Cập nhật ngày: 15/04/2020

Dưới đây là một nghiên cứu ngắn gọn tại các quốc gia đã có bài học kinh nghiệm từ việc thực hiện các chương trình đào tạo và đào tạo lại như một phần của chiến lược phục hồi nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009. Nghiên cứu này tóm tắt về kinh nghiệm ở 09 quốc gia: Bỉ, Canada, Đức, Hàn Quốc, Peru, Philipines, Nam Phi, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Những phát hiện được trình bày dưới đây cho thấy việc đào tạo và đào tạo lại có thể trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược hiệu quả nhằm đối phó với khủng hoảng; mặc dù, không có một đánh giá nào về tác động của nó và những phát hiện này chỉ mang tính chất tạm thời, tuy nhiên người ta vẫn đưa ra những chỉ dẫn hữu ích về cả sự thành công và khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp đó.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2008, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã giúp đỡ các quốc gia thành viên tìm cách hạn chế chi phí kinh tế, xã hội và đẩy nhanh quá trình phục hồi việc làm cho lao động. Năm 2009, ILO đã thông qua Hiệp ước Việc làm toàn cầu (GJP), trong đó đề xuất các biện pháp, chính sách để kích thích sự phục hồi kinh tế tập trung vào đầu tư, việc làm và bảo vệ xã hội (ILO, 2009). Nổi bật trong số đó là việc đầu tư vào phát triển kỹ năng của người lao động- để giúp họ trong công việc, ngăn chặn hoặc giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, và chuẩn bị lực lượng lao động có thể đảm nhận những công việc mới trong tương lai (hộp 1). Hiệp ước Việc làm toàn cầu cũng nhấn mạnh rằng những nỗ lực này nên tập trung cho những người có nguy cơ bị loại khỏi thị trường lao động, và ủng hộ việc xây dựng các biện pháp đào tạo thông qua đối thoại xã hội.

Theo Hiệp ước Việc làm toàn cầu, việc đầu tư vào phát triển kỹ năng và đào tạo nhằm mục đích: thúc đẩy việc tái sử dụng lao động đúng với năng suất và công việc của họ; nâng cao kỹ năng của người lao động trong thời gian ngừng kinh doanh như một khoản đầu tư cho năng suất và năng lực cạnh tranh trong tương lai; và đào tạo những loại hình công việc thông qua các gói kích thích từ đó tối đa hóa số lượng công việc được tạo ra và để tránh sự thiếu hụt kỹ năng dẫn đến việc dừng thực hiện các kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng.

Các chương trình đào tạo và đào tạo lại có thể giúp gì trong thời kỳ Đại suy thoái?

Các chương trình đào tạo và đạo tạo lại đã trở thành những thành tố quan trọng trong chính sách thị trường lao động để ứng phó với những áp lực mang tính chu kỳ của thị trường (Cazes et al., 2009). Những chính sách đó nhằm giúp người lao động ổn định với công việc và cũng tạo ra cơ hội quay trở lại thị trường lao động cho những người đã mất việc. Dần dần, các nhà hoạch định chính sách và đối tác xã hội nhận ra rằng trong thời kỳ khủng hoảng, các chương trình đào tạo và đào tạo lại có thể hoạt động như một công cụ để ổn định kinh tế; đồng thời giúp giải quyết các thiếu hụt kỹ năng cơ bản; và đảm bảo rằng người thất nghiệp vẫn kết nối với thị trường lao động.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, câu hỏi thường thấy trong bối cảnh này là: Đào tạo để làm gì? Nhưng một câu hỏi thứ hai cũng rất quan trọng là: Làm thế nào để đào tạo trở thành một phần không thể thiếu trong các biện pháp của thị trường lao động mà cùng với đó có thể đáp ứng hiệu quả cả nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp?

Đó là bản chất tự nhiên của khủng hoảng kinh tế mà ở đó chính quyển các cấp thường vẫn phải hành động rất khẩn trương để chứng minh lợi ích mà các chương trình đào tạo đem lại, với một nguồn ngân sách hết sức hạn hẹp.

Những kinh nghiệm trước đây và hiện nay đã khẳng định việc các nước sử dụng các chương trình đào tạo và đào tạo lại như là một trong những biện pháp để ứng phó với khủng hoảng như thế nào?

Không chỉ các nước đang phát triển, ở những nước có thu nhập trung bình và thấp cũng đã chuẩn bị để ứng phó với ảnh hưởng của sự suy thoái về việc làm. Trong ba thập kỷ qua, một trong những biện pháp thường xuyên mà Chính phủ các nước sử dụng để ứng phó với cú sốc về kinh tế là các chương trình đào tạo. Những công cụ hiệu quả của chính phủ và các đối tác xã hội bao gồm: phát triển kỹ năng và duy trì công việc phù hợp với những thay đổi cơ cấu của thị trường lao động.

Hầu hết Chính phủ các nước tập trung đảm bảo sử dụng hiệu quả và kịp thời những nguồn lực sẵn có và có xu hướng thích nghi, định hướng lại và mở rộng các loại hình việc làm, chương trình đào tạo hiện có thay vì tạo ra các nguồn lực một cách khẩn cấp. Đồng thời, kinh nghiệm của các quốc gia ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và việc làm bắt đầu từ năm 2008 đã đưa ra những cách nhìn mới đối với những vấn đề được tạo ra từ các cuộc khủng hoảng trước đó, cụ thể đối với 06 nhóm vấn đề như sau:

 

1.     Tác động của chu kỳ kinh tế đến chương trình đào tạo nghề

1.1Kinh nghiệm từ quá khứ

Các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động được triển khai hiệu quả hơn trong thời kì khôi phục, khi điều kiện kinh tế thuận lợi hơn.

1.2. Bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay

        Khả năng đáp ứng của các quốc gia phụ thuộc vào việc các chương trình đào tạo có thể được nhân rộng nhanh chóng; Việc triển khai các chương trình đào tạo  sẵn có được cấp vốn bổ sung như một  phương án khẩn cấp sẽ nhanh và hiệu quả hơn so với việc tạo ra các chương trình mới; Hợp tác, phối hợp với các bên liên quan để nhân rộng các chương trình đào tạo trước cú sốc kinh tế khi điều kiện thị trường lao động thay đổi nhanh chóng; Năng lực đánh giá tác động của các chương trình đào tạo và đào tạo lại cung cấp thông tin giá trị trong việc tìm hiểu tác động của các chương trình này trong những giai đoạn khác nhau của chu kỳ kinh tế và trong việc cải thiện khả năng thích ứng về cơ chế.

2. Những ưu điểm của chương trình đào tạo tại chỗ

2. 1.  Kinh nghiệm từ quá khứ

Các chương trình đào tạo hoạt động tốt khi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan tham gia thực hiện đều nắm rõ mục tiêu và những hạn chế của các chương trình đó.

 

2. 2. Bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay

        Đào tạo tại chỗ mang lại kết quả rõ rệt hơn vì nội dung có thể được điều chỉnh theo nhu cầu kỹ năng của nhà tuyển dụng và tạo cơ hội cho việc tự học hoặc áp dụng kiến ​​thức.  Tuy nhiên, đào tạo tại lớp học có giá trị trong việc nâng cao các kỹ năng của từng đối tượng cụ thể (ví dụ: người thất nghiệp dài hạn).

        3. Cung cấp toàn diện và đầy đủ các chương trình đào tạo

       3.1. Kinh nghiệm từ quá khứ

      Các chương trình đào tạo và đào tạo lại có kết nối với thị trường lao động và dịch vụ việc làm khác.

           3.2. Bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay

      Các can thiệp toàn diện và đầy đủ hơn giúp chính phủ nhận diện được những  rào cản trong công việc mà những người thất nghiệp phải đối mặt; Kết nối các sáng kiến đào tạo với các dịch vụ tư vấn trước khi đào tạo giúp tăng tỷ lệ việc làm sau đào tạo. Trong hầu hết các trường hợp, các dịch vụ việc làm công đóng vai trò trong việc bổ sung và tăng cường các chương trình hiện có, nhờ kinh nghiệm quản lý các loại biện pháp chủ động và thụ động của thị trường lao động, chuyên môn trong việc phân tích thông tin thị trường lao động và mạng lưới cung cấp dịch vụ toàn quốc; Công nhận năng lực của những người thụ hưởngcác chương trình đào tạo nghề là một gói hỗ trợ khẩn cấp nhằm tăng cơ hội việc làm và khuyến khích sự tham gia của học trong cáckhóa đào tạo khác trong tương lai.

