Cập nhật ngày: 27/07/2015

Hướng tới thế kỷ 21 xây dựng xã hội học tập và tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện học suốt đời, có thể phát huy hết năng lực, tham gia vào quá trình và thụ hưởng thành quả phát triển giáo dục đào tạo (GD&ĐT) thì liên thông trong hệ thống GD&ĐT là nguyên tắc và định hướng phát triển lâu dài. 

1.Khái niệm liên thông trong đào tạo 
 
Trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, khái niệm "liên thông" xuất hiện khá nhiều. Trong GD&ĐT có thể hiểu liên thông theo nhiều góc độ khác nhau; ví dụ:
 
- Liên thông trong giáo dục, đào tạo là sự công nhận và miễn trừ cho người học những nội dung mà người học đã được học trong quá khứ, để rút ngắn thời gian đào tạo, không phải học lại những gì đã học và bằng cách nào để  hoàn thành một chương trình đào tạo khác. 
 
- Liên thông trong giáo dục là biện pháp giúp người học có thể sử dụng kết quả học tập đã có để học tiếp ở các cấp học, trình độ cao hơn cùng ngành nghề hoặc khi chuyển sang ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng. 
 
- Đào tạo liên thông (ĐTLT) là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo. 
 
-  Liên thông thực chất là quá trình tiếp nối và chuyển đổi. Trong đào tạo, liên thông là quá trình đào tạo cho phép có thể  công nhận và chuyển đổi kết quả  học tập của người học từ nhóm nghề hoặc nghề này sang nhóm nghề hoặc  nghề  khác (liên thông ngang), từ cấp trình độ đào tạo này sang cấp trình độ đào tạo khác (liên thông dọc) và rộng ra là từ một cấp học, bậc học này sang cấp học, bậc học khác. 
 
Pháp luật đã quy định về đào tạo liên thông như sau:
 
(i) Khoản 1- điều 9 của Luật giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực từ 1/7/2015) quy định: “Liên thông trong đào tạo được thực hiện căn cứ vào chương trình đào tạo; người học khi chuyển từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ đào tạo cao hơn cùng ngành, nghề hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học”.
 
(ii) Điều 38 của Luật giáo dục đã quy định: “Kết quả học tập môn học hoặc tín chỉ mà người học đại học tích luỹ được khi theo học một chương trình giáo dục được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ tương ứng trong chương trình giáo dục khác khi người học chuyển ngành nghề đào tạo, chuyển hình thức học tập hoặc học lên ở cấp học, trình độ đào tạo cao hơn”. 
 
Mặc dù có nhiều cách hiểu và định nghĩa khác nhau về liên thông và đào tạo liên thông, nhưng nhìn chung các định nghĩa đều thống nhất với cách tiếp cận: đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội và điều kiện  thuận lợi cho người lao động học tập suốt đời đề nâng cao trình độ và chất lượng cuộc sống trong môi trường đầy biến động. 

2. Một số vấn đề liên quan đến đào tạo liên thông
 
2.1. Mục tiêu
 
- Mục tiêu chủ yếu của liên thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hợp lý và  hiệu quả các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu học suốt đời của người lao động, góp phần phân luồng sau Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. 
 
- Chương trình đào tạo liên thông giúp cho người học có thể nhận thấy rõ hướng đi để họ có thể yên tâm lựa chọn học nghề, bởi lẽ  họ đã nhìn thấy trong tương lai sẽ có điều kiện bồi dưỡng nâng cao trình độ, tiếp tục học lên những bậc học cao hơn để thăng tiến trong nghề nghiệp. Vì vậy chương trình đào tạo nghề cần linh hoạt hơn để hướng tới người học, cho phép họ có thể tiếp tục học, nghỉ cách quãng và quay trở lại học khi có điều kiện. 
 
- Thực hiện nguyên tắc trong giáo dục: "công nhận các kết quả học tập đã hoàn thành", tức là đã học rồi/có kết quả học tập không phải học lại. Điều này nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo không chỉ đối với cá nhân mà còn cho toàn xã hội, nhờ việc tiết kiệm thời gian tham gia quá trình đào tạo của người học, người học có thể tham gia lao động để tạo ra thu nhập cho bản thân và xã hội; tiết kiệm các chi phí cho đào tạo của cá nhân và xã hội.
 
