Cập nhật ngày: 09/03/2015

Nhân chuyến thăm chính thức tại Việt Nam của Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch, bà Christine Antorini, nhằm tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và phát triển nguồn nhân lực, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Christine Antorini để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Đan Mạch đang giới thiệu mô hình giáo dục của mình đến Việt Nam. Vậy, xin bà cho biết đâu là điểm mạnh nổi bật của mô hình giáo dục Đan Mạch?
 
Bà Christine Antorini: Điều chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua là đào tạo lớp trẻ và cả người trưởng thành về kỹ năng nghề, kỹ năng cho những người làm trong lĩnh vực kinh doanh. Chúng tôi thực hiện việc này với sự kết hợp chặt chẽ giữa các trường nghề và các doanh nghiệp. Từ truyền thống của các bạn, chúng tôi biết rằng người Việt Nam rất hiếu học, nhưng các bạn trẻ đang thiếu các kỹ năng nghề, kỹ năng kinh doanh, mà chúng tôi có thể giúp đỡ được các bạn thông quan hệ thống giáo dục, từ đó tăng cường hợp tác giáo dục hai nước.
 
 
Bà Christine Antorini 
 
PV: Đan Mạch đã có những chương trình, dự án nào hợp tác với Việt Nam trong thời gian vừa qua?
 
Bà Christine Antorini: Hai nước chúng ta có truyền thống lịch sử lâu dài về hợp tác giáo dục, đó là lý do tại sao tôi có mặt ở đây. Hai nước đã ký biên bản ghi nhớ và chúng ta mong muốn tăng cường thực hiện biên bản ghi nhớ đó để có thể học hỏi lẫn nhau. Tôi có mặt ở Việt Nam với mục đích giới thiệu về hệ thống dạy nghề của Đan Mạch và các chương trình học tập suốt đời cho người trẻ cũng như tất cả mọi người để đào tạo ra những công nhân có kỹ năng, tay nghề cao trong tương lai.
 
PV: Trong tương lai gần, Đan Mạch sẽ hỗ trợ giáo dục Việt Nam những gì?
 
Bà Christine Antorini: Các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam cần được trang bị thêm kỹ năng làm việc. Hiện có nhiều công ty Đan Mạch đang làm việc tại Việt Nam và các công ty này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân chất lượng cao. Vì vậy, chúng tôi hy vọng đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam có thể đáp ứng công việc tại các công ty của Việt Nam cũng như các công ty Đan Mạch tại Việt Nam.
 
Chúng tôi dự định sẽ đưa các chuyên gia giáo dục tới Việt Nam để tăng cường hợp tác giáo dục hai nước. Đây sẽ là một sáng kiến mới trong năm 2015.
 
PV: Việt Nam đang có sự đổi mới giáo dục, trong đó chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá. Đan Mạch đã từng có cuộc đổi mới giáo dục nào như vậy không và đâu là trọng tâm cho sự đột phá?
 
Bà Christine Antorini: Hệ thống giáo dục Đan Mạch hoàn toàn khác với Việt Nam. Chúng tôi có rất ít bài kiểm tra. Chúng tôi làm việc một cách toàn diện với người học. Người học tất nhiên phải rất giỏi về lĩnh vực nào đó nhưng cũng phải biết học cách làm việc để có thể đưa ra được ý tưởng mới và làm việc với những ý tưởng đó. Như vậy, phương pháp của chúng tôi toàn diện hơn, ít bài kiểm tra, nhiều cơ hội phát triển sản phẩm mới, cách nghĩ mới.
 
Cũng như các bạn, chúng tôi đã trải qua giai đoạn cải cách giáo dục. Chúng tôi thảo luận biện pháp để phát triển hệ thống giáo dục nghề vì chúng tôi cũng cần có nhiều lớp trẻ làm việc trong các lĩnh vực kinh doanh, kỹ thuật, y tế... Chúng tôi đã cải cách hệ thống đào tạo nghề sao cho thu hút được nhiều bạn trẻ vào các lĩnh vực việc làm chứ không chỉ tập trung vào đại học.
 
PV: Bà có nhận xét gì và cần phải làm gì để cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam?
 
