Cập nhật ngày: 04/01/2017

 

Không còn giữ được lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường lao động Việt Nam sẽ phải làm gì để có thể thích ứng và tận dụng được cơ hội tạo ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ý kiến với TS Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề quanh vấn đề này.

 

- Thưa ông, có vẻ như chúng ta bắt đầu “giật mình” trước những tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ?

Khi bước vào CMCN 4.0, các nền kinh tế phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo. Đó là yếu tố thúc đẩy các quốc gia lựa chọn hướng đi để đối phó một cách hiệu quả với những thách thức đặt ra. Nếu sự cạnh tranh của các quốc gia trong các cuộc CMCN trước đây là cạnh tranh vị thế (tài nguyên và nhân công rẻ) thì CMCN 4.0 là sự cạnh tranh đối đầu (nguồn nhân lực chất lượng cao). Trong đào tạo nghề nghiệp, CMCN 4.0 sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, khuôn cứng, đòi hỏi chúng ta bắt đầu từ thay đổi tư duy, cách tiếp cận để đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng các phương thức đào tạo linh hoạt, trực tuyến… để cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng cao. - Trong cuộc đối đầu mới này, theo như phân tích của ông, lợi thế cạnh tranh hiện tại của thị trường lao động Việt Nam sẽ bị triệt tiêu? - Hiện nay chúng ta đang gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh vì lao động có chất lượng thấp. Theo điều tra của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2010 tỷ lệ lao động kỹ năng nghề cao/tổng số lao động đang làm việc của Ma-lai-xi-a là 25%, Xin-ga-po là 49%, hiện nay của Việt Nam chỉ là khoảng 12%. Kỹ năng nghề thấp tất yếu dẫn đến năng suất lao động thấp (chỉ bằng 2/5 Thái-lan, 1/5 Ma-lai-xi-a và 1/15 Xin-ga-po).

Viện nghiên cứu WBI của WB khuyến cáo một quốc gia muốn chuyển sang CMCN 4.0 phải có bốn trụ cột: Lực lượng lao động có kỹ năng; sáng tạo và hiệu quả; cơ sở công nghệ thông tin hiện đại; thể chế chính sách phù hợp. Nước ta cũng không ngoại lệ. Quan điểm: “Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng” theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo sẽ định hướng hệ thống giáo dục nghề nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên CMCN 4.0.

- Việt Nam phải ứng phó thế nào trước những thách thức lớn đó?

Cả bề rộng lẫn chiều sâu, CMCN 4.0 báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị xã hội và theo đó là những thay đổi cơ bản của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. CMCN 4.0 áp dụng mô hình đào tạo người học trở thành “công dân toàn cầu” với năng lực sáng tạo, phát minh, thích ứng và sức cạnh tranh toàn cầu.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, cần phát triển mạnh thị trường nhân lực chất lượng cao, nhất là lao động kỹ thuật và nhân lực quản trị kinh doanh. - Vậy nhưng, một trong những điểm yếu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện nay là năng lực thực hành kỹ năng của người học? - Trong CMCN 4.0 cơ sở đào tạo và doanh nghiệp được xác định vai trò mới là hai chủ thể của quá trình đào tạo. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần tiếp cận mô hình hợp tác “Trường - Doanh nghiệp”, sự liên kết trong mô hình này sẽ tạo nên sản phẩm là nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp, đó chính là chìa khóa để người lao động học nghề, tìm sinh kế, tự tạo việc làm và thăng tiến trong thị trường lao động xuyên quốc gia. Chuyển hướng thực hiện mô hình tự chủ, hoạt động theo tư cách pháp nhân độc lập cùng với việc áp dụng các kỹ thuật quản trị của doanh nghiệp sẽ giúp các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Nội dung và chương trình đào tạo nghề cần đáp ứng mục tiêu kép: Kỹ năng nghề và Kỹ năng doanh nghiệp. Theo đó cơ sở đào tạo phải đổi mới quản trị như doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, là vườn ươm tạo những nhà quản trị doanh nghiệp mới. Thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo và “đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp”.

Ngoài chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, cần chính sách đầu tư phát triển về công nghệ, khoa học, gắn kết các nhà khoa học, tổ chức công nghệ với các cơ sở dạy nghề, trường đại học, doanh nghiệp, phát huy chất xám trong xã hội.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Văn Học/ www.nhandan.gov.vn