        4. Hợp tác công tư

       4.1. Kinh nghiệm từ quá khứ

       Quan hệ đối tác có ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện đào tạo, cung cấp dịch vụ miễn phí thông qua các dịch vụ việc làm công và huy động các nguồn lực, mạng lưới.

 

       4.2.Bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay

        Việc mở rộng hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các cơ quan tư nhân (cả lợi nhuận và phi lợi nhuận) giúp chính phủ đẩy mạnh các chương trình ứng phó khủng hoảng và cung cấp đào tạo theo định hướng thị trường linh hoạt hơn.  Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải có các biện pháp quản lý và biện pháp bảo vệ tinh vi hơn.

       5. Mối liên hệ giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động

       5.1. Kinh nghiệm từ quá khứ

      Các chương trình đào tạo đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai của thị trường lao động chắc chắn sẽ cải thiện cơ hội việc làm của người tham gia.

       5.2. Bài học từ cuộc khủng hoảng hiện nay

       Hệ thống thông tin thị trường lao động chất lượng cao được xem là cần thiết cho việc tổ chức những chương trình lớn về thị trường lao động. Duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng giúp chính phủ hiểu rõ hơn và đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng của nhà tuyển dụng; Các tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động đều mong muốn có những định hướng dài hạn trong việc thiết kế chương trình đào tạo nhằm đảm bảo đáp ứng các kỹ năng cần thiết trong tương lai.

 

         6. Tầm quan trọng của các mục tiêu thụ hưởng chương trình đào tạo

         6.1. Kinh nghiệm từ quá khứ

         Các chương trình đào tạo hoạt động tốt khi các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan tham gia thực hiện đều nắm rõ mục tiêu và những hạn chế của các chương trình đó.

         6.2. Kinh nghiệm từ quá khứ

        Các chương trình đào tạo đúng mục tiêu đem đến hiệu quả hơn về chi phí từ đó có thể hỗ trợ các nhóm bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi cuộc khủng hoảng, bao gồm lao động bị thay đổi công việc và có tay nghề thấp, thanh niên, người lớn tuổi, phụ nữ và lao động nhập cư. Trong hầu hết các trường hợp, các quỹ công cộng được yêu cầu đảm bảo sự tham gia của mọi người và được giải ngân thông qua các hình thứckhoản trợ cấp đào tạo, trợ cấp lương và/hoặc trợ cấp thất nghiệp. Đặc biệt cần chú ý đến việc lựa chọn các mục tiêu thụ hưởng tốt hơn để tránh sự tham gia chỉ dựa trên hỗ trợ thu nhập; Việc giảm thời gian làm việc và tiền lương tạm thời kết hợp với đào tạo nghề cũng là một cách để tránh mất việc làm và thu nhập cho người lao động. Những biện pháp này cho phép người sử dụng lao động giữ lại những người lao động có trình độ và tận dụng thời gian khủng hoảng để nâng cao kỹ năng. Trong trường hợp bắt buộc phải sa thải, việc tham gia vào quá trình đào tạo cũng là chuẩn bị cho người lao động bắt đầu công việc mới sau khi phục hồi. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nên thực hiện trong thời gian ngắn để đảm bảo rằng việc chia sẻ công việc là một biện pháp tạm thời và không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lại cơ cấu cần thiết.  

Các chương trình đào tạo và đào tạo lại được triển khai như thế nào trong thời kỳ đại suy thoái?

 

Trong cuộc Đại suy thoái, ngân sách dành cho các chương trình về thị trường lao động là một phần quan trọng, nhưng vẫn là nhỏ trong các gói kích thích ứng phó với khủng hoảng. Theo khảo sát của ILO đối với 65 nền kinh tế tiên tiến, mới nổi và đang phát triển, 11,7% các biện pháp kích thích nhằm ứng phó với khủng hoảng ở các nền kinh tế tiên tiến và 5,1% các biện pháp tương ứng ở các nền kinh tế mới nổi hoặc đang phát triển được dành cho các chương trình thị trường lao động tích cực (xem bảng 2). Tỷ lệ cao hơn của các biện pháp nhằm đối phó với khủng hoảng được dành cho chi phí về cơ sở hạ tầng, cắt giảm thuế và các biện pháp khác nhằm tăng tổng cầu (IILS, 2011, bảng 2.1, trang 39).

