Cập nhật ngày: 09/05/2015

Thủ tướng Lý Hiển Long đang ra sức khuyến khích người dân rằng không cần học đại học vẫn có công việc tốt. Singapore là một quốc gia châu Á với hệ thống giáo dục hạng A, đang nỗ lực hạn chế số lượng sinh viên đại học trong bối cảnh các trường đại học cho ra "lò" ngày càng nhiều cử nhân không phù hợp với thị trường lao động.
 
Bên cạnh đó, với chính sách hạn chế người nhập cư và nền kinh tế tăng trưởng chậm, giờ đây, chính phủ của ông Lý Hiển Long đang cần ít cử nhân đại học và nhiều công nhân hơn nhằm lấp đầy các xưởng đóng tàu, nhà máy và quầy tiếp tân của các khách sạn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
 
 
Thủ tướng Lý Hiển Long
 
Hồi tháng 8 năm ngoái, trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã tuyên dương hai nhân viên Công ty Keppel, công ty sản xuất giàn khoan dầu lớn nhất thế giới và nói rằng: "Chỉ cần các bạn làm việc chăm chỉ, các bạn luôn có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn tại đất nước Singapore".
 
Tờ Straits Times có lượng độc giả cao nhất ở Singapore, dành hẳn một mục để giới thiệu chân dung những người đạt được thành tựu trong sự nghiệp sau khi không bước vào ngưỡng cửa đại học.
 
Bộ Lao động nước này cho biết, năm 2013, lương khởi điểm bình quân của cử nhân tốt nghiệp đại học kỹ thuật điện hệ bốn năm khoảng 3.135 đô la Singapore (khoảng hơn 50 triệu đồng) trong khi những người học cùng ngành này tại các trường đào tạo nghề có mức lương 1.750 đô la Singapore.
 
Mô hình đào tạo hướng nghiệp kép
 
Nhà tốt nghiệp hạng ưu Đại học Cambridge (Anh) đang mở chiến dịch vận động giới trẻ tham gia lực lượng sản xuất theo mô hình học nghề của Đức. Đây là một chương trình tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp, 18 tuổi được ứng tuyển vào công ty tư nhân theo hợp đồng, kết hợp giữa học việc và giáo dục tại các trường đào tạo nghề công lập.
 
Theo chương trình "Kiếm tiền và học việc" của Singapore, học viên tốt nghiệp các trường đào tạo nghề kỹ thuật sẽ được tạo điều kiện thực tập trong thời gian luyện thi chứng chỉ ngành nghề. Mỗi học viên khi tham gia chương trình sẽ được nhận mức thưởng 5.000 đô la Singapore.
 
Năm tới, quốc đảo sư tử sẽ thử nghiệm chương trình đưa sinh viên tốt nghiệp các trường kỹ thuật vào học việc trong các ngành hàng không, hậu cần và công nghệ thông tin.
 
 
Nhóm ngành kỹ thuật là một trong những ngành được chú trọng hàng đầu tại Singapore
 
Thứ trưởng thương mại, ông S.Iswaran cho biết hôm 24/2, "chúng tôi không thể thực hiện hoàn toàn theo mô hình của Đức, song việc có thể làm là ứng dụng những nét ưu điểm từ mô hình này vào một số ngành nghề và kỹ năng".
 
Việc khuyến khích người dân Singapore đi theo hướng như trên sẽ là nhiệm vụ nân giải với chính phủ nước này sau hàng thập niên đề cao tầm quan trọng của giáo dục.
 
 
 
Singapore giàu mạnh với hệ thống giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
 
Theo Cục Thống kê Singapore, các hộ gia đình ở nước này năm 20113 chi 1,1 tỷ đô la Singapore cho việc học thêm của con cái mình.
 
Hiện các thành viên nội các của ông Lý đều có bằng đại học và chính phủ nước này coi việc trao học bổng toàn phần cho sinh viên theo học các trường hàng đầu trên thế giới như là một hình thức tuyển dụng.
 
Theo Pasi Sahlberg, giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Harvard (Mỹ), "ở nhiều nước, vẫn coi giáo dục hướng nghiệp là "sự lựa chọn thứ cấp", đặc biệt là tại khu vực châu Á. Các bậc phụ huynh tin rằng "giáo dục đại học sẽ là chìa khóa duy nhất mở lối thành công".
 
Chị Carmen Kok, 47 tuổi dự định bỏ ra khoản tiền gấp 3 lần thu nhập hàng năm từ nghề làm tóc để gửi con gái sang Hàn Quốc học đại học. "Ở Singapore, nếu không có bằng đại học, anh không thể tiến thân được. Cháu có thể kiếm được việc nếu không vào đại học, nhưng mức lương sẽ cao hơn nếu tốt nghiệp đại học" – chị tâm sự.
 
Nhiều người dân Singapore rớt đại học đã chọn giải pháp du học. 40% sinh viên tốt nghiệp tham gia lực lượng lao động nước này năm 2014 từng lấy bằng ở hải ngoại.
 
Kenneth Chen, 26 tuổi chia sẻ, cha mẹ của cậu đã chi hơn 170.000 đô la Singapore để cậu lấy bằng cử nhân khoa học thể thao tại Brrisbane (Úc). Cậu cho rằng: "Chính phủ không nên khuyến khích người dân không vào Đại học trừ khi họ có thể đảm bảo các cơ hội nghề nghiệp khi không học đại học ngang bằng với cơ hội tìm việc khi có một tấm bằng cử nhân".
 
 
HB (Nguồn: Báo Đất Việt)