Cập nhật ngày: 04/10/2021

  Là người có 18 năm kinh nghiệm trong nghề pha chế đồ uống, đoạt nhiều giải thưởng, thầy giáo Trần Chí Công giờ đây tiếp tục giành tâm huyết, vun trồng tài năng cho những học viên.

Thầy giáo Trần Chí Công (sinh năm 1980) hiện đang là giảng viên trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng, trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Thầy được học viên yêu quý bởi dành nhiều tâm huyết trong công việc giảng dạy.

Từ "bậc thầy pha chế" trở thành một giáo viên

Trước khi trở thành giáo viên, thầy Chí Công đã có 18 năm làm việc cho khách sạn lớn tại thành phố Vinh, Nghệ An. Với lòng yêu nghề và sự tận tâm, thầy từng đạt được những thành tích như: giải Nhất Hội thi Nghiệp vụ du lịch bàn - bar tỉnh Nghệ An, năm 2013; giải Nhất Hội thi Kỹ năng pha chế đồ uống Hà Tĩnh lần thứ nhất, năm 2015.

Bên cạnh đó, thầy còn là một trong những thành viên được đầu tư đào tạo để đi thi đấu cấp Quốc gia về bộ môn pha chế đồ uống.

Bậc thầy pha chế trở thành giáo viên tâm huyết trường nghề - 1

 

Nhấn để phóng to ảnh

Thầy Công hiện đang là giảng viên dạy pha chế của trường Trung cấp Lý Tự Trọng.

Năm 2019, thầy Công bén duyên với nghề giáo viên, bắt đầu con đường truyền đạt kỹ năng, kinh nghiệm trong nghề pha chế của mình tới các học viên.

Thầy chia sẻ: "Đây là một nghề mà thầy đã mơ ước từ lâu. Bố thầy cũng là một nhà giáo nên thầy luôn có một tình cảm đặc biệt với nghề này. Khi có cơ hội được tiếp bước bố, thầy cảm thấy rất vui và tự nhủ sẽ cố gắng cống hiến hết mình với nghề cầm phấn".

Khi đứng trên giảng đường với vai trò là một thầy giáo sẽ có những cảm giác khác biệt so với khi đứng trước bàn pha chế với vai trò một nhân viên khách sạn, thầy Công bày tỏ: "Trong môi trường sư phạm, thầy cảm thấy có phần ít cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, nghề dạy học luôn mang một ý nghĩa nhân văn bởi có thể truyền được cảm hứng, kiến thức tới nhiều người để có thể phát triển nghề pha chế. Thầy luôn mong muốn có thể gợi lên được sự thích thú, lòng đam mê của học viên với môn học để quá trình giảng dạy đạt được hiệu quả tốt nhất".

Thầy Chí Công từng có cơ hội được giao lưu, thi đấu ở nhiều cuộc thi khác nhau. Sau mỗi cuộc thi, thầy luôn rút ra những bài học mới và từ đó đúc rút thành kinh nghiệm cho bản thân. Xuyên suốt quá trình giảng dạy, thầy công luôn cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong chặng đường làm nghề tới các học viên. Với khả năng pha chế được đa dạng các loại đồ uống, thầy Công mong muốn có thể giúp các bạn học viên "chắc tay" hơn trong nghề.

Bậc thầy pha chế trở thành giáo viên tâm huyết trường nghề - 2

 

Nhấn để phóng to ảnh

Với mong muốn giúp học viên tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả, thầy Công luôn sắp xếp kiến thức một cách logic, theo quy trình và có thể lồng ghép ví dụ minh họa để học viên dễ tiếp thu và vận dụng.

Nghề pha chế đòi hỏi sự đam mê và tinh thần rèn luyện nghiêm túc

Tình hình dịch bệnh phức tạp, ngành giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng đáng kể đặc biệt là các trường dạy nghề bởi chương trình học đa phần liên quan tới thực hành.

Thầy Công cho biết: "Mặc dù gặp phải những khó khăn bởi tình hình dịch bệnh nhưng hiện nay, với những phương pháp dạy học trực tuyến, các thầy cô cũng có thể truyền tải được kiến thức tới học viên. Tại thời điểm này, thầy ưu tiên các giờ học lý thuyết, hướng dẫn các thao tác kỹ hơn, chi tiết hơn. Sau này, khi trở lại trường học, thầy sẽ dùng thời gian đó để học viên thực hành và kiểm tra lại những điều mà mình đã dạy qua chương trình học trực tuyến".

Thầy Công nghĩ rằng người dạy cần có một kỹ năng nghiệp vụ thật sự tốt để thu hút, truyền cảm hứng tới các học viên, kích thích sự tò mò để giúp họ cảm thấy say sưa, tập trung vào môn học dù là học online.

