Cập nhật ngày: 02/04/2015

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 1956/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, hoạt động dạy nghề ở tỉnh Hưng Yên có những chuyển biến tích cực, mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng với 41 cơ sở đào tạo nghề; cơ sở vật chất được tăng cường, công tác đào tạo được đổi mới, thu hút được sự tham gia của nhiều tổ chức, thành phần kinh tế và các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh.

Giờ thực hành tại Trường trung cấp nghề Hưng Yên
 
Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề
 
Các cơ sở đào tạo nghề tỉnh Hưng Yên đã dạy nghề cho gần 17 nghìn người; trong đó, nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 73%, nghề nông nghiệp 27%. Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực vào sự phát triển sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động ở nông thôn Hưng Yên.
 
Anh Nguyễn Văn Thế, xã Hàm Tử cho biết: Hàm Tử là vùng trồng cây nhãn chín muộn lớn của huyện Khoái Châu, nông dân rất cần kiến thức, kinh nghiệm thâm canh cây nhãn để khắc phục tình trạng “năm được quả, năm trả cành”. Hội nông dân xã đã liên kết với Trường cao đẳng nghề KT-KT Tô Hiệu mở lớp đào tạo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trồng cây ăn quả ngay tại xã. Nông dân tham gia khóa học khá đông, được học lý thuyết, sau đó thực hành ngay tại vườn, cho nên lắm vững các TBKT trong sản xuất cây giống, thâm canh cây nhãn và một số loại cây ăn quả khác. Nhờ vậy, mấy năm gần đây nhãn chín muộn ở Hàm Tử năm nào cũng được mùa, được giá đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Diện tích nhãn chín muộn ở Hàm Tử hiện được mở rộng lên tới gần 200ha, chiếm hơn 50% diện tích canh tác của xã.
 
Phó Trưởng phòng dạy nghề, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Hưng Yên, Vũ Công Điệp cho biết: Công tác dạy nghề ở Hưng Yên đã có những bước đổi mới về cả phương thức và nội dung phù hợp với trình độ dân trí và điều kiện phát triển của từng vùng. Mạng lưới đào tạo nghề được mở rộng, xã hội hoá có sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, HTX và các nghệ nhân. Nhiều cơ sở đào tạo nghề phát huy thế mạnh trong từng lĩnh vực đào tạo đã mở các lớp đào tạo nghề tại các thôn, xóm, với các ngành nghề phù hợp, thu hút được nhiều học viên tham gia ; tỷ lệ học viên sau khi được dạy nghề có việc làm đạt khoảng 85%. Trường cao đẳng Cơ điện - thuỷ lợi Hưng Yên, có đội ngũ giảng viên giầu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, có các phân xưởng thực hành tốt đã tổ chức dạy nghề ngay tại xã với các nghề mà xã hội đang cần, như cơ điện, điện lạnh, hàn... đáp ứng được nhu cầu của người học, nhất là lao động trẻ. Nhiều công ty dệt may và một số doanh nghiệp lớn đã đào nghề cho công nhân tại ngay tại công ty. Sau khi được học nghề hầu hết các học viên đều vào làm việc tại các công ty, nhà máy.
 
Nâng cao hiệu quả hợp tác ba bên
 
Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Kinh tế - kỹ thuật Tô Hiệu, Đỗ Trọng Hoàn cho biết: Nhà trường đã đổi mới công tác đào tạo, mở các lớp sơ cấp nghề cho nông dân ngay tại địa phương với phương châm học đi đôi với hành ngay tại nhà, trên các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến. Giảng viên căn cứ vào đặc điểm, tình hình sản xuất ở địa phương để biên soạn giáo trình phù hợp cho từng loại cây, con, giúp nông dân dễ tiếp thu, áp dụng hiệu quả TBKT vào sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay còn những hạn chế, như dàn trải, chưa đi vào chiều sâu; việc giao chỉ tiêu đào tạo nghề chưa tương xứng với năng lực đào tạo. Do vậy, một số cơ sở đào tạo lớn vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả.
 
Hoạt động dạy nghề ở Hưng Yên trong 5 năm qua đã có những đổi mới đem lại hiệu quả thiết thực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Điều đáng nói là, một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa thực sự hiểu, coi trọng công tác đào tạo nghề, dẫn đến đầu tư cho công tác dạy nghề chưa đúng mức, đúng tầm ; nguồn kinh phí còn thiếu, vốn đầu tư phân bổ cho công tác dạy nghề còn dàn trải ; trang thiết bị dạy học thiếu, chất lượng chưa phù hợp với quy mô đào tạo. Một bộ phận lớn lao động ở nông thôn chưa nhận thức đúng về lợi ích của việc học nghề, chưa tham gia học nghề; một số tham gia học nhưng chưa nghiêm túc học tập làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề. Thông tin thị trường lao động, việc là chưa đầy đủ và kịp thời nên người lao động còn lúng túng trong việc lựa chọn nghề, tìm kiếm việc làm sau khi học nghề. Một số trung tâm dạy nghề không đủ năng lực xây dựng chương trình, tài liệu giảng dạy, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chưa bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của người sử dụng lao động và sự chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất…
 
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh Hưng Yên cần đầu tư tập trung cho các nghề, cơ sở đào tạo nghề trọng điểm, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực của tỉnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá công tác dạy nghề, nhằm huy động mọi lực lượng, nguồn lực trong xã hội phục vụ công tác dạy nghề; tạo môi trường bình đẳng đối với tất cả các cơ sở dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế ; Đa dạng hoá hình thức dạy nghề, kết hợp hài hoà giữa đào tạo chính quy với đào tạo thường xuyên; đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới, xuất khẩu lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Nâng cao chất lượng và tăng quy mô dạy nghề, hoàn thiện nâng cao năng lực dạy nghề cho các trường, trung tâm theo mô hình đầu tư trọng điểm ; Đào tạo nghề theo hợp đồng với các doanh nghiệp. Hợp đồng liên kết đào tạo, nâng cao hiệu quả hợp tác ba bên nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong công tác dạy nghề; nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp giúp cho các gia đình, học sinh nhận thức đúng đắn năng lực của bản thân và nhu cầu người lao động có tay nghề của xã hội, với phương châm “có nghề là có tương lai”.
 
 
HB (Nguồn: Báo Nhân dân)