Vụ Đào tạo Chính quy


I. Địa chỉ

 Địa chỉ: 67a Trương Định - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;

 Website: http://daotaocq.gdnn.gov.vn

Điện thoại: (024) 39740333 số máy lẻ 606

 II. Lãnh đạo

 

Phó Vụ trưởng Phụ trách: Đỗ Văn Giang


 
 
 
 


(Trích Quyết định số 576/QĐ-TCGDNN ngày 01 tháng 6 năm 2018 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Đào tạo chính quy)

III. Vị trí và chức năng

Vụ Đào tạo chính quy là đơn vị thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với  đào tạo chính quy ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp.

IV. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung giáo dục nghề nghiệp chính quy ở các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, bao gồm:

a) Tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao; quy định về liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; ngành, nghề nặng nhọc, độc hại; ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; ngành, nghề được phép hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và ngành, nghề doanh nghiệp phải sử dụng lao động qua đào tạo giáo dục nghề nghiệp;

b) Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu đối với từng trình độ đào tạo và từng ngành, nghề đào tạo cao đẳng, trung cấp; yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp của giáo dục nghề nghiệp;

c) Quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp; việc áp dụng các chương trình đào tạo nghề nghiệp của nước ngoài;

d) Quy chế tuyển sinh và tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp ở các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp; mẫu bằng, chứng chỉ và quy chế quản lý bằng, chứng chỉ đào tạo nghề nghiệp;

đ) Quy định về liên kết đào tạo nghề nghiệp ở các cấp trình độ đào tạo trong và ngoài nước;

e) Tiêu chí, tiêu chuẩn và tổ chức thực hiện việc đánh giá, công nhận trường chất lượng cao.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng danh mục ngành, nghề đào tạo chính quy ở các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng, điều chỉnh, thẩm định chương trình các môn học chung cho các cấp trình độ đào tạo.

4. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện chương trình giáo dục nghề nghiệp chính quy ở các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp; việc áp dụng các chương trình đào tạo nghề nghiệp của nước ngoài.

5. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo chính quy đối với các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp; tổng hợp công tác tuyển sinh đào tạo ở các cấp trình độ trên toàn quốc.

6. Hướng dẫn, kiểm tra quá trình tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp chính quy ở các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp; việc cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ đào tạo chính quy. Kiểm tra việc cấp bằng, chứng chỉ nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp của nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.

7. Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc liên thông, liên kết đào tạo ở các cấp trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.

8. Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao; theo dõi việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo chính quy theo niên chế, theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; 

9. Chỉ đạo, hướng dẫn việc chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu ngành, nghề trình độ cao đẳng cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế và tổ chức đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế.

10. Tổ chức thực hiện việc công nhận văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp và công nhận tương đương đối với người tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài.

11. Phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính thống kê công tác tuyển sinh, đào tạo chính quy các cấp trình độ đào tạo cao đẳng, trung cấp; tổng hợp, báo cáo các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo chính quy ở các cấp trình độ đào tạo.

12. Thực hiện hợp tác quốc tế theo phân công.

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng Cục trưởng giao.

V. Cơ cấu tổ chức

1. Lãnh đạo Vụ có Vụ trưởng và không quá 03 Phó Vụ trưởng.

a) Vụ trưởng điều hành hoạt động của Vụ; chịu trách nhiệm trước Tổng Cục trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Vụ; quản lý, phân công, sắp xếp cán bộ, công chức phù hợp với nhiệm vụ được giao và đề án vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phó Vụ trưởng giúp việc Vụ trưởng theo dõi, chỉ đạo một số mặt công tác theo sự phân công của Vụ trưởng, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

2. Công chức của Vụ thực hiện theo chế độ chuyên viên, chịu trách nhiệm trước Vụ trưởng và trước pháp luật về công việc được giao.