Cập nhật ngày: 08/10/2021

 Vòng bán kết Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp Startup Kite 2021 vừa được khởi động, với 205 dự án được lựa chọn từ 1.518 ý tưởng.

Em Mùa Thị Liên (đầu tiên từ phải sang) thành viên nhóm thuyết trình về dự án.

Cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA phát động với tên gọi Cuộc thi Startup Kite 2021: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0 nhằm khuyến khích các bạn trẻ giới thiệu những ý tưởng và dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hướng tới cung cấp hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật trong bối cảnh Covid-19 và trạng thái bình thường mới.

Tại vòng bán kết Startup Kite 2021, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên tham dự cuộc thi với 2 Dự án “DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên” và “Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Ðiện Biên phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh (app Truly DienBien)”. Hai dự án đều hướng tới việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc của Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số tại tỉnh Ðiện Biên nói riêng.

Theo Lò Thị Chiêm, thành viên nhóm Dự án “Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Ðiện Biên phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh (app Truly DienBien)”: Ðiện Biên là tỉnh miền núi xa xôi, giao thông đi lại chưa thuận tiện, cơ hội để du khách đến thăm Ðiện Biên, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cựu chiến binh rất khó khăn. Ðể tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh, cảnh quan, văn hóa Ðiện Biên, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng một cách chân thực nhất, dự án sẽ giới thiệu, kết nối với những người lớn tuổi, cựu chiến binh khó có cơ hội đến thăm trực tiếp Ðiện Biên có thể ngồi tại nhà và ngắm nhìn những di sản văn hóa đó. Từ đó tạo cảm giác như đang đi tham quan thực tế khu di tích hoặc có những trải nghiệm thực tế với những hoạt động ý nghĩa mang tính nhân văn kết nối với các cựu chiến binh tại Ðiện Biên với các cựu chiến binh trên cả nước.

Lò Duy Hùng, một thành viên khác chia sẻ về ứng dụng du lịch kết nối: “Trên website được tích hợp đầy đủ tính năng kết nối, trải nghiệm nhằm phục vụ yêu cầu của du khách lớn tuổi và cựu chiến binh, như có thể tra cứu thông tin khi không đến thăm trực tiếp (du lịch ảo) hoặc trước khi đến thăm vùng đất Ðiện Biên. Người dùng khi sử dụng có thể tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị lịch sử, văn hóa của Chiến thắng Ðiện Biên Phủ; tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Du khách có thể tra cứu, cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến du lịch Ðiện Biên, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm vui chơi...) để đưa ra lựa chọn phù hợp trong trường hợp muốn đến thăm trực tiếp Ðiện Biên. Trong và sau khi sử dụng dịch vụ, khách hàng có thể nêu ý kiến đánh giá, phản hồi, nhận xét của mình ngay trên ứng dụng và hình ảnh chụp trực tiếp tại chỗ để phản ánh về chất lượng dịch vụ.

Ðể sử dụng, khách du lịch có thể tải ứng dụng trên App Store dành cho hệ điều hành iOS hoặc CHPlay dành cho hệ điều hành Android (sẽ bao gồm 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh) hoặc trải nghiệm trực tiếp trên website venguondienbien.vn phiên bản tiếng Việt hay trulydienbien.com phiên bản tiếng Anh.

Riêng Dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên, các thành viên đều là học sinh, sinh viên nữ dân tộc thiểu số đang theo học tại Trường. Các em không những đã có ý thức gìn giữ những nét đẹp văn hóa, ngành của dân tộc mình mà giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Mùa Thị Liên, thành viên Dự án cho biết: Hiện nay các sản phẩm thêu tay truyền thống ngày một ít và nghề thêu truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, người biết thêu truyền thống, chủ yếu là người lớn tuổi. Các bạn trẻ chỉ có số ít là biết thêu, nhưng chỉ thêu hoa văn, họa tiết đơn giản trên trang phục và do bà hoặc mẹ phác thảo nét vẽ, số còn lại là không biết thêu, nên nhóm đã có ý tưởng phải gìn giữ nghề thêu truyền thống của chính dân tộc mình.

Sản phẩm của Dự án đều được thêu tay truyền thống, làm thủ công tỉ mỉ, các họa tiết, hoa văn thể hiện nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc như: Mông, Thái, Dao, Dạo, Hoa... nguyên liệu thêu thân thiện với môi trường (vải tự dệt, màu chỉ là màu của cây, hoa rừng).

Khi được hỏi về phát triển quy mô Dự án DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên Trưởng nhóm Quàng Thị Hím chia sẻ: Dự án không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nghề thêu truyền thống của các dân tộc tỉnh Ðiện Biên cho các bạn học sinh, sinh viên nữ đang học tại trường mà sẽ hướng tới mở rộng quy mô và tạo việc làm thêm và tăng thu nhập cho những phụ nữ dân tộc nghèo biết thêu trên địa bàn tỉnh. Trong 4 tháng thực hiện Dự án, nhóm đã bán được 140 sản phẩm.

Kim Oanh (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên)