Cập nhật ngày: 06/04/2020

 Tình hình Giáo dục nghề nghiệp tại châu Âu

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là một trong hai con đường chính để thanh niên tham gia vào thị trường lao động. Trung bình 50% thanh niên châu Âu tham gia GDNN cơ bản (ở cấp trung học phổ thông). Tuy nhiên, sự tham gia đó ở mỗi nước rất khác biệt, tỷ lệ tham gia dao động từ 73% đến dưới 15%. Khoảng một phần ba thanh niên tham gia thị trường lao động ngay sau khi hoàn thành chương trình GDNN trung học phổ thông; 20% khác tiếp tục tham đuổi giáo dục đại học.

Theo học GDNN mở ra nhiều cơ hội tham gia vào thị trường lao động vì trong khi 40% các doanh nghiệp châu Âu không tuyển dụng được lao động có kỹ năng vào các vị trị việc làm thì 80% sinh viên tìm được việc làm ổn định chỉ sau 6 tháng tốt nghiệp. Ngoài ra, 60 – 70% (có thể lên tới 90% ở một số nơi) sinh viên có việc làm ngay sau thời gian tập nghề tại doanh nghiệp.

Theo học GDNN còn tạo cơ hội có được mức lương cạnh tranh – một sinh viên có trình độ nghề có thu nhập cao hơn 25.1% so với sinh viên tốt nghiệp giáo dục bậc thấp và hơn 16.5% so với người tốt nghiệp giáo dục bậc trung. Ở một số nước, lương của người có bằng GDNN thậm chí còn cao hơn lương người tốt nghiệp đại học.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề quốc gia (ảnh minh họa)

Bối cảnh chính sách và hàm ý cho GDNN

·        Sự phát triển của khoa học công nghệ như số hoá, tự động hoá, rô-bốt và trí tuệ thông minh tạo nên sự thay đổi về cấu trúc việc làm: nhiều việc làm mới được tạo ra và cũng nhiều việc làm bị mất đi, kéo theo đòi hỏi về những kỹ năng mới xuất hiện. Bên cạnh đó, các vấn đề về biến đổi khí hậu, toàn cầu hoá và chuỗi giá trị toàn cầu yêu cầu ngày càng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và sản phẩm, hàng hoá dịch vụ. Những mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng “nền kinh tế chia sẻ” tác động đến các mô hình truyền thống về tổ chức việc làm, mối quan hệ người lao động – người sử dụng lao động và phát triển kỹ năng. Ở đây sẽ xuất hiện những mối quan tâm, trách nhiệm chung của cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phát triển kỹ năng hướng đến sự thành công của doanh nghiệp và nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp.

·        Sự thay đổi mang tính dân chủ và vấn đề nhập cư là những thách thức lớn nhất ở châu Âu, có tác động mạnh mẽ đến nguồn cung lao động có kỹ năng, sự đa dạng, cấu trúc việc làm và cả hệ thống GDNN. Các chiến lược phát triển kỹ năng ở một quốc gia bất kỳ cần phải đặt trong bối cảnh các chính sách về hội nhập và dịch chuyển lao động. Thị trường lao động với nhiều người nhập cư, tị nạn và di cư vì mục đích kinh tế tạo ra sự chênh lệch về kỹ năng là một trong những vấn đề mà EU cần phải giải quyết.

·        Các quốc gia EU có mối quan tâm mang tính chính trị về đầu tư vào con người – điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo rằng các nỗ lực hiện đại hóa được thực hiện ở tốc độ và phạm vi cần thiết. Cần tích hợp các chính sách giáo dục và đào tạo vào các chính sách kinh tế, cạnh tranh và đổi mới. Điều này cũng cần phải được phản ánh đầy đủ trong cấu trúc ngân sách công. Thực tế, thông qua tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên, các đối tác xã hội và các cơ sở cung cấp giáo dục và đào tạo, các chính sách giáo dục và đào tạo trong tương lai cần phải liên kết chặt chẽ hơn với các chính sách công và chiến lược hiện đại hóa khác. Các đối tác xã hội có vai trò chính trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi giữa các ngành. Các nguồn tài trợ và cơ chế tài chính khác nhau (ví dụ: quỹ đào tạo) cần được thiết kế và thực hiện đầy đủ để tối đa hóa tác động tích cực.

