơn ô tô...

Tại Cao đẳng Viễn Đông, sinh viên được tiếp cận với các thiết bị động cơ sống của hầu hết các dòng xe thông dụng như Camry, Nissan, Kia, Fortuner, Toyota…

Sinh viên còn được tiếp cận các mô hình các loại động cơ, phanh, hộp số… để dễ nắm bắt nguyên lý hoạt động của xe.

 

Công nghệ kỹ thuật ô tô: Ngành học hấp dẫn nhất của trường nghề - 3

 

 

Nhấn để phóng to ảnh

 

 

Thu nhập sinh viên mới ra trường ngành này ở mức khá cao so với các ngành khác và có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Theo thạc sĩ Lê Ngọc Chung, sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc ở rất nhiều vị trí như tại các trạm dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng, các gara, các trung tâm sửa chữa máy công trình, các loại máy động lực; các nhà máy sản xuất phụ tùng, phụ kiện và lắp ráp ô tô - máy động lực.

Với kiến thức tổng quát được trang bị tại trường, sinh viên ngành này còn có thể làm kiểm định viên tại các trạm đăng kiểm, các cơ quan bảo hiểm; Nhân viên kinh doanh ô tô, máy động lực, phụ tùng ô tô; Giảng dạy kỹ thuật ô tô tại các trường đào tạo lái xe…

Ngoài ra, sinh viên ra trường cũng có thể khởi nghiệp kinh doanh về các dịch vụ liên quan tới ô tô như các trạm dịch vụ sửa chữa, chăm sóc xe và các dịch vụ phụ trợ…

Tùng Nguyên