Cập nhật ngày: 27/04/2020

Cambodia sẽ bước vào giai đoạn quá độ chuyển đổi từ quốc gia có nền kinh thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có nền kinh tế thu nhập trung bình cao trước năm 2030. Để đạt được điều này, cần thiết phải chuyển đổi lao động với những công việc mang tính chuyên sâu sang lực lượng lao động có kỹ năng bên cạnh việc bên cạnh việc đa dạng hóa nền kinh tế quốc gia.

Hiện nay, Bộ Lao động và Đào tạo nghề Cambodia (MLVT) đang triển khai hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia dựa trên năng lực (CBACS). Mục tiêu là để nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công nhân, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân và đảm bảo công bằng xã hội. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, việc công nhận trước khi học (Recognition of prior learning - RPL) được triển khai.

ảnh minh họa

Ông H.E Teang Sak, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn và Chương trình đào tạo thuộc MLVT cho biết: Việc công nhận trước khi học RPL, nói một cách chung nhất là việc thừa nhận kỹ năng và kiến thức, hoặc năng lực của một cá nhân người lao động, người có được những trải nghiệm bất luận từ nguồn gốc nào, khi nào, ở đâu và bằng cách nào. Thậm chí là phi chính thức, họ có thể đến để trình diễn năng lực của họ ở các bậc trình độ kỹ năng nghề khác nhau. Bộ Lao động và Đào tạo nghề Cambodia có chính sách về học tập suốt đời được coi là một khía cạnh trong chính sách xã hội. Một mục đích khác của chương trình là dành cho những cá nhân đủ tư cách minh chứng được năng lực và năng suất lao động của họ và đồng thời, nhằm để cắt giảm chi phí đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua chương trình này. Chúng tôi cũng muốn người lao động trình diễn khả năng và năng suất lao động của họ.

Yeun Sothun, ứng cử viên tham gia RPL với nghề lắp đặt điện tòa nhà  chia sẻ: Tôi làm nghề mắc điện hộ gia đình từ năm 2002 tại tỉnh Kratie. Về công việc nghề điện dân dụng, tôi có thể quản lý hệ thống chiếu sáng, tủ cắt mạch và các công việc liên quan đến  mạch điện khác của toàn bộ tòa nhà. Ngày nay, người tuyển dụng yêu cầu người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đây là lý do tại sao tôi muốn tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và tôi hoàn toàn có thể đạt được chứng chỉ.

Uch Sam Ath, ứng cử viên tham gia RPL với nghề quản trị văn phòng chia sẻ: Khi nghe thông báo về chương trình RPL, tôi khá quan tâm. Thông báo cũng nêu rõ lợi ích có được khi tham gia chương trình là được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và được Bộ Du lịch Cambodia và đồng thời được các nước ASEAN công nhận và tôi đã đạt được chứng chỉ. Từ đây, tôi có thể thăng tiến nghề nghiệp bởi tôi đã được công nhận kỹ năng của mình và được người sử dụng lao động hoàn toàn thừa nhận.

Ông H.E Try Chhiv, Giám đốc Ủy ban quốc gia thư ký chuyên môn Du lịch cho biết: Cambodia đã có được hòa bình từ năm 1998. Lĩnh vực du lịch được chú trọng phát triển kể từ khi đó. Tuy nhiên, chúng tôi không đủ cơ sở hạ tầng như các cơ sở đào tạo hoặc các chương trình đào tạo, các chủ kinh doanh, bao gồm: các khách sạn, nhà hàng, các công ty du lịch tự đào tạo nhân viên của họ, tuy nhiên họ không có bất cử chứng nhận nào. Nay, các nhân viên này vẫn làm công việc của mình nhưng không có sự công nhận chính thức nào.

Ông Khim Yorm, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn và Chương trình đào tạo thuộc MLVT cho biết: Chương trình là một chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong điều kiện kỹ năng người lao động còn thấp và chính thức công nhận năng lực cho người lao động. Người lao động có thể làm việc và với mức thu nhập cao hơn.

Ông Thim BunThon, Chủ doanh nghiệp cơ khí mô tô chia sẻ: Đối với tôi, tôi thấy thỏa mãn khi người lao động của tôi có kỹ năng và có chứng chỉ công nhận kỹ năng của họ. Tôi chấp nhận họ mà không một chút do dự. Điều đó giúp chúng tôi công nhận năng lực của họ một cách dễ dàng. Chúng tôi có thể chấp nhận họ ngay, họ là những lao động có kỹ năng thực sự.

Ông Mengcheang Nhep, Giám đốc chính sách quốc gia thuộc SDP cho biết: Chương trình phát triển kỹ năng Swisscontact (SDP) hỗ trợ hai Bộ thông qua hỗ trợ kỹ thuật và phát triển các gói đánh giá cũng như các hướng dẫn về đánh giá cho 5 nghề. Cùng thời điểm, chúng tôi tổ chức đào tạo cho đội ngũ đánh giá viên, họ được coi đóng vai trò nòng cốt hỗ trợ hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Tiếp đó chúng tôi hỗ trợ thành lập Ủy ban đánh giá tại ba tỉnh “mục tiêu”, Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Siem Reap và coi đây là một cơ chế cho hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề bền vững.

Ông H.E Teang Sak, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn và Chương trình đào tạo thuộc MLVT cho biết thêm: Trong chiến lược của Bộ Lao động và đào tạo nghề, giai đoạn năm 2019 -2023, mỗi năm ít nhất thành lập 03 trung tâm đánh giá. Trước mắt, chúng tôi đã xác định 8 trung tâm tiềm năng để trở thành trung tâm đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đến năm 2020, với dự kiến có khoảng 7 triệu khách du lịch quốc tế tới Cambodia, chúng tôi sẽ tạo việc làm cho một triệu người. Ít nhất một nửa trong số đó được đào tạo kỹ năng hoặc được đánh giá cấp chứng chỉ để công nhận năng lực của họ. 

Ông Mengcheang Nhep, Giám đốc chính sách quốc gia thuộc SDP chia sẻ thêm: Swisscontact mong muốn hai Bộ tiếp tục phối hợp để mở rộng phạm vi triển khai để hỗ trợ nhiều bạn trẻ bên ngoài các tỉnh “mục tiêu” của Combodia.

Uch Sam Ath, ứng cử viên tham gia RPL với nghề quản trị văn phòng chia sẻ thêm: Còn đối với những người như cá nhân tôi, có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp, nhưng thiếu các giấy chứng nhận liên quan. Tôi khuyến khích họ tham gia đánh giá để được cấp chứng kỹ kỹ năng nghề vì đây là cơ hội hiếm có mà chúng ta cần tìm kiếm.

Mời quý vị theo dõi chi tiết tại video

                                                  TS Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề

                                                           Ths Vũ Bá Toản – Chuyên viên VP TCGDNN

                                                                                 dịch và biên soạn