Cập nhật ngày: 11/11/2020

Tên là Len, lại theo đuổi nghề "cắt gọt kim loại", không hiếm giờ lên lớp "diện" quần áo bảo hộ, tay chân lấm lem, cô giáo 37 tuổi đã có nhiều thăng trầm buồn vui với nghề, và vẫn không ngừng nỗ lực đổi mới.

 

15 năm truyền lửa

Những ngày đầu tháng 11, như thường lệ, cô Bùi Thị Len (SN 1983 – Thái Bình), giáo viên trường Cao đẳng cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) sắp xếp lại bàn làm việc và lần giở lá thư học trò viết cho mình nhiều năm trước.

Từng câu, từng chữ luôn khiến nữ giáo viên bồi hồi xúc động và thêm trân quý công việc mình đang làm.

Cô giáo dạy cơ khí, 15 năm truyền lửa học nghề

Bức thư học trò gửi cô Len

Cô xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp. Từ bé, cô học trò hiền lành đã sớm có niềm đam mê lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp. Tốt nghiệp THPT, nữ sinh Len thi đỗ Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.

Những năm tháng ở trường đại học, Len cũng đi làm gia sư, kiếm tiền trang trải học phí, đỡ đần cho bố mẹ ở quê. Ý thức vượt khó của con nhà nghèo đã tiếp thêm cho chị nghị lực.

Những đồng tiền làm gia sư, chị dành mua được xe đạp rồi chiếc xe máy đầu tiên và học thêm ngoại ngữ.

Năm 2005, chị ra trường và chuyển về công tác tại Trường Cao đẳng cơ khí Nông nghiệp với vị trí giảng viên khoa Cơ khí, ngành Cắt gọt kim loại.

Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua, chị vẫn miệt mài mang kiến thức, tiếp lửa cho bao thế hệ học trò trên con đường học nghề.

Cô giáo dạy cơ khí, 15 năm truyền lửa học nghề

Cô Len (áo đeo) thăm quan mô hình máy móc ở nước ngoài

Chị tâm sự: “Ngay từ ngày còn học phổ thông, tôi luôn có suy nghĩ phải làm thế nào để xã hội nhìn nhận đúng vai trò của người phụ nữ.

Ngoài việc tề gia nội trợ, những người phụ nữ của thời đại mới hoàn toàn có thể làm tốt công tác xã hội và những công việc vốn được cho là lãnh địa riêng của cánh mày râu”.

Bên cạnh những niềm vui, công việc giảng dạy cơ khí cũng có những khó khăn riêng. Nữ giáo viên sinh năm 1983 cho hay, với nghề cơ khí, không chỉ dạy lý thuyết mà còn dạy cả thực hành.

Thời gian thực hành chiếm đến 70%, muốn dạy tốt, truyền tải kiến thức cho các em một cách hiệu quả, bản thân giáo viên phải có tay nghề tốt. Nếu không thường xuyên trau dồi kiến thức và kỹ năng, sẽ khó đáp ứng được công việc. Có những ngày, chị mày mò nghiên cứu ở phòng thực hành một mình đến khuya.

Đặc thù của nghề này là gắn với máy móc, thiết bị, dầu mỡ… cả ngày mặc quần áo bảo hộ, tay chân lấm lem. Chị Len thừa nhận, đôi khi mình cũng thấy tủi thân vì không được mặc áo dài hay váy vóc trên lớp như các đồng nghiệp bên mảng dạy văn hóa.

Thế nhưng, khi nhìn lại thành quả đào tạo ra những người thợ có tay nghề cao, mọi nhọc nhằn và vất vả như tan biến.

“Trong giảng dạy, tôi quan điểm mỗi giáo viên phải là một kỹ sư tâm hồn, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh. Đặc biệt chú trọng tạo môi trường cho các em phát huy khả năng chủ động và sáng tạo”, cô giáo Len bộc bạch.

Để tạo hứng thú cho học trò, cô Len xây dựng giáo trình gần gũi, đơn giản và dễ hiểu nhất. Bản thân cô cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự học, tự bồi dưỡng. Hiện cô Len giữ vị trí Tổ trưởng tổ Cắt gọt kim loại.

Cô Len chia sẻ thêm, trong số những học trò mình từng dạy, cũng có không ít em ngỗ nghịch. Với đối tượng học sinh cá biệt, cô cùng lúc đóng nhiều vai trò và truyền cảm hứng cho các em.

