Cập nhật ngày: 28/07/2020

 

Sáng ngày 28/7/2020, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tham dự tiếp Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải có ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục.

 

                                                         Các đại biểu tham dự buổi làm việc

 

Buổi làm việc hôm nay diễn ra trong bối cảnh ngành giao thông vận tải đang trong tiến trình xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực lĩnh vực giao thông vận tải. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ quản lý với 11 trường cao đẳng và 03 trường trung cấp phân bố trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong giai đoạn 2016 -2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ tuyển sinh được 311.212 học sinh, sinh viên (trong đó, cao đẳng: 16.990 người; trung cấp: 26.620 người, sơ cấp và đào tạo nghề khác: 267.602 người), đạt vượt 105% chỉ tiêu kế hoạch và tăng 5% so với giai đoạn 2011-2015.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đối với các trường thuộc Bộ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của ngành, tập trung cho chỉ tiêu phát triển ngành giao thông vận tải, một số lĩnh vực mũi nhọn của ngành về hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ được thể hiện cụ thể tại Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ tuyển mới được  326.808 người, trong đó cao đẳng: 18.113 người, trung cấp: 27.005 người, sơ cấp và đào tạo nghề khác: 281.690 người.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến đầu tư công trong thời gian tới đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ. Nhìn chung, trong giai đoạn sắp tới gắn liền với thời kỳ hậu COVID-19, các chuỗi cung ứng sản xuất trên toàn cầu có xu hướng dịch chuyển về một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam  phát sinh nhu cầu về nguồn nhân lực số lượng lớn trong đó có nhân lực ngành giao thông vận tải với những lĩnh vực đặc thù mang tính hội nhập quốc tế cao như hàng hải, hàng không,…Trong khi đó nguồn nhân lực ngành hiện nay còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu thực tiễn. Đại diện lãnh đạo của Cục hàng hải, Vụ Tổ chức cán bộ và một số trường cao đẳng thuộc Bộ đề xuất một số nội dung như: Phát triển hơn nữa các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực kinh tế biển, hàng hải; xây dựng chiến lược phát triển nhân lực của ngành giao thông vận tải để khắc phục tình trạng nhân lực ngành giao thông vận tải còn thiếu, mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo; tăng cường chính sách miễn giảm học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trong các ngành nghề liên quan tới hàng hải; thành lập các trung tâm đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải,…

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao những ý kiến đề xuất của đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải và đề nghị Bộ nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp để giải quyết bài toán nhu cầu nhân lực của ngành trong giai đoạn tới. Xác định rõ sứ mệnh, vai trò của các trường của Bộ trong bài toán nhân lực của ngành giao thông vận tải. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp để giải quyết bài toàn nhân lực như thế nào.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhất trí và ủng hộ các trường thuộc Bộ phát triển các trung tâm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và nhân rộng mô hình này. Vì tính về lâu dài, việc chuẩn hóa lực lượng lao động là một nhu cầu tất yếu. Bộ Giao thông Vận tải cần quan tâm, chú trọng và có ưu tiên giáo dục nghề nghiệp trong thực hiện chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải trong thời gian tới. Đặc biệt quan tâm đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ. Tổng cục trưởng đề nghị Bộ cần có kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng  lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

                                                                                                                                                                              VP TCGDNN