2.2. Nguyên tắc 
 
- Đào tạo liên thông trước hết phải đáp ứng các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Như vậy chương trình đào tạo phải: được thiết kế theo nguyên tắc mềm và phát triển theo hướng kế thừa và tích hợp để giảm tốt đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích luỹ ở các chương trình đào tạo trước đó; phản ánh đúng mục tiêu đào tạo, nội dung, phương pháp dạy và học, thời gian đào tạo, kế hoạch thực hiện và phương pháp đánh giá theo trình độ và theo nghề  đào tạo tương ứng; được thiết kế phù hợp với mặt bằng chất lượng đào tạo chung. 
 
- Đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ và công khai, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người. Nguyên tắc này cần được quán triệt trong thủ tục tuyển chọn và tổ chức quá trình đào tạo liên thông.
 
- Tuân thủ các quy định trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước và của nước khác (khi chương trình đào tạo trong nước liên liên thông với các chương trình đào tạo ở nước ngoài).
 
2.3. Yêu cầu 
 
2.3.1. Phù hợp với khung Trình độ giáo dục đào tạo quốc gia và khung Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia 
 
Thực hiện đào tạo liên thông phải căn cứ vào:
 
- Khung trình độ giáo dục đào tạo quốc gia (hiện nay dự kiến  xây dựng với 8 bậc), tham chiếu khung trình độ đào tạo các nước trong khu vực ASEAN và hệ thống khung trình độ giáo dục châu Âu….
 
- Hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ( đã ban hành 5 bậc) 
 
Yêu cầu trên đáp ứng chủ trương đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và hình thành cộng đồng ASEAN (31/12/2015). 
 
2.3.2. Yêu cầu về chương trình trong đào tạo liên thông 
 
Chương trình đào tạo phải đáp ứng liên thông dọc (Articulation) giữa các cấp trình độ đào tạo từ sơ cấp đến trung cấp và cao đẳng; Liên  thông ngang (Transfer) giữa các nghề, nhóm nghề. Mặt khác chương trình đào tạo nghề cũng phải phù hợp với chương trình hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT phân ban, cũng như tính đến liên thông với các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng - đại học kỹ  thuật cùng chuyên ngành. Muốn thực hiện được nhiệm vụ trên các chương trình đào tạo cần được thiết kế theo mô đun. Tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo theo mô đun là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay các chương trình đào tạo trình độ Sơ cấp nghề được thiết kế theo mô đun; các chương trình đào tạo trình độ trung cấp nghề và trình độ cao đẳng nghề được thiết kế kết hợp môn học và Mô đun. Kỹ năng nghề được thiết kế hoàn toàn theo Mô đun 
 
2.3.3. Yêu cầu xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và hệ thống văn bằng chứng chỉ trong hệ thống đào tạo 
 
- Xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng và hệ thống văn bằng, chứng chỉ nhằm đánh giá và công nhận trình độ đào tạo, 
 
- Hướng dẫn việc công nhận chuyển đổi  bằng cấp, chứng chỉ trong hệ thống đào tạo;
 
- Công nhận tương đương trong quá trình  hội nhập với trình độ đào tạo nghề khu vực và thế giới. 
 
2.3.4. Yêu cầu về chính sách  liên thông trong đào tạo nghề  
 
- Cần có hành lang pháp lý cho việc triển khai như quy định về cấp trình độ đào tạo nghề, chuẩn kỹ năng nghề cho từng cấp trình độ, các điều kiện và  nguồn lực cho việc xây dựng chương trình liên thông.
 
- Liên thông là vấn đề lớn, rất  phức tạp vì vậy cần tiến hành nghiên cứu kỹ càng, có sự phối hợp chỉ đạo thống nhất của các cấp quản lý, các bậc học và các trình độ trong Khung trình độ giáo dục quốc gia. Cần có bước đi tuần tự, lựa chọn tổ chức xây dựng và đào tạo cho một số nhóm nghề hoặc một số nghề.
 
