Cập nhật ngày: 03/11/2015

Ngày 2/11/2015, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ LĐ - TB&XH, Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cùng với các đối tác: Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Cấp Thoát Nước Việt Nam, các công ty thoát nước của TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ và Khánh Hòa phối hợp mở khóa đào tạo hợp tác đầu tiên cho nghề “Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải”. 

Tham dự buổi lễ có ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội; ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề… 
 
 
Các đại biểu tham dự buổi lễ
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp và phải diễn ra trên lộ trình tăng trưởng “xanh”. Điều đó có nghĩa là gắn kết tăng trưởng kinh tế với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên một cách thông minh”. Trong đó, việc xây dựng và mở rộng hạ tầng xử lý nước thải là một hoạt động mang tính lâu dài và hạt nhân của nền kinh tế bền vững. Bởi vậy đào tạo kỹ thật cấp thoát nước là nhu cầu rất thiết thực. 
 
 
 
Thứ trưởng Phạm Minh Huân và diện lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tặng quà các học viên tham dự khóa đào tạo "Nghề kỹ thuật thoát nước và xử lí nước thải"
 
Trong vòng 3 năm,  20 cử nhân được đào tạo đầu tiên này sẽ được tiếp thu các ưu điểm của chương trình đào tạo hợp tác này là sự kết hợp giữa tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn nghề của Đức (hiện là mô hình tốt nhất  trên thế giới). Thêm một cơ hội nữa sinh viên có điều kiện thi lấy bằng cử nhân của Đức và nhận mức lương ngang bằng với kỹ sư.
 
Đặc biệt, trong 3 năm học các học viên có 40 tuần học tất cả các kỹ năng, nguyên tắc làm việc và sản xuất trong nhà máy. Giáo viên là những chuyên gia Đức kết hợp với các giảng viên Việt Nam.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Tp.HCM  cho biết: “Để chuẩn bị cho dự án, 2 năm trước nhà trường đã cử giáo viên đi đào tạo tại Đức và kết hợp với các kỹ sư giỏi của các nhà máy xử lí nước thải tại Việt Nam đã được đào tạo tại Đức trong hợp phần kỹ thuật. Mục tiêu của chúng tôi là muốn có một đội ngũ nhân lực hoàn thiện không những đáp ứng nhu cầu lao động trong nước mà toàn khu vực Châu Á”.
 
 Nguồn: Molisa.gov.vn