 

Các chương trình đào tạo và đào tạo lại thường được thực hiện kết hợp với các chương trình tuyển dụng lao động khác. Chúng có sự khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Đối với các quốc gia có thu nhập cao, đào tạo (bao gồm học nghề và kinh nghiệm làm việc, hướng tới những người thất nghiệp hoặc có nguy cơ bị sa thải) là chính sách phổ biến nhất. Các chiến lược tiếp theo được sử dụng một cách thường xuyên là giảm giờ làm, tăng hỗ trợ tìm kiếm việc làm và trợ cấp việc làm hoặc tiền lương. Được sử dụng ít nhất là các chương trình việc làm cộng đồng. Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đào tạo cũng là lựa chọn hàng đầu nhưng song song với đólà  sự hỗ trợ tìm kiếm việc làm, khuyến khích tinh thần kinh doanh và các chương trình việc làm cộng đồng. Tất cả các loại chương trình này ít phổ biến hơn ở những nước có thu nhập thấp so với các nước thu nhập trung bình (Cazes et al., 2009).

 

Các quốc gia đã áp dụng các chương trình đào tạo và đào tạo lại như một phần trong chiến lược ứng phó và khắc phục khủng hoảng kinh tế của họ như thế nào?

Kinh nghiệm của một quốc gia trong việc thực hiện các chương trình đào tạo và đào tạo lại như là một phần của việc ứng phó với cuộc Đại suy thoái đã làm sáng tỏ các yếu tố thuận lợi và khó khăn phổ biến mà các nhà hoạch định chính sách và các học viên phải đối mặt, cũng như đưa ra các chính sách đổi mới chương trình đào tạo. Dưới đây là một số quan sát theo ba nhóm chính sách về đào tạo lao động trong Hiệp ước việc làm toàn cầu.

1. Đào tạo để đẩy nhanh việc tái sử dụng những người thất nghiệp hoặc những người đã bị mất việc

·     Các chương trình đào tạo và đào tạo lại được triển khai để giúp những người lao động thất nghiệp và bị mất việc trở lại làm việc chủ yếu được tài trợ bởi Chính phủ. Hỗ trợ đào tạo đã được cung cấp để kết nối những người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng với các công việc hiện tại và đồng thời giải quyết tình trạng thiếu lao động. Ví dụ, ở vùng Flemish của Bỉ, việc đào tạo chỉ được tiến hành ở những khu vực mà ở đó đã từng xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc dự kiến tăng trưởng công việc trong tương lai, chẳng hạn như ngành cơ khí, xây dựng, giao thông, công nghiệp (không phải tổ chức vì lợi nhuận), logistics và phân phối năng lượng.

·     Chính phủ các nước cũng tăng cường mối quan hệ với người sử dụng lao động để cập nhật thông tin về các yêu cầu công việc và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Mối quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục và các nhà cung cấp đào tạo cũng được tăng cường. Tại Philippines, học bổng Pangalong Gloria được tài trợ bởi nguồn thu công để đào tạo nghề trong những ngành nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao nhất.

·     Đặc biệt nhấn mạnh vào việc sử dụng đào tạo trong giai đoạn khủng hoảng để tăng cường sự tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt là trong các nhóm yếu thế. Các sáng kiến được thực hiện bởi các tỉnh của Canada như British Columbia và Alberta tập trung vào việc mở rộng dịch vụ hỗ trợ cho người lao động có tay nghề thấp bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng như thanh niên, phụ nữ, người lao động bản xứ và người nhập cư.

·     Các chương trình đào tạo cũng nhằm mục đích cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng cho người lao động có tay nghề thấp và người thất nghiệp dài hạn. Tại Hàn Quốc, việc giới thiệu Tài khoản đào tạo cá nhân năm 2008 đã giúp Chính phủ thúc đẩy việc thực hành đào tạo lấy khách hàng làm trung tâm và thân thiện với thị trường trong khi lưu giữ hồ sơ về lịch sử đào tạo cá nhân để theo dõi sự tiến bộ của người lao động và tạo điều kiện quản lý tích hợp hơn các chương trình đào tạo.

