Cập nhật ngày: 19/01/2017

  Ngày 18/01/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Dạy nghề tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 và Hội nghị cán bộ công chức Tổng cục Dạy nghề. Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; PGS.TS Dương Đức Lân, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Việc làm, Cục Bảo trợ xã hội, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ, Công đoàn Bộ; Phóng viên các cơ quan báo chí và Cổng thông tin thuộc Bộ. Về phía Tổng cục Dạy nghề có TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, các đồng chí Phó Tổng Cục trưởng, Lãnh đạo các Vụ, đơn vị cùng đại diện cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Dạy nghề.  

 

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị

     Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng đã chỉ ra một số những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm 2016, tuy nhiên với tinh thần đooàn kết và quyết tâm cao trong công việc của tập thể cán bộ, công chức, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp tốt của các đơn vị trong và ngoài Bộ, Tổng cục đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Bước sang năm 2017, nhiệm vụ của Tổng cục là hết sức nặng nề khi giáo dục nghề nghiệp đã chính thức được giao cho Bộ Lao động – Thương binh và xã hội quản lý. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Chính phủ đối với Bộ, với Tổng Cục. Tổng Cục trưởng mong muốn tại Hội nghị sẽ được nghe các ý kiến góp ý, cùng tìm ra giải pháp hiệu quả nhất để triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2017 với mục tiêu “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.

    

      TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng điều hành Hội nghị

     Báo cáo đánh giá Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 do PGS.TS Cao Văn Sâm, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Cục trưởng trình bày tại Hội nghị đã nêu bật kết quả thực hiện nhiệm vụ của Tổng cục trong năm 2016 đó là:

   Công tác xây dựng văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng ban hành được 09 Nghị định, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Thông tư và 09 Thông tư liên tịch, đảm bảo cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp được vận hành thống suốt. Đã xây dựng, hoàn thiện và lấy ý kiến về Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” và  Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổng cục Dạy nghề”.

   Công tác tuyển sinh mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến 31/12/2016 đã tuyển sinh được 2.074.667 người (đạt 96,5% kế hoạch), trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được 238.655 người (đạt 95,5% kế hoạch), trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.836.012 người (đạt 96,6% kế hoạch), trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 khoảng 500 ngàn người. Đã đưa vào đào tạo thí điểm 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc đối với gần 900 sinh viên.

   Sau khi tiến hành bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo Nghị quyết 76/NQ-CP, toàn hệ thống có 1.989 cơ sở GDNN, gồm 409 trường cao đẳng (trong đó có 190 trường CĐN, 219 trường cao đẳng), 583 trường trung cấp (trong đó 280 trường TCN, 303 trường trung cấp) và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

 

    PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017

   Trong năm 2016, Tổng cục Dạy nghề đã Tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề quốc gia ở 25 nghề tại 05 Hội đồng thi tay nghề quốc gia, thu hút được 498 thí sinh từ 58 đoàn, trong đó có 06 bộ ngành, 03 tập đoàn và 49 tỉnh, thành phố tham dự. Tổ chức Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI tại Malaysia đạt thành tích cao với 10 thí sinh đạt huy chương vàng, 6 thí sinh đạt huy chương bạc và 4 thí sinh đạt huy chương đồng và đạt mục tiêu đề ra là đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn. Tổ chức thành công Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V với sự tham gia của 50 tỉnh, thành phố, với tổng số 359 thiết bị đến từ 161 cơ sở GDNN trong cả nước. Tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở dạy nghề với tham gia của 16 tỉnh, thành phố. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí kịp thời tuyên truyền về hoạt động của ngành, các sự kiện, các mô hình tiên tiến trong dạy nghề. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, hỗ trợ công tác quản lý, dạy và học được nâng cao. Công tác cải cách hành chính được tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. 