Bậc thầy pha chế trở thành giáo viên tâm huyết trường nghề - 3

 

Nhấn để phóng to ảnh

Việc thực hành của các học viên nên được làm càng nhiều càng tốt sẽ giúp các món đạt chuẩn hơn. Nếu dạy trực tiếp thì cơ hội thực hành của học viên sẽ nhiều hơn và sẽ tạo ra được sản phẩm đạt mong muốn của mình. (Ảnh: NVCC)

Có người từng nói rằng: "Người dạy pha chế là thầy của những nghệ nhân" bởi họ không chỉ truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của mình cho học viên mà con phải truyền lửa đam mê và một tinh thần rèn luyện vô cùng nghiêm túc.

Học viên học nghề pha chế đòi hỏi tính tập trung cao bởi môn học yêu cầu độ chính xác trong thao tác cũng như công thức pha chế để sản phẩm làm ra được trọn vẹn nhất.

Hiện nay, nghề pha chế ngày càng có nhiều cơ hội được tuyển dụng do xu hướng phát triển mạnh của kinh doanh dịch vụ. Chính vì thế, đây là một nghề có nhiều cơ hội việc làm với mức thu nhập hấp dẫn cho học viên sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, người trẻ có bản lĩnh có thể tự mở cửa hàng kinh doanh khi thạo nghề.

Thời gian gần đây, xu hướng học sinh lựa chọn học nghề thay vì giảng đường Đại học ngày càng trở nên phổ biến, thầy Công cho biết: "Quyết định này phụ thuộc vào bản thân mỗi người bởi mỗi người có một dự định khác nhau. Nếu các bạn trẻ đã xác định được tương lai cụ thể, mình thích gì, muốn làm gì có thể lựa chọn con đường học nghề chuyên nghiệp để hình thành ý thức nghề nghiệp ngay từ đầu".

Kỹ năng "giữ chân khách hàng" là một nghệ thuật của người chủ quán

Chính thầy Công cũng ứng dụng mô hình vừa dạy, vừa làm nghề pha chế. Thầy là chủ một cửa hàng cà phê tại địa phương. Với thầy Công, mô hình vừa dạy học, vừa "bao tiêu" đầu ra cho học viên là một mô hình sáng tạo và thiết thực. Bởi thầy vừa có thể học trò kiến thức, kỹ năng trong nghề, vừa giới thiệu đầu ra, công việc tại các doanh nghiệp, cửa hàng, tạo công ăn việc làm cho trò khi đã thuần thục công việc.

Bậc thầy pha chế trở thành giáo viên tâm huyết trường nghề - 4

 

Nhấn để phóng to ảnh

Với tâm huyết của một nhà giáo, thầy Công không ngừng nghiên cứu và cập nhật những kiến thức về bộ môn pha chế theo chuẩn quốc tế để truyền đạt tới học viên (Ảnh: NVCC)

Thầy Công thẳng thắn chia sẻ: "Người ta nói, nghề chọn người, thầy cũng thế. Với nghề, mình phải thật sự yêu và đam mê với nghề thì nghề không phụ. Thầy thấy với quyết định mở cửa hàng kinh doanh phát triển tại địa phương là một điều đúng đắn. Bởi đây vừa là nguồn thu đáng kể với gia đình, vừa là môi trường cho học viên thực hành, trau dồi tay nghề với những kiến thức được học trên lớp".

Bên cạnh đó, thầy có thể thông qua cửa hàng của mình để nắm bắt thị hiếu của thực khách, các vấn đề thị trường để dạy thêm cho học trò

Thầy Công nói thêm: "Trong kinh doanh, tính chất công việc đòi hỏi mình phải nắm bắt được thị trường, thị hiếu của khách hàng. Còn đối với giáo dục, mình phải toàn tâm, toàn ý để phát triển bộ môn pha chế đồng thời giúp học viên nắm bắt được thời cuộc và thành thạo đa dạng các món đồ uống. Mặc dù vừa dạy, vừa kinh doanh đôi lúc cũng gặp phải chút khó khăn nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thầy có thể quản lý cửa hàng bằng cách theo dõi, quản lý qua camera".

Bậc thầy pha chế trở thành giáo viên tâm huyết trường nghề - 5

 

Nhấn để phóng to ảnh

Mặc dù có chút khó khăn trong công việc nhưng thầy Công không ngừng nỗ lực, tìm kiếm những giải pháp khắc phục để vừa đảm bảo chất lượng dạy học, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ tại cửa hàng.

Để trở thành một người pha chế chuyên nghiệp không chỉ có đam mê mà còn cần học tập, khổ luyện suốt đời với nghề. Bởi đây là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo và tính kiên nhẫn. Nếu các bạn có đủ tự tin, đam mê thì cứ mạnh dạn lựa chọn và đi theo tiếng lòng của mình. Bởi thực tế cho thấy, cơ hội việc làm với nghề pha chế mở ra ngày càng lớn, khi du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển. Hy vọng dịch bệnh mau chóng qua đi để mọi hoạt động sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.

Diệu An/dantri.com.vn