• Hầu hết Chính phủ các nước đã phân bổ ngân sách bổ sung để mở rộng các chương trình đào tạo và dịch vụ cộng đồng hiện có. Thể chế ở Canada khá hiệu quả trong việc chuyển các quỹ kích thích bổ sung một cách thuận lợi từ cấp liên bang đến cấp địa phương. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu Canada cho rằng sẽ rất hữu ích khi phát triển một quỹ đào tạo được dự trữ để sử dụng như một nguồn tài trợ theo chu kỳ trong trường hợp khủng hoảng trong tương lai.

Nâng cao năng lực để phục vụ nhiều khách hàng hơn và mở rộng cơ hội đào tạo trong thời gian ngắn không chỉ phụ thuộc vào khả năng tài chính mà còn phụ thuộc vào khả năng chuyên môn và sự sẵn sàng thay đổi cách thức hoạt động và thực hiện các quy định mới. Chính phủ Liên bang ở Hoa Kỳ đã chuyển các quỹ bổ sung cho các tiểu bang và nhà quản lý địa phương để mở rộng các chương trình đào tạo và việc làm dưới sự bảo trợ của Đạo luật Đầu tư Nguồn nhân lực năm 2008. Mặc dù vậy, ở cấp địa phương, một số Trung tâm Hướng nghiệp Một cửa thiếu nhân sự và nguồn lực để cung cấp các dịch vụ và đánh giá cần thiết để giúp các cá nhân tiếp cận đào tạo.

2. Đào tạo nâng cao kỹ năng của người lao động trong thời gian ngừng hoạt động kinh doanh

• Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hợp tác trong việc thực hiện các chương trình chia sẻ công việc như một cách để duy trì công việc và cho phép người lao động giữ lại một phần, mặc dù giảm, thu nhập (Messenger và Rodríguez, 2010). Một số quốc gia có thu nhập trung bình, đặc biệt là ở Đông Âu và Mỹ Latinh, đã khởi xướng các chương trình chia sẻ công việc vào thời điểm suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, mặc dù đã nỗ lực kết hợp các hoạt động đào tạo vào chia sẻ công việc, lựa chọn này không được sử dụng trên quy mô lớn, ngay cả ở các quốc gia, nơi mà các cơ chế như vậy được thiết lập tốt. Ví dụ, ở Đức, theo ước tính của Cơ quan Lao động Liên bang, chỉ có 8,6% số giờ làm việc cắt giảm cho các doanh nghiệp Đức được sử dụng cho đào tạo trong năm 2009 và 21% trong năm 2010. Chương trình của Đức đối mặt với một số khó khăn thực tế trong việc tổ chức đào tạo trong thời gian ngừng kinh doanh đồng thời vẫn phải cho phép người sử dụng lao động đủ linh hoạt để điều chỉnh thời gian đào tạo theo nhu cầu kinh doanh.  

• Hiệu quả của các chương trình đào tạo có sự liên quan chặt chẽ đến mức độ hợp tác giữa cơ quan quản lý, công đoàn, dịch vụ việc làm công cộng và các nhà cung cấp đào tạo. Trong một số tình huống, cách tiếp cận theo ngành đã góp phần giúp các doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn hiện tại và đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của các kế hoạch đào tạo. Tại Vương quốc Anh, chương trình làm việc ngắn hạn với một cấu phần đào tạo được giới thiệu ở Wales được thiết kế tốt và triển khai thuận lợi nhờ sự đối thoại hiệu quả và liên tục giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành, công đoàn và các công ty; các nhà cung cấp đào tạo tư nhân cũng được tổ chức tốt hơn để cung cấp việc đào tạo có mục đích và linh hoạt cho các công ty thụ hưởng.

Chuẩn bị tốt về thể chế và sự nhanh chóng ứng phó với các điều kiện khủng hoảng là những yếu tố chính trong việc thực hiện thành công chương trình đào tạo trong thời gian ngừng hoạt động kinh doanh. Chương trình đào tạo cho lao động bị sa thải ở Nam Phi chỉ đi vào hoạt động vào tháng 1 năm 2010, vào thời điểm đó, nhiều vụ sa thải đã xảy ra. Sự chậm trễ này là do thiết kế chương trình phức tạp và thiếu năng lực thể chế để điều phối hoạt động của các cơ quan Chính phủ.

