Cập nhật ngày: 15/05/2015

Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ngày càng được chú trọng với nhiều ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phổ biến như: đan đát lục bình, may mặc, kết cườm, chăn nuôi, sản xuất lúa giống… trong đó, đan lục bình là một nghề mang lại hiệu quả ổn định, bền vững, thu hút đông đảo lao động tham gia và ngày càng được nhân rộng. 

Huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) là một huyện nông nghiệp, lực lượng lao động nông nhàn sau các vụ mùa rất lớn, nhất là phụ nữ. Trong khi đó, trên địa bàn huyện, loài cây lục bình lại rất dồi dào nhưng chưa được tận dụng khai thác nhiều. Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Cờ Đỏ phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức các lớp dạy đan đát lục bình thu hút được đông đảo người lao động tham gia học nghề. 

Sau khi thành lập tổ đan đát lục bình đầu tiêu ở thị trấn Cờ Đỏ và sau đó được nhân rộng ra thêm nhiều tổ khác ở các xã Thạnh Phú, Đông Thạnh, Thới Hưng thu hút hàng trăm lao động nông thôn có việc làm ổn định, mới đây, ở ấp 1 xã Thới Hưng thành lập lớp dạy nghề đan lục bình do Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Cờ Đỏ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thu hút được hơn 30 học viên tham gia.  
 
Chúng tôi tìm đến tổ hợp tác sản xuất lục bình ở ấp 1, không khí lao động rất khẩn trương, vui vẻ. Ai cũng phấn khởi vì vừa được học việc lại có nguồn thu nhập. Bà Trần Hồng Lạc ở ấp 1, xã Thới Hưng tham gia lớp học khoảng nửa tháng nay vui mừng cho biết: Ngoài việc nội trợ, không làm gì có thu nhập vì tuổi đã cao nên chỉ chăm sóc 2 đứa cháu đâm ra cũng buồn. Từ ngày học đan lục bình, tôi rất mừng vì công việc rất phù hợp, khi học được hỗ trợ toàn bộ kinh phí từ nguyên liệu thực hành, phí giáo viên giảng dạy, chi phí thi cuối khóa và có thu nhập từ sản phẩm làm ra. 
 
Theo cán bộ phòng LĐTBXH huyện, thời gian đầu, chuẩn bị mở lớp dạy đan lục bình ở ấp 1, những người tổ chức gặp không ít khó khăn trong việc vận động bà con tham gia. Nhiều người chưa nhận thấy được lợi ích của nghề nên Phòng phải phối hợp với xã, ấp  ra sức tuyên truyền vận động và tạo điều kiện thuận lợi để bà con tham gia, nhờ đó đời sống lao động nông thôn dần ổn định. Ngoài ra, việc đan đát vừa tiện cho việc chăm sóc gia đình, vừa có nguồn thu nhập ngoài làm ruộng, vườn, chăn nuôi nên ai cũng phấn khởi. Ông Nguyễn Thành Hòa chia sẻ: Tôi nay đã ngoài 50 tuổi, lại mắc phải bệnh thoái hóa cột sống, tụt huyết áp nên đành bỏ chuyện làm hồ. Hơn một năm nay chỉ quanh quẩn với đàn heo hơn chục con. Từ khi được học nghề đan lục bình, tôi trở thành thành viên "đặc biệt” trong đám chị em phụ nữ của ấp. Học được nghề này, tôi vừa có thêm thu nhập lại được hoạt động chân tay mà công việc đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của tôi bây giờ.
 
 
Tổ hợp tác đan lục bình ở ấp 1, xã Thới Hưng thu hút hơn 30 học viên tham gia
 
Ông Võ Trung Cảnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: "Từ năm 2011 đến nay, toàn xã có 12 lớp được đào tạo nghề với 377 học viên trong đó có trên 80% học viên có việc làm ổn định, nhất là lớp đan đát lục bình ở ấp 6. Việc thành lập tổ đan đát lục bình ở ấp 1 có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và tạo việc làm cho lao động nông thôn trong thời gian tới, nhất là phụ nữ”. 
 
Mặc dù lớp đan đát ở ấp 1, xã Thới Hưng chỉ đào tạo được hơn 30 học viên, tuy nhiên mỗi lao động sau buổi học lại về hướng dẫn cho 2 đến 3 thành viên khác trong trong gia đình. Chỉ trong một thời gian ngắn tham gia lớp học mà các học viên trong tổ đã nâng cao được tay nghề và mang lại hiệu qủa không thua gì những tổ hoạt động trước đó.
 
Chị Trần Thị Mỹ Nhung, Giáo viên dạy nghề ở ấp 1 cho biết: Sau 45 ngày đào tạo, học viên sẽ thạo nghề. Trong quá trình học nghề, học viên có thu nhập ít nhất 40 ngàn đến 50 ngàn đồng/ngày, giỏi nghề lên đến 100 ngàn đồng.
 
Việc mở lớp đào tạo nghề đan lát được các địa phương chọn địa điểm có đường giao thông thuận tiện và gắn với vùng nguyên liệu. Ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm huyện Cờ Đỏ cho biết: Là vùng chủ yếu trồng lúa, tuy nhiên những năm gần đây được đầu tư cơ giới hóa dẫn đến nhiều lao động thiếu việc làm. Trong khi đó, nông trường Cờ Đỏ và Sông Hậu lại có nguồn nguyên liệu lục bình dồi dào, rất thích hợp và cần thiết để mở lớp đan lát. Học viên chỉ cần học 10 ngày là có thu nhập từ sản phẩm làm ra. Nguồn sản phẩm làm ra được công ty Kim Hưng và 3H đặt hàng bao tiêu. Qua đó cho thấy mô hình đan đát là một trong những mô hình thiết thực và hiệu quả nhất về công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. 
 
Công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ trong những năm qua đã góp sức cùng các địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống của người dân một cách rõ rệt và xóa đói giảm nghèo. Đó là một hướng đi đúng đắn và đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là nghề đan lục bình.
 
T.T (Nguồn: Báo Đại đoàn kết)