Cập nhật ngày: 09/02/2015

Trong nhiều năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở An Giang đã, đang được các ngành, các cấp hết sức quan tâm chú trọng thực hiện có hiệu quả. Tại nhiều cơ sở dạy nghề, những ngành nghề thiết thực đã thu hút đông đảo người lao động tham gia học nghề, nhờ đó có cơ hội tìm kiếm, tự tạo được việc làm, tang them thu nhập ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Nghề xây dựng dân dụng thu hút nhiều người theo học

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án dạy nghề cho LĐNT, Sở LĐ-TB&XH An Giang, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở làm công tác chuyên trách ở địa phương. Thông qua đó, nhằm tuyên truyền sâu rộng bằng hình thức phát tờ rơi, tờ bướm in bằng hai thứ tiếng (Việt và Khmer) về mục đích, ý nghĩa, các chính sách, chế độ hỗ trợ theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính phủ đến các tầng lớp đồng bào DTTS. Cách làm thiết thực này đã đem lại hiệu quả rõ rệt ở các huyện có đồng bào DTTS, giúp họ hiểu rõ rằng , muốn tăng thu nhập để cải thiện đời sống và vươn lên thoát nghèo cần có tay nghề, việc làm ổn định; phải có kiến thức về khoa học, kỹ thuật tiên tiến, phương pháp canh tác, chăn nuôi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế. Song song với công tác tuyên truyền, tỉnh đã nỗ lực hỗ trợ kinh phí cho huyện điểm miền núi có đông đồng bào DTTS, để đẩy mạnh công tác dạy nghề thiết thực phù hợp với điều kiện của địa phương. Đó là mở các lớp dạy về kỹ thuật chăn nuôi bò cho hàng trăm lao động ở các huyện: An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành. Đây là số lao động nông thôn đang sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, với mỗi lao động có thể nuôi từ 2-3 con bò, sau 6-8 tháng bán bò thịt, trừ chi phí mỗi con bò lãi khoảng từ 9-10 triệu đồng/con, bình quân người lao động có thêm thu nhập trên 1 triệu đồng người/tháng.
 
Bên cạnh đó, các lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng rau an toàn cũng thu hút hàng trăm lao động DTTS tham gia, với tỷ lệ có việc làm và tự tạo việc làm sau khóa học đạt trên 60%. Thông qua các lớp dạy nghề người lao động đã được phổ biến kiến thức khoa học, phương pháp canh tác mới, kỹ thuật tiên tiến giúp họ giảm rủi ro và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác và lợi nhuận. Nhờ đó, những lao động trồng rau màu sau các khóa học đạt thu nhập từ 1,8-2 triệu đồng/người/tháng. Đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Khmer rất phù hợp với lao động nữ DTTS, nên tiếp tục được truyền dạy ở địa phương. Riêng tại huyện Tịnh Biên đã dạy nghề cho hàng chục người, thu nhập tăng thêm ngoài làm nông nghiệp từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt các lớp dạy nghề xây dựng dân dụng thu hút hàng ngàn lao động thanh niên ở các huyện: Thoại Sơn, Tịnh Biên, Tri Tôn tham gia. Sau các khóa học, có khoảng 55% lao động có việc làm, tự tạo được việc làm trong tỉnh và khoảng 25% lao động tìm được việc làm ở ngoài tỉnh, với thu nhập bình quân từ 2,4 triệu đồng – 2,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Đối với các mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp, sau khóa học người lao động chủ yếu tự tạo việc làm tại chỗ, đồng thời chính quyền địa phương và đoàn thể  giới thiệu vay vốn, tư vấn phương pháp làm ăn, để nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Có thể nói công tác dạy nghề cho LĐNT vùng DTTS của tỉnh An Giang đang được đầu tư đẩy mạnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã có đông đồng bào DTTS đều có trường, trung tâm dạy nghề. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Bộ LĐ-TB&XH, từ 2009, tỉnh đã khởi công xây dựng Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú, đặt tại xã Núi Tô (huyện Tri Tôn) đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2011. Từ đó đến nay hàng năm Trường đã tuyển sinh đào tạo nghề trình độ trung cấp nghề cho hàng trăm học sinh và hàng ngàn học viên tham gia học nghề theo QĐ 74/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đào tạo nghề cho LĐNT và dạy nghề cho lao động DTTS.
 
Trong giai đoạn 2010 – 2013 tỉnh có 9 cơ sở dạy nghề công lập được ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư kinh phí 56 tỷ đồng; trên 80% số cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho LĐNT nói chung, cho LĐNT vùng đồng bào DTTS nói riêng. Đây là một thuận lợi cơ bản trong công tác dạy nghề cho LĐNT vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển, góp phần rất lớn vào vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào DTTS ở địa phương.
 
Nguồn: Báo LĐ&XH