Cập nhật ngày: 30/12/2016

  1. Năm 2016, Chính phủ chính thức giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp

 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định thống nhất trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp, cụ thể thống nhất cao đẳng và cao đẳng nghề thành cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề thành trung cấp. Ngày 03/9/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP theo đó chính thức giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (trừ các trường sư phạm).

Việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chính thức được Chính phủ giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đó là:

- Thứ nhất, Đây là lần đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam có một cơ quan thống nhất về quản lý giáo dục nghề nghiệp. Vì thế, nó tạo rất nhiều cơ hội thuận lợi để chỉ đạo một cách nhất quán, nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người học.

- Thứ hai, đây là cơ hội để thực hiện chiến lược phát triển nhân lực của Đảng và Nhà nước thông qua việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, kể cả xây dựng cơ sở pháp lý, triển khai thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp đến việc tạo động lực cho người học, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo trong hệ thống.

- Thứ ba, tạo cơ hội và có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được cả ba cầu: đó là phát triển nông nghiệp, nông thôn mà trọng tâm là mô hình nông thôn mới; về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và đặc biệt tạo cơ hội để chúng ta đào tạo nguồn nhân lực hội nhập đáp ứng với quá trình thực hiện cộng đồng ASEAN cũng như thực hiện các hiệp định đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hiện Bộ đang tiếp tục soạn thảo trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, tham mưu cho Bộ ban hành 15 thông tư để thực hiện đồng bộ Luật giáo dục nghề nghiệp.

   2. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 Phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 Phê duyệt khung trình độ quốc gia Việt Nam

 Theo Quyết định 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

            Đối với Giáo dục nghề nghiệp Quyết định quy định cụ thể:

            - Các chương trình đào tạo trình độ trung cấp tiếp nhận người tốt nghiệp tối thiểu trung học cơ sở; thời gian đào tạo tối thiểu tương đương 1 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông, từ 2 đến 3 năm học tập trung (tùy từng ngành, nghề) đối với người đã tốt nghiệp trung học cơ sở.

            - Các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng tiếp nhận người tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tốt nghiệp trình độ trung cấp, có khối lượng học tập tương đương 2 đến 3 năm học tập trung tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 1 đến 2 năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, hoặc đã học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Người tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có thể học tiếp các chương trình đào tạo đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo các hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được điều kiện của chương trình đào tạo.

            - Cùng với đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đào tạo trình độ sơ cấp nhằm giúp người học có kỹ năng thực hiện được các công việc đơn giản của một nghề.

Theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Khung trình độ quốc gia Việt Nam gồm 8 bậc Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ. Trong đó giáo duc nghề nghiệp có 5 bậc từ bậc 1 đến bậc 5.

            Bậc 1 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 5 tín chỉ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 1, được cấp chứng chỉ sơ cấp I.

            Bậc 2 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 15 tín chỉ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 2, được cấp chứng chỉ sơ cấp II.

            Bậc 3 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 25 tín chỉ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 3, được cấp chứng chỉ sơ cấp III.

            Bậc 4 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 35 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, 50 tín chỉ đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 4 được cấp bằng trung cấp.

            Bậc 5: Xác nhận trình độ đào tạo của người học có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết rộng về một ngành, nghề đào tạo; kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật và công nghệ thông tin; có kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết để giải quyết những công việc hoặc vấn đề phức tạp, làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong điều kiện làm việc thay đổi, chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hướng dẫn tối thiểu, giám sát, đánh giá đối với nhóm thực hiện những nhiệm vụ xác định.

Bậc 5 yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra Bậc 5, được cấp bằng cao đẳng và được công nhận là cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành theo ngành nghề đào tạo.

 

3. Năm 2016 là năm công tác tuyển sinh tiếp tục vượt qua khó khăn đạt được kết quả tích cực

 Năm 2016 mặc dù giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh theo 2 hệ thống (giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề) nhưng đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều trường cao đẳng nghề có khoảng 30% học sinh đạt trên 20 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia, một số ngành nghề của các trường cao đẳng có số lượng thí sinh đăng ký cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Nhiều tỉnh có tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp PTTH không dự thi đại học cao (30%-70%). Việc thí sinh có xu hướng chọn các trường nghề là do hiện nay các trường đã nâng cao được chất lượng đào tạo hướng tới chuẩn tay nghề khu vực, chú trọng đảm bảo có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế về lao động, việc làm khi Việt Nam đã là thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN, đã thí điểm đào tạo 1 số nghề  chất lượng cao theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2016 và Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Những sinh viên của chương trình đào tạo thí điểm này khi tốt nghiệp ra trường sẽ được cấp 2 bằng, 1 bằng cao đẳng của Việt Nam, 1 bằng cao đẳng hoặc cao đẳng nâng cao của Úc, sinh viên có trình độ tiếng Anh tối thiểu B1 theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu, có thể tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế.

