Cập nhật ngày: 12/11/2020

Anh Đàm Văn Thực, một tài xế xe công nghệ tại Hà Nội, cho biết dù thu nhập của anh hiện tại đủ nuôi sống gia đình, nhưng nếu được quay trở về quá khứ anh sẽ chọn học nghề.

Tài xế xe công nghệ: được trở lại thời trẻ tôi sẽ đi học nghề - Ảnh 1.

Tọa đàm "Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0?" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức diễn ra sáng 12-11 - Ảnh: NAM TRẦN

Anh Đàm Văn Thực đang ở độ tuổi trung niên. Anh cho biết khi anh còn trẻ do hoàn cảnh gia đình, cũng như thời điểm đó gia đình chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của học nghề nên anh không được hướng nghiệp. Hơn 10 năm nay anh làm nghề xe ôm, gần đây mới chuyển đổi qua làm xe ôm công nghệ, một công việc cho anh nguồn thu nhập ổn định để nuôi gia đình.

"Vì không học nghề lúc trẻ nên giờ làm nghề này cũng phải tạm chấp nhận công việc hiện tại, nhưng nếu được quay trở về quá khứ tôi muốn được học nghề.

Con tôi năm nay học lớp 8, gia đình cũng quyết định sẽ xem con có khả năng gì để định hướng cho con trong tương lai", anh Đàm Văn Thực chia sẻ tại tọa đàm Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0? do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 12-11.

Tài xế xe công nghệ: được trở lại thời trẻ tôi sẽ đi học nghề - Ảnh 2.

Anh Đàm Văn Thực cho biết nếu quay trở lại thời tuổi trẻ anh sẽ đi học nghề - Ảnh: NAM TRẦN

Trường hợp của anh Thực là điển hình cho lực lượng lao động nông thôn hiện nay. Có rất nhiều thanh niên trẻ từ nông thôn bỏ qua học nghề để ra thành phố tìm những công việc đơn giản, có thu nhập ngay.

Theo thống kê năm 2019, lực lượng lao động ở nông thôn chiếm 66,6% lực lượng lao động cả nước. Thanh niên nông thôn ngày nay có xu hướng ra đô thị tìm việc làm đơn giản, chịu rất nhiều rủi ro, không có tương lai lâu dài.

Hiện nay có 67% người thất nghiệp là lao động giản đơn. Đó là một sự phí phạm rất lớn về nguồn lực xã hội. Trong khi đó thị trường rất cần lao động được đào tạo nghề, nhưng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu đó.

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng chỉ ra sắp tới xã hội sẽ phải chịu thách thức rất lớn khi những lao động làm công việc đơn giản trong các khu công nghiệp bị sa thải. Nếu lực lượng này không được bồi dưỡng, cập nhật, học một ngành nghề chuyên nghiệp thì khả năng thất nghiệp rất cao. Việc đào tạo lại lực lượng này là một vấn đề đang được đặt ra.

Tài xế xe công nghệ: được trở lại thời trẻ tôi sẽ đi học nghề - Ảnh 3.

Hoàng A Dê (Mai Châu, Hòa Bình) sau khi học cao đẳng sư phạm không có việc đã được chính quyền hỗ trợ chuyển đổi sang học nghề du lịch và đã tìm được việc - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Đỗ Năng Khánh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: "Gốc là hướng nghiệp, sau mới phân luồng. Tôi phải nói thật hướng nghiệp hiện nay ta làm chưa tốt.

Ở nước ngoài, hướng nghiệp là trách nhiệm nhà trường, các thầy cô hàng ngày gặp các em, hướng cho các em vào ngành nghề xã hội cần, xu hướng thế nào, đánh giá năng lực các em nào phù hợp với nghề gì, từ đó đưa ra lời khuyên.

Còn ở Việt Nam hiện nay rất nhiều bạn chọn nhầm nghề, tốn kém rất nhiều nguồn lực cho xã hội. Phân luồng lao động chúng ta đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được.

Từ khi Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời, cho học THCS học tiếp lên trung cấp được miễn học phí, thì tuyển sinh học nghề thay đổi. Trong giai đoạn tới cần tăng tỉ lệ thanh niên theo đuổi học nghề".

Ông Lê Đức Thịnh, cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho biết ngành nông nghiệp hiện nay biến đổi liên tục, người lao động trong khu vực này gặp rất nhiều khó khăn trong việc chọn nghề.

"Hiện nay ngoài chuyển tải kiến thức cho người lao động thì bên đào tạo cần phải chuyển tải cho họ kiến thức thị trường, kiến thức quản trị, niềm tin và khát vọng vươn lên" - ông Thịnh nói.

Ngọc Diệp/Tuoitre.vn