Cập nhật ngày: 30/10/2016

      Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, ngành dạy nghề (nay là giáo dục nghề nghiệp) đã từng bước phát triển cả quy mô cũng như chất lượng. Theo Luật giáo dục nghề nghiệp, hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng mạnh về qui mô và thay đổi toàn diện về cấu trúc hệ thống. Đồng thời, đi đôi với đổi mới về tổ chức quản lý, đào tạo, đổi mới chương trình, kiểm tra, thi xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, chính sách đối với người học và chính sách đối với nhà giáo; cần phải thực hiện đổi mới cả chính sách gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và nâng cao tính tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cần phải được chú trọng, đa dạng hóa và tăng cường nguồn lực dành cho giáo dục nghề nghiệp.

          Nhận thức rõ vai trò quan trọng của thiết bị trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng thiếu thiết bị đào tạo, thời gian qua Tổng cục Dạy nghề đã tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để từng bước nâng cao được chất lượng dạy và học, khắc phục tình trang dạy chay, học chay.

          Theo quy định 3 năm tổ chức 1 lần, Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm (nay là Hội thi thiết bị đào tạo tự làm) đã trở thành một hoạt động chuyên môn có tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng đào tạo. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm được tổ chức theo 3 cấp:

          - Hội thi cấp cơ sở: Được tổ chức hàng năm tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng và các cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề);

          - Hội thi cấp tỉnh, thành phố: Do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần.

          - Hội thi cấp quốc gia: Do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) tổ chức định kỳ 3 năm 1 lần.

          Từ khi tái thành lập Tổng cục Dạy nghề (năm 1998) đến nay, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm đã được tổ chức 4 lần:

+ Hội thi lần I, năm 1999 được tổ chức tại Hà Nội có sự tham dự của 28 tỉnh, thành phố với 246 thiết bị dự thi;

+ Hội thi lần thứ II, năm 2005 được tổ chức tại Đồng Nai có sự tham dự của 33 tỉnh thành phố với 261 thiết bị dự thi;

+ Hội thi lần thứ III, năm 2010 được tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của 35 tỉnh, thành phố với 236 thiết bị dự thi;

+ Hội thi lần thứ IV, năm 2013 tổ chức tại Khánh Hòa có 49 tỉnh thành phố tham gia, với 297 thiết bị dự thi;

+ Năm 2016, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V được tổ chức tại TP cần Thơ có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia với 359 thiết bị.

1. Mục đích, ý nghĩa của Hội thi

- Hội thi thiết bị đào tạo tự làm là cơ hội để đội ngũ giáo viên, học sinh và sinh viên phát huy tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo trong việc tạo nên các thiết bị đào tạo có chất lượng phù hợp với chương trình đào tạo, sát với thực tế sản xuất để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học, đồng thời tiết kiệm kinh phí đầu tư mua sắm thiết bị.

- Hội thi là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, tạo phong trào tự làm thiết bị rộng rãi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Hội thi sẽ lựa chọn các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng để phổ biến nhân rộng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước, góp phần phát huy hiệu quả về chất lượng đào tạo.

2. Yêu cầu của Hội thi

- Huy động được đông đảo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc tham gia.

- Hội thi phải trở thành phong trào rộng lớn trong toàn hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Hội thi thiết bị đào tạo thể hiện được sự sáng tạo, phát huy nguồn nội lực tạo ra nhiều thiết bị đào tạo có chất lượng cao, phù hợp với chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

- Hội thi phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức, lãng phí.

3. Yêu cầu về thiết bị tham gia Hội thi

- Thiết bị tham gia Hội thi phải là những thiết bị đào tạo do cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự làm và được áp dụng trong quá trình giảng dạy.

- Những thiết bị tham gia dự thi gồm: Dụng cụ, mô hình, thiết bị, bộ phận của thiết bị, phần mềm và các phương tiện kỹ thuật khác phục vụ cho đào tạo.

- Những thiết bị đào tạo tự làm đạt giải tại Hội thi thiết bị đào tạo cấp tỉnh, được địa phương lựa chọn và đăng ký để tham gia Hội thi toàn quốc.

- Những thiết bị tự làm đoạt giải (nhất, nhì, ba) tại Hội thi toàn quốc trước đây (lần I; II; III; IV) sẽ không được tham gia Hội thi lần V, năm 2016.