Trước những thách thức nêu trên, dự kiến ​​trong tương lai, GDNN sẽ tiếp tục cân bằng sự ổn định và mức độ linh hoạt nhất định cho phép đáp ứng với sự phát triển của thị trường lao động. Trái ngược với những dự báo về nhu cầu đối với các kỹ năng trung bình và cao hơn, EU gặp thách thức lớn về sự thiếu hụt kỹ năng cũng như việc thiếu các kỹ năng cơ bản. Tình trạng này sẽ trở nên gay gắt hơn ở một số quốc gia EU vào năm 2025. GDNN, cùng với hệ thống giáo dục và đào tạo nói chung, sẽ cần phải giải quyết thách thức này và tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của các nền kinh tế châu Âu. Cần đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển các phương pháp dự đoán và tầm nhìn về kỹ năng để hiểu được tác động cụ thể của các thay đổi trong các ngành nghề; đồng thời sử dụng thông tin này để giúp cho các cơ quan quản lý về GDNN trong việc cập nhật chương trình giảng dạy phù hợp; giúp các cá nhân sáng suốt lựa chọn chương trình học và nghề nghiệp phù hợp.

GDNN sẽ tiếp tục giúp cho những người trẻ tuổi tham gia và tham gia thành công và bền vững vào thị trường lao động. Đồng thời, GDNN sẽ cần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với việc nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho người dân, theo nhu cầu của từng đối tượng, bao gồm cả những người có hoàn cảnh khó khăn về mặt xã hội cũng như nhóm có nguy cơ cao (như người di cư, người tị nạn, ngườitay nghề thấp và thất nghiệp, phụ nữ), để có thể giúp họ ở lại và/hoặc (tái) tham gia vào thị trường lao động, tự do di chuyển và tự quyết định việc học cũng như lựa chọn nghề nghiệp của mình.

 

Xác định tầm nhìn chung về tương lai GDNN đến năm 2030

Kể từ năm 2010, chính phủ các nước và các đối tác xã hội đã cũng bàn thảo về các mục tiêu đã được thống nhất trong Tuyên bố Bruges. Cụ thể, các nước đã có nhiều bước tiến trong việc làm cho GDNN phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường lao động thông qua việc tập trung vào định hướng học tập dựa trên nhu cầu công việc, học nghề, phát triển chuyên môn của giáo viên và giảng viên và đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng và mức độ tham gia vào hệ thống GDNN có sự khác nhau giữa các quốc gia thành viên.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng thất nghiệp của thanh niên, các cải cách về GDNN được lồng ghép vào các chương trình cải cách quốc gia. Bên cạnh đó, các nước ngày càng tập trung hơn vào nhu cầu hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng thông qua các chương trình đào tạo thường xuyên. Thông qua việc tham chiếu đến quyền được tiếp cận giáo dục chất lượng và toàn diện, học tập suốt đời cũng như quyền được tiếp nhận hỗ trợ tìm việc làm, đào tạo và đào tạo lại, Trụ cột về Các quyền xã hội của châu Âu xây dựng những cơ sở để cân bằng giữa GDNN cơ bản và GDNN thường xuyên.

Tuyên bố Bruges đã đưa ra tầm nhìn cho chiến lược GDNN của EU đến năm 2020 và từ năm 2017 đã hướng đến xây dựng tầm nhìn cho sau 2020. Các nội dung trong Tuyên bố bao gồm:

·         GDNN cần định vị lại vị trí trong bối cảnh yêu cầu về cả các kỹ năng cơ bản cùng với năng lực kiến thức chung, kỹ năng mềm, tính linh hoạt và chuyên nghiệp. GDNN cần chứng minh khả năng trang bị cho con người không chỉ kỹ năng cho công việc hiện tại và cả việc làm trong tương lai.

  • Sự kết nối giữa đào tạo GDNN cơ bản, GDNN thường xuyên và thị trường lao động cần chuyển từ hình thức một chiều sang hai chiều. Trong bối cảnh sự phát triển về thị trường lao động như đã đề cập ở trên, việc đào tạo suốt đời cho người lao động là cần thiết. Chính sách hiện nay tập trung dành ngân sách cho GDNN cơ bản cần phải thay đổi theo hướng tiếp cận rộng hơn, bao gồm cả cung cấp các khoá đào tạo cho lao động lớn tuổi trên cơ sở nhu cầu, thực tế, linh hoạt và đáp ứng với các chính sách và khung GDNN.