2.4. Các hình thức liên thông trong đào tạo
 
Đào tạo liên thông nghề có các dạng cơ bản sau:
 
-  Liên thông ngang: Chuyển đổi sang một ngành khác của cùng một trình độ đào tạo. Chuyển đổi ngay trong quá trình đào tạo hoặc học để lấy bằng thứ hai sau khi đó có bằng tốt nghiệp cùng trình độ. Liên thông ngang là dạng đào tạo liên thông giữa các ngành đào tạo ở cùng một cấp học. Loại hình này thể hiện sự chuyển tiếp, chuyển đổi của người học với sự tương đương về mặt bằng trình độ giữa các loại hình đào tạo trong hệ thống đào tạo.
 
-  Liên thông dọc: Chuyển đổi từ trình độ đào tạo thấp lên trình độ cao hơn, có thể kế tiếp (ví dụ từ trình độ sơ cấp lên trình độ trung cấp, trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng và cao đẳng lên đại học). Liên thông dọc là dạng đào tạo trong đó người đã tốt nghiệp ở bậc học thấp, nếu đáp ứng đủ điều kiện, có thể học ở bậc cao hơn. Loại hình đào tạo này thể hiện sự xuyên suốt, khớp nối trong quá trình hình thành và phát triển tri thức, kỹ năng từ các lớp, bậc học từ thấp đến cao trong hệ thống giáo dục. 
- Liên thông ngược là dạng liên thông trong đó người học chuyển từ bậc học cao xuống bậc học thấp hơn để học thêm những kỹ năng đặc biệt khác và có thể không liên hệ với chuyên môn đã học nhằm tìm kiếm việc làm.
 
- Liên thông hỗn hợp: Vừa chuyển đổi ngành vừa nâng cấp trình độ đào tạo. Thông thường hình thức này các cơ sở đào tạo thường quy định đối với các trường hợp không có cùng ngành đào tạo của cấp  trình độ đào tạo cao hơn, phải hoàn thành chương trình chuyển đổi (học những học phần còn thiếu của chương trình đào tạo của cấp trình độ trước đó).Ngoài ra, còn có liên thông chéo giữa các bậc học hoặc loại hình trường trong hệ thống đào tạo, tuy nhiên loại hình liên thông này ít được sử dụng. 
 
Như vậy có thể thấy rằng: Liên thông dọc tạo cơ hội nâng cao trình độ  đào tạo, liên thông ngang tạo cơ hội mở rộng chuyên môn, kiến thức cho người học. Nếu có chiến lược kết hợp phát triển một cách hợp lý sẽ giúp phần thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng xã hội học tập.
 
2.5. Lợi ích của liên thông trong đào tạo
 
- Tạo ra sự đáp ứng nhanh giữa cung với cầu trên thị trường lao động. Trong nền kinh tế thị trường cộng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cầu lao động được đào tạo thường biến đổi nhanh về ngành nghề đào tạo và nhu cầu ngày càng cao về trình độ. 
 
- Liên thông không chỉ giúp người lao động đáp ứng nhanh việc nâng cao trình độ hay chuyển đổi ngành nghề sau đào tạo, mà trong một số trường hợp do lựa chọn đào tạo lần đầu không phù hợp với sở trường nên có thể chuyển ngành/ chuyển trường ngay trong quá trình chưa kết thúc quá trình đào tạo ban đầu mà vẫn kế thừa được các kết quả học tập đã có. 
 
-  Chính sách liên thông góp phần tạo ra tính linh hoạt, năng động cho hệ thống đào tạo, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi về bằng cấp về ngành nghề và nâng cao trình độ cho người học trong quá trình học suốt đời (longlife learning).
 
2.6. Một số rào cản trong đào tạo liên thông
 
Tuy nhiên, hiện nay còn có rất nhiều rào cản đối với việc thực hiện liên thông trong đào tạo như:
 
- Chưa có sự thống nhất về chuẩn đầu ra trong mỗi ngành, nghề, chưa có định nghĩa rõ ràng về chuẩn của các trình độ trong khung trình độ giáo dục đào tạo. 
 
