Cập nhật ngày: 24/11/2016

 

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề nói chung và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng nói riêng luôn là lĩnh vực được Tổng cục Dạy nghề quan tâm, coi đây là một trong những biện pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy nghề, đưa nguồn lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế. Trong thời gian qua, Tổng cục Dạy nghề đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực với Hội đồng Anh Việt Nam và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) hợp tác trong phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng của dạy nghề Việt Nam. Chương trình hợp tác đã đạt được những kết quả ban đầu, là cơ sở để thúc đẩy sự hợp tác ngày một sâu rộng hơn.

          Chương trình hợp tác với Hội đồng Anh Việt Nam được chia thành 02 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 được đánh dấu bằng sự kiện ngày 28/01/2015, ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Tổng cục Dạy nghề và Hội đồng Anh Việt Nam về xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng tại một số trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao. Tham gia chương trình hợp tác giai đoạn 1 có 03 trường cao đẳng nghề của Vương quốc Anh (Colege y Cymoedd; Highbury College; West College Scotland) và 09 trường cao đẳng nghề của Việt Nam (Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội; Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Cao đẳng nghề Du lịch Huế; Cao đẳng nghề Nha Trang; Cao đẳng nghề Đà Lạt; Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh; Cao đẳng nghề Kiên Giang; Cao đẳng nghề Cần Thơ), thông qua 3 dự án hợp tác, mỗi dự án gồm 01 trường của Vương quốc Anh hợp tác với 03 trường cao đẳng nghề của Việt Nam.

 

  Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm và Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam Chenrry Gough ký kết biên bản hợp tác

 Chương trình hợp tác giai đoạn 2 được đánh dấu bằng sự kiện ngày 08/3/2016 Tổng cục Dạy nghề và Hội đồng Anh Việt Nam ký kết Phụ lục Biên bản ghi nhớ 02 về xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng dạy nghề tại một số trường nghề được đầu tư thành trường chất lượng cao. Tham gia chương trình hợp tác giai đoạn 2 có 04 trường cao đẳng nghề của Vương quốc Anh (trong đó 02 trường đã tham gia từ giai đoạn 1 là: Colege y Cymoedd; West College Scotland và 02 trường tham gia từ giai đoạn 2 là: Loughborough College; Brockenhurst College) và 18 trường cao đẳng nghề của Việt Nam (trong đó 09 trường đã tham gia từ giai đoạn 1 nêu trên và 09 trường tham gia từ giai đoạn 2 là: Cao đẳng nghề  Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang; Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc; Cao đẳng nghề Yên Bái; Cao đẳng nghề số 20; Cao đẳng nghề số 1; Cao đẳng nghề Du lịch và Dịch vụ Hải Phòng; Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 1; Cao đẳng nghề Giao thông vận tải Trung ương 3; Cao đẳng nghề tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Thông qua chương trình hợp tác đã tích hợp các công cụ đảm bảo chất lượng được chuyển giao của các trường đối tác vào hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng sẵn có của các trường tham gia chương trình hợp tác, góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng của trường theo hướng tiếp cận mô hình quản lý hiện đại.

  Chương trình hợp tác với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) theo Biên bản thỏa thuận hợp tác với GIZ TVET VN (Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam) về lồng ghép các công cụ đảm bảo chất lượng đã được phát triển trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam vào việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại một số trường cao đẳng nghề được tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao. Tham gia chương trình hợp tác có 08 trường cao đẳng nghề Việt Nam (Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội; Trường CĐN Cơ khí Nông nghiệp; CĐN Du lịch Huế; Trường CĐN Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc; Trường CĐN Đà Lạt; Trường CĐN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Trường CĐN Cơ giới và Thủy lợi; Trường CĐN Lialama 2). Các trường tham gia chương trình hợp tác đã thực hiện lồng ghép các công cụ đảm bảo chất lượng được chuyển giao vào hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng sẵn có của trường mình, góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng của trường theo hướng tiếp cận mô hình quản lý hiện đại. Tiếp đó, ngày 15/7/2016, Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề đã ký Thỏa thuận hợp tác với GIZ – TVET VN triển khai hoạt động hợp tác nghiên cứu chỉnh sửa tiêu chí trường nghề chất lượng cao quy định tại Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và đề xuất quy trình đánh giá, công nhận trường nghề chất lượng cao.

Các học viên tham dự khóa đào tạo nâng cao về phân tích dữ liệu chuyên sâu và viết báo cáo các kết quả của nghiên cứu lần vết.

Qua quá trình hợp tác, từ thực tiễn của các hoạt động để nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế trong phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng nói riêng và nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế trong hoạt động dạy nghề, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm là:

Một là: Xác định rõ kinh nghiệm, khả năng, năng lực của đối tác để xác định mục tiêu và định hướng hợp tác. GIZ – TVET VN và Hội đồng Anh Việt Nam là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng. Do đó, việc xác định hướng và nội dung hợp tác phù hợp với mong muốn của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Hai là: Có kế hoạch chi tiết, rõ ràng vì một trong những yêu cầu cần thiết khi thực hiện công việc là phải có mục tiêu cụ thể và phải xây dựng được lộ trình, kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Trong quá trình hợp tác chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể về thời gian và nội dung công việc cho từng giai đoạn.

Ba là: Trao đổi, chia sẻ thông tin rõ ràng, kịp thời. Với chức năng là cơ quan đầu mối, việc chia sẻ đầy đủ, kịp thời các thông tin và các nội dung cần thực hiện là rất cần thiết. Bất đồng ngôn ngữ và thời gian làm việc khác nhau cũng gây ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin. Vì vậy, chúng ta cần luôn chủ động, nói rõ những yêu cầu, nội dung cần hợp tác cũng như cần phía đối tác hướng dẫn, trao đổi thêm. Để thuận lợi và kịp thời cho quá trình trao đổi thông tin thì xây dựng, thiết lập hệ thống thông tin để trao đổi, chia sẻ các nội dung cần thực hiện, những vướng mắc cần sự giúp đỡ.

Bốn là: Quy mô, nội dung các Dự án tập trung hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo cơ sở tham khảo hữu ích cho công tác quản lý và xây dựng chính sách trong lĩnh vực này.

Năm là: Xác định mô hình hợp tác và đối tượng hợp tác phải phù hợp đảm bảo tương thích trong quá trình hợp tác và có khả năng áp dụng cao. Trong chương trình hợp tác với Hội đồng Anh Việt Nam, mô hình Dự án hợp tác Trường – Trường đem lại hiệu quả cao: các Dự án hợp tác theo mô hình 01 trường của Vương quốc Anh hợp tác với 3-4 trường cao đẳng nghề của Việt Nam. Mô hình hợp tác này phát huy tối đa khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các trường đối tác với nhau. Bên cạnh đó, mô hình hợp tác này còn tạo cơ hội hợp tác đối tác tiếp theo cho các trường tham gia Dự án ngay cả khi Dự án kết thúc. Vì vậy, trong các chương trình hợp tác nên thực hiện nhân rộng mô hình Dự án hợp tác Trường – Trường để phát huy hiệu quả chương trình hợp tác và tác động tích cực vào chất lượng đào tạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thụ hưởng Dự án.

Cục KĐCLDN