Cập nhật ngày: 05/08/2015

Việt Nam là nước đang phát triển, cùng với sự hình thành và phát triển của thị trường lao động, nhu cầu về lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, thị trường lao động ngày càng lớn và đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng. Trước đây, đào tạo nghề ở nước ta chủ yếu đào tạo theo hướng “cung” của các cơ sở dạy nghề, theo chỉ tiêu được giao, chưa quan tâm tới nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nên quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp còn “lỏng lẻo”. Hiện nay, trong bối cảnh thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực qua đào tạo nghề phải đảm bảo chất lượng, thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước. Do đó, phát triển dạy nghề, chú trọng nâng cao kỹ năng nghề cho người học là yêu cầu bức thiết và lâu dài. Có như vậy mới có thể góp phần nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ ra: “Phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu lao động. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt: dạy nghề ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề...”. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới khía cạnh tham gia các kỳ thi tay nghề thế giới với việc nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh - sinh viên học nghề và lao động trẻ ở nước ta.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Hằng cùng Tổng Cục trưởng Dương Đức Lân tặng hoa cho các chuyên gia và thí sinh trong Lễ xuất quân 

Như chúng ta đã biết, cứ 02 năm một lần, Kỳ thi tay nghề thế giới lại được diễn ra, là nơi hội tụ những tài năng trẻ trên toàn thế giới để phô diễn, tranh tài kỹ năng nghề đỉnh cao với công nghệ tối tân, trên máy móc, thiết bị hiện đại. Được tham dự Kỳ thi là niềm mơ ước của hàng triệu sinh viên học nghề, lao động trẻ xuất sắc. Trong lịch sử 60 năm hình thành và phát triển của dạy nghề nước ta, tới Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 39 tổ chức tại Nhật Bản năm 2007, Việt Nam mới có cơ hội lần đầu tiên tham dự. Sau đó, ta đều thường xuyên tham dự các Kỳ thi lần thứ 40, 41, 42 lần lượt tổ chức tại Canada, Anh và CHLB Đức; thành tích Kỳ thi sau cao hơn Kỳ thi trước, qua 4 lần tham dự, mặc dù Đoàn Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng hết sức mình nhưng vẫn chưa đạt được huy chương. Chúng ta, cũng như các nước khác, để đạt được huy chương tại đấu trường có tính cạnh tranh cao không phải dễ; mặc dù vậy, tham dự Kỳ thi lần này, đoàn Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương. 
 
Kỳ thi tay nghề thế giới năm nay được tổ chức ở 50 nghề, trong đó có 46 nghề thi chính thức và 4 nghề trình diễn, có 1192 thí sinh tranh tài đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đều là các quốc gia và vùng lãnh thổ có dạy nghề phát triển. Đây là kỳ thi có quy mô, số nghề, số thí sinh dự thi lớn nhất từ trước đến nay. Đề thi có mức độ khó, phức tạp hơn; đối với đề mở việc thay đổi ít nhất 30% đề thi chỉ được thông báo trước thi 03 ngày; đối với đề đóng, đề thi hoàn toàn được giữ kín cho tới khi thi; các nghề Việt Nam đăng ký dự thi có nhiều thí sinh tài năng của nhiều nước phát triển cùng tham dự như: Brazil, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Anh, Mỹ, …, trung bình các nghề có 25 thí sinh. Nhận thức được điều trên, rút kinh nghiệm từ các Kỳ thi tay nghề thế giới trước đây, chúng ta đã sớm lựa chọn các em đạt huy chương vàng, lao động trẻ xuất sắc ở một số nghề có thế mạnh tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 để tập trung huấn luyện chuẩn bị cho cuộc tranh tài tại Kỳ thi tay nghề thế giới.
 
Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi có 14 thí sinh và 13 chuyên gia thi ở 13 nghề, (riêng nghề Cơ điện tử có 02 thí sinh); Có 7 nghề lần đầu tiên tham dự là: Phay CNC, Điều khiển công nghiệp, Kỹ thuật khuôn đúc nhựa, Khuôn mẫu, Mộc mỹ nghệ, Công nghệ ô tô và Hàn; 06 nghề do ngân sách nhà nước hỗ trợ là: Mộc mỹ nghệ, Xây gạch, Lắp đặt đường ống nước, Công nghệ ôtô, Cơ điện tử, Thiết kế trang web, các nghề còn lại do các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tài trợ. 
 
