Cập nhật ngày: 25/11/2022

Vũ Hoàng Trinh, Phạm Văn Linh, Hoàng Đức Long và Lê Minh Bằng là bốn trong tám đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2022. Họ là những người trẻ tuổi, nhiệt huyết và có niềm đam mê mãnh liệt với nghề nghiệp của mình.

Từ quyết định không thi đại học đến "bà chủ" tuổi 26

Vũ Hoàng Trinh (26 tuổi, quê Đắk Lắk) là một trong những đại sứ kỹ năng nghề trẻ nhất. Từ nhỏ, Trinh đã có niềm yêu thích mãnh liệt với các loại bánh trái. Càng lớn, Trinh càng mê nấu nướng, thường học lỏm công thức các món từ mẹ.
Bước sang lớp 10, Trinh đã khẳng định chắc nịch với gia đình rằng mình sẽ không thi đại học và theo nghề bếp. "Bây giờ nhìn lại, mình thấy đó là một bước ngoặt vô cùng lớn khi mình dám đương đầu với thử thách theo đuổi đam mê thật sự.
Lúc đó, bạn bè mình đi học sư phạm mầm non nhiều lắm, gia đình cũng khuyến khích mình trở thành cô giáo dạy trẻ. Nhưng mình đã quyết định vào TP.HCM học nghề bếp tại Trường trung cấp Saigontourist cùng ước mơ về sau sẽ mở được một cửa tiệm nhỏ cho riêng mình" - Trinh tâm sự.


Hoàng Trinh tại kỳ thi Tay nghề thế giới 2017

Học đúng đam mê, Trinh như "cá gặp nước". Mỗi bài học là một sự trải nghiệm các món ăn mới, từ Á sang Âu, từ những món ăn chính đến bánh ngọt.
Trinh dành nhiều thời gian để tìm tòi những cách sáng tạo trong cách chế biến và trình bày món ăn, rồi theo chân phụ việc ở một số nhà hàng để cảm nhận được hết về công việc, đặc biệt với những áp lực. Dù vậy, Trinh chia sẻ mình không hề thấy mệt mỏi, ngược lại luôn hứng thú do được làm đúng cái mình thích.
Cơ hội đến với Trinh khi bạn bắt đầu tham dự những cuộc thi tay nghề, từ cấp quốc gia, ASEAN cho đến thế giới. Năm 2017, khi mới 21 tuổi, Trinh là một trong những đại diện hiếm hoi của đoàn Việt Nam tranh tài ở kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44, được tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Lúc đó, Trinh phải "căng mình" suốt bốn ngày thi liên tiếp để hoàn thành từng yêu cầu trong bài thi kỹ thuật nấu nướng. Những chi tiết nhỏ từ cách bày biện chén đĩa, cách sắp xếp dao nĩa đến chuyện chuẩn bị nguyên liệu, suy nghĩ hình thức trình bày... đều đòi hỏi sự tỉ mỉ ở mức cao nhất. "Quả ngọt" rốt cuộc cũng đến sau bao cố gắng, Trinh là một trong những thí sinh ít ỏi giành được chứng chỉ kỹ năng nghề thế giới ở kỳ thi năm ấy.
"Cuộc thi như một đòn bẩy. Mình được vào làm ở một vài nhà hàng tại TP.HCM. Đến năm 2021, mọi thứ đã chín muồi cả về kinh nghiệm lẫn nguồn vốn, mình quyết định về quê ở thị trấn Easup mở một quán ăn cho riêng mình, chuyên về những loại pizza, bánh ngọt. Quán hiện hoạt động rất ổn và mình cũng dự định một số kế hoạch mở rộng" - Trinh nói.

"Nâng cấp" những nghề quen thuộc

Trước khi trở thành giảng viên Trường cao đẳng Cơ điện xây dựng Việt - Xô, Phạm Văn Linh (31 tuổi) từng đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc nghề ốp lát tường - sàn ở kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2013. Thầy giáo Linh cũng vừa được Bộ LĐ-TB&XH vinh danh trong số các đại sứ kỹ năng nghề 2022.


Lễ bổ nhiệm đại sứ kỹ năng nghề 2022

"Người ốp lát tường, phải chăng chỉ là một thợ xây?", chúng tôi hỏi. Anh Linh cho rằng việc ốp lát sàn thủ công khiến mặt gạch chỗ dư chỗ thiếu vữa. Sau khi đi học, anh đã tìm ra cách sử dụng máy để cán vữa đều, nhanh, tiết kiệm nhất là với sàn rộng hàng trăm mét vuông trở lên.
"Mình quyết định theo nghề vì muốn có kiến thức để cải tiến các khâu thủ công khi xây dựng. Chẳng hạn, sàng cát bằng tay rất mất thời gian, năng suất thấp... Nhìn sự vất vả của các anh, các chú nên mình quyết tâm đi học để tìm cách cải tiến, giảm công lao.

VPTCGDNN