Cập nhật ngày: 23/10/2015

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ ra đời vào cuối năm nay; Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiên lược xuyên Thái Bình dương (TPP) cũng vừa hoàn tất đàm phán, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và tự do dịch chuyển cho người lao động. Để lao động Việt vững vàng hội nhập, theo PGS.TS. DƯƠNG ĐỨC LÂN, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB và XH), phải đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng, tay nghề cao, sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí công việc quan trọng…

PV: Ông đánh giá thế nào về nguồn nhân lực của nước ta hiện nay so với các nước trong khu vực ASEAN?
 
PGS.TS. Dương Đức Lân: Đến thời điểm này, chưa có nghiên cứu nào xác định rõ chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đứng thứ mấy trong 10 nước ASEAN. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã 8 lần đi thi tay nghề ASEAN, 5 lần đi thi tay nghề thế giới. Trong 8 lần tham dự cuộc thi nghề mang tính đỉnh cao của khu vực, Việt Nam 3 lần đứng ở vị trí thứ nhất và 3 lần về nhì; năm 2014, Việt Nam đã giành được 15 Huy chương Vàng. Tại cuộc thi tay nghề thế giới diễn ra tại Brazil tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên chúng ta đạt Huy chương Đồng cho nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin... 
 
Rõ ràng, nếu xét về tay nghề đỉnh cao thì Việt Nam có thể coi là quốc gia đứng thứ nhất khu vực. Song, dựa vào đó để nói nhân lực Việt Nam đứng đầu bảng sẽ không chính xác, bởi số thí sinh đi thi không đại diện cho toàn bộ lực lượng lao động Việt Nam với 47% làm trong lĩnh vực nông nghiệp (lĩnh vực chưa qua đào tạo hoặc nếu có cũng ở mức sơ đẳng). Điều này dẫn đến năng suất lao động của chúng ta cũng được xếp vào hàng rất thấp. Nếu so chung về chất lượng lao động thì Việt Nam còn thua kém nhiều nước trong ASEAN, đặc biệt là các nước ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
 
 “Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thấp có nhiều nguyên nhân như: chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa tốt. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ, cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam chưa cao. Chẳng hạn, rất ít lao động Việt Nam học tiếng Anh chứ chưa nói đến các thứ tiếng trong khối. Do đó khả năng thích nghi với môi trường làm việc mới sẽ vô cùng khó khăn. Kỷ luật lao động cũng như cường độ lao động… cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh khi hội nhập”.
 
PGS.TS. DƯƠNG ĐỨC LÂN
 
PV: AEC sẽ ra đời cuối năm nay, lao động trong khối được tự do dịch chuyển. Chúng ta đã có sự chuẩn bị thế nào để lao động Việt Nam đủ khả năng thích ứng và cạnh tranh, thưa ông?
 
PGS.TS. Dương Đức Lân: Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo cho lĩnh vực đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng về việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, mang tính đột phá trong chất lượng dạy và học nghề nhằm vững vàng bước vào hội nhập. Năm 2012, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020. Tiếp theo, Quyết định 371/QĐ-TTg năm 2013 cho phép chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012 - 2015… Qua đó, chúng ta đã phối hợp đào tạo với nhiều nước như: Australia là 12 nghề và sắp tới sẽ tiếp tục chuyển giao các nghề quan trọng với Đức, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 34 nghề ở trình độ quốc tế. Cùng với đó, 45/500 trường trung cấp và cao đẳng nghề được đầu tư từ nguồn vốn trong nước và nước ngoài cùng các điều kiện về chương trình, giáo trình tiêu chuẩn nghề đánh giá thi kiểm tra các văn bằng chứng chỉ… nhằm tạo ra nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh trong sân chơi chung của khu vực và quốc tế (dự kiến TPP sẽ mang lại khoảng 6 triệu việc làm trong vòng 10 năm tới, chiếm 9,5% tổng số việc làm tạo thêm ở Cộng đồng ASEAN). Để chuẩn bị nguồn nhân lực ngang bằng với các nước trong thị trường chung ASEAN, không có cách nào khác ngoài việc phải đào tạo cho được đội ngũ người lao động có kỹ năng, tay nghề cao, sẵn sàng đảm nhiệm được các vị trí công việc quan trọng.
 
Hiện Tổng cục Dạy nghề đang triển khai quyết liệt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo mô hình đào tạo kép giữa các trường nghề với doanh nghiệp trong và ngoài nước, với mục tiêu đến năm 2018 sẽ có 1.200 sinh viên được đào tạo ở cả 12 nghề của Australia ra trường với 2 bằng: 1 của Việt Nam và 1 của Australia. Đến năm 2020 dự kiến sẽ có gần 3.000 người được đào tạo theo các chương trình chất lượng cao như vậy.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
 
Giờ thực hành tháo lắp chi tiết máy của sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên
 
 - Một trong những yếu tố bảo đảm chất lượng đào tạo nghề là phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định về cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường. Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp tích cực tham gia quá trình đào tạo nghề?
 
- Hiện nay, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nghề chưa có sự gắn kết máu thịt. Vẫn biết, tình hình suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp khiến họ không thể, hoặc không đủ lực tham gia vào công tác đào tạo nghề, nhưng nếu không ý thức được tầm quan trọng của sự phối hợp này thì doanh nghiệp có thể bị thua ngay trên sân nhà. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã dành hẳn 1 chương quy định quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thời gian tới, cần tuyên truyền để doanh nghiệp nhận rõ yêu cầu cấp thiết và trách nhiệm của mình trong việc chăm lo đào tạo bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân và người lao động, nhất là trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.
 
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân