Cập nhật ngày: 19/11/2016

 (Chinhphu.vn) - Trò chuyện với các tân sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2 (TPHCM) tại lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 sáng 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắn nhủ: Đất nước cần rất nhiều kỹ thuật viên giỏi, lao động lành nghề, bằng sự chuyên nghiệp, nỗ lực hoàn thiện không ngừng để làm nên giá trị của nghề nghiệp, giá trị của mỗi người.

 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Đình Nam

Là một trong 3 trường cao đẳng (CĐ) nghề đầu tiên thực hiện tự chủ, từ tháng 4/2016, Trường CĐ Kỹ nghệ 2 đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết, sau khi được tự chủ, trường đã rút ngắn thời gian đào tạo, tăng học phí để bảo đảm chất lượng đào tạo, thực hiện cơ chế trả lương cho cán bộ, giảng viên theo năng lực, đánh giá từ chương trình, mô-đun đào tạo từ phản hồi của sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp (DN)…

“Mỗi cán bộ, giảng viên đều xác định đổi mới tư duy, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự chuẩn hóa để phát triển bền vững. Trường và DN là 2 thành tố của thị trường lao động, vì vậy, DN đã thực sự tham gia vào quá trình đào tạo cùng nhà trường từ tuyển chọn đầu vào, xây dựng chương trình, giáo trình; giảng dạy thực tập, tuyển dụng; đánh giá kỹ năng nghề”, bà Hằng cho biết.

Điểm đặc biệt của Trường CĐ Kỹ nghệ 2 là trước khi vào trường, các sinh viên đều được cam kết có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện thời gian học tập tại DN chiếm tỉ lệ 30-40% tổng thời gian học nghề của sinh viên. Vì vậy, dù mức học phí tăng gấp 2 lần nhưng vẫn được người học và phụ huynh chấp nhận với trên 1.500 sinh viên nhập học trong kỳ tuyển sinh 2016.

Đi thăm tòa nhà “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ” của Trường CĐ Kỹ nghệ 2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao cam kết của nhà trường về tạo việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp, cũng như mở các phiên giao dịch việc làm, đào tạo theo đơn đặt hàng từ DN.

“Điều quan trọng nhất không phải là tuyển sinh bao nhiêu mà vấn đề là tuyển sinh phải đi đôi với cam kết có việc làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá những kết quả tự chủ bước đầu của Trường CĐ Kỹ nghệ 2 là một quá trình phấn đấu, nỗ lực của các thầy cô, có sự góp sức của nhiều thế hệ học sinh, phụ huynh, cộng đồng.

Bởi năm 2015, khi Chính phủ tập trung chỉ đạo để có các trường đại học (ĐH) đầu tiên tự chủ, khi đó có đặt ra câu hỏi ĐH tự chủ thì các trường CĐ có tự chủ được không. Lúc đó, rất nhiều khó khăn được đặt ra, nhưng chỉ sau một năm, nhà trường đã tự chủ được.

“Đây không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của nhà trường mà còn góp phần rất quan trọng vào đẩy mạnh tự chủ, một xu thế tất yếu trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, trước hết từ ĐH, đến CĐ, trung cấp”, Phó Thủ tướng đánh giá. 

Phó Thủ tướng thăm các gian trưng bày học cụ tại tòa nhà “Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ” của Trường CĐ Kỹ nghệ 2. Ảnh: VGP/Đình Nam

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng, phải phát huy sáng tạo tự chủ của từng cơ sở đào tạo, phải bỏ dần và tiến tới bỏ chủ quản, không có những can thiệp hành chính không cần thiết vào môi trường đào tạo và nghiên cứu.

 “Thực tế từ Trường CĐ Kỹ nghệ 2 cho thấy khi được tháo cơ chế, nhà trường có không gian phát triển tốt hơn rất nhiều. Cùng với đó, hoạt động đào tạo phải gắn với thị trường, liên kết với DN”, Phó Thủ tướng nói.

Nêu thực tế trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế Việt Nam phải làm ra nhiều sản phẩm, cung cấp nhiều dịch vụ có tính cạnh tranh trong nước và cả nước ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm nhiều DN, nhiều cử nhân, kỹ sư, kỹ thuật viên chất lượng được bảo đảm, để trung cấp ra trung cấp, CĐ ra CĐ, ĐH ra ĐH.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, trong 100 người lao động chỉ có 20 người có bằng cấp, trong đó khoảng 3,3% là bằng sơ cấp từ bậc 1-3; 4,5% có bằng trung cấp, 2,8% có bằng CĐ, 8,4% có bằng ĐH và trên ĐH. Có những ngành nghề DN cần thì các trường ĐH, CĐ, trung cấp không đào tạo được hoặc không đáp ứng được yêu cầu.

“Điều này có thể thấy thị trường đào tạo nghề, đào tạo kỹ thuật viên còn rất lớn, đây là yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công trong thúc đẩy kinh tế xã hội.

Qua trao đổi và thực tế của nhà trường cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn rất khó khăn đối với đào tạo trung cấp và cao đẳng, nhưng nếu quyết tâm, hoàn toàn có thể bứt lên. Nhà trường đã đi đúng hướng, giờ phải bước thật nhanh”, Phó Thủ tướng khẳng định.  

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ nghệ 2. Ảnh: VGP/Đình Nam

Chia sẻ sự không yên lòng khi Việt Nam dù phát triển nhanh thứ 2 thế giới trong hơn 20 năm qua nhưng thu nhập bình quân vẫn đứng ở vị trí 120-130 thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói với các tân sinh viên về khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, không thể nghèo mãi.

 “Đất nước rất cần những kỹ thuật viên giỏi, lao động lành nghề và không còn con đường nào khác là mỗi bạn trẻ đều phải nỗ lực, không ngừng hoàn thiện từ những chi tiết nhỏ nhất trong công việc của mình, trong mỗi ngày. Qua tham quan các gian trưng bày mô hình học cụ sáng nay, tôi đã nhận thấy có sự chăm chút, hoàn thiện từ nút buộc dây, đường ống dẫn sao cho thẳng... Chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa làm sao để giống như sản phẩm công nghiệp của các nước phát triển, hoàn thiện đến mức đơn giản. Điều ấy sẽ làm nên giá trị của nghề nghiệp, giá trị của mỗi con người chúng ta”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Một số hình ảnh tại buổi Lễ Khai giảng:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh cắt băng khánh thành Nhà Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ. Ảnh VPTCDN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Thầy trò nhà trường. Ảnh VPTCDN

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh thăm phòng trưng bày thiết bị dạy nghề. Ảnh VPTCDN

TS Host Summmer (GIZ) báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả triển khai dự án đào tạo nghề thoát nước và xử lý nước thải. Ảnh VPTCDN 

Theo Đình Nam/Chinhphu.vn