3. Đào tạo để chuẩn bị cho công nhân đảm nhận công việc được tạo ra thông qua các gói kích thích

-  Nhiều quốc gia đã cố gắng kích thích tổng cầu bằng cách bơm các nguồn quỹ công vào phát triển cơ sở hạ tầng và các sáng kiến “các việc làm xanh”. Một số sáng kiến việc làm xanh, đặc biệt là ở châu Á và Thái Bình Dương (Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines), về cơ bản là các chương trình việc làm công được thành lập để hỗ trợ thu nhập cho lao động thất nghiệp có tay nghề thấp.

- Một số chương trình đào tạo theo cách này đã mất nhiều thời gian để triển khai, so với các biện pháp đào tạo đối phó với khủng hoảng khác, vì liên quan đến quá trình đấu thầu và đánh giá đề xuất từ các cơ quan phi lợi nhuận, cơ sở GDNN và các cơ sở giáo dục đại học (Mass et al., 2010). Chương trình việc làm xanh của Hoa Kỳ được tài trợ thông qua Đạo luật phục hồi và tái đầu tư của Mỹ năm 2009 được triển khai chậm hơn so với các chương trình đào tạo khác do Đạo luật nợ thông qua các quy trình quản trị tài trợ cạnh tranh phân bổ quỹ đào tạo theo các đề án khác nhau, bao gồm Đào tạo và quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng quốc gia, Con đường thoát nghèo, Các quan hệ đối tác đào tạo trong lĩnh vực năng lượng, tài trợ việc Cải thiện thông tin thị trường lao động quốc gia và xây dựng năng lực xanh.

- Ở các nước khác, đã có những sáng kiến đào tạo lao động cho các công việc trong các lĩnh vực tăng trưởng mạnh và để phù hợp hơn với các sáng kiến đào tạo đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp. Các quốc gia cũng nhân rộng các dịch vụ bổ sung như tư vấn và giới thiệu việc làm. Ở Peru, các biện pháp đào tạo và đào tạo lại được thực hiện thông qua chương trình Vamos Perú (trước đây gọi là Revalora) nhằm hạn chế mất việc làm bằng cách tăng khả năng tìm việc làm của những người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy thoái kinh tế. Người lao động thay thế nhận được hỗ trợ giới thiệu việc làm và chứng nhận năng lực lao động để giúp họ chuyển sang các ngành khác, bao gồm cả những ngành đang phát triển do đầu tư công.

 

Các doanh nghiệp/người sử dụng đã sử dụng cơ chế đào tạo nào?

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là thời điểm đầy thách thức đối với bất kỳ doanh nghiệp nào bắt tay vào đầu tư phát triển kỹ năng. Mặc dù vậy, người sử dụng lao động đã nỗ lực cung cấp cho người lao động cơ hội được đào tạo, ví dụ, áp dụng các phương pháp đào tạo ít tốn kém hơn như đào tạo nội bộ và các khóa học trực tuyến. Ở châu Âu, phạm vi của việc hỗ trợ đào tạo đã thay đổi từ đào tạo tổng quan (ví dụ: phát triển các kỹ năng có thể chuyển giao) sang cụ thể tại công ty. Các doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực tri thức chuyên sâu, đa quốc gia, doanh nghiệp vừa và lớn đã tích cực hơn trong đào tạo trong cuộc Đại suy thoái so với các doanh nghiệp nhỏ.

 

Trong hầu hết các trường hợp, đào tạo cho người lao động làm việc ở khu vực tư nhân chỉ được thực hiện khi có sẵn nguồn kinh phí thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo công. Ví dụ, ở Đan Mạch, 39% doanh nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động đào tạo như một phần trong chiến lược của họ để giải quyết khủng hoảng (Eurofound, 2011), được hỗ trợ một phần bởi một khoản trợ cấp lương thông qua Hệ thống đào tạo thường xuyên và đào tạo cho người lớn Đan Mạch. Chính phủ có xu hướng hỗ trợ các hoạt động đào tạo kết nối với các chính sách công rõ ràng trong các lĩnh vực được lựa chọn và khuyến khích phát triển các kỹ năng có thể chuyển giao. Một đánh giá được thực hiện bởi Eurofound cho thấy ở hầu hết các nước EU, trợ cấp công là hình thức hỗ trợ lớn nhất để đào tạo người lao động.

Làm thế nào các đối tác xã hội đã tham gia vào các chương trình đào tạo và đào tạo lại?

