Cập nhật ngày: 16/04/2015

Chất lượng nguồn nhân lực là khâu đột phá để thực hiện chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020. Do vậy, phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yêu cầu, là đòi hỏi của đất nước nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Thời gian qua, dạy nghề đã được nhà nước và xã hội quan tâm đầu tư tài chính và các nguồn lực, nên đã có những bước phát triển tích cực, từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề. Bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, quá trình quốc tế hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng, chất lượng nguồn nhân lực được coi là yếu tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, đồng thời cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực. Để đáp ứng được các nhu cầu nêu trên, cần phải có các chiến lược phát triển gắn với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong từng giai đoạn để phát triển dạy nghề. 

 

Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020, nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội và chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Trong đó đã xác định giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề là một trong hai giải pháp đột phá để đổi mới và phát triển dạy nghề. Trong các hoạt động của giải pháp thì hoạt động nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế về kỹ năng nghề và năng lực sư phạm là một trong những hoạt động vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Cụ thể: Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề, 100% số giáo viên này phải đạt chuẩn vào năm 2014; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế về kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và các nước phát triển trên thế giới, 100% số giáo viên này phải đạt chuẩn của các nước tương ứng vào năm 2014. Qua tổng hợp kinh nghiệm từ thực tiễn quá trình hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, cụ thể như: Trong khuôn khổ hợp tác Việt Đức về đào tạo nghề, GIZ phối hợp với Tổng cục Dạy nghề và cấc cơ sở dạy nghề đối tác thực hiện các khóa đào tạo nghề nâng cao, đào tạo về sư phạm tiếp cận với trình độ quốc tế; phối hợp với tổ chức lao động quốc tế ILO tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm theo chương trình của City&Guilds của Anh quốc; phối hợp với Vương quốc Bỉ (dự án APEFE) tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp tiếp cận theo năng lực thực hiện; thí điểm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho một số nghề theo chương trình của Malaysia;… Để triển khai thực hiện mục tiêu chiến lược, trong đó có mục tiêu phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015. Kết quả thực hiện, năm 2013-2014, Tổng cục Dạy nghề chủ trì triển khai tổ chức 12 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo chương trình của Úc cho 191 giáo viên dạy 12 nghề trọng điểm thuộc các trường nghề chất lượng cao, tổ chức 08 khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề theo chương trình của Malaysia cho 103 giáo viên. Kết thúc các khóa đào tạo, 191 giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại Úc đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao và chứng chỉ IV nghiệp vụ sư phạm của Úc, đủ năng lực giảng dạy các chương trình chuyển giao trình độ cao đẳng của Úc; 103 giáo viên hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng tại Malaysia đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc III và bậc IV của Malaysia, đủ năng lực để giảng dạy các chương trình chuyển giao trình độ cao đẳng của Malaysia, phối hợp với Hội đồng Anh Việt Nam, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho 280 giáo viên giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực và quốc tế. Với những kết quả đạt được như trên, có thể thấy trình độ giáo viên dạy nghề của Việt Nam đã từng bước được nâng cao, một số giáo viên dạy các nghề trọng điểm đã tiếp cận được trình độ quốc tế, khu vực ASEAN. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng nhỏ giáo viên dạy các nghề trọng điểm được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu so với mục tiêu của chiến lược đề ra. Để từng bước có được đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng đủ cả số lượng và chất lượng, cần huy động nhiều nguồn lực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Đối với các nghề trọng điểm quốc tế, khu vực ASEAN: Nhận chuyển giao 11 Bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề từ Úc; tiếp tục tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên ở nước ngoài, trong đó chú trọng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hạt nhân; xây dựng lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở trong nước nhưng theo tiêu chuẩn nước ngoài; tổ chức nhân rộng chương trình đào tạo, bồi dưỡng được chuyển giao tại Việt Nam để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng luân chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Nguồn nhân lực Việt Nam đang được đánh giá còn yếu hơn các nước khác trong khu vực ASEAN, nên cần nhiều giải pháp hơn nữa để phát triển và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Vì vậy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một đòi hỏi hết sức cần thiết trong đó hợp tác phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề phải được ưu tiên hàng đầu đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020"

2. Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015.

3. Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

4. Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020”.

5. Kết quả thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề ở nước ngoài năm 2013, 2014.


 Ths. Tạ Đức Huy -  Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên và CBQLDN