Cập nhật ngày: 28/07/2015

1. Đặt vấn đề 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức. Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề ở nước ta phát triển mạnh. Số lượng cơ sở dạy nghề và quy mô đào tạo đã tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lực lượng lao động của đất nước.
 
 
Học sinh phổ thông cần được hướng nghiệp để lựa chọn được những nghề theo học phù hợp
 
Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương khóa 8 đã định hướng: “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông”.
 
Trong Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020 vấn đề hướng nghiệp được quan tâm và coi trọng: “Tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường; hình thành các bộ phận chuyên trách làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người học nghề”. Đồng thời định hướng phát triển hoạt động “Tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên trong trường nghề”. 
 
Khoản 4- Điều 6 của Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định: “Nhà nước có chính sách phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội”. Hoạt động hướng nghiệp (HN) được thực hiện trong cả hành trình học tập và làm việc suốt cuộc đời người lao động. Hướng nghiệp trong các trường dạy nghề là một giai đoạn quan trọng trong hành trình đó. Tuy nhiên hướng nghiệp và quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường dạy nghề hiện nay chưa được coi trọng đúng mức từ nhận thức đến hành động và chưa được đặt đúng vị trí vốn có và cần có, nhất là khi Luật giáo dục nghề nghiệp định hướng đào tạo chuyển nhanh từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động (TTLĐ). 
 
Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã kéo theo sự thay đổi cơ cấu ngành nghề trong nền kinh tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo phải góp phần điều chỉnh cơ cấu lao động và trình độ đào tạo cho phù hợp với yêu cầu kinh tế. Việc này liên quan trực tiếp tới công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông, cũng như trong trường dạy nghề. 
 
Tuy nhiên, trong những năm qua công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường dạy nghề còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả đã ảnh hưởng đến quá trình phát triển của nhà trường.
 
2. Nội dung 
 
2.1. Đặc điểm giáo dục hướng nghiệp trong trường dạy nghề
 
Giáo dục hướng nghiệp (GDHN) trong trường dạy nghề được thể hiện ở bảng dưới.
 
GDHN trong trường dạy nghề
1. Mục đích GDHN
 
- GDHN trong trường dạy nghề chủ yếu giúp HS thích ứng nghề
 
2. Nội dung GDHN
- Tư vấn nghề 
- Tuyển chọn nghề
- Thích ứng nghề
3. Hình thức GDHN
- HN thông qua cung cấp thông tin về nghề;
-  HN thông qua hoạt động tham quan doanh nghiệp;
-  HN thông qua tổ chức sinh hoạt theo chủ đề;
- HN thông qua dạy học.
4. Thời điểm GDHN
- GDHN ở “giai đoạn 2”

Bảng GDHN ở trường dạy nghề

GDHN ở trường dạy nghề giúp cho học sinh học nghề chọn được một nghề cụ thể phù hợp trong một số nghề mà trường đang đào tạo. Do vậy, đặc trưng GDHN ở trường dạy nghề là thích ứng nghề. Vì thích ứng nghề chỉ xuất hiện khi học sinh bắt đầu học nghề, được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện tay nghề trong các trường dạy nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

GDHN ở trường dạy nghề hướng đến quá trình thích ứng nghề, phạm vi diễn ra ở trường dạy nghề, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng lao động và đối tượng chủ yếu là thanh niên tự do ở các cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa, HS phổ thông, HS học nghề; người lao động khi chuyển nghề và đổi nghề.
 
 
Nội dung hướng nghiệp trong các trường dạy nghề
 
Do vậy, giáo dục hướng nghiệp trong trường dạy nghề phải đảm bảo  mục đích, nội dung, yêu cầu, hình thức. 
 
2.2. Yêu cầu tổ chức giáo dục hướng nghiệp trong trường dạy nghề
 
Để góp phần phát triển bền vững các trường dạy nghề thì cần phải thực hiện những công việc sau:
 
2.2.1. Tổ chức hướng nghiệp trước đào tạo 
 
Để HN cho HS phổ thông, thanh niên tự do ở cộng đồng dân cư, thanh niên xuất ngũ và thanh niên nông thôn trong quá trình đô thị hóa…Hoạt động HN được bắt đầu từ cung cấp thông tin, giúp họ lựa chọn được khóa học phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu học tập và khả năng hoàn thành khóa học. 
 