  • Công nghệ mới nổi và các hình thức tổ chức công việc mới cần phải được xác định nhanh thông qua hệ thống dự báo kỹ năng, trên cơ sở đó giúp hệ thống GDNN xác định các kỹ năng cần, xây dựng chương trình và khung trình độ phù hợp. Hệ thống GDNN cần thiết phải xây dựng được cơ chế “Đáp ứng nhanh” kết hợp linh hoạt giữa các kỹ năng/trình độ cơ bản đã được đảm bảo chất lượng và bổ sung thêm các kỹ năng mới, cao hơn. Việc này đòi hỏi sự điều tiết của chính phủ trong việc khuyến khích sự tham gia của các đối tác xã hội, người sử dụng lao động và các tổ chức công đoàn.

·         GDNN sẽ cần kết hợp và cân bằng giữa mô hình hướng vào quy trình-đầu vào và hướng tiếp cận theo kết quả và hướng đến kết quả; theo quan điểm đáp ứng mong đợi của người học về các kỹ năng phù hợp, của nhà tuyển dụng về nhu cầu kỹ năng và tăng năng suất và của xã hội theo quan điểm đóng góp cho tăng trưởng và sự gắn kết xã hội.

·         Quản trị GDNN dự kiến sẽ hướng tới một hệ thống chia sẻ với sự tham gia của các bên liên quan và được thực hiện ở cấp quốc gia, khu vực, địa phương, tổ chức và ngành. Sự tham gia của các đối tác xã hội cũng như các bên liên quan như nhà cung cấp và người học trong việc phát triển, thực hiện và quản trị các chính sách GDNN cần được tăng cường hơn nữa.

·         Cách thức mà mọi người được dạy và học sẽ tiếp tục được phát triển với việc áp dụng các công cụ và chương trình giáo dục mới, dựa trên công nghệ.

·         Cần thiết phải tăng cường sự đổi mới và hiệu quả trong GDNN.

·         Các hệ thống GDNN mạnh góp phần vào tăng khả năng cạnh tranh, đổi mới và tăng trưởng của EU.

Đồng thời, cũng cần phải thừa nhận rằng mặc dù châu Âu đang đối mặt với những thách thức chung, nhưng những thách thức trong lĩnh vực GDNN của các nước không giống nhau. Một số quốc gia có những bước tiến trong số lượng người đăng ký GDNN và xây dựng được hình ảnh tích cực về hệ thống GDNN, trong khi các quốc gia khác lại khó khăn trong việc việc thu hút sự tham gia vào GDNN. Ngoài ra, các hệ thống GDNN rất đa dạng trên khắp châu Âu. Một số quốc gia có hệ thống dựa trên trường học, quốc gia khác có hệ thống kép hoặc kết hợp cả hai. Sự đa dạng này cũng đòi hỏi các giải pháp phải thích nghi tốt với bối cảnh cụ thể của từng quốc gia. 

Tầm nhìn về Giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030

 

A. Kỹ năng, năng lực và trình độ để có việc làm, thích ứng, phát triển cá nhân và công dân tích cực

·        GDNN cần bao gồm a) nền tảng ổn định và b) sự linh hoạt để cung cấp cho người học các kỹ năng và năng lực cần thiết trong thị trường lao động và trong xã hội; điều đó sẽ giúp họ có thể tự chủ cuộc sống và tự quyết định nghề nghiệp cũng như là một công dân tích cực. Người học cần có một nền tảng vững chắc, thành thạo các kỹ năng cơ bản (biết chữ, tính toán, kỹ thuật số) và các khả năng khác. Tất cả những kỹ năng và khả năng này, bao gồm kỹ năng kinh doanh, tư duy phê phán cũng như kỹ năng quản lý nghề nghiệp cần được phát triển hơn nữa thông qua GDNN.

·        Đồng thời, GDNN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khả năng có việc làm của người học và năng suất, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu. Do đó, điều quan trọng là phải tăng cường hơn nữa mức độ phù hợp thị trường lao động của chương trình giảng dạy GDNN, thông qua cách tiếp cận dựa trên kết quả học tậpđào tạo thực tế và tại nơi làm việc

B. Chương trình GDNN có chất lượng, dễ tiếp cận, hấp dẫn, có giá trị và sáng tạo

·         Đội ngũ giáo viên phải có trình độ cao và đã có kinh nghiệm phát triển chuyên môn cơ bản và thường xuyên (bao gồm các kỹ năng về công nghệ số và phương pháp giảng dạy sáng tạo) để mang lại kết quả học tập chất lượng cao. Cần phải nỗ lực tạo sự hấp dẫn của nghề giáo để đảm bảo luôn luôn có đủ giáo viên có năng lực.