Những em đó đa số không thích ngồi lớp nghe lý thuyết nên trong giờ giảng, tôi cố gắng đưa nhiều hình ảnh mô phỏng, đoạn phim về công nghệ để giảng.

Ngoài giờ học, cô lại đóng vai người chị, lắng nghe các em tâm sự.

Chia sẻ về học sinh từng viết thư cảm ơn mình, cô Len cho biết, đây là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình còn học nghề, học sinh này hay được cô Len tâm sự về cuộc đời mình. Em ấn tượng với cô, coi cô như tấm gương để phấn đấu.

 

Hiện học trò đó đã ra trường, có cuộc sống thành đạt. Mỗi dịp ngày Nhà giáo đều nhắn tin chúc mừng và hỏi thăm cô.

“Đây chính là sợi dây vô hình, giúp tôi thêm yêu nghề”, cô Len nói.

Chuyển mình trước những thách thức mới

Ngành công nghiệp của Việt Nam đang có những bước chuyển mình trước cuộc cách mạng 4.0.

Cuộc cách mạng 4.0 tạo cơ hội đối với giáo dục nghề nghiệp như: Phát triển nhiều ngành nghề mới, tạo ra nhiều việc làm mới, phương thức đào tạo mới, phương thức tổ chức và cung cấp lao động thay đổi…

Nó sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin – nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp.

Cô giáo dạy cơ khí, 15 năm truyền lửa học nghề

Cô Len sang Pháp học công nghệ mới 3 tuần

Trước sự thay đổi đó, cô Len cũng như nhiều thầy cô giáo dạy nghề liên tục phải cập nhật và đổi mới phương thức đào tạo

Với ngành nghề cơ khí, công nghệ ngày một hiện đại, máy móc tự động hóa. Vốn đam mê nghề nên khi có các công nghệ mới, cô Len tự tìm tòi học hỏi, tiếp cận một cách tốt nhất, dạy cho học sinh – sinh viên.

Sau đó tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm với thầy cô trong tổ Cắt gọt kim loại.

“Nghề cơ khí là nghề trọng điểm, góp phần không nhỏ và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghệ lại phát triển hàng giờ, nếu không học hỏi sẽ tụt hậu”, cô Len cho hay.

Tại khoa Cơ khí, cô Len phụ trách dạy các phần mềm lập trình và máy CNC. Theo cô Len, lĩnh vực cơ khí ngày nay khác xa với ngày trước.

Thời mới đi học, chủ yếu là máy móc truyền thống, người thợ mất nhiều sức hơn. Bây giờ, công nghệ tiên tiến, giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các nước phát triển.

“Năm 2018, tôi được trường cử sang Pháp học công nghệ mới 3 tuần. Tuy nhiên, việc chuyển giao và đào tạo chỉ là cơ bản, còn việc nghiên cứu sâu phải tự tìm tòi, học hỏi qua các tài liệu. Nghề nào cũng vậy, nếu mình không dành thời gian cho nó thì đừng mong tiến bộ”, cô kể.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2018, cô Len đạt giải Nhất tỉnh và giải Ba quốc gia nghề Kỹ thuật cơ khí. 

Hai học sinh cô tham gia huấn luyện thi Kỹ năng nghề đều có thành tích cao như: Nguyễn Tuấn Anh – giải Nhất Kỹ năng nghề cấp tỉnh và Đặng Anh Đức giải Ba Kỹ năng nghề quốc gia.

Cô Len mong mỏi, lĩnh vực dạy nghề sẽ được đầu tư cả về thiết bị và con người. Đồng thời nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ, ngành nâng cao mức sống cho giáo viên nghề, để họ yên tâm công tác.

Chia sẻ về cuộc sống riêng, cô Len đã lập gia đình và có 2 con gái. Chồng cô cũng là thầy giáo trong trường. Anh luôn đồng hành và ủng hộ vợ trong công việc.

Cô giáo dạy cơ khí, 15 năm truyền lửa học nghề

Tổ ấm nhỏ của cô Len

Nữ giáo viên cho rằng, vợ chồng công tác cùng nhau cũng có cái hay nhưng cũng có trở ngại. Nhất là khi hai người cùng dạy vào tiết cuối, không thể về đón con, đành nhờ người đón giúp.

May mắn, nhà ông bà nội gần trường nên hỗ trợ hai vợ chồng rất nhiều.  

Quang Sơn/Vietnamnet.vn