Cập nhật ngày: 10/08/2015

Theo Kế hoạch hành động đã được các nguyên thủ các nước ASEAN thông qua, vào ngày 31/12/2015 tới đây sẽ thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo Kế hoạch này, AEC sẽ là một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hoá, dịch vụ và vốn đầu tư được lưu chuyển thông thoáng, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hoá kinh tế - xã hội giảm bớt.


Năng suất lao động của Việt Nam vẫn bị còn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực

Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao để ASEAN có thể hội nhập đầy đủ và vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu. AEC được kỳ vọng là cộng đồng năng động nhất, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hàng năm đạt 2000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người trong lực lượng lao động. Ba quốc gia có tổng lực lượng lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonexia (40%), Phillippin (16%) và Việt Nam (15%). Lực lượng lao động này khi được “giải phóng”, được tự do di chuyển trong thị trường chung sẽ là nhân tố cơ bản để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của các nước thành viên AEC.
 
Cơ hội và thách thức
 
Hình thành AEC sẽ giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Theo dự báo của ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Kết quả khảo sát của ILO đối với các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN cho thấy, doanh nghiệp trong khối hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của AEC vào năm 2015. Cụ thể, gần 50% chủ sử dụng lao động trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần. Trong khi đó, hơn 50% nói rằng, cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng). 
 
Khi tham gia AEC, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhất là về quy mô lao động cơ cấu lao động “trẻ”. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây (theo cách tiếp cận và cách tính của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.
 
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo. Theo cách tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo nghề (gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, phi chính quy, dạy nghề dưới 3 tháng và dạy nghề tại doanh nghiệp) chiếm khoảng 34% tổng lực lượng lao động nhưng trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm - xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB; trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94... Chất lượng lao động thấp nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á – Thái Bình Dương, trong đó, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của TTLĐ và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Theo thống kê của Tổ chức thực hiện thi IELTS (Hệ thống kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh quốc tế theo thang điểm 0-9) thì thí sinh Việt Nam có điểm trung bình là 5,78 thuộc vào nhóm các nước có điểm trung bình thấp, đứng sau Indonexia (5,97), Phillippin (6,53), Malaysia (6,64). Những hạn chế, những yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2011 xếp thứ 65/141 nước xếp hạng).
 
Nguồn nhân lực có chất lượng thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế. Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ ra: “Chất lượng giáo dục nhìn chung thấp, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực của đất nước…. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề,…” .
 
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rẳng, nếu tăng trưởng chỉ dựa vào những lợi thế không căn bản, như khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ lạc hậu, lao động giá rẻ... thì đến một lúc nào đó  sẽ trở thành một lực cản ghê gớm cho quá trình phát triển tiếp theo. Sử dụng lợi thế nhiều nhân công giá rẻ, năng suất lao động thấp, làm cho người lao động không có thời gian để đào tạo lại và nâng cao trình độ, đến khi cho dù có công nghệ mới, thì trình độ của nhân công cũng không thể đáp ứng được những đòi hỏi mới của công nghệ hiện đại và như vậy nền kinh tế lại rơi vào vòng luẩn quẩn, mất cân đối trầm trọng về các yếu tố đầu vào có chất lượng cho sản xuất, do đó không thể phát triển được.
 
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy, để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, nhất là khi nước ta trở thành thành viên của AEC, cần phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục- đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp. Nghị quyết, Hội nghị Trung ương 8  (khóa XI), đã đề ra 9 nhóm giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục- đào tạo. Trong lĩnh lực giáo dục nghề nghiệp, theo chúng tôi, những giải pháp để đổi mới, căn bản toàn diện, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền phải quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XI và Nghị quyết Hội nghị TW8 (khóa XI) về vai trò, vị trí của GDNN trong phát triển NNL và trong chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước thời kỳ 2011 - 2020 để chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực của Bộ, ngành địa phương và tổ chức thực hiện. Phải thực sự coi đầu tư GDNN là đầu tư cho phát triển, cần được ưu tiên đâu tư trong từng chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, vùng, ngành. Bên cạnh đó, cần phải hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội.
 
Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về GDNN. Luật GDNN đã được Quốc hội thông qua có quy định về cơ chế để cơ sở GDNN là một chủ thể độc lập, tự chủ; người đứng đầu cơ sở phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải được đào tạo về quản lý GDNN. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề. Có chính sách đãi ngộ, thu hút giáo viên GDNN; chính sách đối với người lao động qua đào tạo nghề nghiệp; chính sách đào tạo liên thông, hỗ trợ người học nghề. Xây dựng cơ chế để doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là một trong những chủ thể đào tạo nghề nghiệp không chỉ là “đối tác”, là người thụ hưởng sản phẩm đào tạo. Đổi mới chính sách tài chính về GDNN; thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo cho các CSGDNN, không phân biệt hình thức sở hữu.
 
Quy hoạch mạng lưới CSGDNN phù hợp với định hướng phát triển KT-XH của từng vùng, địa phương, ngành; chú trọng phân bố các trường chất lượng cao ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực; khuyến khích hợp tác và thành lập các CSGDNNcó vốn đầu tư nước ngoài. Có các CSGDNN chuyên biệt đối với người khuyết tật, dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số. 
 
Đẩy mạnh xã hội hoá, đa dạng nguồn lực cho phát triển đào tạo nghề nghiệp bao gồm, nhà nước, doanh nghiệp, người học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là quan trọng; Nhà nước có chính sách  hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế đối với các CSGDNN ngoài công lập.
 
Thứ ba, đổi mới cơ cấu GDNN trong hệ thống GDQD. Chuyển hệ thống GDNN khép kín thành hệ thống đào tạo mở, linh hoạt, liên thông giữa các thành tố của hệ thống và liên thông với các bậc học khác của hệ thống GDQD. Đổi mới cơ cấu hệ thống GDNN trên cơ sở khung trình độ quốc gia, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh đất nước và xu thế các nước trong khu vực và trên thế giới. Để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, cần triển khai thực hiện hệ thống GDNN gồm ba cấp trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, trên cơ sở sáp nhập trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; cao đăng nghề và cao đẳng theo quy định của Luật GDNN.
 
Thứ tư, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp, bao gồm phát triển đội ngũ giáo viên/giảng viên GDNN; chuẩn hóa về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề theo các cấp độ (quốc gia, khu vực và quốc tế) và theo trình độ đào tạo. Phát triển chương trình đào tạo phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng mở, mềm dẻo thích hợp với các cấp và trình độ đào tạo nghề; áp dụng một số chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới phù hợp với yêu cầu KT-XH của Việt Nam.Thực hiện kiểm định CSGDNN và kiểm định chương trình đào tạo. Tập trung xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo hướng năng lực thực hiện; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động. Chuẩn hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo; ban hành các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị  đào tạo cho từng nghề ở từng cấp độ, trên cơ sở chuẩn đầu ra.
 
Thứ năm, đổi mới hoạt động đào tạo. Chuyển chương trình dào tạo từ chủ yếu  trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề cho người học. Đa dạng hóa nội dung đào tạo theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Các CSGDNN tự chịu trách nhiệm về các hoạt động đào tạo từ việc chủ động trong tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo trên cơ sở có sự tham gia của doanh nghiệp. Các CSGDNN chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo; đảm bảo chuẩn hoá “đầu vào”, “đầu ra”; tự kiểm định chất lượng đào tạo và chịu sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng của nhà nước. Đổi mới quản lý quá trình dạy và học, nội dung, hình thức  kiểm tra, thi và đánh giá kết quả đào tạo trên cơ sở chú trọng đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào việc giải quyết các vấn đề trong  thực tiễn, có sự tham gia của doanh nghiệp hoặc đại diện sử dụng lao động.
 
Thứ sáu, gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa GDNN với TTLĐ cả ở cấp độ vĩ mô và cấp cơ sở để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống GDNN hướng vào việc đáp ứng phát triển KT-XH của từng địa phương, từng ngành; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học. Doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề như xây dựng TCKNN, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề… Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin  cho các CSDN về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo của cơ sở.  Các CSDN tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Hướng tới thành lập các Hội đồng kỹ năng ngành.
 
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về GDNN.Tăng cường hợp tác quốc tế về GDNN giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Tích cực vận động, thu hút nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA cho phát triển GDNN.  Hợp tác với các nước ASEAN để tiến tới công nhận kỹ năng nghề giữa các nước, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Tích cực tham gia vào các hoạt động của khu vực và thế giới như tham gia Hội thi tay nghề ASEAN, Hội thi Tay nghề Thế giới…
 
             TS. Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề