Cập nhật ngày: 10/12/2016

 Ngày 09/12/2016 tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đồng chí Đào Ngọc Dung ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm việc với tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Tổng cục Dạy nghề. Tham dự buổi làm việc có thủ trưởng các Vụ, cục có liên quan. Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh đã báo cáo về Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp; Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tổng cục; những kết quả công tác năm 2016 và dự kiến trọng tâm công tác năm 2017.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp với Tổng cục Dạy nghề

Sau khi nghi báo cáo và ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kết luận: Chính phủ giao và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là nhận trọng trách lớn trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân, người lao động, đặc biệt là giới trẻ. Quan điểm chung là phải tạo ra sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, toàn xã hội quan tâm cho giáo dục nghề nghiệp; chúng ta có trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải pháp tạo bước chuyển biến cơ bản trong giáo dục nghề nghiệp; thông qua đó góp phần thực hiện 1 trong 3 khâu đột phá về phát triển nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Bộ trưởng đánh giá cao và ghi nhận công tác chuẩn bị đề án của Tổng cục Dạy nghề và các ý kiến phát biểu thảo luận, giao Tổng cục Dạy nghề tiếp thu để hoàn thiện đề án đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục nghề nghiệp để báo cáo ban cán sự Đảng, Bộ trưởng trong tháng 12/2016.

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng phát biểu

Để triển khai các công việc trong quảng lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và hoàn thiện đề án, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Về quy hoạch mạng lưới, chủ trương phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng: Đối với trường công lập thì hạn chế tối đa việc bao cấp; khi lập ra thì tinh thần phải tự chủ; thành lập theo nhu cầu thực tiễn. Hạn chế thành lập các trung tâm giáo duc nghề nghiệp và xu thế trường Trung cấp và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp sẽ là vệ tinh của các trường cao đẳng. Khuyến khích phát triển mạnh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục của Doanh nghiệp; do tư nhân thành lập. Trong thành lập trường không được tạo ra phiền hà cho doanh nghiệp. Khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ giáo dục và đào tạo thì tiếp nhận nguyên trạng, nắm lại, đánh giá tình hình các trường để hòa vào mạng lưới chung của giáo dục nghề nghiệp; nắm lại các trường được đầu tư trọng điểm từ Bộ giáo dục và đào tạo để trước mắt tập hợp lại chung trong danh sách các trường đầu tư trọng điểm, trường điểm.

Để giáo dục nghề nghiệp phát triển và nâng được chất lượng thì phải tập trung giải quyết: Số lượng người học nghề phải nâng lên; phải xác định quy mô tuyển sinh từ nay đến năm 2020. Chất lượng đào tạo phải nâng lên; số lượng người học nghề có việc làm và thu nhập của người học nghề phải được cải thiện. Tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề được học liên thông lên cao phải nâng lên. Muốn làm được nội dung trên cần giải quyết: Phải làm cho nhận thức của người học nghề phải được nâng lên. Phải đấy mạnh quyết liệt phân luồng, phải làm tốt dự báo thị trường lao động để đưa vào hệ thống trường phổ thông, để phấn đấu có khoảng 60-70% học sinh vào học nghề. Khẩn trương xây dựng và đề xuất chính phủ ban hành quy định liên thông, phấn đấu trong quý I/2017 trình Thủ tướng ban hành. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận giải pháp tốt trong xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra và chuyển giao chương trình quốc tế. Tổng cục Dạy nghề phải khẩn trương tập trung ưu tiên để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành luật giáo dục nghề nghiệp trong đó có Nghị định thay thế Nghị định 48/2015/NĐ-CP; các thông tư còn lại và Quyết định của Thủ tướng về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục, Bộ trưởng lưu ý: Tinh thần chung phải khẩn trương, không chờ đợi, nhất là những văn bản thuộc thẩm quyền quy định của Bộ trưởng chậm nhất Quý I/2017 phải hoàn thành.

Về tổ chức bộ máy của Tổng cục Dạy nghề, Bộ trưởng đồng ý có vụ đào tạo trung cấp trên cơ sở tiếp nhận tổ chức và bộ máy của Vụ giáo dục trung học chuyên nghiệp. Tổng cục Dạy nghề khẩn trương hoàn thiện đề án và chuẩn bị tổ chức hội nghị với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong toàn quốc để góp ý và triển khai thực hiện.

VPTCDN