Cập nhật ngày: 09/03/2015

Nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch, vừa qua, trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế đã ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp có uy tín trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, mở cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Mở ra cơ hội
 
Đầu tháng 1-2015, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế ký kết hợp tác đào tạo với 10 đơn vị, doanh nghiệp, như: Ana Mandara Huế Resort & Spa, Khu du lịch Bà Nà Hills, Khách sạn Crowne Plaza Đà Nẵng, Tập đoàn Mường Thanh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế... Theo đó, trường bố trí học sinh, sinh viên (HSSV) có đủ tiêu chuẩn năng lực theo yêu cầu công việc. Phía doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho HSSV thực tập theo chương trình được giao; hỗ trợ lưu trú, ăn ca và khoản sinh hoạt phí cho HSSV thực tập nếu có điều kiện. Hai bên sẽ hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm, như: hỗ trợ nhân lực trong các sự kiện khi doanh nghiệp có yêu cầu, tham gia các hoạt động giảng dạy, xây dựng chương trình, giáo trình, tư vấn, định hướng nghề nghiệp...
 
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế cho biết, để thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn, nhà trường tìm hiểu nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp để hướng đến cách đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vào từng thời điểm khác nhau.
 
 
Sinh viên của trường trong giờ thực hành
 
Bạn Lê Thị Mỹ Thuận - sinh viên năm 3 vừa kết thúc đợt thực tập tại  Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội chi nhánh Huế chia sẻ: sau thời gian thực tập, em trưởng thành hơn, nói năng lưu loát và tự tin hơn. “Đây là cơ hội để chúng em được tiếp xúc, làm quen và chứng tỏ được khả năng của mình với doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ thấy được năng lực và mở cho chúng em cơ hội về nghề nghiệp, cụ thể là xin việc làm sau khi ra trường, Mỹ Thuận tâm sự:
 
Thu hẹp khoảng cách
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung, việc liên kết đào tạo này có lợi cho cả hai phía, tạo ra chất lượng “sản phẩm” ưng ý. Được thực hành, HSSV biết cụ thể công việc mình sẽ làm sau khi ra trường và khi tiếp xúc với thực tế, các em không bỡ ngỡ, lạc hậu. Doanh nghiệp có nhân lực để sử dụng và hướng dẫn sinh viên đáp ứng tiêu chí của mình. Sau khi tốt nghiệp, doanh nghiệp có thể lựa chọn những em học tốt để tuyển dụng và không phải đào tạo lại.
 
Để việc hợp tác hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Trần Văn Tâm – Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Morin cho rằng, Trường cao đẳng Nghề Du lịch Huế cần cập nhật thông tin, phương pháp giảng dạy mang tính minh họa để sinh viên thực hành được ngay. Ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng, nhà trường phải truyền được đạo đức và đam mê nghề nghiệp cho sinh viên. Hàng năm, tạo điều kiện cho giảng viên có 1 tuần hoặc 1 tháng đi thực tế tại doanh nghiệp để giảng dạy phù hợp với thực tiễn. Nếu không cập nhật kịp thời, họ sẽ chỉ giảng lại những kiến thức đã cũ trong khi nhu cầu của khách thay đổi từng ngày, từng giờ. Về phía sinh viên – chủ thể quan trọng nhất, cần chủ động học tập, trang bị cho mình kiến thức, rèn luyện những kỹ năng còn yếu trong quá trình thực tập.
 
Cũng theo ông Tâm, với ngành dịch vụ, để “lấy được tiền” của khách thì phải chạm được trái tim của họ. Muốn vậy, phải yêu nghề và chăm chút khách đến từng chi tiết nhỏ.
 
Ông Vũ Hoài Phương cho biết: “Việc ký kết hợp tác đưa ra trách nhiệm rõ ràng giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo sinh viên mà mục tiêu cuối cùng là mang lại điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập, thực tập.
 
Ông Phương còn cho biết thêm, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ cho sinh viên nơi ăn, chốn ở, trả thù lao khi thực tập. Qua quá trình thực tập, doanh nghiệp cũng sẽ tuyển dụng những người có năng lực vào làm việc, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho HSSV.

Nguồn: Báo LĐXH