Cập nhật ngày: 20/03/2020

Vào ngày 13 tháng 2 năm 2019, Hội đồng nhà nước Trung Hoa đã công bố “Kế hoạch thực hiện cải cách GDNN quốc gia”, thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Đầu tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục khẳng định chủ trương này. Trong Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chuyển 100 tỷ Nhân dân tệ (20 tỷ AUD) từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp sang đào tạo nghề để hỗ trợ 15 triệu người nâng cao kỹ năng nghề.

Kế hoạch Cải cách tập trung ưu tiên vào việc trang bị tốt hơn cho lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện tại và tương lai. Kế hoạch bao gồm 7 ưu tiên và 20 kế hoạch chi tiết. Năm 2018, Trung Quốc có 26,9 triệu sinh viên GDNN và số lượng tốt nghiệp hàng năm là 9,3 triệu. Đề xuất cải cách lĩnh vực GDNN dựa trên sự suy giảm lực lượng lao động của Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dân số già của Trung Quốc. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã giảm gần 3% trong giai đoạn 2011-2018 và chiếm khoảng 65% trong tổng số 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Tỷ lệ này được ước tính sẽ giảm 57% vào năm 2030. Kế hoạch cải cách được đưa ra vào thời điểm Thượng Hải sẽ là nước chủ nhà Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2021.

Ảnh minh họa

Những điểm chính trong Kế hoạch Cải cách

Kế hoạch Cải cách hướng đến nâng cao vị thế của lĩnh vực GDNN, với nỗ lực xóa bỏ định kiến GDNN là “sự lựa chọn thứ hai” trong mục tiêu học tập. Thông qua Kế hoạch, Trung Quốc mong muốn cải cách khung trình độ GDNN, bao gồm tiêu chuẩn nghề, cơ chế đánh giá cho điểm, tuyển dụng và đào tạo giáo viên và sự tham gia của doanh nghiệp. Hội đồng Nhà nước sẽ thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về lĩnh vực GDNN để giám sát quá trình cải cách.

Hệ thống GDNN sẽ chuyển hướng từ tập trung vào số lượng sang tập trung vào chất lượng, trong đó chú trọng vào chất lượng giảng dạy. Năm 2018, Trung Quốc có 1,3 triệu giảng viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó xấp xỉ 40% có cả kinh nghiệm làm việc thực tế và kỹ năng giảng dạy cần thiết cho lĩnh vực đào tạo. Kế hoạch hướng đến tăng tỷ lệ giáo viên có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và có bằng cao đẳng hệ 3 năm. Cơ chế làm việc bán thời gian cũng sẽ được áp dụng đối với các chuyên gia kỹ thuật. Từ năm 2020, các vị trí giảng dạy một số khóa học cụ thể tại cơ sở GDNN và các trường đại học ứng dụng sẽ không dành cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Đến năm 2022, Trung Quốc đề ra mục tiêu chọn lựa một số trường đại học để chuyển đổi sang mô hình các cơ sở giáo dục “thực hành” – các trường Đại học khoa học ứng dụng - nơi sinh viên tốt nghiệp vừa có bằng cử nhân vừa có  chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp (mô hình “1 + X”). Mô hình “1 + X” cho phép các cơ sở GDNN và các trường đại học cấp phát văn bằng trình độ kèm theo đó là chứng chỉ kỹ năng nghề. Mô hình này được thử nghiệm tại một số trường được lựa chọn từ tháng 3 năm 2019.

Cũng bắt đầu từ năm 2019, một “ngân hàng tín chỉ” cho lĩnh vực GDNN sẽ được thành lập nhằm lưu giữ tín chỉ về GDNN của một cá nhân và cho phép chuyển đổi tín chỉ sang các loại chứng nhận/bằng cấp khác.

Kế hoạch cũng hướng đến tăng cơ hội giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Hệ thống GDNN của Trung Quốc được chia thành trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Trung cấp nghề dành cho cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (tương đương với lớp 9 của Úc) những người không muốn theo đuổi chương trình học tại các trường trung học phổ thông. Cao đẳng nghề dành cho học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, và được tiếp nhận thông qua Kỳ thi tuyển sinh vào hệ cao đẳng “Gaokao”. Theo như kế hoạch công tác của Chính phủ năm 2019, Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính cho các trường nghề và học bổng quốc gia cho giáo dục nghề nghiệp bậc trung cấp nghề.

