Cập nhật ngày: 09/02/2015

Thị trường lao động cải thiện? Tháng 7 năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, điều này được kì vọng sẽ là chìa khóa thúc đẩy năng suất lao động. Xung quanh vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

 
 
Luật Giáo dục nghề nghiệp cơ hội để nâng cao chất lượng dạy nghề
 
PV: Thưa ông, ngày 1-7 tới đây, Luật Giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực, xin ông cho biết những điểm mới của Luật? 
 
Ông Dương Đức Lân: Có thể nói, sự ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Sự ra đời của Luật chính là tạo nên hành lang pháp lý khá cụ thể để từ đó giải quyết, tháo gỡ được hàng loạt những bất cập hiện nay. Bên cạnh đó cũng là nhân tố quan trọng để "xốc” lại chất lượng lao động. 
 
Tuyển sinh học nghề khó hơn tuyển sinh cao học đang  là câu chuyện chung của nhiều trường dạy nghề hiện nay. Vấn đề này sẽ được tháo gỡ như thế nào khi triển khai Luật thưa ông?
 
Ông Dương Đức Lân: Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục đang xây dựng một Khung trình độ quốc gia dự kiến tháng 3-2015 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Khung trình độ quốc gia, giáo dục nghề nghiệp gồm 5 trình độ (bậc 1 đến 5). Trình độ sơ cấp tương đương với bậc 3; trình độ trung cấp tương đương bậc 4; trình độ cao đẳng tương đương bậc 5. Mỗi bậc trình độ sẽ xác định chuẩn "đầu ra,” từ đó đó tiến đến xây dựng chương trình đào tạo tương ứng với từng trình độ. Theo đó, những sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng (bậc 5) đối với những ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ sẽ được công nhận là kỹ sư thực hành. Đối với những ngành nghề không phải kỹ thuật công nghệ, sinh viên tốt nghiệp sẽ được công nhận là cử nhân thực hành.Với quy định này sẽ khuyến khích các em tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. 
 
Việc triển khai Luật có được xem là bước đột phá nhằm cải thiện chất lượng lao động thưa ông?
 
Ông Dương Đức Lân: Giờ còn quá sớm để trả lời câu hỏi này, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, năng suất lao động do nhiều yếu tố như chất lượng lao động, môi trường làm việc rồi cơ chế…Rất nhiều người đã đặt câu hỏi, thậm chí hồ nghi về kết quả thi tay nghề vừa qua (Tại cuộc thi tay nghề Asean lần thứ 10 năm 2014, Việt Nam đã đứng nhất toàn đoàn-PV).  Băn khoăn này không phải không có cơ sở. Bởi hiện phần lớn lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, trong khi đó chất lượng lao động quyết định năng suất lao động. Xuất phát từ thực tiễn này, thực hiện Quyết định 761 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng Cục Dạy nghề đang triển khai xây dựng các trường nghề chất lượng cao với 6 tiêu chí. 
 
Vậy tới đây khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, những nghề nào của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực?
 
Ông Dương Đức Lân: Cuối năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng chung, từ 10 thị trường sẽ trở thành một thị trường, dẫn đến sự di chuyển của lao động các nước và sự công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề. Các nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng của Việt Nam thời gian qua luôn ở top đầu và đã được các nước khác công nhận. Một số nghề như cơ điện tử, xây gạch... Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực.
 

 Nguồn: Báo Đại đoàn kết