- Việc kiểm định chất lượng đào tạo chưa được triển khai rộng rãi để có cơ sở để đảm bảo kết quả học tập được đánh giá tin cậy, để có thể miễn trừ trong quá trình đào tạo liên thông. 
 
Nhận xét  chung 
 
Hiện nay, đào tạo liên thông là một xu thế tất yếu, điều đó được giải thích bởi nhiều nguyên nhân:
 
- Sự cạnh tranh và sự biến động về nhu cầu lao động trên thị trường lao động thúc đẩy người lao động bị mất việc làm phải học chuyển đổi nghề để tìm việc làm mới, người có nghề không phù hợp phải học chuyển đổi để dễ tìm việc làm hơn hoặc để thích hợp với yêu cầu của công việc đang đảm nhận.
 
- Việc chuyển giao công nghệ, áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật mới vào thực tiễn đòi hỏi lực lượng lao động phải có khả năng cạnh tranh và thích nghi cao. Các nhu cầu này cùng với mong muốn có một tương lai tốt hơn đã tạo nên nhu cầu cao của xã hội về lao động có trình độ chuyên môn - kỹ thuật cao và thúc đẩy sự nỗ lực của người dân phấn đấu đạt trình độ cao hơn bằng con đường ngắn nhất và thuận lợi. 
 
- Hiện nay, ngay cả những người được đào tạo tốt nhất cũng khó theo kịp các sự biến đổi về tri thức và công nghệ. Những kiến thức lĩnh hội được sẽ lạc hậu nhanh chóng. Vì vậy, việc tổ chức cập nhật, nâng cao kiến thức thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong thiết kế các chương trình đào tạo liên thông. 
 
- Xu hướng quốc tế hoá của đào tạo nghề và liên thông nghề giữa các nước trên thế giới đang trở nên mạnh mẽ xuất phát từ yêu cầu của việc giao lưu lao động quốc tế và giao lưu kiến thức, chương trình dạy nghề, liên kết đào tạo, trao đổi học viên với các quốc gia khác. Như vậy, liên thông trong đào tạo nghề không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà mở rộng dần trên bình diện quốc tế. Xu hướng này từ lâu đã bộc lộ rõ ở các nước phát triển, nay đang triển khai rộng rãi ở nhóm các nước đang phát triển.  
 
Việt Nam cần một hệ thống đào tạo mở, với các chương trình liên thông mềm dẻo để tận dụng ưu thế của mỗi cơ sở đào tạo, phát huy sức mạnh  của các cơ sở này. Hệ thống mở với thể chế thích hợp sẽ tạo hướng đi giúp người học có cơ hội được học tại bất kỳ thời điểm nào; hoàn cảnh nào, bằng cách nào, học suốt đời để lập thân lập nghiệp. 
 
Tài liệu tham khảo
 
- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, XI
 
- Luật giáo dục nghề nghiệp;
 
- Luật Giáo dục;
 
- Quy định Đào tạo liên thông giữa các trình độ dạy nghề (Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2008/QĐ- BLĐTBXH ngày 6/5/20080);
 
-  PGS. TS  Trần Thị Tâm Đan: Tổ chức đào tạo liên thông;
 
-  GS.TS Phan Văn Kha: Một số vấn đề lý luận về đào tạo liên thông
 
- Th.S Nguyễn Đăng Trụ: Một số vấn đề về đào tạo liên thông lên đại học;
 
- Th.s Nguyễn Viết Thắng: Bàn về đào tạo liên thông;
 
- TVET Teacher Education, UNIVOC;
 
- Australian Qualifications Frameworrk, Iplementation Handbook;
 
- Lifelong learning and training: a brigdge to the future (Final Report);
 
- Education Reform for New Education System-The Republik Korea 1996;
 
- Vietnam Secondary Education Sector Master Plan: Main Report (ADB)   
 
TS. Phan Chính Thức