  Phó Tổng Cục trưởng Cao Văn Sâm cũng đưa ra các chỉ tiêu, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành trong năm 2017, đó là: Tập trung, hoàn thiện trình ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020”, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng các chuẩn về giáo viên, thiết bị, cơ sở vật chất; Xây dựng và ban hành danh mục đào tạo nghề nghiệp; Xây dựng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) đối với từng nghề đào tạo, từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp để các trường trung cấp, cao đẳng xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Công tác tuyển sinh năm 2017, dự kiến là 2,2 triệu người; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 600 nghìn người; sơ cấp là 1,6 triệu người. Tiếp tục triển khai chuyển giao, kiểm định và công nhận các bộ chương trình trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa liên bang Đức, và đào tạo thí điểm cho 12 nghề đã chuyển giao bộ chương trình từ Úc. Tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức triển khai và kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho người khuyết tật; đào tạo nghiệp vụ sư phạm để bổ sung giáo viên cho các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp chưa đủ giáo viên cơ hữu; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động. Tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 tại Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Triển khai các công việc chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X và tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XII năm 2018. Tăng cường thông tin tuyên truyền về GDNN phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương xây dựng, đưa tin, phát sóng các phóng sự, chuyên đề... về GDNN, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông vào học tại các cơ sở GDNN.           

 

 

    Toàn cảnh Hội nghị 

 

  Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các ý kiến đều nhất trí với báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và tập trung vào các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2017 và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đó là các vấn đề như quy hoạch mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình đào tạo... bên cạnh đó là các giải pháp hỗ trợ như ứng dụng công nghệ thông tin, công tác tuyên truyền. 

 
 

    Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đại biểu tham dự Hội nghị

 

     Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã biểu dương những thành tích của Tổng cục Dạy nghề trong năm qua, thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao cho công việc như: Tổ chức thành công Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tạo sự tin tưởng, yên tâm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Kịp thời triển khai xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định, Quyết định hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp; đồng thời cũng tham mưu tốt cho Bộ ban hành các Thông tư hướng dẫn Luật giáo dục nghề nghiệp, trên nguyên tắc kịp thời để không làm gián đoạn các hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ ra những điểm hạn chế, cần khắc phục như: Chất lượng giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, một số trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp chất lượng thấp, thậm chí không tuyển sinh được do vậy cần tái cấu trúc các trường trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo hướng làm vệ tinh cho các trường cao đẳng; Đội ngũ giáo viên còn thiếu và hạn chế về kỹ năng nghề.

   Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh triết lý về giáo dục nghề nghiệp là phải gắn với thực tiễn, với việc làm, với lao động và thu nhập. Chỉ có như vậy mới thu hút được người học, mới làm chuyển biên nhận thức của xã hội về học nghề. Do vậy, Tổng cục cần tập trung triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tạo ra sự đột phá trong đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực. Trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục triển khai tốt các giải pháp:

   Một là, Tập trung rà soát lại cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo thuận lợi và thu hút được doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp;

   Hai là, Rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng: Hạn chế thành lập các trường công lập, khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, trường thuộc doanh nghiệp. Rà soát hệ thống trường Trung cấp và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, tái cơ cấu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém thành các “vệ tinh” của các trường cao đẳng; Trên cở sở đó sớm trình Chính phủ ban hành Quyết định về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp.

   Ba là, Tiếp tục nghiên cứu và tìm ra giải pháp phù hợp để từng bước thực hiện tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp.

   Bốn là, Đổi mới chương trình đào tạo, tăng tính thực hành, tính thực tiễn để đào tạo có thể đáp ứng ngay nhu cầu của thị trường lao động;

   Năm là, Gắn đào tạo với doanh nghiệp, với khu công nghiệp, khu chế xuất, với việc làm, tổng kết các mô hình đào tạo nghề với doanh nghiệp, tìm ra những mặt tích cực để phát huy và khắc phục những hạn chế, vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.

   Để thực hiện tốt các giải pháp trên, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Pháp chế thanh tra và các đơn vị thuộc Bộ phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dạy nghề để ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế phân cấp tài chính và tổ chức bộ máy của Tổng cục.

   Phát biểu Tổng kết Hội nghị, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cảm ơn các ý kiến góp ý tại Hội nghị, đặc biệt là chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tổng Cục trưởng hứa sẽ giao cho các đơn vị chuyên môn của Tổng cục nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo của Bộ trưởng. Đối với các văn bản cần thiết phải ban hành sớm để đảm bảo thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp sẽ hoàn thành trong Quý 2 năm 2017; Sớm hoàn thiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp để trình Chính phủ.

   Tại Hội nghị cũng đã đánh giá lại kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân Tổng cục nhiệm kỳ 2014-2016 và bầu ra Ban thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2017-2019 với sự tín nhiệm cao của các đại biểu tham dự hội nghị.  

VPTCDN