·         GDNN cần tập trung vào người học, tạo cơ hội và môi trường học tập linh hoạt, luôn thay đổi nhằm đạt được kết quả tốt nhất, bao gồm học qua thực tế công việc, học qua sự hỗ trợ của công nghệ, các bộ công cụ và tiếp cận với trang thiết bị hiện đại

·         GDNN cần phải phục vụ cho quá trình tăng trưởng thông minh và bền vững, thông qua mở rộng đào tạo và học tập liên thông nhằm khuyến khích sự sáng tạo của học viên, đáp ứng với những ưu tiên mới của nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

·         Cần phải quảng bá GDNN là con đường hấp dẫn và chất lượng cao cho công việc và cuộc sống. Sự hấp dẫn đó có thể thông qua các chương trình đào tạo xuất sắc và được tuyên truyền hiệu quả thông qua các hoạt động/chiến dịch truyền thông, thu hút sự tham gia của các bên liên quan và những tấm gương sinh viên GDNN tiêu biểu. Học sinh cần phải được tiếp cận những thông tin tuyển sinh và đào tạo rõ ràng, dễ hiểu. Việc hướng dẫn, định hướng cho học sinh và gia đình học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy GDNN.

·         Hệ thống GDNN phải đảm bảo hiệu quả và bình đẳng giới, tạo cơ hội đào tạo cho tất cả mọi người, trên cơ sở nhu cầu và điều kiện của người học cũng như yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, GDNN luôn luôn gắn với nguyên tắc đầu tiên của Trụ cột về Quyền xã hội của EU là mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, không phân biệt điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực và công việc/nghề nghiệp hiện tại. GDNN hướng đến việc giúp mọi người đều là những công dân tích cực của xã hội và những người lao động thành công, năng suất lao động cao.

·         GDNN phải cung cấp các chương trình giáo dục chất lượng cao và được nâng tầm lên các cấp độ cao hơn. 

C. Hệ thống đảm bảo chất lượng, đa dạng, tích hợp và đáp ứng cùng với các chính sách về quản trị, tài chính nhằm tăng cường sự xuất sắc, thống nhất và hiệu quả.

 

·        Các hệ thống GDNN cần phải:

- được thiết kế theo quan điểm học tập suốt đời tích hợp GDNN cơ bản và thường xuyên phục vụ cho cả thanh niên và người lớn;

- một phần của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân và hệ thống kỹ năng nghề quốc gia và liên kết với các chính sách việc làm và xã hội ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và châu Âu;

- tích hợp vào các chiến lược kinh tế và đổi mới trong tương lai ở cấp địa phương, khu vực, quốc gia và châu Âu để chủ động thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng;

- dựa trên các cơ chế đảm bảo chất lượng cao và đáp ứng hiệu quả để có thể điều chỉnh kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

·         Quản trị GDNN cần phải dựa trên các dự đoán và đánh giá về kỹ năng và có hệ thống theo dõi cả sau quá trình học để có thể hỗ trợ người học có được những kỹ năng mà có thể đáp ứng được sự phát triển năng động của thị trường lao động và của cả xã hội, đặc biệt trong bối cảnh số hoá, tự động hoá, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

·         Các hệ thống GDNN cần phải thích ứng tốt hơn với môi trường kinh tế xã hội đang phát triển nhanh chóng, theo nhu cầu và cởi mở hơn về các hình thức cung cấp, đặc biệt là thông qua các chiến lược liên quốc gia, dịch chuyển giữa các quốc gia, các hình thức học kết hợp, trực tuyến và đa dạng nhà cung cấp.

·         Hệ thống GDNN cần phải dựa trên quản trị hiệu quả ở tất cả các cấp, có sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các đối tác xã hội và đảm bảo đối thoại hiệu quả giữa các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động, có xem xét đến các cơ chế quan hệ lao động quốc gia và các hoạt động giáo dục và đào tạo. Việc quản trị nhiều thành phần và cấp độ như vậy cũng cần phải được thể hiện trong các cơ chế tài chính.

·         GDNN cần giao mức độ tự chủ phù hợp cho các cơ sở GDNN cũng như đầu tư nguồn lực bền vững hỗ trợ cho việc hiện thực hoá tầm nhìn này.

·         Tầm quan trọng ngày càng lớn của nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động theo quan điểm học tập suốt đời cần phải được thể hiện thông qua việc đầu tư đồng đều vào cả đào tạo cơ bản (I-VET) và đào tạo thường xuyên (C-VET).

·         Quyền được tiếp cận giáo dục đào tạo và các biện pháp khác đảm bảo việc tiếp cận dịch vụ đào tạo cho tất cả mọi người.

·         Những mô hình xuất sắc về GDNN cần phải được khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ và khen thưởng.

VPTCGDNN (Tổng hợp và dịch)