Để HS chọn được một nghề phù hợp và nhanh chóng thích ứng với nghề, trường dạy nghề cần phải tổ chức HN cho họ trước khóa học. Nội dung HN trước đào tạo cần đảm bảo các yêu cầu sau: Yêu cầu của nghề; Yêu cầu của TTLĐ; Yêu cầu năng lực bản thân.
 
Khi phân nghề cho HS các trường cần kết hợp giữa các yêu cầu với nhau, đồng thời kết hợp yêu cầu của nghề với nguyện vọng, sở trường, hứng thú của HS tham gia học nghề và nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
 
2.2.2. Tổ chức hướng nghiệp trong quá trình đào tạo
 
Khi đã được tuyển chọn và tham gia vào khóa đào tạo, người học sẽ tiếp tục được hướng dẫn. Ngay sau khi HS được phân chính thức về lớp, nhà trường cần cho các em tham gia học tập trực tiếp tại các xưởng, để được tiếp xúc với những công nhân lành nghề; mời các thợ giỏi, các công nhân làm việc trực tiếp tại các cơ sở sản xuất, các giáo viên của các nghề có liên quan nói chuyện với các em để các em hiểu rõ nghề hơn; đưa những công nhân giỏi làm nhiệm vụ hướng dẫn thực tập tại trường hoặc ở doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức cung cấp thông tin về nghề. 
 
Cần theo dõi quá trình dạy nghề, đặc biệt là các môn đun thực hành để các HS nhanh chóng thích ứng nghề. Cần phải kiểm tra, giám sát dạy thực hành để kịp thời điều chỉnh nội dung cho phù hợp với từng đối tượng học nghề.
 
2.2.3. Tổ chức hướng nghiệp sau đào tạo
 
Việc phân phối HS tốt nghiệp như thời bao cấp không còn phù hợp trong cơ chế thị trường. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo đã xây dựng các mối quan hệ với các doanh nghiệp nhằm mục đích HN sau đào tạo.
 
Để HN sau đào tạo, trường dạy nghề cần thực hiện một số nội dung sau:
 
- Thông tin cho HS biết đặc điểm của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đặc biệt, thông tin về chỗ làm việc trống và điều kiện làm việc. 
 
- Cung cấp cho HS những yêu cầu của TTLĐ về nghề mà HS được đào tạo.
 
- Tổ chức đánh giá kỹ năng nghề theo từng trình độ đào tạo của nghề. 
 
- Tổ chức bồi dưỡng nghề theo đặc điểm, yêu cầu của TTLĐ. 
 
- Tư vấn tìm kiếm việc làm cho HS.
 
- Định hướng cho HS học tập theo hướng liên thông giữa các cấp trình độ và các bậc đào tạo.
 
3. Kết luận
 
Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục và triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015). Thực hiện quy định của Luật và đổi mới căn bản trong các trường dạy nghề phải bắt đầu và thực hiện trong suốt quá trình đào tạo:  từ đầu vào-- quá trình dạy - học --  đến đầu ra. Trường dạy nghề mà không triển khai  hoạt động HN thì không thể gọi là nhà trường đổi mới. Nội dung HN trong trường dạy nghề phải được coi trọng bởi  làm tốt công việc này, các trường dạy nghề sẽ giảm được tỷ lệ bỏ học, nâng cao chất lượng,  góp phần phát triển bền vững các trường dạy nghề.
 
Tài liệu tham khảo

1. Đặng Danh Ánh (2008), Mô tả nghề nghiệp ở Việt Nam. Bài giảng lớp ThS Tâm lý học và thực hành hướng nghiệp, Khoa Sư phạm - Đại học Quốc gia HN.
 
2. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (2010), Chỉ thị số 02/CT- BLĐTBXH ngày 1/10/2010 về việc “Thực hiện nhiệm vụ công tác học sinh, sinh viên năm học 2010 – 2011”.
 
3. Bùi Văn Hưng (2014), Quản lý giáo dục hướng nghiệp ở các trường dạy nghề trong bối cảnh mới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
 
TS. Bùi Văn Hưng 
Trường cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ TP.HCM