Thời gian khủng hoảng đòi hỏi việc đưa ra các quyết định nhanh chóng và đối thoại xã hội hiệu quả sẽ thúc đẩy quá trình này. Mặc dù các công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động thường không trực tiếp tham gia quản lý các chương trình đào tạo, tại một số quốc gia, họ đã tích cực trong việc định hình các sáng kiến chính sách và thông tin phản hồi về hoạt động của các chương trình. Ngoài ra, trong khi chính phủ đang phải dành thời gian cho những việc trước mắt thì ở một số quốc gia, các tổ chức công đoàn và tổ chức người sử dụng lao động đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp một viễn cảnh dài hạn hơn về giá trị đầu tư vào vốn nhân lực để tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

Trong khi các đối tác xã hội ghi nhận tầm quan trọng của đào tạo và phát triển kỹ năng như là một biện pháp quan trọng trong ứng phó với khủng hoảng, các tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động xu hướng có quan điểm khác nhau về trách nhiệm cung cấp và chi trả cho đào tạo. Nhìn chung, họ đồng ý rằng cần có sự hỗ trợ lớn hơn từ các chính phủ để thúc đẩy các chương trình đào tạo thích hợp trong các cuộc khủng hoảng kinh tế. Người sử dụng lao động thường ủng hộ việc đào tạo tại nơi làm việc, trong khi các công đoàn thường ủng hộ các hoạt động đào tạo rộng hơn. Hỗ trợ của chính phủ là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng phù hợp, cả về các hình thức đào tạo được cung cấp và giữa các kỹ năng đặc thù nghề nghiệp và chuyển giao.

 

Kết luận

Cuộc đại suy thoái đã và đang tiếp tục, là thời điểm tăng tốc, tăng cường dịch chuyển của thị trường lao động. Nó tạo ra những căng thẳng và bất an cho người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ. Ngược lại, phát triển kỹ năng trong bất kỳ xã hội nào là một quá trình tích lũy lâu dài. Để xây dựng một hệ thống kỹ năng và việc làm có thể ứng phó với các cú sốc do khủng hoảng và thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, các quốc gia cần có sự cân bằng của bốn yếu tố thiết yếu: Khung chính sách hợp lý; Đối thoại với xã hội hiệu quả; Một nguồn quỹ cân xứng và Năng lực của thể chế để thực hiện chương trình.

Chỉ mới gần đây, trọng tâm của phân tích chính sách đã chuyển tập trung sang việc đánh giá hiệu quả của các chương trình đào tạo và đào tạo lại trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng kinh tế. Kinh nghiệm của các quốc gia bị tác động bởi cuộc khủng hoảng gần đây đã xác định các tác động tích cực của đào tạo. Các bài học kinh nghiệm cho đến nay cung cấp cơ sở để các quốc gia có thể tiếp tục chuẩn bị về thể chế cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai, một số hoạt động chính bao gồm:

- Liên tục tăng cường hệ thống cung cấp chương trình đào tạo linh hoạt, có thể thích ứng, có thể mở rộng trong những điều kiện khủng hoảng để cung cấp đào tạo và các dịch vụ khác và cũng thu hẹp quy mô khi điều kiện kinh tế phục hồi trở lại.

- Hỗ trợ đầu tư mang tính chiến lược vào phát triển dự báo thị trường lao động để có thể đưa ra các quyết định về đào tạo dựa trên dự báo tốt hơn về các cơ hội kinh tế trong tương lai.

- Hướng tới sử dụng nhiều hơn các biện pháp phòng ngừa như đào tạo các chương trình chia sẻ công việc để giữ cho người lao động làm việc và cho phép các doanh nghiệp giữ được nguồn nhân lực có giá trị trong bối cảnh suy thoái kinh tế.

- Thúc đẩy hợp tác giữa các cấp chính quyền và các cơ quan cung cấp dịch vụ để thúc đẩy việc thực hiện nhanh chóng và hiệu quả các chương trình đào tạo.

- Cân bằng giữa nhu cầu ngắn hạn để ứng phó với khủng hoảng với đầu tư dài hạn, liên tục để cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển kỹ năng.

- Thu thập dữ liệu chất lượng cao phục vụ cho việc phân tích, đánh giá kết quả đào tạo.

- Các chính sách và chương trình tương ứng với các thông lệ quốc tế.

 

                                                      Văn phòng TCGDNN dịch và biên soạn/ilo.org

Kết quả tìm kiếm

Kết quả trang web kèm theo liên kết