4. Công tác tổ chức Hội thi

a) Công tác chỉ đạo

Để chuẩn bị cho Hội thi toàn quốc, từ tháng 7 năm 2015, Tổng cục Dạy nghề đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương tổ chức Hội thi ở cấp cơ sở và cấp tỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức để tiến tới Hội thi toàn quốc: Công văn 1231/TCDN-CSVC ngày 13/7/2015 của Tổng cục Dạy nghề về việc hướng dẫn Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công văn số 471/TCDN-CSVC ngày 15/4/2016; về việc hướng dẫn chuẩn bị Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V, năm 2016; Công văn số 1335/TCDN-CSVC ngày 8/9/2016 về việc tổ chức hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ V, xác định rõ mục đích, yêu cầu, quy mô tổ chức, nội dung hoạt động, tổ chức thực hiện và điều kiện tham dự Hội thi toàn quốc.

b) Công tác tổ chức

Tổng cục Dạy nghề đã thành lập Ban tổ chức, xây dựng kế hoạch tổng thể, xây dựng Quy định Hội thi; Chương trình tổ chức Hội thi, xây dựng các tiêu chí đánh giá thiết bị, phân nhóm thiết bị theo các ngành nghề, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ (đơn vị đăng cai Hội thi) trong việc chuẩn bị và tổ chức Hội thi, hướng dẫn các địa phương tham gia Hội thi toàn quốc.

Thành lập Hội đồng giám khảo, thành phần tham gia phần lớn là giảng viên các trường Đại học sư phạm kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm, trong lĩnh vực đào tạo nghề có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.

Tham dự Hội thi lần thứ V có 50 tỉnh/thành phố tham dự, với tổng số thiết bị đăng ký dự thi là 359 thiết bị của 161 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tác giả/nhóm tác giả dự thi đều là những giáo viên có kỹ năng nghề cao và đã từng thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm đạt chất lượng cao và đang áp dụng cho công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 04 nhóm nghề:

- Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông với: 181 thiết bị chiếm 50,4%

- Công nghệ Kỹ thuật cơ khí: 104 thiết bị chiếm 29%

- Máy tính và Công nghệ thông tin: 32 thiết bị chiếm 9%

- Tổng hợp: 42 thiết bị chiếm 11,6% ( Nhóm nghề Tổng hợp gồm các thiết bị của các nghề: Xử lý nước thải; nuôi trồng thủy sản; Thú y; Kỹ thuật xây dựng; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Sản xuất chế biến …)

Các tỉnh có số lượng thiết bị tham gia dự thi nhiều như Cần thơ: 22 thiết bị; Hà Nội: 20 thiết bị; Quảng Nam 17 thiết bị; Hải Phòng: 15 thiết bị; Vĩnh Phúc: 13 thiết bị; Tp Hồ Chí Minh: 12 thiết bị; Đồng Nai, Lâm Đồng: 11 thiết bị; Bình Dương, Gia Lai: 10 thiết bị.

          Trên cơ sở số lượng các thiết bị đăng ký dự thi theo các nghề và nhóm nghề, Ban tổ chức thành lập 10 Tiểu ban giám khảo để chấm thi.

          5. Quy định của Hội thi năm 2016

Ban Tổ chức hội thi xây dựng quy định Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ V, trong đó quy định những nội dung cơ bản:

- Thiết bị dự thi phải do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh lựa chọn và đã đăng ký với Ban tổ chức.

- Tác giả/nhóm tác giả của thiết bị dự thi phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thiết bị theo quy định của Ban tổ chức và giới thiệu hướng dẫn sử dụng, vận hành thiết bị trước Tiểu ban giám khảo.

Việc đánh giá các thiết bị theo thang điểm 100 và chấm điểm theo các tiêu chí sau:

- Tính sư phạm:                                Tối đa 35 điểm;

- Tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo: Tối đa 40 điểm;

- Tính ứng dụng:                               Tối đa 15 điểm;

- Trình bày:                                                 Tối đa 10 điểm.

          6. Điểm khác biệt của Hội thi thiết bị đào tạo toàn quốc lần thứ V

- Việc chấm thi được tiến hành công khai, giữa các giám khảo không có sự tranh luận để thống nhất ý kiến mà cho điểm độc lập bằng phương pháp bỏ phiếu kín, kết quả chỉ được công bố trong Lễ bế mạc Hội thi.

- Để đảm bảo công bằng trong chấm thi, danh sách cán bộ chấm thi đối với từng loại thiết bị được giữ kín thông tin cho đến sát thời điểm tổ chức chấm thi.

- Qui mô Hội thi lớn: Số lượng các địa phương đăng ký tham gia và số thiết bị dự thi tăng hơn so với các Hội thi trước (50 địa phương với 359 thiết bị).

- Sau Hội thi, Ban tổ chức sẽ giới thiệu các thiết bị đạt giải nhất, nhì, ba cho các cơ sở đào tạo để nhân rộng kết quả của Hội thi.

Ban Tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V chính thức thông báo./.