Cập nhật ngày: 02/12/2016

 Ngày 02/12/2016 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo Giáo dục nghề nghiệp hướng tới sự tham gia tốt hơn của khu vực tư nhân. Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH; PGS,TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; Ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam. Tới dự và tham gia hội thảo có Bà Nguyễn Thị Hằng, Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ Pháp/ADF, UNESCO; đại diện các Bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Dạy nghề; các Sở LĐ-TBXH, các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

  TS. Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH phát biểu chào mừng và chỉ đạo Hội thảo

 

Phát biểu chào mừng và chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Doãn Mậu Diệp đã nêu rõ yêu cầu của đào tạo nghề trong quá trình hội nhập. Đó là đào tạo phải gắn với thị trường, gắn với doanh nghiệp. Do đó, cần phải có sự đổi mới về chương trình, giáo trình đào tạo đảm bảo phù hợp với thực tế và quá trình làm việc ở doanh nghiệp và gắn với hội nhập quốc tế. Về phía Bộ LĐ-TBXH đã xây dựng Đề án “Đổi mới giáo dục nghề nghiệp”, trong đó rất chú trọng tới việc tham gia của khu vực tư nhân. Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có 33,6% cơ sở dạy nghề thuộc về tư nhân; con số này cần phải nâng cao hơn nữa trong thời gian tới. Thứ trưởng mong muốn Hội thảo sẽ là cơ hội để Chính phủ, các cơ quan liên quan có thông tin để tham khảo trong quá trình xây dựng chính sách, thu hút được nhiều hơn sự tham gia của khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Thứ trưởng cũng cảm ơn AFD và UNESCO đã hỗ trợ Bộ LĐ-TBXH thực hiện hội thảo này.

  Ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Ông Rémi Genevey, Giám đốc AFD tại Việt Nam đã nêu lên sự cần thiết phải có một chiến lược hỗ trợ khu vực tư nhân, hỗ trợ tài chính cho khu vực tư nhân để khu vực tư nhân tham gia được rộng rãi vào hoạt động dạy nghề. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách, cơ chế để thu hút thanh niên vào học nghề. Hội thảo mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, sự thảo luận sôi nổi từ các đại biểu để giúp cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Mong rằng các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên tham gia hội thảo sẽ đưa được ra các khuyến nghị hữu ích để hoàn thiện chính sách công của Việt Nam, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.


PGS.TS. Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề phát biểu tại Hội thảo

 Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Cao Văn Sâm khẳng định nhu cầu tất yếu của quá trình hội nhập nói chung và hội nhập về thị trường lao động nói riêng. Việc Chính phủ Việt Nam ban hành Khung trình độ quốc gia cũng chính là nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Ở Việt Nam, đào tạo nghề cần đáp ứng được 3 nhu cầu thiết yếu của phát triển kinh tế - xã hội là: một là, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn mới; hai là, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, mà ở đây có yếu tố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ba là, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hội nhập, cho thực hiện các hiệp định song phương, đa phương. Nguồn nhân lực được đào tạo ra phải đạt chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, đào tạo nghề ở Việt Nam còn một số khó khăn đó là hệ thống đông, nhiều cơ sở đào tạo nhưng lại chưa đủ mạnh. Năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa thoả mãn nhu cầu doanh nghiệp. Trước tình hình đó, chúng ta cần phải gắn chính sách đào tạo với doanh nghiệp ở mọi công đoạn trong suốt quá trình đào tạo, tăng cường rèn luyện kỹ năng cho người lao động. Luật Giáo dục nghề nghiệp đã xác định rõ vai trò, lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia đào tạo nghề, nhưng chúng ta chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên doanh nghiệp tham gia. PGS. TS Cao Văn Sâm cũng hy vọng hội thảo góp tiếng nói tích cực giúp Chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách về dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp.


  Toàn cảnh Hội thảo

 

Trong thời gian một ngày, Hội thảo diễn ra với 4 nội dung chính theo 4 phiên thảo luận, đó là: Phiên 1: Hướng tới việc tham gia tốt hơn của lĩnh vực tư nhân trong lĩnh vực GDNN – Cơ sở lý luận, cách thức và phương tiện thực hiện; Phiên 2: Tài chính trong GDNN cho việc mở rộng, đảm bảo công bằng và chất lượng; Phiên 3: Tài chính GDNN tại Việt Nam; Phiên 4: Những thách thức trong tương lai và những kiến nghị chính để cải thiện sự tham gia của doanh nghiệp trong hệ thống GDNN tại Việt Nam.

Tại các phiên thảo luận đại diện của VCCI, AFD Paris, các công ty tư vấn đã trình bày những báo cáo tham luận về: vai trò của tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong công tác đào tạo nghề; đối thoại công – tư để cải thiện tính cạnh tranh thông qua phát triển kỹ năng nghề; tổng hợp các nghiên cứu so sánh với tài chính GDNN; tài chính GDNN tại Việt Nam: thực trạng hiện nay và viễn cảnh tương lai; những thách thức toàn cầu với cải cách giáo dục nghề nghiệp.

 

  Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 Các ý kiến tham gia phát biểu tại hội thảo đã tập trung nhiều vào yếu tố cơ chế, chính sách hỗ trợ và tài chính để thu hút khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp tham gia vào mọi quá trình của đào tạo nghề, từ tuyển sinh, đào tạo đến tốt nghiệp. Khẳng định sự tham gia của khu vực tư nhân, của doanh nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp là nhu cầu tất yếu và là yếu tố quyết định đến sự thành công, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng với thoả mãn nhu cầu của người sử dụng lao động. Điều đó đặt ra cho Chính phủ, các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng một cơ chế rõ ràng, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của khu vực tư nhân, của doanh nghiệp khi tham gia giáo dục nghề nghiệp. Làm được điều đó, chắc chắn giáo dục nghề nghiệp sẽ vượt qua được những thách thức, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế./.

VPTCDN