Điểm mới và nổi bật của Đoàn Việt Nam trong công tác chuẩn bị và tham dự Kỳ thi lần này là có sự phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu, có thương hiệu, có kinh nghiệm của các nước có quan hệ chiến lược, hữu nghị với Việt Nam như Tập đoàn Denso, Toyota, Tổ chức JAVADA của Nhật Bản; Samsung, Vikotec của Hàn Quốc, là những tổ chức đã có kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện thí sinh dự thi và đạt thành tích cao tại các Kỳ thi tay nghề thế giới. Việc xã hội hóa, huy động nguồn lực này không chỉ giảm bớt gánh nặng kinh phí cho nhà nước mà còn giúp các em thí sinh được huấn luyện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm đã từng huấn luyện thí sinh đạt giải cao tại các Kỳ thi tay nghề thế giới trước đây, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Các em thí sinh được huấn luyện trên các công nghệ tối tân, máy móc hiện đại của Denso, Samsung, Vikotec, Toyota, Ford, … tại các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước. Nhiều thí sinh được huấn luyện thời gian dài, cùng với thí sinh của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil.
 
Việc huấn luyện được thực hiện theo kế hoạch phù hợp với từng nghề theo yêu cầu của đề thi, với phương pháp huấn luyện có sự tham gia của các doanh nghiệp, phát huy kinh nghiệm huấn luyện có hiệu quả trước đây; Các cơ sở huấn luyện, chuyên gia, thí sinh trong thời gian qua đã miệt mài, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn với tinh thần cao nhất, có lúc phải trải qua áp lực, cường độ huấn luyện tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng với vinh dự và trách nhiệm của mình đại diện cho quốc gia tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới đã vượt qua mọi cản trở. Đến nay, chúng ta tự hào tuyên bố đã hoàn thành toàn bộ chương trình huấn luyện đầy áp lực. 
 
Trong quá trình huấn luyện, các em thí sinh thường xuyên nhận được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo các cấp, Ban Tổ chức, các cơ sở huấn luyện, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức và cá nhân. Chúng ta hy vọng lá cờ và quốc ca Việt Nam sẽ được xướng lên trong Lễ trao giải tại Sao Paulo, Brazil, để khắc sâu niềm tự hào về đất nước và con người Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
 
Việc tham gia các kỳ thi tay nghề thế giới với việc nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh - sinh viên học nghề và lao động trẻ ở nước ta trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ hệ thống các giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp cơ bản sau đây:
 
- Thực hiện thành công chiến lược phát triển dạy nghề Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;
 
- Chú trọng phát triển hệ thống dạy nghề theo hướng phân bố hợp lý, nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề, chú trọng xây dựng các trường nghề chất lượng cao, tiếp cận với khu vực và thế giới;
 
- Tập trung cải thiện và nâng cao các yếu tố có ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề, nhất là dạy nghề chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu hội nhập;
 
- Tăng cường đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động nói chung, kiểm soát chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động;
 
- Chú trọng hoàn thiện các cơ chế chính sách về phát triển dạy nghề nói chung, đãi ngộ học sinh - sinh viên học nghề, người lao động trẻ có kỹ năng nghề cao, đặc biệt các em đạt huy chương tại các kỳ thi tay nghề thế giới, ASEAN để nhằm tiếp tục phát huy kỹ năng nghề mà các em đã đạt được cũng như nuôi dưỡng nhân tài cho đất nước;
 
- Triển khai đồng bộ hệ thống các giải pháp khác có liên quan đến phát triển dạy nghề gắn với doanh nghiệp và thị trường lao động để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
Tham dự thi tay nghề thế giới là động lực nhằm phát triển kỹ năng nghề cho học sinh - sinh viên học nghề, lao động trẻ, cũng như khẳng định vị thế của lao động trẻ nước ta với sự phân công lao động quốc tế. Hội nhập với thế giới về kỹ năng nghề thông qua việc tham dự các kỳ thi tay nghề thế giới là cơ hội và là giải pháp hữu hiệu nhất. Chúc các em thí sinh tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 tổ chức tại São Paulo, Brazil đạt thành tích cao nhất, gặt hái được nhiều huy chương, làm rạng danh đất nước./.
 
PGS.TS Cao Văn Sâm