Cập nhật ngày: 04/11/2016

Sáng ngày 04/11/2016 tại Thành phố Cần Thơ đã diễn ra Lễ Bế mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V, năm 2016. Đến dự buổi Lễ bế mạc có Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ; Bà Mai Thúy Nga, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Dạy nghề; Về phía địa phương có Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ; Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế; lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Cần Thơ; lãnh đạo các Sở, Ban ngành thành phố Cần Thơ; lãnh đạo các trường cao đẳng nghề, các giáo viên dạy nghề có thiết bị tham gia hội thi và đông đảo các thầy, cô giáo và các học sinh, sinh viên. 

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Lễ Bế mạc Hội thi

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Hội thi thiết bị đào tạo tự làm là sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho giáo viên, học sinh, sinh viên và các nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp. Như chúng ta đã biết, chất lượng giáo dục nghề nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo và cơ sở vật chất, thiết bị. Nhận thức đúng vấn đề này, từ nhiều năm qua, Trung ương đã cân đối ngân sách để hỗ trợ nguồn lực lớn cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và ngân sách địa phương cũng đầu tư kinh phí không nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tăng mạnh về qui mô và thay đổi toàn diện về cấu trúc hệ thống, mạng lưới các trường cao đăng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp là trên 2.000 cơ sở, trong đó có 407 trường cao đẳng, 598 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Như vậy, với quy mô tuyển sinh bắt đầu tăng từ 2 đến 3 lần thì việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách TW thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, việc làm và giáo dục nghề nghiệp như hiện nay sẽ không thể đáp ứng kịp, nhiều trường số giờ thực tập còn thấp, tỷ lệ học sinh/máy, thiết bị còn cao, ảnh hưởng đến rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Chính vì vậy mà sản xuất thiết bị tự làm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đặt ra như một nhiệm vụ chuyên môn, có vai trò quan trọng trong công tác đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu chúng ta làm tốt công tác nghiên cứu, sáng tạo để sản xuất thiết bị thì hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ được sử dụng tại trường, mà có thể cung cấp cho nhiều trường, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp.

Phó Tổng Cục trưởng Mai Thúy Nga báo cáo tổng kết Hội thi

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V, năm 2016 đã có 50 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tham gia, với 359 thiết bị của 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. So với các Hội thi trước đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Hội thi lần này đã có chuyển biến tích cực về chất lượng, phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp và tập trung ở các nghề: Điện tử dân dụng; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Hàn; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin; Xử lý nước thải; Nông, lâm nghiệp thủy sản; Du lịch, Khách sạn, nhà hàng; Sản xuất và chế biến, Công nghệ kiến trúc và công trình xây dựng.

Các đại biểu tham dự Lễ bế mạc

Hội thi lần này đã thể hiện tài năng sáng tạo và việc quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và của các cơ quan quản lý. Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi năm nay đã một lần nữa chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn khoa học và đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các cơ sở đào tạo. Điều này đã khẳng định rằng thiết bị đào tạo tự làm là một phần không thể thiếu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phát động phong trào nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo tự làm là đúng xu hướng, phù hợp yêu cầu phát triển của giáo dục nghề nghiệp.

Điểm nổi bật là hầu hết các thiết bị dự thi đều sử dụng các vật tư dễ tìm, có tính thẩm mỹ và kinh tế cao; tính chuyên nghiệp trong thiết kế, cẩn trọng trong tài liệu thuyết minh và hướng dẫn sử dụng thiết bị, đạt tiêu chuẩn của một "sản phẩm" theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại có thể sản xuất đại trà và bán ra thị trường. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sau 05 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan và chính xác, Hội đồng giám khảo đã giúp Ban tổ chức Hội thi lựa chọn 150 thiết bị đạt giải cá nhân, cụ thể: 30 thiết bị đạt giải nhất, 45 thiết bị đạt giải nhì, 75 thiết bị đạt giải ba; Về giải toàn đoàn, Ban Tổ chức đã lựa chọn 06 đoàn đạt giải tập thể, gồm: 1 Giải Nhất (Đoàn Hà Nội), 2 Giải Nhì (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh và Đoàn Hải Phòng) và 3 Giải Ba (Đoàn Vĩnh Phúc, Đoàn Cần Thơ và Đoàn Bắc Ninh).

Quyết định khen thưởng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại đây

Quyết định khen thưởng của Tổng cục Dạy nghề tại đây

Một số hình ảnh tại Lễ bế mạc:

 

 

 

VPTCDN