Bà Christine Antorini: Tôi cho rằng giáo dục đặc biệt quan trọng cho bất cứ quốc gia nào. Có thể thấy rằng chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đẩy mạnh giáo dục lên một bước cho tất cả mọi người. Về những gì cần làm để cải thiện hệ thống giáo dục thì tôi cho rằng không nhất thiết tất cả mọi người đều phải đi học đại học. Xã hội cần nhiều người có trình độ, kỹ năng nghề, kỹ năng kinh doanh hơn nữa để phát triển. Chúng tôi có thế mạnh đào tạo về các lĩnh vực này, vì thế, nếu có thể hợp tác thì đó là lĩnh vực tốt nhất để chúng tôi trợ giúp các bạn.
 
PV: Trong chuyến công tác lần này, bà có nhiều hoạt động tiếp xúc với các đối tượng người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt. Đây có phải là hướng đi mới trong hợp tác giáo dục giữa Đan Mạch với Việt Nam hay không?
 
Bà Christine Antorini: Chúng tôi đến thăm các trường, doanh nghiệp có đào tạo hay tuyển dụng các đối tượng này bởi tôi rất muốn nghe cách giáo dục của họ dành cho những đối tượng đặc biệt ra sao. Đây là điều rất quan trọng với tôi bởi khi về tới Đan Mạch chúng tôi có thể chia sẻ phương pháp giáo dục dành cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn tất cả mọi đối tượng đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục.
 
PV: Cơ hội tiếp cận nền giáo dục cho các đối tượng này sẽ bắt đầu từ khi nào?
 
Bà Christine Antorini: Chính sách của Đan Mạch là giáo dục dành cho tất cả mọi người, từ trẻ em đến người lớn, kể cả những trẻ em không được may mắn như trẻ em bình thường khác. Chúng tôi có chương trình giáo dục rất lớn dành cho các em ngay từ khi mới 1,2 tuổi, mẫu giáo và các bậc học cao hơn.
 
PV: Đan Mạch có mở ra cơ hội việc làm tiềm năng cho các đối tượng này ở Việt Nam?
 
Bà Christine Antorini: Tôi nghĩ chương trình hợp tác đó là có thể vì Đan Mạch đã từng tiến hành đào tạo nghề bằng cách hợp tác giữa trường học và các công ty. Những người tham gia đào tạo sẽ có kinh nghiệm làm việc ở cả công ty lẫn trường học; hai bộ phận này thường liên kết hợp tác rất chặt chẽ với nhau và họ có cơ hội ngay từ lúc còn đang đi học. Tôi nghĩ đây cũng có thể là một khả năng để áp dụng ở Việt Nam.
 
PV: Liệu đây có phải là lý do bà đưa theo phái đoàn hơn 20 đại diện cơ sở giáo dục đào tạo sang Việt Nam lần này?
 
Bà Christine Antorini: Lý do chúng tôi mang đến một phái đoàn giáo dục rất đông đảo là vì Đan Mạch có hệ thống giáo dục đào tạo ở nhiều ngành nghề đa dạng khác nhau. Tôi nghĩ một số ngành nghề các bạn còn đang làm quen với chúng tôi và chúng tôi muốn đưa tới một hình ảnh Đan Mạch có rất nhiều ngành nghề đa dạng. Như vậy khi hai bên đã có cơ hội thống nhất và học hỏi lẫn nhau, có thể sự hợp tác sẽ mở ra rất nhiều trong tương lai.
 
PV: Bà đặt kỳ vọng gì sau chuyến đi này?
 
Bà Christine Antorini: Tôi mong rằng chuyến đi của mình có thể tăng cường hợp tác sao cho các thể chế kỹ thuật, chăm sóc y tế cơ bản, giáo dục của Đan Mạch có thể tiếp cận với Việt Nam và hợp tác với các thể chế tương tự của Việt Nam. Điều này là nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho giáo dục giới trẻ Việt Nam và chúng tôi cũng có thể học tập từ hệ thống giáo dục của các bạn.
 
PV: Xin cảm ơn bà!
 
Thỏa thuận Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Đan Mạch được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Đan Mạch vào năm 2013. Trong thỏa thuận này, Giáo dục được đặt ra như một nội dung ưu tiên quan trọng.

Từ năm 1994 Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển Việt Nam với khoản tiền hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2014-2015 Đan Mạch sẽ giải ngân 90 triệu đô la Mỹ viện trợ không hoàn lại dành cho Việt Nam.

Đan Mạch cho đến nay là đất nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam trong số các quốc gia thành viên cộng đồng châu Âu. Số tiền viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch chiếm gần 25% tổng số tiền viện trợ không hoàn lại của tất cả các quốc gia châu Âu.
 
 
 
 Nguồn: QĐND Online