4. Năm 2016, Tiếp tục đạt được thành tích cao tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI và tổ chức 3 cuộc thi: Kỳ thi tay nghề quốc gia, Hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm toàn quốc lần thứ V và Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở dạy nghề toàn quốc thành công đã tác động đến phong trào dạy và học nghề, nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

  Tham gia kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI năm 2016 Tại Malaysia

 Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI diễn ra từ ngày 19/9 đến ngày 29/9/2016 tại Malaysia. Đoàn Việt Nam có 44 thí sinh dự thi ở 22 nghề. Kết quả, Đoàn Việt Nam đứng thứ ba toàn đoàn với thành tích: Có 10 thí sinh đạt Huy chương vàng các nghề: Bảo trì máy CNC; Cơ điện tử; Điện tử; Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD; Xây gạch; Tự động hóa công nghiệp. 06 thí sinh đạt Huy chương bạc các nghề: Nấu ăn; Lắp đặt đường ống nước; Lắp cáp mạng thông tin; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; Robot di động. 04 thí sinh đạt Huy chương đồng các nghề: Nấu ăn, Lắp đặt điện Công nghệ ô tô; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin.

 

Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ IX năm 2016

 Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ IX diễn ra từ ngày 23/5 đến ngày 30/5/2016 được tổ chức thi ở 25 nghề, 5 hội đồng, đã thu hút được 498 thí sinh tham gia của 58 Đoàn, đến từ 06 Bộ, ngành; 03 tập đoàn và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kỳ thi đã lựa chọn được 65 thí sinh đạt giải nhất, 24 thí sinh đạt giải nhì, 57 thí sinh đạt giải ba.

 

Hội thi thiết bị đào tạo nghề tự làm toàn quốc lần thứ V 

Hội thi đã thu hút 50 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tham gia, với 359 thiết bị của 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp. Hội thi có nhiều Đoàn và nhiều thiết bị tham gia nhất từ trước đến nay. Đoàn Hà Nội đạt giải nhất toàn đoàn.

 

 

  Hội diễn văn nghệ học sinh, sinh viên các cơ sở dạy nghề toàn quốc

 Lần đầu tiên được tổ chức với mô toàn quốc, Hội diễn đã thu hút được 18 đoàn với 309 diễn viên là học sinh, sinh viên các CSDN. 76 tiết mục được biểu diễn tại hội diễn. Hội diễn đã trao 01 giải nhất toàn đoàn cho đoàn tỉnh Hà Tĩnh. Về giải các tiết mục, có 20 tiết mục đạt HCV, 27 tiết mục đạt HCB và 29 tiết mục đạt HCĐ.

 

5. Năm 2016, thí điểm tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp

 Ngày 04/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định 538/QĐ-TTg, 539/QĐ-TTg; 540/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó 03 trường: Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường cao đẳng nghề LILAMA II, Trường cao đẳng nghề Quy nhơn thực hiện tự chủ giai đoạn 2016-2019, với mục tiêu: Xây dựng thành cơ sở giáo dục chất lượng cao, hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đồng thời tăng trách nhiệm giải trình trước xã hội và không làm giảm cơ hội tiếp cận học nghề tại Trường của các đối tượng chính sách.

Các trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung:

Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo: Quyết định chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập. Quyết định hoạt động nghiên cứu khoa học; khuyến khích việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học gắn với thị trường và nhu cầu xã hội; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo…

Về tổ chức bộ máy, nhân sự: Quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, quản lý, sử dụng và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật..

Đồng thời các trường cũng được tự chủ về tài chính trong việc thu học phí; Thu sự nghiệp và thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo; Tiền lương và thu nhập; Sử dụng nguồn thu; Về đầu tư, mua sắm; Về cơ chế giám sát.

 

6. Năm 2016, Công tác tuyên truyền về hoạt động giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh, thu hút được nhiều cơ quan thông tấn báo chí tham gia, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong xã hội về Học nghề - Lập nghiệp

             Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng và phối hợp thường xuyên với khoảng 30 cơ quan báo chí, như: Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Báo nhân dân, Báo Lao động, Báo điện tử Dân trí, Báo Lao động Xã hội… Có khoảng gần 1.000 bài viết, phóng sự, tin ảnh về dạy nghề được đăng tải trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đặc biệt VTV đã đồng hành cùng Tổng cục Dạy nghề tập trung tuyên truyền cho Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI và hình thành một Series (chuỗi) chương trình có thời lượng phát sóng lớn về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

            Bên cạnh đó, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở dạy nghề cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Dạy nghề thực hiện các chương trình, nội dung tuyên truyền, đưa tin/thông tư phản ánh về các mô hình tiên tiến, tiêu biểu trong hoạt động dạy nghề.

Trang thông tin điện tử của Tổng cục Dạy nghề có khoảng 400 tin bài ảnh về hoạt động của ngành với đầy đủ thông tin về các hoạt động; tin hoạt động từ các địa phương, cơ sở dạy nghề; thông tin chuyên đề về các hội thi, kỳ thi; nghiên cứu trao đổi; các thư viện ảnh, thư viện video… Các bài viết được cập nhật nhanh chóng, hàng ngày mang tính thời sự. Số lượng người truy cập Website tăng dần theo từng năm và được Bộ đánh giá là 1 trong 4 Website có lượng người truy cập cao nhất của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Phiên bản Tiếng Anh của trang thông tin điện tử Tổng cục Dạy nghề đã được xây dựng và đưa vào vận hành, bước đầu cung cấp các thông tin về Văn bản quy phạm pháp luật, Tin tức hoạt động, Nghiên cứu trao đổi… đến với các bạn đọc nước ngoài.

   VPTCDN