Năm 2014, Hội đồng Nhà nước đã đưa ra kế hoạch cải cách cho phép các trường cao đẳng nghề tuyển sinh thông qua nhiều kênh khác ngoài Kỳ thi tuyển sinh vào trường cao đẳng “Gaokao”. Ngoài kênh Gaokao, học sinh, sinh viên có thể tham gia “thi văn hóa kết hợp kiểm tra kỹ năng” do chính quyền địa phương hoặc cơ sở GDNN tổ chức. Hình thức này thường được áp dụng đối với học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề. Đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, có thể sử dụng kết quả học tập thay thế cho các yêu cầu về văn hóa và chỉ làm bài kiểm tra kỹ năng. Trong ba năm gần đây, việc cải cách này đã thu hút hơn một nửa số học sinh đăng ký vào các cơ sở GDNN mà không thông qua kênh tuyển sinh Gaokao. Kế hoạch cải cách sẽ tiếp tục khai thác mô hình này để tuyển sinh nhiều sinh viên chất lượng hơn với các kỹ năng thực tế.

Năm nay, Trung Quốc mong muốn mở rộng tuyển sinh cao đẳng lên đến 1 triệu chỉ tiêu để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng.

Trong thời gian từ 5-10 năm theo Kế hoạch, GDNN sẽ chuyển dần từ một hệ thống do Chính phủ quản lý phần lớn sang một hệ thống do thị trường điều tiết. Các doanh nghiệp được khuyến khích mạnh mẽ để hỗ trợ phát triển GDNN, thông qua việc thành lập các cơ sở đào tạo, học tập mô hình của Đức, Nhật và Thụy Sỹ.

Các mục tiêu chính của Kế hoạch cải cách

Cải thiện hệ thống GDNN quốc gia: Cải thiện khung hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia; Cải thiện giáo dục trung cấp nghề; Thúc đẩy phát triển GDNN chất lượng cao; Cải thiện hệ thống đào tạo các chuyên gia cấp cao có kỹ năng thực tế (ví dụ: đảm bảo học tập kỹ thuật/ứng dụng và đào tạo thực tế nhiều hơn trong giáo dục nghề nghiệp; kết hợp giáo dục nghề nghiệp liên quan đến quân sự vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia).

Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về GDNN: Nâng cao tiêu chuẩn giảng dạy trong giáo dục nghề nghiệp; Thí điểm hệ thống chứng nhận 1 + X; Hỗ trợ và thúc đẩy đào tạo nghề chất lượng cao với chính sách đầy đủ: Xây dựng một "ngân hàng tín chỉ" quốc gia cho giáo dục nghề nghiệp thông qua đó có thể lưu trữ, công nhận kết quả học tập của một cá nhân và để cho phép chuyển đổi kết quả giáo dục sang các chứng chỉ/bằng cấp khác.

Tăng cường sự liên kết giữa các trường nghề với ngành công nghiệp: Thúc đẩy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, làm việc và học tập thông qua quá trình học nghề, thực tập và đào tạo; Tăng cường hợp tác giữa các trường nghề và ngành công nghiệp; Xây dựng cơ sở GDNN chất lượng  cao trên cơ sở kết hợp học tập hàn lâm với đào tạo chuyên môn nghề nghiệp; Tuyển chọn thêm giáo viên đáp ứng cả về kiến ​​thức và kỹ năng ứng dụng.

Xây dựng một hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ bởi các cơ quan khác nhau: Thúc đẩy sự tham gia của các ngành công nghiệp trong nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thành lập các tổ chức đánh giá giáo dục nghề nghiệp để phát triển các tiêu chuẩn trình độ kỹ năng nghề, triển khai đánh giá, cho điểm kỹ năng nghề và cấp phát chứng chỉ.

Tăng cường các chính sách để bảo vệ lợi ích của các chuyên gia lành nghề: Cải thiện tiền lương và lợi ích cho các chuyên gia lành nghề; Cải thiện cơ chế tài trợ cho giáo dục nghề nghiệp (bao gồm chính phủ, gây quỹ, từ thiện và học bổng tập trung vào khu vực miền trung và miền tây, khu vực nghèo đói và vùng dân tộc).

Tăng cường giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp: Thiết lập và cải thiện hệ thống đánh giá và giám sát chất lượng giáo dục nghề nghiệp (bao gồm phát hành báo cáo thường niên về GDNN và tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên về việc cấp chứng chỉ nghề); Thành lập Ban chỉ đạo GDNN quốc gia (để tư vấn về cải cách GDNN của Trung Quốc, nghiên cứu chính sách, tham gia soạn thảo luật và quy định giáo dục nghề nghiệp và đóng góp vào quá trình ra quyết định của Chính phủ).

Thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách: Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong GDNN; Tăng cường cơ chế họp liên bộ của Hội đồng Nhà nước về công tác GDNN.

                                                                              VP TCGDNN dịch và biên soạn